GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC: ĐẢM BẢO CÓ TRỌNG TÂM, TRỌNG ĐIỂM, TRÁNH DÀN TRẢI

20/08/2024

Tiếp tục Phiên họp thứ 36, sáng 20/8, dưới sự điều hành của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”.

UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO KẾ HOẠCH VÀ ĐỀ CƯƠNG BÁO CÁO GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC

Tòan cảnh Phiên họp

Trước khi thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh – Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát trình bày một số nội dung của dự thảo Kế hoạch giám sát và các Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh – Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát trình bày một số nội dung của dự thảo Kế hoạch giám sát và các Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát

Phát biểu gợi ý thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, ngày 26/7/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1114/NQ-UBTVQH về chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2025. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ triển khai duy nhất một nội dung giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Đây là chuyên đề giám sát có phạm vi, nội dung rộng, khó thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, liên quan đến nhiều bộ, ngành; liên quan trực tiếp đến việc cụ thể hóa, thể chế hóa yêu cầu đột phá thứ ba trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận khác của Trung ương. Đoàn giám sát dự kiến thành lập 03 Tổ công tác làm việc trực tiếp với 10 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng trên phạm vi cả nước; dự kiến làm việc với 15 bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, một số cơ sở đào tạo, doanh nghiệp; tổ chức một số hội nghị, tọa đàm chuyên gia.

Đại biểu tham dự Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị đại biểu tập trung cho ý kiến về 03 nội dung: Kế hoạch giám sát chi tiết, trong đó tập trung làm rõ phạm vi giám sát, nội dung giám sát, đối tượng giám sát, phương thức hoạt động của Đoàn giám sát, các đối tượng chịu sự giám sát; Đề cương báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát, đề cương gửi Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan, địa phương; Phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng thành viên Đoàn giám sát.

Đánh giá đầy đủ, toàn diện về thực trạng nguồn nhân lực của đất nước

Góp ý hoàn thiện Kế hoạch và Đề cương báo cáo giám sát, các đại biểu cơ bản đồng tình và đánh giá cao sự tích cực, chủ động của Thường trực Đoàn giám sát trình tại Phiên họp; đồng thời đề nghị tiếp tục rà soát kế hoạch giám sát để đảm bảo tính thống nhất, khoa học.

Về đối tượng giám sát, có ý kiến đề nghị cần xác định rõ trọng tâm là Chính phủ và các bộ, ngành; bổ sung đối tượng giám sát là Ủy ban Dân tộc. Nội dung giám sát cần đánh giá làm rõ công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực nói chung và nhân lực chất lượng cao nói riêng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu

Góp ý về phương thức giám sát, có ý kiến đề nghị giao Trưởng Đoàn giám sát quyết định việc tổ chức các đoàn công tác giám sát trực tiếp hoặc tổ công tác làm việc trước với các cơ quan của các bộ, ngành và địa phương; Trưởng Đoàn giám sát quyết định mời hoặc thuê chuyên gia tham gia Đoàn giám sát. Bên cạnh đó, đại biểu đề xuất xây dựng một số nhóm đề cương cho từng vùng miền hay địa phương có đặc thù khác nhau; đồng thời, đề xuất mô hình, cách làm hay của địa phương trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân lực, nhân tài...

Phát biểu tại Phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội rất quan tâm tới việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu

Chủ tịch Quốc hội thống nhất với cách đặt vấn đề của Đoàn giám sát tập trung vào vấn đề đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực để đánh giá kết quả đạt được; chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, từ đó đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự nghiệp giáo dục, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và yêu cầu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

Cho ý kiến về Đề cương báo cáo kết quả giám sát, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu phân tích, dự báo sát nhu cầu đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực. Nghiên cứu kỹ phạm vi giám sát, nhất là các văn bản của Đảng, Nhà nước đã ban hành, nội dung nào đang thực hiện, nội dung nào chưa thực hiện, lý do vì sao chưa thực hiện?. Số liệu giám sát tương đối đầy đủ để có bức tranh toàn diện về thực trạng nguồn nhân lực của đất nước hiện nay; đánh giá rõ quy mô, chất lượng, cơ cấu nguồn nhân lực trong mối tương quan Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới; đồng thời nêu rõ kiến nghị, đề xuất theo đúng thẩm quyền, trách nhiệm.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, mỗi thành viên Đoàn giám sát phát huy trách nhiệm, có sản phẩm tham gia góp ý, đề xuất, nhất là quan điểm đối với kết luận giám sát. Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cùng tham gia đánh giá việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực theo lĩnh vực phụ trách....

Giám sát có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, đây là chuyên đề giám sát hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay, vừa có ý nghĩa thực tiễn, vừa có ý nghĩa chính trị sâu sắc, đóng góp vào việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết có liên quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết luận nội dung Phiên họp

Đặc biệt, chuyên đề giám sát tổ chức vào đúng thời điểm các cơ quan ở Trung ương và địa phương tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng. Chuyên đề này cũng có ý nghĩa thực tiễn, khi các địa phương tổng hợp và đánh giá và xác định nhiệm vụ, giải pháp phát triển và sử dụng nhân lực trong giai đoạn tiếp theo.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao vai trò của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, tích cực chuẩn bị tài liệu có liên quan; các tài liệu đã cơ bản được chuẩn bị hợp lý phù hợp, vừa có tính bao quát, toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Đoàn giám sát nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo kế hoạch, đề cương báo cáo, hồ sơ giám sát.

Về Kế hoạch giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị rà soát lại kỹ lưỡng nội dung giám sát về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao được quy định ở rất nhiều văn bản của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ngành có liên quan.

Đại biểu tham dự Phiên họp

Lưu ý phạm vi, nội dung giám sát rộng, nhiều nội dung chuyên sâu liên quan đến chức năng nhiệm vụ của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan Thường trực của Đoàn giám sát phải bảo đảm đúng mục đích, yêu cầu giám sát; Tiếp tục rà soát bảo đảm nội dung tiếp cận theo nhóm các vấn đề lớn có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải và hệ thống hóa được các tài liệu (từ chủ trương, đến các cơ chế chính sách có liên quan đến lĩnh vực này).

“Đây là chuyên đề khó, nội dung rộng, thời gian giám sát ngắn, công việc nhiều, Đoàn giám sát phải nỗ lực và có kiến nghị thật xác đáng, tạo ra những chuyển biến mới trong lĩnh vực này. Đề nghị Đoàn giám sát nghiên cứu kỹ lưỡng tiêu chí lựa chọn các địa phương, cơ quan, đơn vị nơi Đoàn đến làm việc, bảo đảm tính toàn diện, tính đại diện, tiết kiệm, khoa học, hiệu quả và không ảnh hưởng đến hoạt động của các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan nơi Đoàn đến giám sát”, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Lan Hương - Phạm Thắng

Các bài viết khác