Quản lý chặt chẽ giá thuốc chữa bệnh nhằm bình ổn thị trường thuốc theo quy định của pháp luật về giá

22/10/2024

Sáng ngày 22/10, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Đối với nhóm quy định về giá thuốc, các đại biểu Quốc hội, chuyên gia cho rằng, cần thiết kế các quy định để quản lý chặt chẽ giá thuốc chữa bệnh nhằm bình ổn thị trường thuốc theo quy định của Luật Giá 2023 và đảm bảo tính đặc thù của Luật Dược.

Tổng thuật sáng 22/10: Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược

Rà soát để thống nhất với quy định tại Luật Giá 2023

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược lần này đã sửa đổi, bổ sung một số khoản để thống nhất với quy định tại Luật Giá 2023, Nghị định số 85/2024/NĐ-CP ngày 10/7/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Giá 2023. Cụ thể, dự Luật bổ sung thêm 01 khoản tại Điều 107 để quy định cụ thể việc kê khai giá, niêm yết giá, bình ổn giá, hiệp thương giá thuốc theo pháp luật về giá: Niêm yết giá bán buôn, giá bán lẻ thuốc theo quy định của pháp luật về giá. Thực hiện các biện pháp bình ổn giá thuốc theo quy định của pháp luật về giá. Hiệp thương giá theo quy định của pháp luật về giá.

Đồng thời, bổ sung 01 khoản tại Điều 107 để quy định đặc thù về quản lý giá thuốc theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Giá 2023 (Trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Giá có hiệu lực thi hành cần quy định đặc thù về quản lý, điều tiết giá khác với quy định tại Luật Giá thì phải xác định cụ thể nội dung thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định của Luật Giá, nội dung thực hiện theo quy định của luật khác đó), cụ thể: Công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến, trừ trường hợp thuốc sản xuất hoặc nhập khẩu không vì mục đích thương mại được miễn công bố theo quy định của Chính phủ.

Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược

Dự Luật cũng kiến nghị về mức giá đã công bố, công bố lại trong quá trình thuốc lưu hành trên thị trường khi Bộ Y tế phát hiện các trường hợp sau: Giá thuốc đã công bố, công bố lại cao hơn mức giá cao nhất của mặt hàng thuốc tương tự đã công bố, công bố lại mà chưa có kiến nghị của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp cơ sở có báo cáo giải trình và có tài liệu chứng minh phù hợp về sự biến động của các yếu tố hình thành giá. Trường hợp thuốc công bố, công bố lại có hàm lượng hoặc nồng độ theo đơn vị liều khác với các thuốc tương tự thì sẽ thực hiện so sánh mức giá theo quy đổi tương đương; Mức chênh lệch của giá thuốc đã công bố, công bố lại so với giá trúng thầu của chính mặt hàng thuốc đó cao hơn mức chênh lệch tối đa do Chính phủ quy định, trừ trường hợp cơ sở sản xuất thuốc, cơ sở nhập khẩu thuốc có báo cáo giải trình và có tài liệu chứng minh sự phù hợp về sự biến động của các yếu tố hình thành giá; Thuốc đề nghị công bố, công bố lại chưa có mặt hàng thuốc tương tự lưu hành tại Việt Nam và có mức giá công bố, công bố lại cao hơn giá bán tại nước xuất xứ hoặc các nước khác, trừ trường hợp cơ sở có báo cáo giải trình và có tài liệu chứng minh phù hợp về sự biến động của các yếu tố hình thành giá.”

Như vậy, dự thảo Luật quán triệt nguyên tắc quản lý giá thuốc phải đảm bảo theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc theo quy định pháp luật; Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng và Nhà nước. Đồng thời, giữ nguyên quy định về "kê khai giá thuốc trước khi lưu hành," đổi thuật ngữ "kê khai giá" thành "công bố giá". Việc công bố giá dự kiến đối tượng là thuốc kê đơn, áp dụng với cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu; còn kê khai giá theo Luật Giá là thuốc thiết yếu, áp dụng với cơ sở bán buôn, bán lẻ. Cơ quan tiếp nhận công bố giá là Bộ Y tế, còn kê khai giá là Sở Y tế. Công khai giá dự kiến trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế sẽ làm căn cứ cho các cơ sở kinh doanh không được vượt quá giá mà cơ sở sản xuất, nhập khẩu công bố giá dự kiến.

Kiểm soát giá thuốc, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng

Đưa ra quan điểm về vấn đề giá thuốc tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Trần Thị Nhị Hà – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội chỉ rõ, tại Điều 2 của dự thảo có nêu khái niệm về giá bán buôn thuốc dự kiến. Điều này được hiểu là quy định giá bán buôn tối đa nhằm ngăn chặn hình thức mua bán lòng vòng để tăng giá thuốc. Tuy nhiên, nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới như ở Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan…thì chủ yếu mô hình quản lý giá thuốc là cơ quan quản lý nhà nước quy định trần giá thuốc.

Dự thảo hiện nay quy định mức giá bán buôn tối đa lại do cơ sở nhập khẩu thuốc, cơ sở sản xuất thuốc xác định, và các Doanh nghiệp kinh doanh thuốc khác phải thực hiện theo. Quy định này có thể dẫn đến nguy cơ độc quyền thuốc trên thị trường. Ví dụ như, trong trường hợp cơ sở nhập khẩu thuốc xác định mức giá bán buôn dự kiến rất thấp và thành lập chuỗi nhà thuốc để bán lẻ. Sau đó đẩy giá thuốc tăng lên ở hệ thống bán lẻ của mình, đây chính là kênh bán hàng trực tiếp cho người dân và người dân vẫn phải mua thuốc giá cao.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội 

Đại biểu phân tích, theo quy định tại Điều 107 đã nêu những biện pháp quản lý giá thuốc. Tuy nhiên, về quy trình khi tiếp nhận hồ sơ công bố giá bán buôn thuốc dự kiến, Bộ Y tế không thực hiện rà soát mà chỉ thực hiện kiến nghị về mức giá khi thuốc đã được lưu hành. Ngoài ra, Dự thảo quy định chỉ công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến với thuốc kê đơn, vậy câu hỏi đặt ra đối với thuốc không kê đơn của cơ sở nhập khẩu và cơ sở sản xuất thì quản lý giá thế nào? Khi quản lý về chuyên môn thì cần phân biệt các loại thuốc kê đơn và không kê đơn, tuy nhiên quản lý về giá thì cần phải quản lý tất cả các loại thuốc.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh “Tổ chức tiếp nhận hồ sơ kê khai giá thuốc của các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn theo quy định tại Luật Giá”. Như vậy, nếu không có tiêu chí để các địa phương có thể ban hành danh sách các cơ sở kinh doanh dược phải kê khai giá sẽ dẫn đến mỗi địa phương sẽ có cách tổ chức thực hiện khác nhau, và cùng một doanh nghiệp kinh doanh trên nhiều địa bàn thì việc thực hiện kê khai giá cũng sẽ khác nhau. Hơn nữa, với các tỉnh thành có quy mô lớn như Hà Nội (gần 10.000 cơ sở bán lẻ và 1500 cơ sở bán buôn), quy định này tạo thêm nhiều công việc cho chính quyền địa phương, tăng gánh nặng về thủ tục cho các  cơ sở kinh doanh dược khi thực hiện kê khai giá, trong khi đó thì ngay từ năm 2018 thủ tướng chính phủ đã ban hành Chỉ thị 23 về việc kết nối liên thông các cơ sở cung ứng thuốc và Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định 540 về chuẩn dữ liệu đầu ra phần mềm kết nối liên thông cơ sở bán lẻ thuốc trong đó có đầy đủ trường thông tin về giá thuốc để quản lý.

Từ những phân tích nêu trên, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề xuất Ban soạn thảo quy định tiêu chí đối với cơ sở dược phải kê khai giá thuốc để các địa phương tổ chức thực hiện. Trong trường hợp chưa nghiên cứu đánh giá tác động, đề xuất chưa thực hiện việc kê khai giá đối với cơ sở bán lẻ thuốc vì tất cả các cơ sở đều phải thực hiện niêm yết giá khi bán thuốc và phải thực hiện quy định liên thông dữ liệu trên hệ thống dược quốc gia.

Đại biểu Nguyễn Công Hoàng – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên

Nêu quan điểm về nội dung này, đại biểu Nguyễn Công Hoàng – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cũng phân tích, theo quy định của Luật Giá năm 2023 thì Bộ Y tế cần phải ban hành đặc điểm kinh tế - kỹ thuật đối với mặt hàng thuốc chữa bệnh phải kê khai giá. Tuy nhiên, thuốc chữa bệnh, hàng hóa đặc thù không có đặc tính kỹ thuật kinh tế như kích thước, màu sắc, chủng loại, v.v. giống như các hàng hóa tiêu dùng khác nên được ban hành đặc điểm kinh tế - kỹ thuật là không khả thi đối với một số loại mặt hàng dược đặc biệt. Vì vậy, cần rà soát và thiết kế kỹ lưỡng để đảm bảo tính thống nhất đối với các quy định có liên quan về giá, kiểm soát tốt giá thuốc.

Cũng quan tâm về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu băn khoăn về quy định tại điểm a, khoản 42, Điều 1 sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 107 về “Các biện pháp Quản lý giá thuốc”. Theo đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định rõ biện pháp kiểm soát giá thuốc, như thành lập các cơ chế kiểm soát giá độc lập nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng. Vì hiện nay, giá thuốc biến động và chênh lệch khá lớn giữa các cơ sở, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, đặc biệt là những người bệnh cần thuốc lâu dài.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan 

Giải trình, làm rõ một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm về giá thuốc, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, thuốc là mặt hàng đặc biệt nên việc quản lý với giá thuốc cũng là một việc rất quan trọng. Năm 2016, Luật Dược đã quy định các nội dung liên quan đến quản lý giá thuốc bán buôn và hiện nay chúng ta đang thực hiện Luật Giá năm 2023 với rất nhiều quy định mới về quản lý giá. Với tính chất là một mặt hàng đặc biệt, quy định về quản lý giá thuốc bán buôn đã được triển khai thực hiện từ năm 2016 đến nay rất hiệu quả; đồng thời các quy định của Luật Giá cũng đã quy định việc thực hiện các biện pháp kê khai giá bán buôn thuốc dự kiến.

Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, Cơ quan soạn thảo cũng đã tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, thiết kế dự thảo Luật một cách phù hợp, khả thi để có các biện pháp quản lý được giá thuốc, tránh tăng giá đột biến trên thị trường.

Hồ Hương

Các bài viết khác