ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM CHO HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ NĂM 2022

16/10/2021

Sáng ngày 16/10, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 2 thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách cho khoa học và công nghệ năm 2021, dự kiến nhiệm vụ, ngân sách cho khoa học và công nghệ năm 2022.

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự và phát biểu chỉ đạo Phiên họp.

Tiềm lực KH&CN được tăng cường dù chịu ảnh hưởng của đại dịch

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, thời gian qua, tiềm lực khoa học và công nghệ (KH&CN) quốc gia tiếp tục được tăng cường; khoa học xã hội đã đóng góp tích cực, cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, cơ chế, chính sách và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; một số lĩnh vực khoa học tự nhiên đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới; việc nghiên cứu, nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được quan tâm triển khai ở các bộ, ngành, địa phương; nhiều thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại được ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, thông tin, xây dựng; hoạt động xúc tiến hỗ trợ tìm kiếm, trao đổi, chuyển giao công nghệ được đẩy mạnh; hạ tầng nghiên cứu trong một số lĩnh vực trọng điểm như công nghệ sinh học, hóa dầu, vật liệu, tự động hóa, nano, công nghệ tính toán, y học... được tăng cường và những đóng góp quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Toàn cảnh phiên họp

Cơ chế, chính sách về KH&CN tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động KH&CN, đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia. Môi trường pháp lý cho hoạt động của thị trường KH&CN cơ bản đã hình thành, tạo điều kiện cho các yếu tố của thị trường công nghệ phát triển. Việc huy động kinh phí ngoài ngân sách nhà nước để triển khai hoạt động KH&CN tiếp tục được quan tâm thực hiện, tỉ trọng đầu tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp được cải thiện theo chiều hướng tích cực. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực KH&CN không ngừng được nâng cao, trong đó nhiều nhà khoa học có uy tín, được thế giới công nhận. Chính sách sử dụng, trọng dụng, tôn vinh cán bộ KH&CN được ban hành và bước đầu đi vào cuộc sống. Đẩy mạnh việc chuyển đổi tổ chức KH&CN sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Một số tổ chức KH&CN tiên tiến tầm quốc tế đã được thành lập cả ở khu vực công và tư.

Tuy nhiên trong năm 2021, làn sóng dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4 với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương... ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe, tính mạng của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh đó, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN & ĐMST) trong cả nước cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt là các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ trong doanh nghiệp. Được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, toàn ngành KH&CN và cộng đồng doanh nghiệp đã và đang nỗ lực đoàn kết, chung sức, huy động mọi nguồn lực để góp phần cùng cả nước vượt qua đại dịch, đồng thời phát huy vai trò của KHCN&ĐMST trong giai đoạn hồi phục kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.

Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ

Thẩm tra nội dung Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban KH,CN&MT đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về KH&CN góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác này. Ủy ban KH,CN&MT cho rằng, công tác quản lý nhà nước về KH&CN đã nỗ lực xây dựng và triển khai thực hiện các Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ về phát triển KT-XH, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp để cải cách thủ tục hành chính và triển khai Chính phủ điện tử, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Phó Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn tại phiên họp

Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cho rằng, công tác lập và thực hiện kế hoạch KH&CN được đổi mới; thiết lập cơ sở dữ liệu chuyên gia để đảm bảo chất lượng tư vấn, phản biện khoa học; ban hành và cụ thể hóa chính sách trọng dụng, tôn vinh cán bộ KH&CN tài năng trong nước và ở nước ngoài; hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển hệ sinh thái ĐMST; thúc đẩy ứng dụng KHCN&ĐMST, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo (KNST) và phát triển doanh nghiệp; hành lang pháp lý cho KNST đã và đang dần được hoàn thiện, lấy doanh nghiệp làm trung tâm... KH&CN đã thực sự khẳng định vai trò là động lực thúc đẩy phát triển sản xuất trong nhiều lĩnh vực kinh tế. Hoạt động KH&CN đã bám sát hơn và phục vụ trực tiếp cho mục tiêu phát triển KT-XH ở địa phương, chuyển dịch theo hướng nâng cao tính ứng dụng và hiệu quả. Trong điều kiện NSNN còn khó khăn nhưng nhiều bộ, ngành, địa phương đã quan tâm hơn đến đầu tư cho KH&CN, nhất là trong tình tình dịch COVID -19 diễn biến phức tạp.

Vẫn còn những hạn chế

Tuy nhiên, Ủy ban KH,CN&MT cũng chỉ rõ, các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) hiện hành về trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ phát triển KH&CN chưa hướng dẫn cụ thể, chi tiết và phù hợp với thực tế hoạt động của doanh nghiệp, nhất là trong hoạt động ĐMST và chuyển giao công nghệ; cơ chế, chính sách hướng dẫn về trích lập, quản lý và sử dụng quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp mới chủ yếu tập trung hướng dẫn cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển mà chưa ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể cho hoạt động đổi mới công nghệ và ĐMST của doanh nghiệp theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Bên cạnh đó, các giao dịch thương mại hóa sản phẩm KH&CN trên thị trường từ các đơn vị nghiên cứu trong nước còn rất ít; việc định giá, chuyển giao các kết quả nghiên cứu KH&CN còn hạn chế; mối liên kết giữa nghiên cứu với thị trường, hệ thống tổ chức trung gian còn yếu và chưa khẳng định được vai trò kết nối; hoạt động chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến, đặc biệt là từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế.

Đại biểu phát biểu tại phiên họp

Đặc biệt, cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp KH&CN công lập chuyển sang cơ chế tự chủ vừa là thuận lợi nhưng cũng là thách thức đối với các đơn vị thực hiện cơ chế này. Một số đơn vị chưa có sản phẩm KH&CN chủ lực làm nòng cốt để phát triển, vẫn còn có sự chồng chéo nhất định trong hoạt động nghiên cứu và chuyển giao giữa các đơn vị.  Kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho nghiên cứu còn hạn chế, chủ yếu cho các hoạt động sửa chữa, nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng, trang thiết bị. Cơ sở vật chất ở nhiều Viện nghiên cứu còn lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu, nhất là nghiên cứu về công nghệ sinh học, CNC…Đầu tư, đổi mới công nghệ (ĐMCN), trang thiết bị nhằm tăng năng suất lao động chưa thực sự mạnh mẽ, chưa đồng bộ.

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến đánh giá cao những nội dung thẩm tra thẳng thắn của Ủy ban KH,CN&MT; cho rằng Ủy ban thẩm tra đã có những đánh giá rất khách quan về những kết quả đạt được, nhưng đồng thời cũng rất thẳng thắn khi chỉ ra những mặt hạn chế trong hoạt động khoa học, công nghệ trong thời gian qua.

Các đại biểu cũng chỉ rõ, công tác thẩm định, đánh giá lựa chọn công nghệ thời gian qua vẫn chưa được quan tâm đúng mức, nghiên cứu giải mã công nghệ chưa thực sự được phổ biến, do thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn sâu, đặc biệt là thiếu các chuyên gia đầu ngành. Bên cạnh đó, các quy định về tài chính thuê chuyên gia, đặc biệt là các chuyên gia nước ngoài chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Việc đưa kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào thực tế sản xuất còn gặp khó khăn ở khâu thử nghiệm.

Đề xuất định hướng trong thời gian tới

Đề xuất định hướng nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2021 và dự kiến hoạt động khoa học và công nghệ năm 2022, các đại biểu cơ bản nhất trí với định hướng nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2021 và dự kiến hoạt động KH&CN năm 2022 như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban KH, CH&MT. Để thực hiện có hiệu quả các hoạt động KH&CN năm 2022, các đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện việc rà soát các VBQPPL, chính sách trong lĩnh vực KHCN&ĐMST gửi Bộ KH&CN tổng hợp, trình Chính phủ để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền; khẩn trương hoàn thiện đánh giá kết quả Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 làm cơ sở để xây dựng Chiến lược KHCN&ĐMST của ngành trong giai đoạn 2021-2030.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, chúng ta phải xác định đầu tư cho KH&CN là phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Việc hoàn thiện thể chế phải trên cơ sở định hướng thảo gỡ những vấn đề gây cản trở, hạn chế; tạo ra sự chủ động cho KH&CN phát triển nhưng đồng thời cũng phải làm sao để nhà nước có thể quản lý được.

Nhiều ý kiến khác cũng đề nghị Bộ KH&CN tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và ban hành cơ chế hình thành và gắn các chương trình KH&CN với các chương trình phát triển KT-XH, dự án trọng điểm của đất nước, thông qua đó, KH&CN trong nước có điều kiện để phát triển; làm chủ các công nghệ mới, tạo ra được các sản phẩm của Việt Nam với tỉ lệ hàm lượng KH&CN trong nước cao hơn; nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH&CN theo hướng gắn kết chặt chẽ về trách nhiệm và quyền lợi của nhà nghiên cứu và nhà sản xuất. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ KH&CN nghiên cứu bổ sung cơ chế chính sách theo hướng đảm bảo quyền lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư đổi mới công nghệ.

Cùng với đó, đề nghị Bộ Tài chính tổ chức rà soát, đề nghị sửa đổi hoặc sửa đổi theo thẩm quyền các VBQPPL liên quan đến định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN); khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN; nội dung chi và quản lý Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp; xử lý tài sản hình thành từ việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN; đồng thời đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập kế hoạch và phân bổ ngân sách đối với việc đầu tư, xây dựng cho phòng thí nghiệm chuyên sâu, phòng thí nghiệm trọng điểm, công trình nghiên cứu đồng bộ, nghiên cứu chính sách thu hút chuyển dịch các hoạt động nghiên cứu khoa học và ĐMST của các Tập đoàn lớn trên thế giới khi đầu tư vào Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi Trường Lê Quang Huy phát biểu kết luận

Các ý kiến cũng kiến nghị trong thời gian tới, cần tăng cường giám sát các chuyên đề về tình hình thực hiện chính sách pháp luật KHCN&ĐMST, trọng tâm là giám sát việc thực thi pháp luật có liên quan đến cơ chế đầu tư, tài chính, bố trí sử dụng NSNN, nguồn lực xã hội đầu tư cho KHCN&ĐMST, phát triển thị trường công nghệ, tăng cường ứng dụng và chuyển giao công nghệ nhằm khẳng định KH&CN là động lực quan trọng phát triển đất nước.

Phát biểu kết thúc nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi Trường Lê Quang Huy cho biết, trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, nhiệm vụ của KH&CN càng đặt rất mạnh mẽ, đòi hỏi sự đầu tư cho những tiến bộ KH&CN. Do vậy, trong thời gian tới, chúng ta cần có những giải pháp khắc phục những hạn chế trong hoạt động KH&CN, phát huy hiệu quả đầu tư, tránh đầu tư dàn trải. Trên cơ sở các ý kiến của Ủy ban KH,CN&MT và các ý kiến thảo luận của phiên họp về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi Trường Lê Quang Huy đề nghị Chính phủ, Thường trực KH,CN&MT tiếp tu tối đa để bổ sung, hoàn thiện Báo cáo của mình.

Cũng trong buổi sáng, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi Trường đã tiến hành thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11./.

Thu Phương- Nghĩa Đức

Các bài viết khác