Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi chủ trì phiên giải trình. Ảnh: H.Hoa
Thường xuyên đấu nối, kiểm soát chất lượng nước
Theo báo cáo của UBND tỉnh, thời gian qua, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các quy định của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh. Hạ tầng cấp nước đô thị được định hướng vị trí, quy mô trong các đồ án quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung đô thị; “Đề án cấp nước sạch nông thôn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 - 2030” được phê duyệt đã đưa quy hoạch cấp nước nông thôn tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Giám đốc Sở NN và PTNT Phùng Thành Vinh báo cáo nội dung hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh. Ảnh: H.Hoa
Hiện, trên địa bàn có 20/21 đô thị đã đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch tập trung, với 7 đơn vị cấp nước quản lý và vận hành các hệ thống cấp nước tập trung tại các đô thị trên địa bàn. Tổng công suất cấp nước của các đô thị đạt 183.800 m3/ngày đêm. Tổng số người dân đô thị được sử dụng nước sạch khoảng 522.610 người. Tỷ lệ người dân đô thị được sử dụng nước sạch tính đến tháng 8.2024 tại các đô thị loại IV trở lên đạt khoảng 82,25% và đô thị loại V đạt khoảng 90,75%.
Cùng đó, toàn tỉnh có 561 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, trong đó, 492 công trình tự chảy ở miền núi, 69 công trình bơm dẫn động lực ở đồng bằng, trung du, với tổng công suất thiết kế khoảng 80.000 m3/ngày đêm, cấp nước sinh hoạt cho khoảng 115.000 hộ dân của 160 xã/tổng 411 xã.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi phát biểu. Ảnh: H.Hoa
Theo đó, công tác quản lý phát triển cấp nước tại đô thị được quan tâm, cơ bản mạng lưới đường ống cấp nước được đầu tư xây dựng; hệ thống đường ống cấp I, cấp II và cấp III đã từng bước thay thế bằng các loại ống nhựa UPVC, HDPE bảo đảm nâng cao chất lượng nước, chống thất thoát; các nhà máy nước sạch đã thực hiện nâng công suất, phục vụ nhu cầu nước sạch của người dân... Đối với các các công trình cấp nước tập trung ở nông thôn, trong giai đoạn 2020- 2024 không được đầu tư xây dựng mới, mà chỉ bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp một số công trình cấp nước sạch.
Công tác đấu nối, kiểm soát chất lượng nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An được thực hiện thường xuyên theo đúng quy định của pháp luật; công tác bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước, quản lý rủi ro và giải pháp khắc phục sự cố được quan tâm;… Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý đơn thư, khiếu nại của các tổ chức, cá nhân có đề cập nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh nước sạch trên địa bàn được UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan xác minh, xử lý kịp thời…
Người dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn còn thấp
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Hải báo cáo tình hình quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch đô thị trên địa bàn tỉnh. Ảnh: H.Hoa
Tuy nhiên, công tác quy hoạch, triển khai thực hiện một số công trình cấp nước sạch còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ. Hiện trạng các công trình cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh hầu hết đã qua nhiều năm sử dụng nay đã xuống cấp, hư hỏng; các công trình cấp nước sạch vùng nông thôn quy mô nhỏ, manh mún, phân tán. Việc xây dựng, phê duyệt kế hoạch cấp nước vẫn còn hạn chế, hầu hết chính quyền địa phương chưa hoàn thành việc lập kế hoạch cấp nước và ký thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước với các đơn vị cấp nước theo quy định.
Việc đầu tư phát triển thêm mạng lưới đường ống cấp nước tại một số đô thị còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; nguồn lực bố trí cho việc đầu tư, phát triển hệ thống cấp nước còn hạn chế;... Bên cạnh đó, một số vùng đô thị, khu dân cư tập trung ở nông thôn vẫn xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt, chưa được tiếp cận và chưa được sử dụng nước sạch thường xuyên theo nhu cầu; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn còn thấp so với bình quân chung cả nước. Tại khu vực đô thị, vẫn còn một số vùng chưa được tiếp cận và chưa được sử dụng nước sạch thường xuyên theo nhu cầu.
Các đại biểu tham dự phiên giải trình. Ảnh: H.Hoa
Công tác quản lý, kiểm soát chất lượng nước vẫn còn những tồn tại, hạn chế, nhất là chất lượng nước của các công trình cấp nước khu vực nông thôn... Nguồn lực đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước còn hạn chế, nhất là các công trình nước sạch nông thôn. Các công trình đã được Nhà nước đầu tư hiện có đã qua trên 10 năm sử dụng nhưng chưa được đầu tư để cải tạo nâng cấp, đặc biệt là những công trình do UBND cấp xã, đơn vị sự nghiệp công lập quản lý vận hành. Một số công trình thực hiện dở dang, kéo dài, có công trình đã hoàn thành nhưng chưa thực hiện thủ tục quyết toán theo quy định. Việc thực hiện xã hội hóa, thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện các công trình cấp nước nông thôn vẫn còn khó khăn.
Tại phiên giải trình, lãnh đạo các Sở, ngành liên quan đã tập trung giải trình, làm rõ các nội dung gồm: Những bất cập, khó khăn và nguyên nhân trong việc triển khai thực hiện bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cấp nước trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; giải pháp để thực hiện tốt hơn quy hoạch cấp nước trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; giải pháp trong thời gian tới về thực hiện rà soát, phân loại, bàn giao, xử lý, khai thác kết cấu hạ tầng nước sạch theo Nghị định số 43/2022/NĐ-CP.
Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Chu Đức Thái phát biểu. Ảnh: H.Hoa
Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Lô Thị Kim Ngân phát biểu. Ảnh: H.Hoa
Bên cạnh đó, một số nội dung cũng đã được giải trình, làm rõ như: Một số vùng đô thị, khu dân cư tập trung nông thôn vẫn xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn còn thấp so với bình quân chung cả nước; hiện chính quyền địa phương chưa hoàn thành việc lập kế hoạch cấp nước và ký thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước với các đơn vị cấp nước theo quy định dẫn đến thiếu tính pháp lý, ràng buộc trong việc đề xuất, kiến nghị đối với đơn vị cấp nước…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo tập trung đầu tư, nâng cấp, cải tạo hạ tầng cấp nước; đặc biệt, các nhà máy nước đang dở dang, phấn đấu trong giai đoạn 2026-2030 sẽ hoàn thành… Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát lại quy hoạch để bổ sung, điều chỉnh; cải thiện công tác quản lý, vận hành, khai thác các công trình cấp nước theo hướng tách bạch công - tư. Khuyến khích xã hội hóa công tác cấp nước sạch nông thôn; có giải pháp hỗ trợ trong công tác cấp nước; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá nguồn nước đầu vào và đầu ra để bảo đảm chất lượng nước cấp cho người dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ phát biểu. Ảnh: H.Hoa
Xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước
Kết luận phiên giải trình, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình nêu rõ: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức 7 phiên giải trình. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các ngành, địa phương, đơn vị thực hiện; rà soát cập nhật các quy định để thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.
Đối với nội dung công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tiến hành rà soát, cập nhật, bổ sung hệ thống các văn bản, đặc biệt, trong quy hoạch để phù hợp với các quy định pháp luật và phù hợp với điều kiện thực tiễn, nhu cầu thực tế trên địa bàn tỉnh… Đồng thời, tiếp tục rà soát việc quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước nói chung và tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch có nguồn gốc do Nhà nước đầu tư theo Nghị định số 43 ngày 24.6.2022 của Chính phủ.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình phát biểu. Ảnh: H.Hoa
“Hiện, còn nhiều dự án chưa hoàn thành, chưa nghiệm thu, chưa tiến hành thanh- quyết toán, nhiều dự án đi vào hoạt động nhưng trong quá trình vận hành đã xuống cấp, công nghệ lạc hậu, nhất là hệ thống đường ống, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước, gây thất thoát lớn…”, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình nêu rõ.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền các cấp ký thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước với đơn vị được giao, đặc biệt là hợp đồng cấp nước giữa doanh nghiệp, bán buôn, bán lẻ, thủ tục đấu nối, cung cấp nước cho khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư…
Đồng thời, chỉ đạo ngành Tài chính đề nghị các đơn vị cấp nước xây dựng khung giá nước theo Luật Giá năm 2023; bố trí lồng ghép các nguồn lực của Nhà nước, gắn với kêu gọi đầu tư, huy động nguồn lực xã hội để đầu tư cho hệ thống sản xuất, cung cấp nước sạch bảo đảm cung ứng đầy đủ.
Toàn cảnh phiên giải trình. Ảnh: H.Hoa
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng đề nghị các doanh nghiệp, đơn vị cấp nước đổi mới mô hình, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mới trong quản lý, vận hành, giám sát hệ thống sản xuất, cung cấp nước sạch bảo đảm chất lượng… Mặt khác, tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước đầu vào và đầu ra; tăng cường thông tin tuyên truyền để thay đổi, nâng cao ý thức, nhận thức của người dùng nước.
Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành phối hợp tốt với các địa phương, đơn vị để tham mưu quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch trên địa bàn tỉnh… “Cùng đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch; xử lý nghiêm các hành vi của các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm nguồn nước sạch và xả nước thải không bảo đảm quy định vào nguồn nước”, ông Nguyễn Nam Đình nhấn mạnh.