ĐẨY MẠNH XÂY DỰNG QUỐC HỘI ĐIỆN TỬ
ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN, PHỤC VỤ CÓ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI
Cùng dự phiên họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cùng các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử là đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành hữu quan, các cơ quan thuộc Văn phòng Quốc hội.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, việc thành lập Ban chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử là cần thiết, nằm trong quá trình đồng bộ với Chương trình chuyển đổi số quốc gia, phục vụ cho hoạt động thường xuyên của Quốc hội trên 3 lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Toàn cảnh phiên họp
Vừa qua Văn phòng Quốc hội đã chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan tiến hành một bước chương trình xây dựng Quốc hội điện tử nhằm phục vụ tích cực cho các hoạt động của Quốc hội. Theo yêu cầu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia cũng như phương hướng đẩy mạnh xây dựng Quốc hội điện tử nên Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tăng cường, củng cố Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Quốc hội điện tử và bổ sung các thành viên của các cơ quan có liên quan.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo trên cơ sở lĩnh vực chuyên môn sẽ đóng góp các ý kiến, kịp thời đề xuất những vấn đề trước mắt và lâu dài nhằm tiếp tục kế thừa các hoạt động đang vận hành, không gây ách tắc, không gây trở ngại, hướng đến đạt chất lượng cao hơn.
Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường – Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo công bố Nghị quyết số 626/NQ-UBTVQH15 ngày 14 tháng 10 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử; nghe báo cáo quá trình xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử và nghe trình bày các dự thảo Quyết định phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo, dự thảo Kế hoạch hoạt động, Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử phát biểu khai mạc phiên họp
Ghi nhận kết quả bước đầu trong đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội
Mặc dù đến nay dự thảo Đề án và dự thảo Bao cáo đề xuất chủ trương đầu tư Quốc hội điện tử giai đoạn 2019-2026 chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, song các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã tích cực, chủ động triển khai nhiều công việc một mặt vừa bảo đảm duy trì công việc thường xuyên ổn định của các cơ quan, mặt khác vừa từng bước khảo sát, nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, hỗ trợ hoạt động đại biểu Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.
Theo đó, để kịp thời triển khai ứng dụng công nghệ thông tin mà không phụ thuộc vào tiến độ xây dựng Đề án, Văn phòng Quốc hội đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan hữu quan để xây dựng kế hoạch để vận hành app Quốc hội, phòng họp trực tuyến; tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm phần mềm gỡ băng, nghiên cứu thay thế phần mềm quản lý văn bản hiện đại. Đồng thời phối hợp với Ban Công tác đại biểu nghiên cứu nâng cấp cơ sở dữ liệu Hồ sơ đại biểu Quốc hội, phối hợp với Ban Dân nguyện xây dựng và vận hành phần mềm theo dõi trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường – Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo công bố Nghị quyết số 626/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường ghi nhận thời gian qua, dù Đề án tổng thể chưa được thông qua nhưng không vì thế mà việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội bị chững lại mà trên cơ sở kế thừa các kinh nghiệm và kết quả thực hiện của các khóa trước đến nay một mặt duy trì các nhiệm vụ đã và đang triển khai hiệu quả, đồng thời nghiên cứu, rà soát, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, các ứng dụng, phần mềm, thử nghiệm triển khai nhiều ứng dụng mới.
Đặc biệt các tính năng của app Quốc hội như văn kiện tài liệu, phòng họp trực tuyến, đăng kí phát biểu/tranh luận, biểu quyết điện tử, tin tức; ứng dụng nhận dạng tiếng nói thành văn bản, hệ thống kiểm soát thông tin không gian mạng, hệ thống giám sát an toàn, an ninh thông tin,…đã góp phần tích cực vào hiệu quả hoạt động của Quốc hội được lãnh đạo Quốc hội, đại biểu Quốc hội đánh giá cao.
Các đại biểu tham dự phiên họp
Nhất là trong bối cảnh 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin mà hoạt động của Quốc hội không bị gián đoạn với việc tổ chức thành công các phiên họp trực tuyến, trực tuyến kết hợp trực tiếp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đặc biệt là thành công của kỳ họp bất thường lần đầu tiên của Quốc hội. Từ đó Quốc hội đã kịp thời ban hành cơ chế chính sách góp phần kiểm soát dịch thành công và phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tổng Thư ký Quốc hội cũng lưu ý nội dung của Đề án Quốc hội điện tử cần làm rõ sự cần thiết, cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, yêu cầu xây dựng, thực trạng tình hình ứng dụng công nghệ thông tin của Quốc hội và các nhiệm vụ giải pháp cụ thể trong tổ chức thực hiện Quốc hội điện tử. Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu xây dựng kho dữ liệu số của Quốc hội trên cơ sở hoàn thiện các cơ sở dữ liệu hiện có, phát triển các cơ sở dữ liệu mới, tiếp tục số hóa các văn kiện, tài liệu, văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng hệ thống thông tin nội bộ của Văn phòng Quốc hội nhằm tạo lập môi trường làm việc điện tử; xây dựng các phần mềm ứng dụng, xây dựng hệ thống Trợ lý ảo hỗ trợ kiểm tra, rà soát sự chồng chéo, mâu thuẫn các quy định của pháp luật trong xây dựng pháp luật…Đề án cũng cần phải có các quy định trong tổ chức vận hành Quốc hội điện tử, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng và cơ chế phối hợp với các cơ quan hữu quan. Theo đó, cần có quy định rõ nhiệm vụ, đầu mối chịu trách nhiệm, phân công phối hợp bảo đảm hiệu quả thực thi.
Sớm hoàn thiện Đề án Quốc hội điện tử vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn và định hướng tương lai
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu tại phiên họp, đề nghị sớm hoàn thiện ban hành Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo đồng thời có kế hoạch cụ thể hàng năm; lưu ý nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong quá trình xây dựng Đề án
Thảo luận tại phiên họp, dành nhiều kỳ vọng vào Đề án Quốc hội điện tử - một trong những nội dung trong Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội nhằm triển khai Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XIII, các thành viên Ban Chỉ đạo đều thống nhất để xây dựng và thực hiện thành công Đề án đòi hỏi quyết tâm của người đứng đầu mỗi cơ quan đơn vị; đồng thời nhấn mạnh vai trò của Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo và các cơ quan sẽ tổ chức triển khai thực hiện.
Các thành viên Ban Chỉ đạo cũng lưu ý xây dựng Quốc hội điện tử cần sớm xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung, tăng cường kết nối, hoàn thiện số hóa quy trình nghiệp vụ của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Đồng thời bảo đảm tương thích với khung kiến trúc của Chính phủ điện tử cũng như liên thông, kết nối với hệ thống của các cơ quan của Đảng, Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các địa phương.
Các thành viên Ban Chỉ đạo cũng cho rằng bên cạnh hoàn thiện kế hoạch hoạt động tổng thể cần xây dựng kế hoạch hàng năm, phân công nhiệm vụ cụ thể, đầu mối chịu trách nhiệm chính, thời gian hoàn thành. Bên cạnh đó, việc triển khai xây dựng và thực hiện Đề án vẫn phải bảo đảm vận hành tốt những gì đã và đang có, không làm gián đoạn hoạt động của các cơ quan.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao sự tham gia đầy đủ của các thành viên Ban chỉ đạo; cho rằng, cơ cấu thành viên Ban chỉ đạo là hợp lý, có đầy đủ năng lực, chuyên môn trên các lĩnh vực để thực hiện nhiệm vụ được giao. Nêu rõ xây dựng, thực hiện Đề án Quốc hội điện tử là nhiệm vụ khó khăn, nặng nề trong bối cảnh khoa học công nghệ thông tin không ngừng biến đổi nhanh chóng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý mỗi thành viên Ban Chỉ đạo cần có cách tiếp cận và xác định rõ trách nhiệm của mình trong quá trình tham gia xây dựng và thực hiện Đề án để vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn và định hướng tương lai.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận và đánh giá cao các cơ quan, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội thời gian qua dù bộn bề công việc nhưng đã tích cực, chủ động, khắc phục khó khăn để triển khai một số ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động Quốc hội, Văn phòng Quốc hội. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Bên cạnh đó còn những tồn tại, hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu, đề nghị tiếp tục vận hành và xử lý những tồn đọng.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị trên cơ sở ý kiến tại phiên họp cần tiếp thu, hoàn thiện Đề án Quốc hội điện tử; sớm ban hành Quy chế hoạt động; Kế hoạch hoạt động và Quyết định phân công nhiệm cụ các thành viên Ban Chỉ đạo. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc xây dựng Đề án Quốc hội điện tử phải đáp ứng yêu cầu về tính khả thi, hiệu quả, có kế thừa, ứng dụng công nghệ hiện đại và định hướng tương lai; bảo đảm đồng bộ với các cơ quan trong hệ thống chính trị, bảo đảm tính đồng bộ, liên thông theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời chú ý đến các yếu tố khoa học công nghệ, bảo đảm phục vụ hoạt động của Quốc hội trong quan hệ đối ngoại song phương, đa phương và các tổ chức nghị viện mà Quốc hội Việt Nam là thành viên; tham gia chủ động, tích cực, có tiếng nói của Quốc hội Việt Nam về các diễn đàn chuyển đổi số; tăng cường hợp tác quốc tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị trong quá trình xây dựng Đề án quan tâm lấy ý kiến chuyên gia, tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm để bảo đảm chất lượng tốt nhất Đề án và sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Một số hình ảnh tại phiên họp:
Toàn cảnh phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử chủ trì và phát biểu chỉ đạo
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng báo cáo tóm tắt quá trình xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử; trình bày các dự thảo Kế hoạch hoạt động, Quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai lưu ý xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, tăng cường kết nối, hoàn thiện số hóa quy trình nghiệp vụ của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường điều hành phiên họp
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà đánh giá cao các cơ quan đã chuẩn bị nội dung cho phiên họp của Ban Chỉ đạo trong điều kiện thời gian gấp rút, công việc nhiều; đồng thời ghi nhận những kết quả đạt được trong ứng dụng công nghệ thời gian qua của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội. Tuy nhiên vẫn còn một số nội dung hạn chế, riển khai chưa đồng bộ. Do đó, cần có rà soát tổng thể hiện trạng, đánh giá mức độ áp dụng và hiệu quả các ứng dụng đã triển khai, là cơ sở để tiếp tục duy trì các tính năng, ứng dụng hiệu quả, cũng như đề xuất nâng cấp, triển khai mới…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tương thích giữa khung kiến trúc của Quốc hội điện tử với Chính phủ điện tử; kết nối với các địa phương, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh/thành phố. Đề nghị cần có nhóm nhiệm vụ giải pháp trong bồi dưỡng kĩ năng sử dụng cho từng nhóm đối tượng người dùng, bảo đảm người dùng có đủ kĩ năng khai thác tối ưu các ứng dụng.
Các đại biểu tham dự phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận