KIẾN NGHỊ CỤ THỂ CÁC GIẢI PHÁP LÀM CƠ SỞ BAN HÀNH NGHỊ QUYẾT SAU GIÁM SÁT VỀ QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN VÀ PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI

23/07/2024

Chiều 23/7, tại Nhà Quốc hội, Đoàn Giám sát chuyên đề của Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” làm việc với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI: ĐÁNH GIÁ TOÀN DIỆN KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN, PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI

Toàn cảnh buổi làm việc

Dự buổi làm việc về phía lãnh đạo Đoàn giám sát có: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh – Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh – Phó Trưởng Đoàn giám sát; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường - Phó Trưởng Đoàn giám sát.

Dự buổi làm việc còn có lãnh đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước; đại diện Bộ Xây dựng, một số chuyên gia và thành viên Tổ giúp việc của Đoàn giám sát.

Dư nợ cho vay phát triển nhà ở xã hội tăng

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, trong giai đoạn từ năm 2015 đến hết năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát. Đối với tín dụng bất động sản, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành bám sát theo chỉ đạo, chủ trương của Chính phủ, phù hợp với các quy định của pháp luật.

Trong đó, triển khai Chương trình 120 nghìn tỷ đồng cho vay chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 4 lần công bố lãi suất áp dụng với Chương trình. Hiện tại, mức lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại áp dụng với chủ đầu tư dự án là 7%/năm, với người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là 6,5%/năm; có 34/63 UBND tỉnh công bố danh mục dự án đủ điều kiện tham gia Chương trình với tổng số 75 dự án, các ngân hàng đã giải ngân 1.344 tỷ đồng. “Như vậy, so với cuối năm 2023, dư nợ của Chương trình đến hết tháng 6/2024 đã tăng đáng kể, thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng và các địa phương trong việc thúc đẩy triển khai Chương trình”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng nêu rõ.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng trình bày báo cáo

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, khó khăn, vướng mắc lớn nhất đối với thị trường bất động sản trong thời gian qua là vướng mắc về mặt pháp lý đối với các dự án bất động sản; có sự mất cân đối cung cầu trên thị trường, dư thừa bất động sản phân khúc cao cấp nhưng thiếu hụt nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ phù hợp với nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, nguồn vốn huy động chủ yếu là ngắn hạn, trong khi nguồn vốn cho vay đối với lĩnh vực bất động sản thường là dài hạn, chênh lệch về kỳ hạn có thể dẫn tới rủi roc ho hệ thống ngân hàng khi khách hàng không trả nợ đúng thời hạn.

Thị trường trái phiếu riêng lẻ đối với nhóm doanh nghiệp bất động sản còn tiềm ẩn nhiều rủi ro

Báo cáo với Đoàn giám sát, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, khi thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng trưởng nóng, Bộ Tài chính đã thường xuyên đánh giá việc triển khai các quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh khung khổ pháp lý phù hợp.

Về việc công khai, minh bạch thông tin về thị trường bất động sản, giai đoạn 2015-2023, Thanh tra Bộ Tài chính đã thực hiện thanh tra và kết luận thanh tra tại 19 đơn vị có ngành nghề kinh doanh bất động sản. Tiến hành giải quyết vướng mắc về cơ chế chính sách trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng; công tác lập và phê duyệt dự toán, quyết toán vốn đầu tư xây dựng tránh ứ đọng gây lãng phí nguồn vốn; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư còn dở dang…

Bộ Tài chính cũng ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho chủ đầu tư khi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc theo dõi, hướng dẫn triển khai các hình thức thực hiện chính sách hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi về nhà ở xã hội.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng trình bày báo cáo

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Người nộp thuế kê khai giá chuyển nhượng để tính thuế không đúng với giá thực tế chuyển nhượng; Chủ đầu tư chấp thuận cho người mua ký lại hợp đồng nhà hình thành trong tương lai với người mua mới nhằm tránh thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản; Thị trường trái phiếu riêng lẻ đối với nhóm doanh nghiệp bất động sản vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là doanh nghiệp phát hành với quy mô lớn so với vốn tự có, phát hành không có tài sản đảm bảo.

Đối với việc cho vay để phát triển nhà ở xã hội, thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư không bố trí nguồn để cấp bù chênh lệch lãi suất cho các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định. Do đó, các tổ chức tín dụng này chưa triển khai cho vay Chương trình theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.

Xác định giá đất của nhiều dự án còn kéo dài

Qua rà soát, tổng hợp một số kết quả và kiến nghị kiểm toán liên quan đến tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và nhà ở xã hội, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Bùi Quốc Dũng cho biết, một số địa phương, dự án không bố trí 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Công tác thẩm định việc xây dựng giá bán còn chưa chặt chẽ, còn nhiều khoản mục chi phí cấu thành giá bán nhà ở xã hội không phù hợp. Công tác ban hành các hướng dẫn, quy định cụ thể về giá bán, thuê, thuê mua nhà ở xã hội thiếu sự đồng nhất dẫn đến công tác thẩm định giá gặp khó khăn.

Đại biểu tham dự buổi làm việc

Về quản lý thị trường bất động sản, việc phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất còn chưa sát với nhu cầu, tình hình sử dụng nên phải điều chỉnh nhiều lần. Một số địa phương không thực hiện đấu thầu dự án hoặc đấu giá quyền sử dụng đất mà áp dụng ngay hình thức chỉ định nhà đầu tư không phù hợp quy định. Việc xác định giá đất của nhiều dự án còn kéo dài, chưa đảm bảo thời gian các bước theo quy trình. Một số chủ đầu tư dự án chưa tuân thủ các quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng; chưa tuân thủ quy hoạch xây dựng, triển khai trước khi được cấp phép hoặc vi phạm về giấy phép xây dựng...

Kiến nghị, đề xuất cụ thể làm cơ sở ban hành nghị quyết sau giám sát

Phát biểu tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đã nêu thực trạng và đặt câu hỏi đề nghị lãnh đạo các đơn vị thông tin, giải trình thêm theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Các ý kiến đánh giá cao báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước đã bám sát đề cương, cung cấp thông tin đa chiều về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, thành viên Đoàn giám sát mong muốn nhận được nhiều thông tin, số liệu hơn về những kết quả đạt được, những tồn tại, bất cập cả về thể chế, chính sách và những vướng mắc thực tế đã và đang triển khai trong thực tế.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu phát biểu

Các thành viên Đoàn giám sát đề nghị, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước rà soát lại các báo cáo, thống nhất các số liệu, đánh giá được đưa ra trong từng báo cáo, đồng thời đối chiếu với báo cáo của Bộ Xây dựng để đưa ra nhận định chính xác về bức tranh của thị trường bất động sản nước ta hiện nay; chỉ ra địa chỉ cụ thế, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức, cơ quan có sai phạm; kết quả thực hiện các kết luận kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước... Trong đó, một số ý kiến đề nghị, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ nêu quan điểm về hướng xử lý với những dự án tồn đọng do vướng mắc pháp lý hay có sai phạm, phải dừng thực hiện trong một thời gian dài để tránh gây lãng phí nguồn lực của xã hội.

Đại biểu nhấn mạnh, đối với mỗi chuyên đề giám sát, nghị quyết sau giám sát là nội dung quan trọng nhất và là kỳ vọng lớn nhất của đối tượng giám sát và Quốc hội. Tuy nhiên, phần lớn các kiến nghị của các bộ, ngành tại buổi làm việc vẫn còn chung chung, có kiến nghị rất công phu nhưng không còn tính thời sự, bởi những vướng mắc này đã được giải quyết trong các luật vừa được Quốc hội thông qua (Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở).

Đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội, Thành viên Đoàn giám sát đề nghị làm rõ hơn các chính sách hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại tham gia triển khai Chương trình 120 nghìn tỷ đồng cho vay chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; cần có chính sách hỗ trợ cụ thể về lãi suất và có nguồn vốn cho tổ chức tín dụng để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện chương trình này; tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về thủ tục cho vay đối với các ngân hàng chính sách xã hội...

Các ý kiến tại buổi làm việc cũng cho rằng, các bộ, ngành, đơn vị theo chức năng nhiệm vụ được giao cần phân tích làm rõ hơn các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất các giải pháp liên quan đến công tác tư vấn xác định giá đất; việc thu tiền sử dụng đất khi chuyển nhượng nhà ở thương mại thuộc quỹ đất 20% ưu đãi chủ đầu tư trong dự án nhà ở xã hội…

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước đã tiếp thu, ghi nhận các ý kiến phát biểu; đồng thời giải trình, thông tin về những vấn đề thành viên Đoàn giám sát nêu.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh – Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát phát biểu

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh – Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát nêu rõ: Đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong việc phát triển thị trường bất động sản và nhà ở xã hội, sự chủ động, tích cực của các Bộ, ngành trong công tác ban hành, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội của các địa phương, doanh nghiệp.

Báo cáo của 04 Bộ, ngành đã cung cấp nhiều thông tin, tư liệu, tình hình, nguyên nhân và đề ra các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, tuy nhiên, có những nội dung thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, ngành, thực tiễn thi hành cho thấy còn nhiều vướng mắc nhưng trong Báo cáo chưa đề xuất phương án cụ thể để giải quyết những khó khăn, vướng mắc đó.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, qua giám sát tại các địa phương, các Báo cáo và trao đổi, thảo luận tại cuộc họp cho thấy, công tác quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội còn có những tồn tại, hạn chế; đề nghị các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương nghiên cứu và đề xuất giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội...

Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

Toàn cảnh Đoàn Giám sát chuyên đề của Quốc hội làm việc với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường - Phó Trưởng Đoàn giám sát gợi ý nội dung thảo luận.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh – Phó Trưởng Đoàn giám sát điều hành nội dung thảo luận.

Các đại biểu tham dự buổi làm việc

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đình Việt phát biểu

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đồng Ngọc Ba phát biểu

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Bùi Quốc Dũng phát biểu

 Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bẩy phát biểu 

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh – Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát phát biểu kết luận.

Lan Hương - Nghĩa Đức

Các bài viết khác