PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI GẶP MẶT ĐOÀN BAN LIÊN LẠC HUYỆN QUẾ TIÊN, TỈNH QUẢNG NAM

23/08/2022

Chiều ngày 23/8, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải có cuộc gặp mặt Đoàn Ban Liên lạc huyện Quế Tiên, tỉnh Quảng Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm việc với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tiếp Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới

Tham dự cuộc gặp mặt còn có Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần cùng đại diện một số đơn vị của Văn phòng Quốc hội. Về phía Đoàn Ban Liên lạc huyện Quế Tiên, tỉnh Quảng Nam có ông Đào Bội Thuyên-Trưởng đoàn cùng 39 đại biểu trong Đoàn Ban Liên lạc huyện Quế Tiên thời kỳ kháng chiến.

Cuộc gặp mặt được thực hiện nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1946-27/7/2022) và 110 năm ngày sinh của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công (07/8/1912-07/8/2022) cũng như nguyện vọng tha thiết của cán bộ, chiến sĩ huyện Quế Tiên, tỉnh Quảng Nam thời kỳ kháng chiến và là địa bàn khu căn cứ kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Khu ủy Khu V, nơi công tác của đồng chí Võ Chí Công và Đại tướng Chu Huy Mân.


Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại cuộc gặp mặt với Đoàn Ban Liên lạc huyện Quế Tiên, tỉnh Quảng Nam.

Tại cuộc gặp mặt, Trưởng Đoàn Ban Liên lạc huyện Quế Tiên Đào Bội Thuyên bày tỏ niềm vinh dự được Văn phòng Quốc hội sắp xếp, bố trí cho các đại biểu trong Đoàn được gặp Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các vị đại biểu Quốc hội khu vực Quảng Nam, đại diện các cơ quan của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.

Trong thời kỳ chống Mỹ, do yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng miền Nam mà Khu ủy 5 và Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định thành lập huyện Quế Tiên. Huyện Quế Tiên ra đời vào ngày 20/7/1969 gồm 10 xã (5 xã thuộc huyện Quế Sơn, 3 xã thuộc huyện Tiên Phước và 2 xã thuộc huyện Thăng Bình), với hơn 10 nghìn dân. Mục đích của việc thành lập huyện Quế Tiên là để chống lại sự càn quét, đánh phá và bình định của bọn Mỹ, ngụy tại quận lỵ Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam. Sau khi ra đời, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã lãnh đạo Nhân dân nhanh chóng xây dựng lực lượng quân sự và đấu tranh chính trị vững mạnh trên khắp địa bàn.

Trong hơn 6 năm tồn tại và hoạt động, Đảng bộ đã lãnh đạo quân và dân trên địa bàn huyện đánh tan nhiều cuộc càn quét, bình định của địch; phối hợp với bộ đội tỉnh Quảng Nam và bộ đội chủ lực Quân khu 5 mở nhiều cuộc tấn công vào bộ máy ngụy quân, ngụy quyền tại quận lỵ Hiệp Đức và nhiều chốt điểm khác trên địa bàn, tiến tới giải phóng huyện Quế Tiên vào ngày 30/4/1972 (đây là một trong 2 huyện ở miền Nam được giải phóng sớm nhất). Sau khi được giải phóng, huyện Quế Tiên tiếp tục chi viện lực lượng cho các huyện bạn, tham gia giải phóng các huyện Quế Sơn, Thăng Bình, Tiên Phước, góp phần giải phóng tỉnh Quảng Nam và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.


Trưởng Đoàn Ban Liên lạc huyện Quế Tiên Đào Bội Thuyên bày tỏ vui mừng được cùng các đại biểu ra thăm Nhà Quốc hội.

Trưởng Đoàn Ban Liên lạc huyện Quế Tiên Đào Bội Thuyên nhấn mạnh: Trong hơn 6 năm ấy, chỉ tính riêng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ của huyện Quế Tiên có trên 700 người được tập hợp từ nhiều nơi, thì có trên 260 đồng chí là thương binh và liệt sĩ, đến nay nhiều liệt sĩ vẫn chưa tìm được hài cốt. Quế Tiên còn là nơi đóng căn cứ kháng chiến của Tỉnh ủy Quảng Nam, ở xã Tiên Sơn, nay được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh và Khu vực phòng thủ của tỉnh Quảng Nam; nơi đóng căn cứ kháng chiến cuối cùng của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 ở xã Sông trà, Phước Trà và đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Vì thế, ngày 21/12/2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1805/QĐ-TTg công nhận 2 xã Phước Trà và Sông Trà là xã An toàn khu của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, ngày 05/6/1975 huyện Quế Tiên giải thể, các xã được bàn giao về cho các huyện cũ. Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ huyện Quế Tiên còn lại được điều động về các huyện Quế Sơn, Thăng Bình, Tiên Phước và nhiều nơi khác. Hiện nay, số còn lại khoảng 400 anh chị em sinh sống rải rác ở nhiều nơi, phần lớn là già yếu, bệnh tật không đi lại được, phải nhờ vào sự chăm sóc của con cháu. Sau hơn 40 năm giải phóng, nhưng vẫn có rất nhiều đồng chí chưa một lần được đặt chân đến đất Bắc và Thủ đô Hà Nội, dù rất muốn chỉ một lần được vào thăm Lăng Bác.

Sau 10 năm, kể từ ngày thống nhất đất nước, vì là nơi vùng xa, vùng sâu, cho nên đời sống của bà con Nhân dân thuộc khu vực huyện Quế Tiên ngày trước còn gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo lên trên 90%; không điện; không đường, không trường học và không nhà ở kiên cố. Để sát với sự chỉ đạo của Đảng, đến đầu năm 1986 huyện Hiệp Đức được thành lập, gồm 11 xã, thị trấn, trong đó có 7 xã và 1 thị trấn thuộc huyện Quế Tiên trước đây.

Sau hơn 36 năm xây dựng, với sự nỗ lực của Đảng bộ và Nhân dân trong huyện, đồng thời nhờ có sự hỗ trợ và đầu tư của Trung ương và Tình, Hiệp Đức đã có bước phát triển rất lớn so với trước. Đường ô tô đến được tất cả các thôn trong huyện. Điện, trường, trạm được phủ khắp đến từng địa bàn dân cư. Hầu hết nhà dân được kiên cố, nhiều nhà sắm cả xe ô tô, xe máy hạng sang. Các phương tiện phục vụ cho sinh hoạt gia đình như ti vi, tủ lạnh, máy giặt gần như nhà nào cũng có. Đời sống của nhân dân được nâng cao rõ rệt. Tỷ lệ hộ ngèo chỉ còn 7,8%.

Huyện Hiệp Đức và 10/11 xã, thị trấn được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, toàn huyện có 422 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 1.578 liệt sĩ, 442 thương bệnh binh, hơn 7.000 người bị phơi nhiễm chất độc hóa học da cam, 15 cán bộ, chiến sĩ được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, cùng hàng ngàn gia đình có công với nước. Nhờ thực hiện đầy đủ các chính sách của Đảng và Nhà nước cùng với sự tự vươn lên của từng gia đình đối tượng chính sách nên Hiệp Đức đã thực hiện tốt chủ trương đảm bảo mức sống của đối tượng chính sách cao hơn mức sống trung bình tại địa phương.

Tại cuộc gặp mặt, các đại biểu trong Đoàn Ban Liên lạc huyện Quế Tiên, tỉnh Quảng Nam đều bày tỏ niềm vui mừng khi tham dự cuộc gặp mặt cũng như được vào tham quan Thủ đô Hà Nội và vào Lăng viếng Bác.

Các đại biểu cũng đề xuất với lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội có tiếng nói với Chính phủ và các Bộ ngành quan tâm hơn đến những người và gia đình có công với cách mạng, thương binh, liệt sĩ; thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ đến với các gia đình còn khó khăn...

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải bày tỏ niềm xúc động và vui mừng khi được đón tiếp Đoàn Ban Liên lạc huyện Quế Tiên, tỉnh Quảng Nam ra thăm Nhà Quốc hội và các cơ quan, đơn vị của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định: Từ trước đến nay, việc tri ân, thực hiện các chính sách đối với những gia đình, người thân của các thương binh, liệt sĩ, người có công với Tổ quốc là nhiệm vụ luôn được Quốc hội, Chính phủ, Đảng và Nhà nước quan tâm. Tỉnh Quảng Nam là nơi có nhiều thương binh, liệt sĩ nên việc thực hiện tốt các chính sách, chăm lo cho các gia đình thương binh liệt sĩ, người có công luôn là nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên hàng đầu đối với các cơ quan, ban ngành. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) và gần đây nhất, Quốc hội đã thông qua Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi). Điều này thể hiện sự quan tâm của Quốc hội trong việc sửa đổi các luật, chính sách phù hợp hơn so với thực tế và để triển khai các chính sách đến kịp thời hơn với người dân, người có công với cách mạng.  


Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã tặng quà cho Đoàn Ban Liên lạc huyện Quế Tiên, tỉnh Quảng Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng bày tỏ với sự điều hành của mình, luôn tiếp thu, lắng nghe những đề xuất, kiến nghị của các đại biểu và sẽ có ý kiến với các cơ quan hữu quan để ưu tiên quan tâm xem xét

Trong khuôn khổ cuộc gặp mặt, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã tặng quà và chụp ảnh lưu niệm cho Đoàn Ban Liên lạc huyện Quế Tiên, tỉnh Quảng Nam./.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại cuộc gặp mặt:

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải bày tỏ niềm xúc động và vui mừng khi được đón tiếp Đoàn Ban Liên lạc huyện Quế Tiên, tỉnh Quảng Nam ra thăm Nhà Quốc hội và các cơ quan, đơn vị của Quốc hội.

Các thành viên Đoàn Ban Liên lạc huyện Quế Tiên, tỉnh Quảng Nam tham dự cuộc gặp mặt.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định: Từ trước đến nay, việc tri ân, thực hiện các chính sách đối với những gia đình, người thân của các thương binh, liệt sĩ, người có công với Tổ quốc là nhiệm vụ luôn được Quốc hội, Chính phủ, Đảng và Nhà nước quan tâm.

Trưởng Đoàn Ban Liên lạc huyện Quế Tiên, tỉnh Quảng Nam Đào Bội Thuyên bày tỏ niềm vui khi được Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đón tiếp và đề cập về sự phát triển của huyện Quế Tiên.


Đoàn Ban Liên lạc huyện Quế Tiên, tỉnh Quảng Nam phát biểu đề xuất, kiến nghị tại cuộc gặp mặt.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã tặng quà cho Đoàn Ban Liên lạc huyện Quế Tiên, tỉnh Quảng Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chụp ảnh lưu niệm với Đoàn Ban Liên lạc huyện Quế Tiên, tỉnh Quảng Nam.

Bích Lan-Nghĩa Đức