Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược

29/08/2024

Thực hiện Chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, chiều 29/8, tại Nhà Quốc hội, các đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dược. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung thảo luận.

Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến dự án Luật Điện lực (sửa đổi)

Toàn cảnh Hội nghị

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã xem xét, thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược với 89 lượt ý kiến phát biểu tại tổ và hội trường, 5 đại biểu gửi ý kiến góp ý bằng văn bản. Ngay sau Kỳ họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Xã hội phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo và các cơ quan có liên quan tổ chức hội thảo, tiếp thu ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật. Đến thời điểm này, dự án Luật cơ bản đã nhận được sự đồng tình cao của các cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung thảo luận

Tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Sau phiên họp này, Thường trực Ủy ban Xã hội phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan đã tiếp thu, hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 3 điều, trong đó Điều 1 sửa đổi, bổ sung 49 điều, bãi bỏ 2 điểm, 1 khoản và 1 điều của luật hiện hành; Điều 2 sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Điều 3 về điều khoản thi hành. So với dự thảo luật trình Kỳ họp thứ 7, dự thảo luật lần này đã làm rõ và cụ thể hơn nhiều quy định.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho biết, về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử, tại khoản 1a Điều 42 dự thảo Luật sửa đổi có quy định “thuốc bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử phải thuộc danh mục thuốc không kê đơn, thuốc thuộc danh mục hạn chế bán lẻ, thuốc phải kiểm soát đặc biệt”.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Theo đại biểu, quy định như vậy là đúng nhưng chưa đủ. Thực tế, việc khám, chữa bệnh từ xa đang dần phát triển, việc kê đơn điện tử, làm bệnh án điện tử để đưa thuốc đến tận nhà cho người bệnh đang phổ biến, và trong tương lai sẽ còn phổ biến hơn nữa, đó chính là thương mại điện tử. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc có thêm quy định cho phép bán thuốc qua mạng cho những trường hợp thực hiện khám, chữa bệnh từ xa với hai điều kiện: Một là, thuốc phải do một nhà thuốc có uy tín, được cho phép mới cung cấp thuốc; Hai là, người giao hàng là người có đăng ký và do nhà thuốc đó có danh sách quản lý.

Quan tâm đến quy định về chuỗi nhà thuốc, đại biểu Trần Thị Nhị Hà – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho biết,  dự thảo luật đã đưa ra hai khái niệm mới là "cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc" và "nhà thuốc hoạt động trong chuỗi". Đây là một mô hình kinh doanh phù hợp với thực tiễn hiện nay và được áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi của các nhà thuốc, đại biểu cho rằng cần có quy định về hạn ngạch bán lẻ đối với chuỗi nhà thuốc. Điều này nhằm mục tiêu tạo điều kiện bình đẳng cho tất cả các nhà thuốc, dù là thành viên của chuỗi hay hoạt động độc lập.

Đại biểuTrần Thị Nhị Hà - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Dự thảo luật cũng định nghĩa "chuỗi nhà thuốc" là "hệ thống các nhà thuốc của cùng một cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc theo hệ thống quản lý chất lượng áp dụng thống nhất". Tuy nhiên, định nghĩa này còn chưa rõ ràng về việc cơ quan quản lý nhà nước có cần phải kiểm tra, giám sát và cấp phép cho hệ thống quản lý chất lượng này hay không.

Bên cạnh đó, việc xây dựng Luật Dược và sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế đang được tiến hành đồng thời. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc kỹ lưỡng các quy định liên quan đến thuốc thuộc danh mục Bảo hiểm y tế để đảm bảo sự thống nhất và phù hợp giữa hai luật này.

Phát biểu về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp dược, đại biểu Nguyễn Lâm Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đề nghị xem xét kỹ hơn điểm b khoản 1 Điều 8. Cụ thể, nội dung liên quan đến việc nuôi trồng dược liệu và nghiên cứu, phát triển nguồn gen dược liệu nên được tách thành hai nội dung riêng biệt.

Đại biểu Nguuyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên

Cụ thể, theo đại biểu, việc nghiên cứu, phát triển nguồn gen dược liệu là một hoạt động chuyên sâu, đòi hỏi đầu tư bài bản và dài hạn để bảo tồn, phát triển các nguồn gen quý hiếm, đặc hữu. Đây là một nhiệm vụ đặc thù, cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp. Trong khi đó, việc nuôi trồng dược liệu là một hoạt động sản xuất, nhằm cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp dược. Hoạt động này có thể được khuyến khích tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn để phát triển kinh tế địa phương và đảm bảo nguồn cung nguyên liệu ổn định.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị xem xét lại quy định về đối tượng vùng áp dụng chính sách ưu đãi. Việc tập trung vào các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể dẫn đến tình trạng thiếu đối tượng áp dụng trong tương lai. Thay vào đó, nên mở rộng đối tượng áp dụng sang các cụm miền núi, vùng biên giới, hải đảo để phù hợp với tinh thần Hiến pháp và tạo điều kiện phát triển đồng đều cho các vùng miền.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, đây là một luật khó, có tính chuyên ngành cao, tuy nhiên với tinh thần chủ động từ sớm, từ xa và phối hợp rất chặt chẽ giữa cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra, cho đến thời điểm này, nội dung của dự thảo Luật cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau Hội nghị này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ, thấu đáo các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại nghị chuyên trách hôm nay để hoàn chỉnh hồ sơ, lấy ý kiến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan có liên quan và gửi hồ sơ dự án luật lấy ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 8.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương tại hội nghị

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung thảo luận

Quang cảnh hội nghị

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tại hội nghị

Các đại biểu tham dự hội nghị

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh kết luận nội dung thảo luận./.

Hồ Hương - Phạm Thắng