TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ CỦA NGHỊ VIỆN TRONG GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ MA TÚY ĐỂ HIỆN THỰC HÓA MỘT ASEAN KHÔNG MA TÚY

14/08/2024

Hội nghị Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy (AIPACODD) lần thứ 7 với nội dung “Tăng cường vai trò của Nghị viện trong giải quyết vấn đề ma túy để hiện thực hóa một ASEAN không ma túy” được diễn ra tại tỉnh Luang Prabang của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào vào ngày 07-08/8/2024. Đoàn Quốc hội Việt Nam do đồng chí Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội làm trưởng đoàn tham dự Hội nghị.

ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VIỆT NAM DỰ CUỘC HỌP TƯ VẤN TRỰC TUYẾN LẦN THỨ NHẤT CỦA NHÓM NGHỊ SỸ TRẺ AIPA

Hội nghị AIPACODD-7 là hoạt động quan trọng trong năm Chủ tịch AIPA 2024 của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, thể hiện trách nhiệm của Quốc hội Lào trong hỗ trợ hiệu quả công tác phòng, chống ma túy ở cấp quốc gia và khu vực. Trong bài phát biểu khai mạc Phó Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào Khambay Damlat nhấn mạnh Đông Nam Á hiện nay là nơi sản xuất, chế biến, buôn bán và vận chuyển ma túy quy mô lớn, đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra bạo lực và tội phạm xuyên quốc gia, đe dọa sự ổn định của ASEAN và cản trở sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội của khu vực này. Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận sự hợp tác của các nước trong ASEAN và AIPA, đồng thời, kêu gọi tiếp tục hợp tác giữa các Nghị viện thành viên AIPA, các cơ quan chính phủ, các tổ chức quốc tế và các bên liên quan thực hiện các biện pháp quyết liệt chống buôn lậu, buôn bán và vận chuyển ma túy trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam Đỗ Thị Lan đánh giá cao công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị của nước chủ nhà và Ban Thư ký AIPA trong việc chọn chủ đề và nội dung của  Hội nghị. Trong bài phát biểu về nội dung báo cáo quốc gia, Đoàn Việt Nam đề cập đến tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy gia tăng và tiếp tục diễn biến phức tạp trong khu vực và trên thế giới, đặt ra nhiều thách thức đối với công tác phòng, chống ma túy đối với mỗi quốc gia. Trước tình hình đó, Quốc hội Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy. Chính phủ Việt Nam đã quan tâm chỉ đạo thực hiện tổng thể các biện pháp nhằm giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại. Đồng thời, Việt Nam đã chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động chung của khu vực và quốc tế về lĩnh vực phòng chống ma tuý, đặc biệt là hợp tác với các nước có chung đường biên giới.

Tại Hội nghị, Đoàn Việt Nam đã đề xuất một số giải pháp nhằm đạt được hiệu quả trong khuôn khổ hợp tác này như tăng cường kết nối giữa Hội nghị AIPACODD và các cơ chế hợp tác khu vực như Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về các vấn đề ma túy (AMMD) và Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN về các vấn đề ma túy (ASOD). Đồng thời, Việt Nam sẽ nỗ lực tăng cường ngăn chặn việc sản xuất và buôn bán ma túy, chủ động trao đổi kinh nghiệm lập pháp, giám sát và phối hợp với các nước trong khu vực thực hiện các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm xuyên quốc gia, chủ động hợp tác với các nước trong giải quyết các vấn đề cụ thể như kiểm soát tiền chất ma túy, tăng cường trao đổi thông tin về tình hình sản xuất, buôn bán, vận chuyển và tội phạm ma tuý, hỗ trợ dẫn độ tội phạm.    

 

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến tham gia của Đoàn Việt Nam đã được tiếp thu vào các dự thảo Nghị quyết, như: (i) Quan ngại về tình trạng ma túy được tẩm ướp vào thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử làm gia tăng người nghiện và sử dụng ma túy trái phép; tình trạng gia tăng sử dụng ma túy tổng hợp, đặc biệt trong độ tuổi thanh thiếu niên; tình trạng lợi dụng công nghệ cao, không gian mạng để quảng cáo, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy; (ii) Quan tâm quản lý, kiểm soát các chất ma túy, tiền chất và các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy để hạn chế tình trạng các đối tượng lợi dụng sử dụng bất hợp pháp tiền chất, chất ma túy.

Đối với đề xuất chuyển đổi Hội nghị AIPACODD thành Hội đồng tư vấn AIPA về tội phạm xuyên quốc gia (AIPA-ACT), Đoàn Việt Nam thấy rằng cần tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng về thẩm quyền, phạm vi, nguồn lực, nhân lực và cơ chế tổ chức thực hiện và đề nghị Ban Thư ký AIPA tiếp tục làm rõ thêm. Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Hội nghị đã nhất trí chuyển đề xuất này sang thảo luận tại Đại Hội đồng AIPA lần thứ 45.

Hội nghị kết thúc với việc các bên đồng thuận ký thông qua Nghị quyết của Hội nghị AIPACODD-7 và Malaysia tiếp nhận vai trò chủ trì khuôn khổ hợp tác này trong năm tiếp theo. Kết quả Hội nghị được tổng hợp trình Đại hội đồng AIPA 45, đóng góp vào thành công chung trong vai trò Chủ tịch AIPA 2024 và Chủ tịch ASEAN 2024 của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào./.

Quỳnh Hoa-Vụ Xã hội