ĐOÀN ĐBQH TỈNH TIỀN GIANG TIẾP XÚC CỬ TRI HUYỆN CAI LẬY, TÂN PHƯỚC VÀ GÒ CÔNG TÂY

12/07/2024

Chiều 11/7, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Danh cùng các ĐBQH tỉnh, gồm: Tạ Minh Tâm, Nguyễn Minh Sơn, Nguyễn Hoàng Mai, Nguyễn Thanh Cầm, Nguyễn Kim Tuyến, Nguyễn Thị Uyên Trang, Nguyễn Văn Dương đến tiếp xúc cử tri các huyện Cai Lậy, Tân Phước và Gò Công Tây, sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

TIỀN GIANG: CỬ TRI HUYỆN TÂN PHÚ ĐÔNG PHẢN ÁNH CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI

Tại buổi tiếp xúc, sau khi nghe ĐBQH tỉnh Tiền Giang thông tin đến cử tri kết quả nội dung chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, cử tri có nhiều ý kiến, kiến nghị các vấn đề chung của đất nước và các vấn đề bất cập tại địa phương gửi đến Đoàn ĐBQH tỉnh.

Cử tri quan tâm vấn đề cống ngăn mặn và tăng lương

Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri huyện Cai Lậy cho rằng, các cống ngăn mặn được nhà nước đầu tư thời gian qua đạt nhiều hiệu quả. Cử tri kiến nghị tiếp tục làm thêm nhiều cống ngăn mặn như: Trà Tân, Ba Rài,…và cần có kế hoạch khai thông tuyến kinh từ Cái Bè đến kinh Nguyễn Tấn Thành để lấy nước ngọt khi đóng cống ngăn mặn. Cử tri cũng rất vui mừng vì từ ngày 1/7/2024, người lao động sẽ được hưởng mức lương cơ sở mới. Tuy nhiên, việc tăng lương này lại kéo theo giá cả các mặt hàng, dịch vụ tăng theo, dân gặp nhiều khó khăn. Cử tri kiến nghị có giải pháp nào khắc phục vấn đề tăng lương kéo theo giá cả tăng.

Trước vấn đề trên, đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy cho biết, UBND huyện đã phối hợp các ngành liên quan thông qua 3 dự án về rạch Trà Tân, Ba Rài và Phú An. Ngoài ra, huyện cũng làm tờ trình gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang xem xét làm 5 đập lá sen. Tuy nhiên, qua xem xét lãnh đạo tỉnh cho ý kiến tạm thời chưa hỗ trợ được, bởi nguồn kinh phí ưu tiên hỗ trợ ngăn mặn ở Ba Rài và Phú An phòng ngừa nếu xảy ra hạn mặn trên địa bàn huyện năm 2025.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Trần Quốc Bình cảm ơn cử tri đã theo dõi và góp ý cho công tác quản lý, phòng, chống hạn mặn của địa phương. Thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đầu tư 6 cống ngăn mặn và huyện Cai Lậy cũng đầu từ 4 cống ngăn mặn hoàn thành trước khi mặn xảy ra, góp phần đảm bảo việc sản xuất nông nghiệp cho nhân dân. Tuy nhiên, khi các cống mới vận hành còn nhiều sơ sót, ngăn mặn nhưng còn trữ ngọt chưa kịp thời, đặc biệt nước ngọt sản xuất. Cụ thể, thời điểm xảy ra hạn, mặn năm 2024, khi cống Cái Sơn và cống Cây Còng chỉ đóng trong vài ngày người dân đã không còn nước tưới.

Trước vấn đề trên, huyện Cai Lậy triển khai khơi thông dòng chảy ở kinh nội đồng nhằm nỗ lực lấy nước từ thượng nguồn đảm bảo nước ngọt phục vụ cho người dân. Trong năm 2024 tiến hành hoàn thành cống Trà Tân và 2 tuyến đê song song đảm bảo xâm nhập mặn. Đặc biệt, trong thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với tỉnh Long An phối hợp nhịp nhàng hơn nữa đảm bảo không để xảy ra tình trạng nước mặn từ phía tỉnh Long An rò rỉ qua.

Cử tri huyện Cai Lậy phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc

Liên quan đến vấn đề tăng lương, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến cho biết, trước khi thực hiện lộ trình tăng lương, Chính phủ rất thận trọng thực hiện để có những từng giải pháp phù hợp nhất. Đồng thời, việc cải cách tiền lương sẽ dẫn đến lạm phát nên Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị quyết 93/NQ-CP ngày 18-6-2024 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Tại Nghị quyết trên, Chính phủ đặt mục tiêu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Chính phủ đưa ra giải pháp hết sức cụ thể, trong đó thực hiện đồng bộ như: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành để điều tiết tỷ giá, lãi suất, phù hợp bám sát với thị trường; Bộ tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương chú trọng dự báo để xây dựng kế hoạch trình trạng lạm phát, kiểm soát giá cả thị trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra không để tình trạng "thổi giá" nhằm góp phần ổn định thị trường trong những tháng cuối năm.

Cử tri quan tâm tiến độ dự án tuyến đường phát triển Đồng Tháp Mười

Tại buổi tiếp xúc, cử tri huyện Tân Phước có nhiều ý kiến phản ánh đến các ĐBQH tỉnh Tiền Giang liên quan đến vấn đề một số dự án trên địa bàn huyện Tân Phước đã nhiều năm nhưng không thực hiện, dư án treo kéo dài ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Cử tri cho biết gần đây nhất là dự án Tuyến đường phát triển Đồng Tháp Mười triển khai chậm, người dân không canh tác sản xuất được, nhà xuống cấp cũng không xây lại được, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Cử tri kiến nghị các ngành, các cấp cho biết tiến độ dự án này. Cử tri cũng phản ánh vấn đề cây khóm là cây chủ lực, nguồn thu nhập chính của nhiều nông dân huyện Tân Phước nhưng hiện nay đất đai đã suy thoái rất nặng, trồng khóm hiệu quả kinh tế thấp, cử tri đề nghị các ngành, các cấp cho biết có giải pháp nào giúp người dân Tân Phước phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Trả lời các ý kiến của cử tri về tiến độ thực hiện dự án, lãnh đạo UBND huyện Tân Phước cho biết, Dự án Đường phát triển Đồng Tháp Mười (gọi tắt là Dự án) là một trong những tuyến đường trọng điểm mà lãnh đạo tỉnh Tiền Giang rất quan tâm. Dự án điểm đầu kết nối trực tiếp với nút giao Thân Cửu Nghĩa thuộc Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (huyện Châu Thành) và điểm cuối đấu nối vào vòng xoay thị trấn Mỹ Phước (huyện Tân Phước). Vốn đầu tư cho tuyến đường này gần 1.000 tỷ đồng, bao gồm vốn giải phóng mặt bằng (nguồn vốn do trung ương hỗ trợ).

Tuy nhiên trên thực tế khi kê biên tính ra giá đền bù lên đến 728 tỷ đồng so với nguồn vốn dự kiến khoảng 230 tỷ đồng, như vậy nguồn vốn đầu tư công trình này lên đến trên 1.000 tỷ đồng. Khi nguồn vốn tăng cao thì công trình này phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Về vấn đề này khi làm việc với Thủ tướng Chính phủ vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh cũng đã có báo cáo cụ thể, hiện tỉnh đang trình trung ương bổ sung nguồn vốn cho dự án này. Vì vậy, tiến độ có chậm trễ mong bà con cử tri thông cảm và tiếp tục phối hợp tạo điều kiện thuận lợi để nhà nước thực hiện dự án này trong thời gian tới.

Cử tri huyện Tân Phước phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai cho biết, Luật Đất đai mới sẽ bắt đầu thực hiện vào ngày 1-8-2024. Theo đó, những vấn đề hạn chế, khó khăn liên quan đến đất đai, đến bù các dự án sẽ được tháo gỡ và sẽ được hướng dẫn cụ thể bằng các nghị định mới. Đại biểu mong cử tri theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các nghị định hướng dẫn Luật Đất đai để biết và thực hiện đúng luật cũng như đảm bảo các quyền lợi chính đáng của cử tri.

Liên quan đến vấn đề đất đai thoái hóa, cây khóm năng suất hiệu quả kinh tế không cao, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai cho rằng, chính quyền địa phương và người dân Tân Phước nên nghiên cứu chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh, áp dụng công nghệ sinh học, sử dụng phân vi sinh giúp cải thiện đất đai thổ nhưỡng để phát triển cây khóm Tân Phước trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai trả lời các ý kiến của cử tri

Ngoài ra, các vấn đề khám, chữa bệnh còn chờ đợi lâu, việc chỉnh trang đô thị Mỹ Phước đảm bảo mỹ quan đô thị, vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân… cũng được lãnh đạo thị trấn Mỹ Phước, lãnh đạo UBND huyện Tân Phước trả lời cụ thể cho cử tri tại buổi tiếp xúc.

Cử tri kiến nghị các vấn đề dân sinh

Tại buổi tiếp xúc, cử tri huyện Gò Công Tây kiến nghị, phản ánh nhiều vấn đề, như: Liên quan đến chế độ chính sách người có công, việc thường xuyên cải cách, thay đổi sách giáo khoa làm tốn kém chi phí trong việc mua sách mới. Cử tri kiến nghị nhà nước xem xét khẩn trương đầu tư xây dựng 3 cây cầu gồm: Cầu nối liền huyện Gò Công Tây vượt sông Cửa Tiểu sang huyện Tân Phú Đông, cầu qua phà Thanh Vĩnh Đông để nối liền giao thông đi từ huyện Gò Công Tây đến TP. Hồ Chí Minh và cầu qua phà Đồng Sơn vì đây đều là các tuyến đường quan trọng kết nối giao thông nhanh chóng mang đến tiện lợi cho người dân.

Cử tri huyện Gò Công Tây phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc.

Cử tri xã Bình Nhì còn ý kiến về việc khoán chỉ tiêu thu quỹ hỗ trợ nông dân về cho các xã tự thu với mức quy định như hiện nay là quá cao, không phù hợp, về chế độ đối với cán bộ làm công tác Đảng tại xã. Ngoài ra, cử tri còn có ý kiến đề nghị cần sớm có sự quan tâm đầu tư hệ thống nước sinh hoạt cho người dân các xã vùng sâu để tránh tình trạng thiếu nước vào mùa nắng nóng…

Đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, các phòng, ban, ngành huyện và chính quyền địa phương đã giải đáp, làm rõ toàn bộ các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền tại buổi tiếp xúc.

Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Huỳnh Thanh Bình phát biểu tại buổi tiếp xúc.

Đồng thời, đồng chí Huỳnh Thanh Bình, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây cũng đã thông tin thêm đến cử tri về tình hình phát triển kinh tế, xã hội của huyện trong 6 tháng đầu năm 2024. Những kết quả phấn khởi trên các lĩnh vực huyện đã đạt được như thu ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục đều đạt và vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra; đồng thời, qua đó cũng khái quát phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới để người dân nắm rõ và chung sức đồng lòng tham gia tích cực giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn trả lời ý kiến cử tri tại buổi tiếp xúc.

Tại buổi tiếp xúc, đại biểu Nguyễn Minh Sơn, ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Gò Công Tây; đồng thời trao đổi, làm rõ thêm một số vấn đề cử tri phản ánh. Trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị của cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang sẽ tổng hợp đầy đủ, trình Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng trung ương, tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri.

(Theo Báo Ấp Bắc)

Các bài viết khác