PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI DỰ PHIÊN HỌP THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT KINH DOANH BẢO HIỂM (SỬA ĐỔI)

28/09/2021

Chiều 28/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 2 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến để thẩm tra dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 2, thẩm tra dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Thể chế hóa chủ trương về phát triển thị trường bảo hiểm và nâng cao quản lý

Trình bày tóm tắt Tờ trình dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết nội dung cơ bản của dự án Luật nhằm thể chế hóa đường lối chủ trương của Đảng về phát triển thị trường bảo hiểm; khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế; nâng cao năng lực quản lý giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm.

Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) gồm 8 chương, 156 điều. Dự thảo Luật mở rộng đối tượng áp dụng so với luật cũ là tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô; các loại hình bảo hiểm thành 03 loại cơ bản theo thông lệ quốc tế là bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm bắt buộc, giới hạn lại để phản ánh đúng bản chất của loại hình bảo hiểm này.

Nội dung về hợp đồng bảo hiểm bổ sung thêm mục về đề phòng hạn chế tổn thất, phòng chống gian lận và giải quyết tranh chấp. Về doanh nghiệp bảo hiểm, dự thảo Luật bổ sung các quy định mới nhằm nâng cao quản trị điều hành của doanh nghiệp như quy định mới về tổ chức hoạt động, kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro; cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chủ động trong thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm.

Dự thảo bổ sung nội dung, nguyên tắc khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; yêu cầu công khai thông tin một cách toàn diện nhằm tăng cường tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh của thị trường; bổ sung quy định về an toàn tài chính. Bảo hiểm vi mô được quy định mới trong dự thảo Luật bao gồm nội dung về đặc trưng bảo hiểm vi mô và các tổ chức được cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi trình bày Tờ trình Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung quy định về đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm nhằm phù hợp với thực tiễn triển khai của thị trường trong thời gian qua, bao gồm sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện, nguyên tắc hoạt động đại lý bảo hiểm, nguyên tắc hoạt động của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, của đại lý bảo hiểm; những điều đại lý bảo hiểm không được làm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm.

Sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm theo hướng chuyển đổi sang quản lý vốn trên cơ sở rủi ro, xác định tỷ lệ an toàn vốn, quản lý vốn tương ứng với quy mô và mức độ rủi ro của doanh nghiệp. Các quy định về dự phòng nghiệp vụ, hoạt động đầu tư, quản lý tài sản, doanh thu - chi phí được sửa đổi tương ứng với mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro.

Ngoài ra, dự thảo luật đã bổ sung cơ chế phối hợp trong quản lý Nhà nước. Theo đó, Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan quản lý bảo hiểm nước ngoài trong việc phối hợp quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các chi nhánh của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin quản lý, giám sát cùng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Hài hòa lợi ích doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đều thống nhất về sự cần thiết ban hành luật và tập trung thảo luận về nhiều nội dung cụ thể của dự án Luật. Trong đó, các đại biểu bày tỏ quan ngại về tính phức tạp của hợp đồng bảo hiểm, lưu ý đến yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hợp đồng bảo hiểm phải hài hòa lợi giữa doanh nghiệp với người được bảo hiểm, tránh thua thiệt cho người được bảo hiểm. Do đó, cần có quy định về hợp đồng khung, hợp đồng mẫu và cơ chế giám sát hợp đồng bảo hiểm của cơ quan quản lý Nhà nước để bảo đảm quyền lợi cho người được bảo hiểm.

Phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến

Các đại biểu đề nghị rà soát các quy định về doanh nghiệp bảo hiểm bảo đảm thống nhất với Luật Doanh nghiệp, và Luật Kinh doanh bảo hiểm chỉ quy định những đặc thù nhưng không được thêm thủ tục làm rào cản cho doanh nghiệp, bảo đảm công khai minh bạc hoạt động. Các nội dung về quản ý nhà nước cần phân định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan.

Bày tỏ sự cần thiết quy định trong luật về bảo hiểm vi mô, song nhiều đại biểu cho rằng dự thảo luật quy định còn quá sơ sài, chỉ với 2 điều luật là không phù hợp. Vì vậy cơ quan soạn thảo cần đánh giá thực tiễn triển khai, cần viết lại đúng và đầy đủ hơn bảo đảm hướng đến đúng đối tượng tham gia, cùng với đó, cần có cơ chế và quy định rõ chính sách khuyến khích để thu hút các doanh nghiệp tham gia vào bảo hiểm vi mô.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao sự chủ động, kịp thời tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 3 vừa qua.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo tại phiên họp

Cho biết, đây là dự án luật có phạm vi tác động lớn, liên quan đến an sinh xã hội và nhận được sự quan tâm của người dân và các đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ quan điểm cần quán triệt khi xây dựng luật để phát triển thị trường bảo hiểm, tạo nguồn vốn cho phát triển, chia sẻ rủi ro, bảo đảm an toàn an sinh xã hội; tạo đột phá cho doanh nghiệp bảo hiểm phát triển, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm để vừa huy động vốn vào thị trường, vừa an dân.

Đây cũng là lĩnh vực đặc biệt, yêu cầu quản lý chặt chẽ, phòng ngừa rủi ro từ xa, cần bảo đảm quản lý, giám sát công khai, minh bạch, dễ tiếp cận và tôn trọng quyền lợi người dân được hưởng; cần nâng cao công tác thông tin tuyên truyền cho người tham gia bảo hiểm. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị có báo cáo để đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhất là bảo hiểm nhân thọ và làm rõ bối cảnh đó đặt ra yêu cầu gì trong quá trình sửa đổi luật.

Quan tâm đến nội dung bảo hiểm vi mô, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chỉ rõ nội dung quy định trong dự thảo Luật còn sơ sài; cho rằng, nếu giao Chính phủ ban hành Nghị định thì cần phải quy định rất cụ thể, cần xác định rõ các khái niệm tổ chức tương hỗ và bảo hiểm vi mô; đề nghị tham khảo kinh nghiệm thành công của quốc tế, làm rõ thực tiễn triển khai trong nước, nguyên nhân hạn chế để có hướng quy định phù hợp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh kết luận nội dung phiên họp

Tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, qua thảo luận, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thống nhất về sự cần thiết ban hành luật như Chính phủ trình, tuy nhiên cũng đề nghị làm rõ tác động của việc sửa luật trong tạo ra cú hích cho phát triển thị trường bảo hiểm, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Các đại biểu cho rằng hồ sơ dự án luật được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ, được tiếp thu nhiều vòng và có giải trình thấu đáo song vẫn cần tiếp tục được rà soát để hoàn thiện.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị rà soát các quy định của luật để bảo đảm tính cụ thể, khả thi để tránh tình trạng nghị quyết hóa luật, hay tình trạng luật khung, luật ống, cố gắng luật hóa những nội dung thực tiễn đã phát huy hiệu quả, đồng thời tránh quy định một cách cứng nhắc, ảnh hưởng đến tuổi thọ của luật; tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, thực thi các cam kết quốc tế, tương thích với thông lệ quốc tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phát biểu chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Kinh tế sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra chính thức để trình Quốc hội tại kỳ họp tới./.

Bảo Yến - Bùi Hùng

Các bài viết khác