PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN: CHÚ TRỌNG VỊ TRÍ, VAI TRÒ ĐỐI NGOẠI QUỐC HỘI TRONG TỔNG THỂ CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI VIỆT NAM

27/02/2023

Sáng 27/02, tại Nhà Quốc hội, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai công tác đối ngoại của Quốc hội năm 2023, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định những thành tựu đối ngoại ngay đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã tạo dấu ấn đậm nét và bước đà quan trọng cho công tác đối ngoại của Quốc hội trong cả nhiệm kỳ; cho biết, thời gian tới, Quốc hội sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các chủ trương lớn của Đảng về phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với 3 trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ DỰ HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI CỦA QUỐC HỘI NĂM 2023

DẤU ẤN HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI CỦA QUỐC HỘI TỪ ĐẦU NHIỆM KỲ ĐẾN NAY: CHỦ ĐỘNG, TÍCH CỰC, THÍCH ỨNG TRONG MỌI ĐIỀU KIỆN, HOÀN CẢNH

Khẳng định vai trò quan trọng của đối ngoại Quốc hội

Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai công tác đối ngoại của Quốc hội năm 2023 nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được trong công tác đối ngoại của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay; quán triệt việc tiếp tục tổ chức thực hiện chủ trương đối ngoại của Đảng tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; đồng thời có những biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu, triển khai hoạt động đối ngoại của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu đã xem phóng sự phản ánh công tác đối ngoại của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, báo cáo kết quả công tác đối ngoại của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ và phương hướng, trọng tâm công tác đối ngoại của Quốc hội năm 2023 do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà đã trình bày; các tham luận phát biểu của lãnh đạo ban, bộ, cơ quan, tổ chức cũng đã đưa ra các kiến nghị, đề xuất liên quan đến công tác đối ngoại của Quốc hội.

Các đại biểu đều khẳng định ý nghĩa của hội nghị lần này - hội nghị đầu tiên về công tác đối ngoại của Quốc hội, nhằm tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ đề ra tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc lần đầu tiên do Bộ Chính trị và Ban Bí thư chủ trì diễn ra tại Nhà Quốc hội ngày 14/12/2021, thể hiện sự quan tâm của Chủ tịch Quốc hội cùng các lãnh đạo Quốc hội đối với công tác đối ngoại Quốc hội trong tổng thể công tác đối ngoại của đất nước được Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định là giữ vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển của đất nước. Đây cũng là tầm nhìn về việc phát huy vai trò của đối ngoại Quốc hội, vận dụng bài học của Đảng ta về việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại trong các điều kiện cụ thể. Bày tỏ tin tưởng Hội nghị sẽ tạo nên bước chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, góp phần đưa công tác đối ngoại của Quốc hội lên tầm cao mới, chuyên nghiệp hơn, hiện đại, hiệu quả và thiết thực.

Các đại biểu tham dự hội nghị xem trình chiếu phóng sự phản ánh công tác đối ngoại của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thực hiện các quyền lập Hiến, lập pháp quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước thực hiện giám sát tối cao của nhà nước. Hiến pháp 2013 đã quy định những nhiệm vụ quyền hạn lớn quan trọng của Quốc hội trong đó có các nội dung trực tiếp liên quan đến hoạt động đối ngoại như quyết định đại sứ; chính sách cơ bản về đối ngoại; phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực các điều ước quốc tế… Với vị trí quan trọng của Quốc hội trong hệ thống chính trị và đặc điểm và thành phần của các đại biểu Quốc hội, Quốc hội có thể phát huy được vai trò trên cả 3 kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân.

Điểm lại những kết quả nổi bật trong công tác đối ngoại của Quốc hội các đại biểu đều thống nhất nhận định trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19, xung đột địa chính trị, cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành sáng suốt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, với quyết tâm và nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng trong xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, trong đó đối ngoại được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá là “một điểm sáng”.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà trình bày báo cáo 

Trong kết quả chung đó, đối ngoại Quốc hội đã góp phần rất quan trọng vào thành công chung của đối ngoại Việt Nam. Đặc biệt, trong năm 2022, hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã có nhiều dấu ấn đậm nét thể hiện qua kết quả rất tốt đẹp của các chuyến thăm cấp cao của Chủ tịch Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội, sự tham dự tích cực, chủ động của Quốc hội Việt Nam tại các diễn đàn nghị viện đa phương quốc tế như AIPA, IPU... và nhiều hoạt động đối ngoại cả trực tuyến và trực tiếp, đã góp phần thiết thực vào việc củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị và hợp tác trên mọi lĩnh vực giữa Việt Nam với các nước, các đối tác, tranh thủ nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước, vừa thúc đẩy và bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, vừa đóng góp thiết thực vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế ứng phó với các thách thức chung.

Phối hợp hiệu quả giữa ba trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga cho biết, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội và các lãnh đạo Quốc hội đã dành thời gian tiếp các đoàn đại biểu Nhân dân, trực tiếp chỉ đạo, tham dự và phát biểu tại nhiều sự kiện quan trọng của đối ngoại Nhân dân, nổi bật là Đại hội lần thứ XXII Hội đồng Hòa bình Thế giới tại Việt Nam, các hoạt động của Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào, Năm Hữu nghị Việt Nam – Campuchia, góp phần có ý nghĩa quyết định vào thành công của các sự kiện này. Nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội đã nhiệt tình tham gia và đảm nhận vị trí lãnh đạo một số tổ chức hữu nghị thành viên của Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, uy tín và vị thế của đối ngoại Nhân dân.

Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga phát biểu

Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga khẳng định sự phối hợp trong hoạt động đối ngoại nghị viện và đối ngoại nhân dân được củng cố và ngày càng chặt chẽ, thực chất và hiệu quả hơn. Sự phối hợp hiệu quả giữa Đối ngoại Quốc hội với Đối ngoại nhân dân cũng như giữa ba trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là nhân tố rất quan trọng làm nên thành công của công tác đối ngoại của cả nước và đối ngoại Nhân dân nói riêng trong năm qua.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Chủ tịch Nhóm Nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thúy Anh phân tích thêm, quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, vượt lên trên những khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19, hoạt động đối ngoại của Quốc hội thời gian qua đã có nhiều đổi mới, thích ứng ngoại linh hoạt và bảo đảm hiệu quả cao nhất. Trong tổng thể thành công đó, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam, Phân ban Việt Nam trong Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) và Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Pháp vinh dự được đóng góp những kết quả thiết thực với với các hoạt động tích cực, chủ động, đa dạng, phong phú.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Chủ tịch Nhóm Nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thúy Anh phát biểu

Sự tham gia của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam trong quan hệ song phương và đa phương liên nghị viện thể hiện qua hoạt động của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam với Nhóm nữ đại biểu Quốc hội các nước, tổ chức các hoạt động giữa Nhóm nữ đại biểu Quốc hội với các nữ đại sứ, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, tổ chức các hội nghị, hội thảo trong khuôn khổ các tổ chức đa phương liên nghị viện cũng như tham gia các hoạt động của các cơ chế dành cho nữ đại biểu Quốc hội của các tổ chức này như Hội nghị nữ nghị sĩ AIPA (WAIPA), Hội nghị nữ nghị sĩ IPU, Hội nghị nữ nghị sĩ Diễn đàn nghị sĩ châu Á – Thái Bình Dương (APPF), Liên minh Nghị viện Pháp ngữ đã góp phần thúc đẩy mối quan hệ giữa các nước nói chung, các nghị viện nói riêng, khẳng định vị thế, vai trò của nữ đại biểu trong hoạt động nghị viện, là cơ hội chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của nữ đại biểu Quốc hội, tăng cường tiếng nói của phụ nữ trong Quốc hội, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong hoạt động của Quốc hội, khẳng định vai trò của nữ đại biểu Quốc hội, giới thiệu Việt Nam, các địa phương của Việt Nam với bạn bè quốc tế...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, kế thừa những thành tựu, bài học kinh nghiệm quý giá của các nhiệm kỳ trước; từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đã đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, có ý nghĩa hệ trọng, vừa cùng Chính phủ, các cơ quan trong hệ thống chính trị thực hiện hiệu quả mục tiêu kép về phòng, chống đại dịch COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, đồng thời tạo khung khổ pháp lý cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Góp vào thành công chung, có đóng góp tích cực công tác đối ngoại của Quốc hội. Quốc hội đã thể chế hóa các chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, quyết định các vấn đề quan trọng trong lĩnh vực đối ngoại và giám sát việc thực thi các chính sách, pháp luật về đối ngoại và các cam kết quốc tế của Việt Nam; triển khai các hoạt động ngoại giao nghị viện song phương và đa phương. Quốc hội Việt Nam tiếp tục đổi mới, năng động và hành động, phát huy vai trò, “sức mạnh mềm” của ngoại giao nghị viện, đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, đa dạng hóa, đa phương hóa, nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế của Đảng và Nhà nước ta.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, có được những kết quả nổi bật đó là nhờ hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, thường xuyên và hoạt động đối ngoại rất hiệu quả của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Bên cạnh đó là hoạt động đối ngoại của các Lãnh đạo Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, mà đầu mối là Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội với các Ban, Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan; cũng như tinh thần trách nhiệm cao, hết mình với công việc của đại bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, những người làm công tác đối ngoại, lễ tân phục vụ của Văn phòng Quốc hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 2 tập thể và 7 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chủ trì tham mưu, phối hợp phục vụ công tác đối ngoại của Quốc hội

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội ghi nhận, nhiệt liệt biểu dương, đánh giá cao và chân thành cảm ơn về những đóng góp quý báu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác đối ngoại của Quốc hội thời gian qua.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chủ trương lớn của Đảng về phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, chú trọng vị trí, vai trò đối ngoại Quốc hội

Khẳng định những thành tựu đối ngoại ngay đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã tạo dấu ấn đậm nét và bước đà quan trọng cho công tác đối ngoại của Quốc hội trong cả nhiệm kỳ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, trong thời gian tới, Quốc hội sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ đã được xác định tại Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 161 của Quốc hội, Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về Đề án định hướng chương trình xây dựng luật của Quốc hội khoá XV, Nghị quyết số 34-NQ/TW ngày 9/01/2023 về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chủ trương lớn của Đảng về phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với 3 trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, trong đó chú trọng vị trí, vai trò đối ngoại Quốc hội trong tổng thể chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị bám sát, thực hiện tốt Chương trình đối ngoại năm 2023 của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội đã được Bộ Chính trị phê duyệt, cũng như của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tiếp tục quan tâm thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường gắn kết, phối hợp với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, phát huy lợi thế ngoại giao nghị viện nhằm phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp trong triển khai đường lối  đối ngoại, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc; chú trọng ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; phục hồi kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ hai, thúc đẩy quan hệ với nghị viện các nước đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; phát huy vai trò của Quốc hội Việt Nam tại các cơ chế hợp tác đa phương, các tổ chức khu vực và quốc tế; từng bước nâng cao vai trò nòng cốt, dẫn dắt, phù hợp với khả năng và điều kiện của đất nước.

Thứ ba, nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; thường xuyên, chú trọng giám sát việc thực hiện các cam kết quốc tế và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

Thứ tư, triển khai hiệu quả công tác thông tin đối ngoại; đổi mới và nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại trên kênh ngoại giao nghị viện trước yêu cầu mới của đất nước.

Thứ năm, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược đối ngoại; đổi mới tư duy, chủ động sáng tạo, đề xuất chính sách và giải pháp cụ thể, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra của công tác đối ngoại Quốc hội.

Nêu rõ, năm 2023, là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, dự báo tình hình thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  sẽ tiếp tục chủ động hơn nữa, kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, hiệu quả để thực hiện các mục tiêu, kế hoạch năm 2023 và những năm tiếp theo.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 2 tập thể và 7 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chủ trì tham  mưu, phối hợp phục vụ công tác đối ngoại của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến nay.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà đã trao Bằng khen của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho các tập thể và cá nhân 

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà đã trao Bằng khen của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho 39 tập thể và 55 cá nhân có thành tích xuất sắc trong tham mưu, phục vụ công tác đối ngoại của Quốc hội. Tập thể Báo Đại biểu Nhân dân và 2 cá nhân của Báo được trao tặng Bằng khen của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. 

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

Chủ tịch Quốc hội cùng các lãnh đạo Quốc hội và các đại biểu thăm quan trưng bày hình ảnh về hoạt động Quốc hội

Các đại biểu dự hội nghị

Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung 

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội nghị

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ trình bày tham luận

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh trình bày tham luận

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà trình bày tham luận

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong điều hành phần trình bày tham luận

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng công bố các quyết định khen thưởng tại hội nghị

Các đại biểu bên lề hội nghị

Bảo Yến - Phạm Thắng

Các bài viết khác