RÕ TRÁCH NHIỆM, TĂNG CHẾ TÀI ĐỐI VỚI CÁC HÀNH VI VI PHẠM TRONG HOẠT ĐỘNG QUẢNG CÁO

15/08/2024

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo dự kiến trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (10/2024) tới đây. Góp ý vào dự án luật, một số ý kiến chuyên gia cho rằng, cần rõ trách nhiệm; tăng cường chế tài xử lý, mức phạt, mức bồi thường đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động quảng cáo.

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT QUẢNG CÁO: KHẮC PHỤC VƯỚNG MẮC, TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI CHO HOẠT ĐỘNG QUẢNG CÁO PHÁT TRIỂN

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG QUẢNG CÁO NGOÀI TRỜI

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo 

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, quảng cáo đang phát triển mạnh mẽ và ngày càng khẳng định được vị trí trong hoạt động của các doanh nghiệp trong cơ chế thị trường. Do vậy, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự phổ biến và thông dụng của các phương tiện quảng cáo, đặc biệt là mạng xã hội, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có ảnh hưởng để truyền tải các nội dung quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Bên cạnh sự phát triển của các phương tiện, nội dung quảng cáo cũng phong phú, đa dạng đặc biệt là hình thức quảng cáo thông qua những người có ảnh hưởng gây tác động lớn đến xã hội. Tuy nhiên, Luật Quảng Cáo năm 2012 không quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo mà chủ yếu tập trung vào trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, do đó, chưa có chế tài hoặc ràng buộc đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo trong trường hợp nội dung quảng cáo là không đúng sự thật…

Bên cạnh đó, hiện nay, hoạt động quảng cáo đang có sự chuyển dịch từ quảng cáo theo hình thức truyền thống sang hình thức quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới kéo theo sự khó khăn trong công tác quản lý nhà nước do việc ràng buộc trách nhiệm, phát hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên phương tiện này áp dụng với một loại chủ thể không giới hạn phạm vi lãnh thổ. Luật Quảng cáo năm 2012 cũng chưa có quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm của đối tượng tham gia, quy trình phát hiện và xử lý vi phạm mà nằm rải rác tại một số văn bản dưới Luật nên hiệu quả quản lý chưa cao.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, mạng xã hội và sự phát triển các công nghệ, kỹ thuật quảng cáo hiện đại, bên cạnh các hình thức quảng cáo trực tiếp/offline truyền thống, các hình thức quảng cáo online, livestream bán hàng trên các mạng xã hội ngày càng phát triển đa dạng. Vì vậy, nên chuẩn hóa, bổ sung các khái niệm để đảm bảo bao quát cả các hình thức quảng cáo truyền thống vừa phản ánh được sự phát triển các hình thức quảng cáo mới, qua các phương tiện điện tử, qua mạng Internet. Trong đó, cần chuẩn hóa khái niệm “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” và “sản phẩm quảng cáo”, Cụ thể:

Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo và cách truyền đạt sản phẩm quảng cáo có vai trò rất quan trọng trên nhiều khía cạnh như giới thiệu tính năng, tiện ích của sản phẩm, dịch vụ đến người tiêu dùng; quảng bá hình ảnh công ty, doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm đồng thời còn có vai trò quyết định/đóng góp lớn việc chốt đơn hàng, hợp đồng, từ đó tăng doanh thu, lợi nhuận cho tổ chức/doanh nghiệp, cá nhân quảng cáo đặc biệt trường hợp người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người nổi tiếng, nghệ sỹ, người thành công trong các lĩnh vực nghệ thuật, KHCN, truyền thông, người có ảnh hưởng... Do đó, nên chuẩn hóa khái niệm “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” và “sản phẩm quảng cáo” theo hướng vừa giữ đặc trưng của quảng cáo truyền thống theo Luật Quảng cáo 2012, vừa bổ sung các các đối tượng chuyển tải sản phẩm, hình thức quảng cáo mới.

Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, hiện tại việc xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo được thực hiện theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, tuy nhiên, đang căn cứ trên Luật quảng cáo 2012. Vì vậy, với việc sửa đổi Luật quảng cáo 2024, nên nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Nghị định 38/2021 về chế tài, mức phạt, mức bồi thường đối với các hành vi vi phạm sau: Vi phạm liên quan đến hoạt động quảng cáo qua mạng; Vi phạm đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng; Vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp của người quản lý hoạt động quảng cáo; Vi phạm tẩy xanh – greenwash  (lợi dụng các tiêu chuẩn xanh làm đẹp hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp/sản phẩm nhưng thực chất các hoạt động của doanh nghiệp/quá trình sản xuất sản phẩm lại không thực sự thân thiện thậm chí tiêu cực với môi trường….). Đồng thời, tăng chế tài đối với vi phạm qui định quảng cáo hàng hóa, sản phẩm – dịch vụ đặc biệt, vì nhóm này liên quan đến sức khỏe cộng đồng.

TS. Đậu Anh Tuấn, Phó Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam 

Đối với quảng cáo của người có ảnh hưởng, TS. Đậu Anh Tuấn, Phó Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, quản lý hoạt động quảng cáo thông qua người có ảnh hưởng là một trong những điểm mới quan trọng của lần sửa đổi này. Thực tế, tiếp thị sử dụng người có ảnh hưởng đang ngày càng phổ biến, có tác động lớn đến hành vi tiêu dùng, cụ thể tỷ lệ mua hàng của người tiêu dùng Việt là 79% sau khi được người có ảnh hưởng đề xuất.

Điều15a Dự thảo Luật dự kiến yêu cầu các cá nhân này chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp nội dung quảng cáo không bảo đảm các yêu cầu. Quy định về trách nhiệm của người có ảnh hưởng là rất cần thiết để đảm bảo môi trường quảng cáo lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực quy định này cũng cần rõ ràng về trách nhiệm của mỗi chủ thể trong hoạt động quảng cáo, để có cơ sở phân định về trách nhiệm của từng bên khi có vấn đề xảy ra.

Do đó, cần phải phân hóa trách nhiệm cụ thể giữa các chủ thể liên quan đến hoạt động quảng cáo, theo hướng: Các nhãn hàng sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm (bao gồm cả công dụng, tính năng sản phẩm) và chịu trách nhiệm về nội dung, thông tin, tài liệu cung cấp cho người có ảnh hưởng; người có ảnh hưởng có trách nhiệm phải đảm bảo sự phù hợp với các nội dung đã được doanh nghiệp cung cấp.

Ông Trần Hùng, Chủ tịch Hội đồng Chuyên môn của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam 

Liên quan tới các hành vi cấm quảng cáo, Chủ tịch Hội đồng Chuyên môn của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam Trần Hùng lưu ý, sửa đổi bổ sung khoản 16, Điều 8. Hành vi cấm quảng cáo thành “Treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông nơi công cộng trái với quy chế, quy hoạch quảng cáo của địa phơng ”. Bởi vì, nhiều tỉnh, thành  phố đã cho phép thực hiện  theo quy hoạch, đảm bảo an toàn, cảnh quan đô thị và thể hiện tính thống nhất trong toàn quốc.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng Chuyên môn của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cũng đề nghị cụ thể hóa trong Luật hoặc văn bản hướng dẫn các khái niệm, từ ngữ mang tính chất định tính, dễ gây ra cách hiểu khác hiểu.

Ngoài ra, các ý kiến cũng đề nghị, tăng chế tài đối với quảng cáo rác, quảng cáo ngoài trời một cách khá tràn lan như các quảng cáo về cho vay nặng lãi, cầm đồ, sửa chữa, đồ ăn uống….hiện nay. Đồng thời, lưu ý cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chế tài để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh quảng cáo./.

Lê Anh