Tham dự phiên họp còn có các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cùng Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học. Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo có Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, đại diện lãnh đạo cơ quan hữu quan.
Thảo luận tại phiên họp thẩm tra sơ bộ, các đại biểu quan tâm nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) như Tờ trình của Chính phủ, cho rằng hồ sơ dự án Luật đã đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và Quốc hội xem xét, thảo luận. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị bổ sung báo cáo đánh giá tác động nhất là với các nội dung mới của dự thảo Luật như bảo hiểm vi mô, mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin…
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:
Toàn cảnh phiên họp
Các đại biểu tham dự phiên họp
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, theo Chương trình xây dưng luật pháp lệnh năm 2021, dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021), dự kiến xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 6/2022)
Trình bày Tờ trình dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi làm rõ sự cần thiết ban hành luật. Trong đó, thể chế quan điểm điểm, chủ trương của Đảng về phát triển thị trường bảo hiểm, hoàn thiện các quy định pháp luật về lĩnh vực bảo hiểm. Khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế. Nâng cao năng lực quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm; thực hiện hiệu quả các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm
Thảo luận tại phiên họp thẩm tra sơ bộ, các đại biểu quan tâm nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) như Tờ trình của Chính phủ, cho rằng hồ sơ dự án Luật đã đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và Quốc hội xem xét, thảo luận. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị bổ sung báo cáo đánh giá tác động nhất là với các nội dung mới của dự thảo Luật như bảo hiểm vi mô, mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin…
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, trong quá trình sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành cần đánh giá, tổng kết thực tiễn thi hành thời gian qua, ghi nhận những kết quả đạt được, đánh giá chính xác những vấn đề đang đặt ra. Tính thuyết phục của các đề xuất sửa đổi sẽ tăng lên nếu cung cấp đầy đủ các số liệu, thông tin về quy mô thị trường bảo hiểm, số lượng doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này, các chi phí, đóng góp vào tăng trưởng GDP hàng năm, sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài, mục tiêu phát triển ngành kinh doanh bảo hiểm…
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ nội dung cốt lõi của việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành để vừa tăng tính thuyết phục vừa bảo đảm nội dung sửa đổi, bổ sung được tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ hệ thống pháp luật và phù hợp với cam kết quốc tế. Quá trình sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh bảo hiểm gia nhập thị trường và hoạt động thuận lợi, minh bạch, vừa phòng ngừa rủi ro vừa lành mạnh hóa môi trường đầu tư, phát triển được một kênh huy động vốn cho nền kinh tế
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, cần hài hòa lợi ích các bên, không "trói" doanh nghiệp bằng những quy định về thủ tục, giấy phép, đồng thời tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và hướng đến khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm
Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, qua thảo luận Thường trực Ủy ban Kinh tế đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của cơ quan soạn thảo. Khẳng định vị trí quan trọng của kinh doanh bảo hiểm cùng với chứng khoán ngân hàng huy động nguồn lực cho nền kinh tế, hạn chế rủi ro tuy nhiên đây lại là nội dung chuyên ngành khó, phức tạp do đó cần tiếp tục được rà soát, đánh giá tác động kỹ lưỡng, bổ sung số liệu cụ thể
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị bổ sung nội dung báo cáo đánh giá tác động của các đối tượng thụ hưởng, dân tộc thiểu số miền núi, vùng xâu vùng xa trong tiếp cận bảo hiểm, bình đẳng giới; lưu ý tránh tình trạng luật khung luật ống, những nội dung có thể cụ thể hóa được thì quy định ngay trong luật; đồng thời không quy định quá chi tiết những vấn đề chưa rõ ràng, chưa đủ cơ sở tránh cho việc luật vừa ban hành đã phải sửa đổi
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh tổng hợp một số nội dung các đại biểu quan tâm đồng thời đề nghị làm rõ các nội dung, đánh giá tác động tổng kết thí điểm triển khai, cân nhắc quy định chủ thể cung cấp bảo hiểm vi mô; việc tham gia bảo hiểm bắt buộc; thành lập tổ chức xã hội nghề nghiệp, chứng chỉ hành nghề, bả hiểm trên môi trường mạng, đại lý bảo hiểm, chi nhánh bảo hiểm…đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu để tiếp tục được rà soát, hoàn thiện