Quy định chặt chẽ, hợp lý việc lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch đô thị và nông thôn

07/09/2024

Vai trò của người dân trong quá trình xây dựng, thực hiện quy hoạch là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm xoay quanh dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án Luật này tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 6, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng dự thảo cần có quy định chặt chẽ, hợp lý, khả thi về việc lấy ý kiến nhân dân đối với quy hoạch đô thị và nông thôn.

Tháo gỡ vướng mắc về kinh phí cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn

Đóng góp ý kiến về dự án luật Quy hoạch đô thị và nông thôn tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm đến việc lấy ý kiến người dân về quy hoạch. Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội nhấn mạnh, lấy ý kiến người dân và công khai thông tin là việc rất quan trọng trong công tác quy hoạch, bởi lập quy hoạch không chỉ là công cụ quản lý nhà nước mà còn là công cụ để thu hút đầu tư, người dân cần biết rõ thông tin để tích cực, chủ động tham gia thực hiện. Nếu quy hoạch không công khai thì người dân không biết, không thể thực hiện tốt, dẫn đến quy hoạch được lập lên cũng không ý nghĩa gì. Do vậy, đại biểu cho rằng, cần bổ sung thêm quy định về các hành vi bị cấm để cấm không công bố đầy đủ thông tin quy hoạch.

Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Theo đại biểu, hiện nay, việc tra cứu các thông tin quy hoạch còn rất khó khăn, vướng mắc, do đó, cần quy định chặt chẽ hơn nữa về việc công khai thông tin để cải thiện vấn đề này. Việc lấy ý kiến không phải chỉ được thực hiện bằng hình thức tổ chức hội nghị, hội thảo, mà cần đa dạng hóa phương thức công bố, công khai, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, đăng tải đồng loạt trên phương tiện truyền thông, các cổng thông tin của đơn vị hữu quan, việc công khai cũng cần có thời hạn cụ thể và đủ dài để người dân có cơ hội tiếp cận, tra cứu dễ dàng.

Cùng tham gia ý kiến về nội dung lấy ý kiến liên quan đến quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho biết, trong nội dung này đang sử dụng rất phổ biến cụm từ "cộng đồng dân cư có liên quan", trong khi phạm vi của "cộng đồng dân cư có liên quan" trong luật này còn chưa rõ ràng. Cụ thể, dự thảo Luật chưa làm rõ, đối với quy hoạch thành phố trực thuộc trung ương thì có lấy ý kiến toàn bộ dân cư sống tại thành phố đó không. Đại biểu cho rằng, nếu quy định lấy ý kiến dân cư của cả thành phố thì chưa phù hợp, vì dùng từ "cộng đồng dân cư" thường để chỉ một cụm dân cư có quy mô nhỏ, tập trung tại một khu vực, trong một lãnh thổ có tính chất quần cư cao. Do đó, cần phải bổ sung quy định giải thích về cộng đồng dân cư có liên quan để việc lấy ý kiến được đảm bảo thông suốt, tránh thực hiện bất nhất, thiếu đồng bộ giữa các địa phương.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh 

Nhấn mạnh việc lấy ý kiến dân cư là quan trọng và cần thiết để đảm bảo nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, cá nhân và các tổ chức khác, đại biểu cho rằng, nếu chỉ quy định chung về việc lấy ý kiến như một thủ tục phải làm trong việc quy hoạch thì việc lấy ý kiến sẽ trở nên hình thức, không đúng với tinh thần đóng góp ý kiến. Do đó, đại biểu cho rằng, cần phải nghiên cứu bổ sung quy định sao cho việc lấy ý kiến có ý nghĩa như một kênh thông tin phải xem xét trong hoạt động quy hoạch, phải có cơ chế để phản hồi việc tiếp thu hoặc không tiếp thu của cơ quan quy hoạch đối với các ý kiến góp ý của dân cư.

Về thời điểm lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, đại biểu cho biết, theo điểm c khoản 1 Điều 37 của dự thảo, việc lấy ý kiến của cộng đồng dân cư có liên quan về quy hoạch đô thị và nông thôn được thực hiện trước khi thẩm định quy hoạch đô thị và nông thôn. Theo quy trình quy hoạch trong dự thảo quy định có 5 giai đoạn: Một là lập quy hoạch, lập nhiệm vụ quy hoạch; hai là thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch; ba là lựa chọn tổ chức tư vấn quy hoạch đô thị và nông thôn; bốn là lập quy hoạch đô thị và nông thôn; năm là thẩm định và phê duyệt quy hoạch đô thị và nông thôn. Như vậy, việc lấy ý kiến sẽ được thực hiện trước khi thực hiện giai đoạn cuối cùng của quy trình quy hoạch.

Theo đại biểu, với thời điểm lấy ý kiến khá muộn như vậy thì việc lấy ý kiến có thể không hiệu quả và không đạt được yêu cầu hoặc bị hình thức hóa. Vì có thể xảy ra tình trạng có nhiều ý kiến không đồng ý với dự thảo quy hoạch đang chờ được thẩm định và phê duyệt, điều này sẽ là một trở ngại trong tiến trình quy hoạch dù vẫn sẽ làm bước tiếp theo hoặc xem xét, chỉnh sửa lại các bước đã làm trước đó. Do đó, cần phải bố trí lại quy trình lấy ý kiến, thời điểm lấy ý kiến của quy hoạch sao cho việc lấy ý kiến phải thực sự có ý nghĩa thực chất trong hoạt động quy hoạch, tránh để người dân cho rằng việc lấy ý kiến là hình thức và bản thân họ cũng sẽ thờ ơ với việc góp ý.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng, dự thảo luật cũng đã quy định cụ thể về trách nhiệm lấy ý kiến đối với quy hoạch đô thị và nông thôn tại Điều 36, các nội dung chính cần lấy ý kiến, thời gian lấy ý kiến tại Điều 37, đồng thời Điều 36 cũng quy định hình thức tiếp thu, giải trình khi tiếp nhận ý kiến. Tuy nhiên, cần xem xét, bổ sung, quy định để tăng cường vai trò của người dân trong quá trình thực hiện quy hoạch như yêu cầu của Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đại biểu viện dẫn, Điều 7 Luật Quy hoạch đã quy định thực hiện quy hoạch là một trong năm bước của trình tự hoạt động quy hoạch, đồng thời Nghị quyết số 06 cũng đã yêu cầu tăng cường sự tham gia của người dân trong hoạt động quy hoạch, tức là có cả vai trò của người dân trong quá trình thực hiện quy hoạch.

Trong khi đó, nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Mai Văn Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, việc lấy ý kiến nhân dân cần được sắp xếp hợp lý để đảm bảo không phát sinh thêm thủ tục hành chính, gây kéo dài thời gian, chậm tiến độ quy hoạch, lãng phí thời gian và bỏ lỡ cơ hội phát triển. Theo đại biểu, để rút ngắn thời gian quy hoạch, nâng cao chất lượng quy hoạch, đối với nhiệm vụ quy hoạch thì chỉ lấy ý kiến các cơ quan chức năng, các nhà khoa học là phù hợp. Một lần lập nhiệm vụ quy hoạch lại lấy ý kiến cộng đồng dân cư thì mất rất nhiều thời gian mà đôi khi chỉ mang nặng tính hình thức. Đại biểu nhấn mạnh, với quy hoạch chung, nhất thiết phải lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến, tuy nhiên, với nhiệm vụ quy hoạch thì không nên lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng dân cư.

Đại biểu Mai Văn Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa 

Ngoài ra, về vấn đề điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu cho rằng đây là một nội dung được luật hóa từ cơ chế đặc thù, giao trách nhiệm phân cấp cho Ủy ban nhân dân các tỉnh trong quản lý quy hoạch, tuy nhiên nếu theo dự thảo, việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch cũng phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư. Đại biểu cho rằng, khi điều chỉnh cục bộ quy hoạch, chỉ nên thông báo rộng rãi cho nhân dân biết, nếu điều chỉnh nhỏ lại phải tổ chức cộng đồng dân cư để xin ý kiến thì sẽ dẫn đến lãng phí thời gian và nặng tính hình thức, không đem lại hiệu quả thực chất trong thực hiện.

Hồ Hương

Các bài viết khác