Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang lấy ý kiến đóng góp dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

09/09/2024

Sáng 09/9, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé chủ trì cuộc họp lấy ý kiến đóng góp dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

KIÊN GIANG: CỬ TRI TP. RẠCH GIÁ KIẾN NGHỊ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ GIÁ CẢ THỊ TRƯỜNG

Thượng tá Phạm Mạnh Hùng - Trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh Kiên Giang) phát biểu tại cuộc họp.

Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có 9 chương với 61 điều, quy định về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, lực lượng, phương tiện, bảo đảm điều kiện hoạt động và quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Tại cuộc họp, có đại biểu đề nghị tại khoản 12, Điều 2 dự thảo luật, đề nghị xem xét, bổ sung như sau: “Lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở là lực lượng kiêm nhiệm do người đứng đầu cơ sở thành lập để thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại cơ sở”.

Tại khoản 20, Điều 2 dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nêu: “Cơ quan quản lý chuyên ngành là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về một lĩnh vực nhất định liên đến phòng cháy, chữa cháy gồm: cơ quan Công an, cơ quan chuyên môn về xây dựng và cơ quan đăng kiểm”.

Tuy nhiên, đại biểu dẫn chứng theo quy định tại Điều 103 Luật Lâm nghiệp năm 2017 thì kiểm lâm được quy định là lực lượng chuyên ngành về phòng cháy và chữa cháy rừng, do đó đề nghị dự thảo luật bổ sung: “Cơ quan quản lý chuyên ngành là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về một lĩnh vực nhất định liên quan đến phòng cháy, chữa cháy gồm: cơ quan Công an, cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan đăng kiểm và cơ quan Kiểm lâm” hoặc không liệt kê tên cơ quan để bao quát, đầy đủ hơn, cụ thể như sau: “Cơ quan quản lý chuyên ngành là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về một lĩnh vực nhất định liên quan đến phòng cháy, chữa cháy”.

Quang cảnh cuộc họp.

Có đại biểu đề nghị gộp chương III chữa cháy và chương IV phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thành một chương để dễ thực hiện. Đề nghị Điều 7, Điều 8 của dự thảo luật bổ sung trách nhiệm của Điện lực trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật phòng cháy, chữa cháy…

Tại cuộc họp, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé đánh giá cơ bản các đại biểu thống nhất dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các đại biểu đóng góp thêm một số nội dung về giải thích từ ngữ, bố cục dự thảo luật, một số vấn đề liên quan đến quy hoạch trong phòng cháy, chữa cháy; quy định trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân, chính quyền địa phương trong công tác phòng cháy, chữa cháy; đồng thời rà soát các luật liên quan để tránh các vấn đề mâu thuẫn khi luật ban hành và tạo điều kiện thuận lợi đầu tư cơ sở vật chất phòng cháy, chữa cháy…

(Theo báo Kiên Giang)

Các bài viết khác