Cần có những giải pháp quyết liệt khắc phục kịp thời tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế

31/10/2024

Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần khắc phục kịp thời trạng thiếu thuốc, thiếu vaccine; đảm bảo công tác đấu thầu, mua sắm vật tư y tế mang lại hiệu quả trong khám bệnh, chữa bệnh cho người dân.

Thảo luận tại tổ 8: Cần có giải pháp căn cơ hơn để nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai

Quan tâm tới công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long cho biết, qua tiếp xúc cử tri, người dân đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ và Bộ Y tế trong việc cải thiện chất lượng dịch vụ y tế năm 2024. Cụ thể, các quy định mới về đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở y tế công lập, rút ngắn thời gian cung ứng và nâng cao hiệu quả sử dụng. Đồng thời, việc xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng đơn vị đã khuyến khích các bệnh viện chủ động hơn trong việc mua sắm, góp phần đa dạng hóa dịch vụ khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, công tác phòng chống dịch bệnh cũng được ngành y tế quan tâm đặc biệt, giúp nâng cao tỷ lệ hài lòng của người dân lên trên 80%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu cũng nhận thấy tình trạng thiếu thuốc, đặc biệt là thuốc hiếm, vẫn còn tồn tại tại một số cơ sở y tế, nhất là ở tuyến cơ sở. Nguyên nhân được cho là do nhiều yếu tố, trong đó có hạn chế trong quy trình đấu thầu, đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc trên diện rộng và việc tiếp cận các loại thuốc hiếm còn gặp khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long phát biểu

Bên cạnh đó, đại biểu cũng nhấn mạnh tình trạng thiếu hụt vaccine, đặc biệt là các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, vẫn đang là vấn đề đáng lo ngại. Tỷ lệ bao phủ vaccine hiện nay còn thấp so với mục tiêu đề ra, thậm chí nhiều loại vaccine chỉ đạt được từ 30% đến 40%. Điều này khiến nhiều trẻ em phải tiêm chủng dịch vụ, gia tăng gánh nặng kinh tế cho gia đình. Thực tế này cho thấy, quyền lợi được tiếp cận dịch vụ tiêm chủng miễn phí của người dân, nhất là trẻ em, chưa được đảm bảo đầy đủ.

Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị Chính phủ xây dựng và triển khai hiệu quả cơ chế dự trữ thuốc, đặc biệt là các loại thuốc hiếm, để chủ động ứng phó với các tình huống thiếu thuốc. Rà soát và hoàn thiện quy trình mua sắm thuốc tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các loại thuốc hiếm, đồng thời đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ y tế, đặc biệt là cán bộ tham gia công tác đấu thầu, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng thuốc.

Cũng quan tâm tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội cho rằng, cần phải nhận định khách quan vấn đề này, nắm bắt thực trạng, phân tích nguyên nhân và đề ra những giải pháp quyết liệt trong thời gian tới để hướng tới phục vụ người dân, đảm bảo quyền lợi của người có bảo hiểm y tế được khám bệnh, chữa bệnh.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội phát biểu

Đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá việc ban hành các quy định pháp luật trong thời gian vừa qua, đặc biệt là một số luật rất quan trọng với ngành y tế như: Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Dược, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sắp được thông qua... Theo đó, để đảm bảo sự đồng bộ và hiệu quả trong thực thi, các quy định pháp luật cần được rà soát, bổ sung và hoàn thiện để tạo thành một hệ thống pháp luật thống nhất, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích các doanh nghiệp dược phẩm trong nước đầu tư sản xuất, đặc biệt là các loại thuốc thiết yếu và thuốc biệt dược gốc. Đồng thời, cần có cơ chế quản lý chặt chẽ để vừa khuyến khích sản xuất thuốc trong nước, vừa đảm bảo nguồn cung cấp thuốc ngoại nhập, đặc biệt là các loại thuốc hiếm, phục vụ nhu cầu điều trị của người bệnh. Cần chủ động đàm phán giá thuốc với các nhà sản xuất để đảm bảo giá thuốc hợp lý, giảm gánh nặng cho người bệnh

Phát biểu về nội dung này, đại biểu Phạm Đình Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum nêu rõ, Quyết định 201 ngày 27/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế theo nhiệm kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt đạt mục tiêu năm 2025 có 15 bác sĩ trên 10.000 dân, năm 2030 có 19 bác sĩ trên 10.000 dân và đến năm 2050 là 35 bác sĩ trên 10.000 dân. Để hiện thực hóa mục tiêu này, đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan sớm quan tâm xem xét, hướng dẫn giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền một số nội dung sau:

Một là, cần có cơ chế đặc thù để đào tạo bác sĩ người dân tộc thiểu số, người sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Có chính sách thu hút bác sĩ nhằm khắc phục tình trạng thiếu bác sĩ ở tuyến cơ sở tại các tỉnh miền núi, vùng cao. Tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện chính sách cử tuyển đào tạo bác sĩ, trong đó cần sớm xem xét, phê duyệt chỉ tiêu cử tuyển bác sĩ đa khoa năm 2024 theo đề xuất của các địa phương đã trình Chính phủ. Bổ sung thêm đối tượng là viên chức ngành y tế công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được cử đi đào tạo trình độ đại học như chính sách đã được quy định tại Khoản 1, Điều 5 Nghị định 101 ngày 1/9/2017 của Chính phủ.

Đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum phát biểu

Hai là, bổ sung quy định phù hợp để tăng mức phụ cấp ưu đãi nghề đối với các đối tượng nêu trên, đảm bảo tương xứng với công sức và đặc thù công việc của họ, nhất là đối với viên chức làm công tác quản lý phục vụ, viên chức đang giữ chức danh nghề nghiệp dân số tại các cơ sở y tế công lập.

Đại biểu cũng chia sẻ, kết quả khảo sát thực trạng ở các tỉnh Tây Nguyên cho thấy, đội ngũ bác sĩ, nhất là tuyến cơ sở còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân và rất khó khăn về nguồn bổ sung. Trong thời gian tới nếu không có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng ở Trung ương và các chính sách đặc thù ưu tiên, ưu đãi phù hợp thì không thể thực hiện đạt các mục tiêu đã được xác định tại Quyết định 201 của Thủ tướng Chính phủ; địa phương cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc nâng cao năng lực khám, chữa bệnh, kiểm soát tốt các dịch bệnh theo nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã xác định.

Băn khoăn về vấn đề dinh dưỡng, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng đây là một trong những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để có những giải pháp phù hợp. Đặt ngang hàng vấn đề an ninh dinh dưỡng với an ninh lương thực, đại biểu cho rằng, đồng thời giải quyết hiệu quả cả hai vấn đề sẽ hỗ trợ thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nâng cao sức khỏe của người dân, đây sẽ là một bước tiến quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Đại biểu cho biết, tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi đang có sự khác biệt rất lớn giữa các vùng miền: tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở vùng miền núi phía Bắc là cao nhất khoảng 37,4%, vùng Tây Nguyên 28,2%; tình trạng thiếu máu, thiếu sắt và thiếu kẽm ở phụ nữ tuổi sinh đẻ và trẻ em dưới 5 tuổi còn cao; tỷ lệ thừa cân, béo phì thì gia tăng nhanh chóng ở tất cả các lứa tuổi, tất cả các khu vực thành thị cũng như nông thôn. Hiện nay chưa có số liệu nào đánh giá toàn diện, đầy đủ chỉ số đánh giá về an ninh lương thực, đặc biệt an ninh thực phẩm hộ gia đình và an ninh dinh dưỡng ở mức độ cấp quốc gia. Từ năm 1995 đến nay, Chính phủ mới ban hành Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng, Kế hoạch hành động quốc gia về dinh dưỡng theo giai đoạn, các chỉ tiêu, chỉ số…. Nhưng ở tầm luật thì hiện nay chưa có luật nào quy định cụ thể về vấn đề này.

Đại biểu đưa ra dẫn chứng, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Luật An toàn thực phẩm, Luật Người cao tuổi, Luật Trẻ em đều chưa đề cập cụ thể đến chính sách đảm bảo dinh dưỡng cho người dân. Hiện nay, Bộ Y tế đang được giao xây dựng Luật Phòng bệnh. Dự thảo luật đang xây dựng có dành một chương quy định về dinh dưỡng, tuy nhiên chưa đầy đủ, chưa mang tính bao quát, thực sự như là một vấn đề mang tầm quốc gia. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu nội dung này.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, đại biểu cho biết, chính sách dinh dưỡng cũng đã được triển khai ở Mỹ và nhiều nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã có luật về dinh dưỡng. Do vậy, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, phân tích, đánh giá rõ trong báo cáo kinh tế - xã hội về vấn đề này để có các giải pháp phù hợp.

Đại biểu Lò Thị Việt Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang

Về vấn đề sức khỏe của người cao tuổi, đại biểu Lò Thị Việt Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang đề nghị cần thúc đẩy phát triển mạng lưới y tế lão khoa tại các địa phương, xây dựng các trung tâm, cơ sở chăm sóc người cao tuổi- đây cũng là thách thức rất lớn đối với nước ta trong thời gian tới khi già hóa dân số.

Đồng thời đại biểu cũng nhấn mạnh, thời gian qua ngành y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, chất lượng dịch vụ y tế không ngừng được nâng cao, hoàn thiện các quy trình kỹ thuật và định mức kinh tế kỹ thuật trong khám, chữa bệnh cho nhân dân. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm tới việc hướng dẫn người dân thực hiện chăm sóc sức khỏe sau thiên tai liên quan đến vấn đề nước sạch, ăn chín, uống sôi và phòng, chống dịch bệnh.

Hồ Hương