|
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang - Ảnh: Trí Dũng |
Hơn 2 năm qua, tỉnh Hà Giang đã cụ thể hóa, vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế của tỉnh, gắn với các chương trình, đề án thực hiện “Bốn đổi mới”, “Tám đột phá”, “Mười lăm chương trình trọng tâm” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra. Nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá; tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân giai đoạn 2011 - 2013 đạt 10,35%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp và dịch vụ; nâng cao giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, chú trọng công tác chăn nuôi. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được chú trọng chỉ đạo thực hiện, diện mạo nông thôn ngày một đổi mới. Hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh đã được nâng lên rõ rệt, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển. Tất cả các xã, thị trấn trong tỉnh đều có điện, đường giao thông, trường học, trạm xá, trụ sở được kiên cố hóa; tất cả các thôn trong tỉnh cơ bản đã có điểm trường, nhà lớp học. Tỉnh đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi từ năm 2011. Cơ sở vật chất trường, lớp, trang thiết bị dạy và học được chú trọng đầu tư. Tỷ lệ hộ nghèo từ 41,8% năm 2010 giảm xuống còn 30,1% vào cuối năm 2012.
Công tác xây dựng Đảng được chú trọng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng các cấp được nâng lên; hệ thống chính trị được kiện toàn. Các cấp ủy Đảng đã quan tâm bố trí, sắp xếp, sử dụng đội ngũ cán bộ hiệu quả. Cán bộ lãnh đạo, quản lý được bố trí hợp lý đan xen giữa các dân tộc và các địa phương, vừa có cán bộ là người địa phương am hiểu lịch sử, phong tục, tập quán, vừa có cán bộ giàu kinh nghiệm, cán bộ trẻ năng động, sáng tạo... Việc sử dụng cán bộ nữ, cán bộ dân tộc ít người được quan tâm.
Bên cạnh những tiến bộ đạt được, Hà Giang vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như: tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, quy mô nền kinh tế nhỏ bé. Kết quả phát triển chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế so sánh, nhất là du lịch văn hóa gắn với Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn, kinh tế cửa khẩu, khai khoáng, thủy điện vừa và nhỏ, phát triển nông nghiệp có thế mạnh mang tính bản địa của tỉnh. Đời sống nhân dân, nhất là vùng cao, vùng sâu chưa thật ổn định, tỷ lệ hộ nghèo còn cao…
Phương hướng xây dựng và phát triển Hà Giang đến năm 2020, tỉnh phấn đấu thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, có trình độ phát triển đạt mặt bằng chung của khu vực; trở thành trung tâm du lịch của cả nước gắn với Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; có hệ thống kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ; có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc; quốc phòng, an ninh được tăng cường; chính trị - xã hội ổn định, vững chắc; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng được nâng cao rõ rệt; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.
Tại buổi làm việc, Ban Bí thư Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành đã thảo luận, cho ý kiến cụ thể về kết quả hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; các kiến nghị, đề xuất của tỉnh về một số chủ trương phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 như xây dựng hệ thống chính trị, cơ chế chính sách, phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội.
Thay mặt Ban Bí thư kết luận buổi làm việc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận và biểu dương những thành tựu quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Giang sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, góp phần tích cực vào thành tựu chung của đất nước. Tuy nhiên, trước mắt còn nhiều khó khăn, Hà Giang cần tiếp tục triển khai các giải pháp làm cho tăng trưởng kinh tế mạnh hơn, duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong phát triển kinh tế - xã hội.
Cơ bản tán thành phương hướng xây dựng và phát triển Hà Giang đến năm 2020, Tổng bí thư đề nghị trước mắt, Hà Giang cần quan tâm thực hiện tốt, hoàn thành cho được các mục tiêu, chỉ tiêu Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh đã đề ra, đồng thời cần có suy nghĩ dài hơi hơn, chuẩn bị tốt cho Đại hội XVI của Đảng bộ sẽ tiến hành vào cuối năm 2015. Hà Giang cần cân nhắc, điều chỉnh một số chỉ tiêu cho phù hợp với thực tế, có tính khả thi hơn như: vấn đề thu nhập, tỷ lệ xây dựng nông thôn mới, xuất khẩu lao động, thành lập phân hiệu đại học quốc gia, trung tâm du lịch của cả nước...
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, để thực hiện phương hướng trên, Đảng bộ Hà Giang cần bám sát đặc điểm, khai thác, phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Đại hội. Đó là tiềm năng về nông lâm nghiệp, dịch vụ, kinh tế cửa khẩu, du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị to lớn của di sản Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; phát triển rừng, cây dược liệu, chăn nuôi, thủy điện, khoáng sản, gắn với bảo vệ môi trường.
Về giải pháp, Tổng bí thư lưu ý Hà Giang cần tiếp tục quan tâm xây dựng kết cấu hạ tầng, điện, đường, trường, trạm, chợ, đặc biệt là hạ tầng giao thông, chăm lo đào tạo nguồn nhân lực, phát triển mạnh mẽ giáo dục - đào tạo, chú ý đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ. Hà Giang cần chú trọng huy động mọi nguồn lực xã hội, tăng cường liên kết với các tỉnh bạn, tập trung đầu tư cho phát triển. Tỉnh cần quan tâm thực hiện tốt chính sách dân tộc, đại đoàn kết dân tộc, phát huy vai trò của các nghệ nhân, các già làng, trưởng bản, xây dựng văn hóa thôn bản.
Về quốc phòng an ninh, Hà Giang là địa bàn quan trọng, cần kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng an ninh, chú trọng công tác bảo đảm an ninh trên tuyến biên giới, quan tâm hơn nữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Tổng bí thư yêu cầu Hà Giang cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Đảng bộ tỉnh tiếp tục quan tâm, kiên trì, đẩy mạnh thực hiện thật tốt, có hiệu quả cao hơn nữa Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI về xây dựng Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đặc biệt là công tác đào tạo cán bộ, khắc phục, sửa chữa ngay những yếu kém, khuyết điểm đã chỉ ra sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4, để phòng, chống có hiệu quả những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.