Thanh Hóa: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng thứ 2 cả nước
Nghị quyết số 1238/NQ-UBTVQH15 của UBTVQH về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2023 - 2025
Đề cập về kết quả hoạt động trong năm 2024, thông tin với phóng viên Cổng TTĐT Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải cho biết, trong năm 2024, Đoàn đã tổ chức lấy ý kiến của các Sở, ban, ngành, địa phương và các cơ quan hữu quan trên địa bàn tỉnh đối với 41 dự án luật; xin ý kiến bằng văn bản đối với 15 dự án luật trình Kỳ họp thứ 8 để Quốc hội cho ý kiến lần đầu, cũng như thông qua đối với một số dự án luật theo quy trình rút gọn tại một kỳ họp.
![](/content/tintuc/New2024/lanbl/291220240136-db-mai-van-hai.jpg)
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải phát biểu tại Phiên thảo luận Tổ trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Trên cơ sở các ý kiến tham gia góp ý, Đoàn ĐBQH tỉnh đã lắng nghe được nhiều ý kiến đa chiều từ các đối tượng chịu sự tác động, ý kiến của các Sở, ngành… từ đó xây dựng các báo cáo tổng hợp bảo đảm chất lượng và tiến độ theo yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan của Quốc hội. Đồng thời, làm cơ sở để các vị ĐBQH nghiên cứu tham gia ý kiến thảo luận đối với các dự án luật.
Các ĐBQH trong Đoàn còn tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo, tọa đàm do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức để tham gia thẩm tra, cho ý kiến góp ý hoàn thiện các dự án luật, các nghị quyết, các đề án quan trọng đối với hoạt động của Quốc hội. Đặc biệt là góp ý đối với 20 dự án luật tại các Hội nghị ĐBQH chuyên trách lần thứ 5 và lần thứ 6; góp ý đối với Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Về công tác giám sát: Năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức thực hiện giám sát 04 chuyên đề, trong đó: 03 chuyên đề giám sát theo kế hoạch của Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 01 chuyên đề giám sát của Đoàn.
Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tiến hành khảo sát, giám sát trực tiếp tại 22 lượt cơ quan, đơn vị và giám sát qua báo cáo đối với 116 lượt cơ quan, đơn vị. Qua giám sát đã phát hiện những tồn tại, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc, đồng thời chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm và đưa ra các giải pháp, kiến nghị nhằm xem xét, giải quyết tháo gỡ các vướng mắc, bất cập hoặc thực thi nghiêm túc các chính sách, pháp luật. Kết thúc hoạt động giám sát, Đoàn đều có báo cáo gửi tới các cơ quan, đơn vị có liên quan theo quy định. Đoàn ĐBQH tỉnh đã cử ĐBQH tham gia 03 Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan của Quốc hội tổ chức thực hiện tại địa phương.
Công tác theo dõi việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri được thực hiện nghiêm túc
Về công tác tiếp xúc cử tri: Năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức 34 cuộc tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau các Kỳ họp thứ 7, thứ 8 với trên 6.000 cử tri trên địa bàn tỉnh tham gia. Bên cạnh việc tiếp xúc cử tri theo định kỳ, Đoàn đã phối hợp với Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Cục Thuế Thanh Hóa tổ chức 04 cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề với các nội dung của dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Việc làm(sửa đổi); chuyên đề về các vấn đề liên quan tới quyền lợi của người lao động.
![](/content/tintuc/New2024/lanbl/291220240136-doan-thanh-hoa-2.jpg)
Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tham dự Phiên thảo luận Tổ
Trước các kỳ họp Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch và các đề xuất, kiến nghị liên quan tới việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị … làm cơ sở để các vị ĐBQH nắm bắt một cách tổng quát tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác tư pháp, nguyện vọng và kiến nghị của cử tri trên địa bàn trước khi đến với các kỳ họp Quốc hội.
Theo Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải, công tác theo dõi việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới trước và sau các kỳ họp Quốc hội được thực hiện nghiêm túc theo quy định. Tính đến tháng 11/2024, đã có 17 cơ quan chức năng trả lời bằng văn bản về 53/59 nhóm ý kiến, kiến nghị mà cử tri tỉnh Thanh Hóa gửi đến trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (đạt 89,8%). Sau kỳ họp thứ 7, có 17/27 nhóm ý kiến, kiến nghị được trả lời (đạt 63%). Trước kỳ họp thứ 8, có 36 nhóm ý kiến, kiến nghị đã được tổng hợp báo cáo với Quốc hội. Các văn bản trả lời kiến nghị cử tri của các bộ, ngành Trung ương đều được sao gửi đến các cơ quan, đơn vị trong tỉnh và các vị ĐBQH trong Đoàn để báo cáo trước cử tri tại các cuộc tiếp xúc cử tri.
Về công tác tiếp công dân và theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân: Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức cho các đại biểu tiếp dân tại Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh (tháng 6 và tháng 11 không tổ chức tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân do trùng ngày với các kỳ họp Quốc hội). Các ĐBQH trong Đoàn thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm tiếp dân. Tại các buổi tiếp công dân, có 15 lượt công dân đã được đại biểu Quốc hội tiếp. Chỉ đạo Văn phòng thực hiện nghiêm quy định về tiếp nhận, xử lý đơn, thư; phối hợp chặt chẽ với Ban Tiếp công dân của tỉnh để hạn chế tối đa tình trạng chồng chéo trong công tác chuyển đơn, tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Hằng tháng, Đoàn đều có báo cáo kết quả thực hiện công tác dân nguyện gửi Ban Dân nguyện đúng quy định.
![](/content/tintuc/New2024/lanbl/291220240127-doan-thanh-hoa-3.jpg)
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải phát biểu tại Hội trường trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Tính đến tháng 11/2024, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp nhận 199 đơn (trong đó: khiếu nại 79, đơn; tố cáo 06 đơn; phản ánh, kiến nghị 114 đơn). Đã chuyển 61 đơn, số còn lại do trùng lắp, chữ ký phô tô hoặc công dân không ký tên, hoặc đã được các cơ quan giải quyết đúng trình tự quy định của pháp luật. Đã có 47/61 đơn được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết (đạt 77,1%); còn lại 14 đơn đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết (trong đó có 06 đơn vừa chuyển trong tháng 11/2024).
Đề cập về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải cho biết, Đoàn sẽ tiếp tục ây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025; Tổ chức hợp lý, có chất lượng các hội nghị lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị hữu quan tham gia góp ý kiến vào các dự án luật, pháp lệnh. Bên cạnh đó, Đoàn sẽ tăng cường công tác lấy ý kiến luật bằng hình thức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, đối tượng. Các ĐBQH trong Đoàn sẽ tiếp tục phát huy dân chủ, trí tuệ, bám sát yêu cầu của thực tiễn, tập trung nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến các dự thảo luật, nghị quyết với tinh thần đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật.
Về công tác giám sát: Trong năm 2025, Đoàn sẽ chủ động phối hợp với HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tổ chức thực hiện chương trình giám sát của Đoàn năm 2025 bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Tổ chức khảo sát một số cơ quan, đơn vị phục vụ công tác xây dựng luật năm 2025 và những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà cử tri trên địa bàn tỉnh quan tâm. Bên cạnh đó là thường xuyên theo dõi, đôn đốc các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các kiến nghị giám sát; tổng hợp, phân loại, giải quyết theo thẩm quyền các kiến nghị giám sát không được các cơ quan thực hiện để gửi đến các cơ quan liên quan theo quy định (nếu có).
Ngoài ra, Đoàn sẽ cử đại diện tham gia đầy đủ, trách nhiệm các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tổ chức tại địa phương. Các vị ĐBQH tham gia đầy đủ các hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh hoặc được Đoàn đại biểu Quốc hội cử tham gia. Nâng cao tinh thần trách nhiệm trong hoạt động chất vấn, bảo đảm nội dung chất vấn chính xác, khách quan và mang tính xây dựng.
Về công tác tiếp xúc cử tri: Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa sẽ xây dựng chương trình và kế hoạch tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh năm 2025. Đổi mới và tăng cường hình thức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực; tiếp xúc cử tri ở nơi cư trú, nơi công tác; mở rộng thành phần, địa bàn tiếp xúc. Nâng cao chất lượng công tác tổng hợp, theo dõi, đôn đốc việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên Cổng Thông tin điện tử của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh để cử tri và Nhân dân được biết.
Về công tác tiếp công dân và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân: Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa sẽ xây dựng và triển khai Kế hoạch tiếp công dân năm 2025, niêm yết công khai lịch tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân của tỉnh. Nâng cao trách nhiệm đại biểu trong việc tiếp công dân theo quy định của pháp luật. Tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc các ngành, các cấp giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và trả lời kết quả giải quyết đến công dân theo đúng quy định của pháp luật./.