Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử Nguyễn Đức Hải chủ trì Hội thảo
Tham dự Hội thảo có: các thành viên Ban Chỉ đạo Đề án, đại diện các Vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội… cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử Nguyễn Đức Hải cho biết, xây dựng Quốc hội điện tử là yêu cầu tất yếu khách quan; nhiều nước trên thế giới đã xây dựng thành công Quốc hội điện tử, đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ.
Tại Việt Nam, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào các hoạt động của Quốc hội trong thời gian gần đây đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được đại biểu Quốc hội, cử tri, dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao, là tiền đề để xây dựng và thực hiện Quốc hội điện tử trong thời gian tới. Tuy nhiên trước yêu cầu tình hình nhiệm vụ mới, phù hợp với chiến lược chuyển đổi số quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ trên thế giới và khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay cần khẩn trương xây dựng Đề án Quốc hội điện tử giai đoạn 2023-2026, tầm nhìn đến năm 2030.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử Nguyễn Đức Hải
Chương trình hành động của Đảng Đoàn Quốc hội để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh đẩy nhanh việc xây dựng Quốc hội điện tử; xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, chia sẻ dữ liệu điện tử giữa các cơ quan nhà nước, đồng bộ xây dựng Quốc hội điện tử với Chính phủ điện tử, đáp ứng yêu cầu xử lý khối lượng công việc ngày càng lớn với chất lượng ngày càng cao; tăng cường công khai, minh bạch, tạo thuận lợi để người dân dễ dàng tiếp cận các thông tin về Quốc hội, mở rộng hình thức tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân đối với các hoạt động của Quốc hội… Để triển khai các nhiệm vụ quan trọng này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Quốc hội điện tử. Từ khi thành lập, Ban Chỉ đạo đã tích cực làm việc, tổ chức 02 phiên họp để xem xét, thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc giao cho Văn phòng Quốc hội tham mưu xây dựng Đề cương Đề án Quốc hội điện tử.
Để có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện Đề cương Đề án Quốc hội điện tử, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ban chỉ đạo đã thống nhất tổ chức Hội thảo về Đề cương Đề án Quốc hội điện tử giai đoạn 2023-2026, tầm nhìn tới năm 2030 với kỳ vọng Hội thảo sẽ đem lại nhiều thông tin, cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ việc hoàn thiện Đề cương Đề án Quốc hội điện tử, xây dựng và thực hiện Quốc hội điện tử. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Hội thảo là một hoạt động rất cần thiết, giúp Ban Chỉ đạo có thêm các ý kiến tham vấn của các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin trong quá trình cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng Quốc hội điện tử trong giai đoạn tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Hội thảo tập trung thảo luận, cho ý kiến về các nội dung liên quan đến cấu trúc, thành phần, nội dung của dự thảo Đề cương Đề án Quốc hội điện tử giai đoạn 2023-2026, tầm nhìn tới năm 2030; việc triển khai Chính phủ điện tử, Chính phủ số, bài học kinh nghiệm cho việc xây dựng Quốc hội điện tử; kinh nghiệm trong nước và quốc tế về việc xây dựng và thực hiện Quốc hội điện tử…
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng
Trình bày tóm tắt về dự thảo Đề cương Đề án Quốc hội điện tử giai đoạn 2023-2026, tầm nhìn tới năm 2030, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế, chưa đồng bộ; đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin chậm tiến độ; các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin chưa có được sự phối hợp gắn kết, hiệu quả khai thác chưa cao…
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ công tác quản lý điều hành thông qua xây dựng Quốc hội điện tử để thúc đẩy kết nối, chia sẻ, quản lý dữ liệu, góp phần nâng cao năng lực phân tích, thống kê báo cáo tổng hợp và dự báo làm giàu thông tin cung cấp cho các đại biểu Quốc hội là hết sức cần thiết.
Đề cương Đề án Quốc hội điện tử giai đoạn 2023-2026, tầm nhìn tới năm 2030 đề cập cụ thể về khái niệm, tính chất của Quốc hội điện tử, Quốc hội số, Quốc hội thông minh; làm rõ sự cần thiết, cơ sở, quan điểm và mục tiêu của việc xây dựng Đề án; mô tả kiến trúc Quốc hội điện tử; lộ trình thực hiện và các giải pháp triển khai…
Đại biểu phát biểu tại Hội thảo
Qua thảo luận, các ý kiến đại biểu đều thống nhất với sự cần thiết phải xây dựng Đề án; cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra với một tốc độ rất nhanh chóng, tác động đến mọi quốc gia, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Kinh nghiệm của Nghị viện các nước cho thấy, việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động và nghiên cứu Nghị viện đang được thực hiện một cách sâu rộng, đưa lại những kết quả tích cực, nâng cao hiệu quả hoạt động của Nghị viện. Bên cạnh đó, ở trong nước, các bộ, ngành và chính quyền địa phương cũng đang tích cực triển khai áp dụng chuyển đổi số vào các quy trình công việc, góp phần cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công, phục vụ tốt hơn cho người dân… Do vậy, Quốc hội cần đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực hoạt động của mình, đáp ứng được yêu cầu của một Quốc hội thông minh, hiện đại trong tình hình mới.
Các đại biểu cho rằng, việc xây dựng Quốc hội điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn, góp phần giúp các hoạt động có hiệu quả cao, tiết kiệm thời gian, tăng tính minh bạch, giảm được nhiều chi phí không cần thiết; chủ động hội nhập, liên thông, chia sẻ thông tin cũng như tham gia vào các hoạt động của các tổ chức trong nước và quốc tế trên nền tảng số…
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề cương Đề án Quốc hội điện tử giai đoạn 2023-2026, tầm nhìn tới năm 2030, các đại biểu cho rằng cần xây dựng Đề cương này theo hướng xây dựng Quốc hội điện tử hướng tới Quốc hội số để đảm bảo phù hợp với xu thế chung trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, cần xác định rõ tầm nhìn của Quốc hội số trong Đề cương; xác định kiến trúc Quốc hội điện tử… Trên cơ sở đó, khái quả các thứ tự ưu tiên các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, việc nào làm trước, việc nào làm sau.
Các đại biểu cho rằng, việc ban hành kiến trúc Quốc hội điện tử cần hoàn thành sớm nhất có thể. Bởi đây là cơ sở tham chiếu, làm tiền đề để triển khai các dự án thành phần của Đề án, đảm bảo sự tương thích giữa các dự án thành phần với tổng thể chung của Đề án. Ngoài ra, các đại biểu lưu ý, kiến trúc Quốc hội điện tử cần phải đồng bộ với kiến trúc Chính phủ điện tử, đảm bảo sự nhất quán, tương thích trong quá trình chuyển đổi số.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử Nguyễn Đức Hải phát biểu
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu; cho rằng các ý kiến đã rất thẳng thắn, trách nhiệm, chất lượng để hoàn thiện Đề cương Đề án Quốc hội điện tử, phục vụ thiết thực cho việc xây dựng và thực hiện Quốc hội điện tử.
Trên tinh thần tiếp thu các ý kiến đóng góp tại Hội thảo và học hỏi các bài học kinh nghiệm quốc tế phù hợp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị việc xây dựng, hoàn thiện Đề cương Đề án Quốc hội điện tử giai đoạn 2023-2026, tầm nhìn tới năm 2030 cần phù hợp với Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, đảm bảo tính đồng bộ trong nước và quốc tế, đáp ứng yêu cầu của thời đại.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử Bùi Văn Cường
Phát biểu điều hành phiên thảo luận, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử Bùi Văn Cường cho biết, Hội thảo đã thu nhận được 17 ý kiến phát biểu góp ý, góp phần xây dựng nền tảng thông tin hữu ích để hoàn thiện Đề cương Đề án Quốc hội điện tử giai đoạn 2023-2026, tầm nhìn tới năm 2030.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử Lê Quang Huy
Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử Lê Quang Huy cho biết, sau một buổi sáng làm việc khẩn trương với tinh thần trách nhiệm cao, Hội thảo về Đề cương Đề án Quốc hội điện tử giai đoạn 2023-2026, tầm nhìn tới năm 2030 đã thành công tốt đẹp, hoàn thành chương trình đề ra.
Cho rằng các ý kiến góp ý của đại biểu đã rất tập trung, làm rõ về bối cảnh, triết lý, phương pháp luận, các vấn đề kỹ thuật liên quan đến phòng họp trực tuyến, Ủy ban ảo, nền tảng, dữ liệu trung tâm, khung kiến trúc, vấn đề chuẩn hóa…, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử Lê Quang Huy đề nghị Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý tại Hội thảo và tiếp tục hoàn thiện Đề cương Đề án Quốc hội điện tử giai đoạn 2023-2026, tầm nhìn tới năm 2030.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Toàn cảnh Hội thảo
Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử Nguyễn Đức Hải chủ trì Hội thảo
Tham dự Hội thảo có: các thành viên Ban Chỉ đạo Đề án, đại diện các Vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội… cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử Bùi Văn Cường phát biểu điều hành
Các đại biểu cho rằng, kinh nghiệm của Nghị viện các nước cho thấy, việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động Nghị viện đang được thực hiện một cách sâu rộng, đưa lại những kết quả tích cực, nâng cao hiệu quả hoạt động của Nghị viện
Bên cạnh đó, ở trong nước, các bộ, ngành và chính quyền địa phương cũng đang tích cực triển khai áp dụng chuyển đổi số vào các quy trình công việc, góp phần cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công, phục vụ tốt hơn cho người dân
Qua thảo luận, các ý kiến đại biểu đều thống nhất với sự cần thiết phải xây dựng Đề án; cho rằng Quốc hội cần đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực hoạt động của mình, đáp ứng được yêu cầu của một Quốc hội thông minh, hiện đại trong tình hình mới
Các đại biểu cho rằng, việc xây dựng Quốc hội điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn, góp phần giúp các hoạt động có hiệu quả cao, tiết kiệm thời gian, tăng tính minh bạch, giảm được nhiều chi phí không cần thiết
Bên cạnh đó còn giúp Quốc hội chủ động hội nhập, liên thông, chia sẻ thông tin cũng như tham gia vào các hoạt động của các tổ chức trong nước và quốc tế trên nền tảng số…
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề cương Đề án Quốc hội điện tử giai đoạn 2023-2026, tầm nhìn tới năm 2030, các đại biểu cho rằng cần xây dựng Đề cương này theo hướng xây dựng Quốc hội điện tử hướng tới Quốc hội số để đảm bảo phù hợp với xu thế chung trong nước và quốc tế
Đồng thời, cần xác định rõ tầm nhìn của Quốc hội số trong Đề cương; xác định kiến trúc Quốc hội điện tử…
Ngoài ra, các đại biểu đã cho ý kiến về các nội dung liên quan đến cấu trúc, thành phần, nội dung của dự thảo Đề cương Đề án Quốc hội điện tử giai đoạn 2023-2026, tầm nhìn tới năm 2030; việc triển khai Chính phủ điện tử, Chính phủ số, bài học kinh nghiệm cho việc xây dựng Quốc hội điện tử; kinh nghiệm trong nước và quốc tế về việc xây dựng và thực hiện Quốc hội điện tử…
Các đại biểu tại Hội thảo
Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử Lê Quang Huy đề nghị Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý tại Hội thảo và tiếp tục hoàn thiện Đề cương Đề án Quốc hội điện tử giai đoạn 2023-2026, tầm nhìn tới năm 2030.