PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN: ĐA DẠNG, PHONG PHÚ CÁC HÌNH THỨC TRUYỀN THÔNG VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI

10/02/2023

Sáng ngày 10/2, tại Nhà Quốc hội, Ban Chỉ đạo Đề án Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV tổ chức Phiên họp lần thứ hai. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng Ban chỉ đạo Đề án chủ trì và phát biểu chỉ đạo.

CHÚ TRỌNG ĐỔI MỚI, NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN VỀ KỲ HỌP QUỐC HỘI

PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN: PHÁT HUY SỨC MẠNH TỔNG HỢP CỦA CÁC CƠ QUAN BÁO CHÍ TRONG TUYÊN TRUYỀN VỀ QUỐC HỘI

Toàn cảnh Phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo Đề án Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV.

Dự hội nghị có các Ủy viên Ban chỉ đạo Đề án: Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm; Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân ông Phan Văn Hùng; Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội…

Kiến nghị đổi tên Đề án Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV.

Đây là Phiên họp thứ hai được tổ chức cho ý kiến về hồ sơ tài liệu dự thảo Đề án, gồm: Dự thảo Đề án Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV; Dự thảo Tờ trình Đề án Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV; Dự thảo Kết luận của Đảng đoàn Quốc hội về nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV; Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt Đề án Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV.

Tại Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà – Tổ trưởng Tổ soạn thảo đã báo cáo một số vấn đề về xây dựng Đề án và tiếp thu, giải trình ý kiến của các thành viên Tổ Soạn thảo về các dự thảo văn bản liên quan Đề án Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV.

Tổ Soạn thảo đã tổ chức xin ý kiến các thành viên trong Tổ, theo đó, đa số ý kiến tán thành với các dự thảo và cho rằng, các dự thảo văn bản đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, bảo đảm tính khoa học, thực tiễn, nêu được sự cần thiết xây dựng Đề án Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV. Tổ soạn thảo giải trình các ý kiến đóng góp liên quan đến hình thức ban hành Đề án, quan điểm xây dựng Đề án, cơ sở xây dựng Đề án, mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, các nhóm giải pháp, thực trạng công tác truyền thông của Quốc hội, về tổ chức thực hiện…

Về tên gọi của Đề án, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà cho biết, tại Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo, một số ý kiến cho rằng, mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án mang tính dài hạn và có tầm chiến lược, không chỉ phục vụ cho công tác truyền thông của Quốc hội khóa XV, mà còn có thể áp dụng cho Quốc hội trong thời gian dài. Trong quá trình xây dựng Đề án, Tổ soạn thảo nhận thấy các giải pháp đưa ra không chỉ áp dụng để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV, mà có thể áp dụng đối với công tác truyền thông của Quốc hội các khóa tiếp theo. Vì vậy, Tổ soạn thảo kiến nghị cho đổi tên Đề án thành Đề án Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội (bỏ cụm từ khóa XV).

Phân loại cụ thể đối tượng truyền thông để lan tỏa thông tin về hoạt động của Quốc hội.

Góp ý về các nội dung cụ thể của Đề án, đa số đại biểu đánh giá cao Tổ soạn thảo đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp của các đồng chí trong ban chỉ đạo một cách khoa học, chặt chẽ, phân tích thực trạng, chỉ ra các hạn chế và nguyên nhân của hạn chế, nội dung đề án đảm bảo tính logic, đầy đủ. Các ý kiến cũng đồng tình với đề xuất đổi tên thành Đề án Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm trân trọng những nỗ lực của Quốc hội trong việc đổi mới công tác thông tin tuyên truyền, xây dựng hình ảnh Quốc hội gần gũi hơn với cử tri và Nhân dân. Có kế hoạch thông tin tuyên truyền bài bản, nghiêm túc trong mỗi sự kiện lớn không chỉ trong các phiên họp, kỳ họp thường kỳ, nhờ vậy nhận được sự quan tâm của các cơ quan truyền thông ở trung ương và địa phương. Các cơ quan truyền thông của Quốc hội như Truyền hình Quốc hội, báo Đại biểu Nhân dân có sự đổi mới về nội dung và hình thức thuyên truyền.

Nêu thực tế thói quen đọc, nghe, xem đang thay đổi, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, Đề án đã đánh giá những thách thức sát với thực tế trong bối cảnh công nghệ đang chi phối cuộc sống, tiếp cận công chúng, trong đó có một số luồng thông tin không kiểm soát được. Vì vậy, Đề án cần bổ sung và nhấn mạnh đến các giải pháp nắm bắt và kiểm soát được các thuật toán gợi ý nội dung trên các nền tảng công nghệ để lan tỏa thông tin đúng và chuẩn về hoạt động của Quốc hội.

Giới trẻ hiện nay hầu như không tiếp cận với các loại hình truyền thông như phát thanh, truyền hình hay đọc báo, vì vậy bên cạnh phân loại các đối tượng truyền thông như trong dự thảo Đề án, nên chăng phân loại theo độ tuổi để có cách tiếp cận và lan tỏa thông tin tốt hơn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nói.

Đồng tình với quan điểm này, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân Phan Văn Hùng đề cập đến tính hai chiều của hoạt động truyền thông để lan tỏa chính sách, kết quả hoạt động của Quốc hội và sự tương tác thông tin từ đối tượng truyền thông; đồng thời nhấn mạnh trong bối cảnh công nghệ 4.0 diễn ra mạnh mẽ, với những vấn đề mới, cần có sự thử nghiệm, đi đầu để có sự điều chỉnh phù hợp với thực tiễn.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam.

Nhiều ý kiến tại phiên họp cũng cho rằng, hiện nay hoạt động tuyên truyền về Quốc hội chủ yếu theo kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà chưa tổ chức theo dạng thông tin nguồn, nguồn thông tin cũng cần đa dạng phong phú, kịp thời phù hợp với từng loại đối tượng. “Khó khăn của nhiều cơ quan báo chí khi đưa tin về hoạt động của Quốc hội là thiếu thông tin nguồn để khai thác theo chiều sâu. Vì vậy, cần có giải pháp tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc cung cấp thông tin, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội trong cung cấp thông tin cho báo chí”, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam chia sẻ.

Khẳng định ít có diễn đàn nào mà cơ quan báo chí được tham dự đầy đủ như tại các sự kiện của Quốc hội, ông Tống Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị cân nhắc kết nối các doanh nghiệp có hệ sinh thái truyền thông để lan tỏa thông tin về hoạt động của Quốc hội. Tiến hành phân tầng các cơ quan báo chí chuyên sâu khi truyền thông về các vấn đề chuyên ngành được Quốc hội bàn thảo; tăng cường vai trò của cơ quan báo chí chuyên ngành và cơ quan báo chí chủ lực tham gia đưa tin về hoạt động của Quốc hội.

Để Đề án Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội đảm bảo tính khả thi, nhóm giải pháp về nguồn lực cũng được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến. Trong đó, cần tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng trả lời phỏng vấn cho đại biểu Quốc hội; tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng cho các nhà báo tham gia đưa tin về Quốc hội…

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng Ban chỉ đạo Đề án Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV đánh giá cao trách nhiệm của Ban chỉ đạo, Tổ biên soạn làm việc tích cực khẩn trương để hoàn thiện các công việc. Các ý kiến phát biểu cơ bản thống nhất nhận định Đề án bước đầu đã có sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, bảo đảm trình tự, thủ tục các bước; đánh giá khá cơ bản, toàn diện về kết quả đạt được cũng như những hạn chế trong tổ chức thực hiện công tác truyền thông của Quốc hội; thống nhất đề xuất Đảng đoàn Quốc hội đổi tên là Đề án Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận Phiên họp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, kết quả công tác tuyên truyền thời gian qua có bước tiến rõ rệt về hoàn thiện cơ chế, chính sách, tính kịp thời, quy mô, chất lượng, sức lan tỏa, thu hút được sự quan tâm đông đảo của các tầng lớp Nhân dân, cử tri, kiều bào ta ở nước ngoài. Đặc biệt, tạo sự chuyển biến về nhận thức chính trong nội bộ các cơ quan của Quốc hội, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội ở 3 mặt công tác.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế như dự thảo tờ trình, đề án nêu. Đó là chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin từ phía công chúng, chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng, sở trường, thế mạnh của Quốc hội, đặc biệt dưới áp lực và xu hướng mạnh mẽ của cách mạng công nghệ 4.0, các nền tảng số, mạng xã hội, quyền tiếp cận của người dân ... …

Nhấn mạnh công tác truyền thông của Quốc hội có tính đặc thù riêng riêng, đó là sự tương tác 2 chiều, phúc đáp, phản hồi, trả lời, giải quyết các vấn đề, nội dung cử tri, Nhân dân nêu, phản ánh, do vậy sau phiên họp này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu Ban Chỉ đạo bám sát Kế hoạch và đẩy nhanh tiến độ khẩn trương hoàn thiện xây dựng Đề án; tiếp tục tổ chức một số cuộc tọa đàm, hội thảo chuyên đề sâu, tranh thủ các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan thông tấn, báo chí chủ lực, cơ quan, tổ chức có liên quan góp ý vào Đề án.

Rà soát kỹ 06 quan điểm hiện có trong quá trình xây dựng Đề án, đồng thời bổ sung quan điểm về hợp tác quốc tế, truyền thông hiện đại, truyền thông tương tác hai chiều, đa dạng hóa, phong phú các hình thức truyền thông, trên cơ sở liên tục có sự đo lường, đánh giá sự hài lòng của cử tri, Nhân dân trước thông tin truyền thông về hoạt động của Quốc hội. Rà soát những hạn chế, tồn tại trong công tác truyền thông; chỉ ra những nguyên nhân cơ bản, cốt lõi để từ đó đề xuất các giải pháp mang tính chiến lược, đảm bảo thực chất, hiệu quả.

Song song với quá trình hoàn thiện Đề án, trước mắt, nghiên cứu tiến hành các hoạt động khảo sát, điều tra bước đầu với hình thức phù hợp theo tiến độ cho phép về mức độ nhận thức, quan tâm, hiệu quả, hiệu ứng thông tin về các hoạt động của Quốc hội. Từ đó có cơ sở chắc chắn đề xuất phương án của Đề án sát thực, trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc điểm và nhu cầu của các nhóm đối tượng; ứng dụng các phương tiện truyền thông mới, hiện đại tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nội dung, cách thức thực hiện, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Toàn cảnh Phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo Đề án Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà – Tổ trưởng Tổ soạn thảo báo cáo một số vấn đề về xây dựng Đề án và tiếp thu, giải trình ý kiến của các thành viên Tổ Soạn thảo về các dự thảo văn bản liên quan Đề án Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, Đề án cần bổ sung và nhấn mạnh đến các giải pháp nắm bắt và kiểm soát được các thuật toán gợi ý nội dung trên các nền tảng công nghệ để lan tỏa thông tin đúng và chuẩn về hoạt động của Quốc hội.

Các đại biểu tham dự Phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo Đề án Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV.

Ông Tống Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương nêu quan điểm cần phân tầng các cơ quan báo chí chuyên sâu khi truyền thông về các vấn đề chuyên ngành được Quốc hội bàn thảo

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà kiến nghị lồng ghép hoạt động thông tin đối ngoại Quốc hội vào Đề án Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV.

Bà Đinh Thị Mai, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Phiên họp.

Các đại biểu tham dự Phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo Đề án Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV.

Lan Hương - Phạm Thắng