Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi)

10/01/2025

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng vừa ký ban hành Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 41, tháng 01/2025.

UBTVQH cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi)

Trước đó, chiều ngày 06/01/2025, tại Phiên họp thứ 41, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến một số vấn đề lớn về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) và kết luận như sau:

1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban Xã hội, Ủy ban Pháp luật, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan trong việc nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội; đạt sự đồng thuận trong quá trình chỉnh lý, cụ thể hóa nhiều chính sách đã đề ra khi đề xuất xây dựng dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với các nội dung dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) thể hiện tại Báo cáo của Ủy ban Xã hội và các tài liệu kèm theo; đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, hoàn thiện Dự thảo Luật và Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, bảo đảm chất lượng thể chế hóa chủ trương của Đảng, sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề lớn về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi)

3. Đối với các nội dung Cơ quan chủ trì thẩm tra xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

(1) Đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo Chính phủ có văn bản chính thức về những nội dung Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cần dự báo, đánh giá tác động liên quan đến đăng ký lao động, xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu về người lao động; cân đối quỹ bảo hiểm thất nghiệp để bảo đảm tính khả thi, không phát sinh bất cập, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

(2) Về tên gọi của một số cơ quan, tổ chức dự kiến có sự thay đổi do thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cần thể hiện theo hướng khái quát gắn với chức năng, nhiệm vụ và giao Chính phủ hướng dẫn, giao nhiệm vụ cụ thể trong tổ chức thực hiện.

(3) Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan phối hợp chặt chẽ với Cơ quan chủ trì thẩm tra để hoàn thiện Dự thảo Luật và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, chú trọng các vấn đề sau:

(i) Rà soát tổng thể các chính sách hỗ trợ trong Dự thảo Luật với chính sách, đối tượng được hỗ trợ quy định tại pháp luật khác, bảo đảm không trùng lặp chính sách và cân đối, phù hợp với các đối tượng đặc thù khác (nếu có);

(ii) Nghiên cứu bổ sung quy định mang tính nguyên tắc trong dự thảo Luật để bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong trường hợp có sự gia tăng số lượng lớn đối tượng hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung phiên họp.

4. Thường trực Ủy ban Xã hội chủ trì, phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan khẩn trương tiếp thu ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện Dự thảo Luật và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi xin ý kiến Chính phủ, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan theo quy định, bảo đảm đúng tiến độ và dự án Luật có chất lượng tốt nhất khi trình Quốc hội xem xét, thông qua./.

Trọng Quỳnh