NHỮNG CHÍNH SÁCH VỀ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ CẦN CÓ CƠ SỞ THỰC TIỄN, BẢO ĐẢM SỰ ĐỒNG BỘ TRONG HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU VÀ ĐẦU TƯ
LẤY Ý KIẾN DOANH NGHIỆP, TẬP ĐOÀN KINH TẾ VỀ ĐỊNH HƯỚNG CHÍNH SÁCH LỚN TRONG SỬA ĐỔI LUẬT KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Luật KH&CN năm 2013 được ban hành trong bối cảnh đất nước ta mới trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chưa lâu. Các chủ thể tham gia hoạt động KH&CN chủ yếu đến từ khu vực viện nghiên cứu, trường đại học công lập. Hoạt động đổi mới, ứng dụng công nghệ, thương mại hóa sản phẩm KH&CN, nhất là trong các đơn vị sản xuất, kinh doanh tuy đã được quan tâm nhưng chưa trở thành xu thế phổ biến. Vấn đề liên quan tới doanh nghiệp - chủ thể quan trọng nhất trong hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng, thương mại hóa kết quả KH&CN để tạo ra sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mới, tạo ra giá trị gia tăng và của cải, vật chất cho xã hội dù đã được đề cập trong Luật nhưng mới chỉ dừng ở nguyên tắc chung.
Các doanh nghiệp KHCN quan tâm đến việc được tạo điều kiện thuận lợi trong nghiên cứu, sáng tạo và phát triển KHCN bằng một số chính sách (ảnh minh họa: Internet)
Sau 10 năm triển khai, bối cảnh trong nước và quốc tế đã có nhiều thay đổi, tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Luật được ban hành từ năm 2013 nên không thể tránh khỏi việc chưa cập nhật được những vấn đề mới khi KH&CN trong nước và thế giới phát triển quá nhanh, nhất là trong khoảng 5 năm gần đây.
Nhằm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian tới, Bộ KH&CN đang nghiên cứu, sửa đổi toàn diện Luật KH&CN. Một trong những nội dung đáng chú ý của việc sửa đổi Luật KH&CN lần này là tạo điều kiện thuận lợi về nguồn nhân lực và tài chính cho các doanh nghiệp khoa học, công nghệ phát triển.
Nêu quan điểm về tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển KHCN, ông Trần Thế Trung – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu AI-FPT Smart Cloud đề xuất nên có ưu đãi cho phát triển KHCN như ưu đãi về giảm thuế cho các doanh nghiệp công nghệ. Trong hoạt động phát triển KHCN, nên có khoản tài trợ cho KHCN và đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, đề tài nghiên cứu KHCN do Nhà nước đặt hàng, ưu tiên đầu tư thì nên cho công khai minh bạch về dữ liệu để người dân truy cập, theo dõi và sử dụng tự do. Coi sản phẩm công nghệ là sản phẩm công ích, sở hữu toàn dân.
Ông Trần Thế Trung – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu AI-FPT Smart Cloud đóng góp ý kiến
Đồng thuận với quan điểm trên, ông Trần Quốc Hưng – Phó Trưởng Ban Công nghệ, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam: Các sản phẩm công nghệ của Việt Nam phải đáp ứng được yêu cầu ở trong nước và có sức cạnh tranh với các sản phẩm công nghệ của nhiều nước khác. Theo đó, các doanh nghiệp công nghệ cần được quan tâm hơn về cơ sở vật chất, hạ tầng để sáng tạo, phát triển sản phẩm KHCN.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai các nhiệm vụ KHCN, ông Trần Quốc Hưng đề xuất, trong việc sửa đổi Luật KH&CN lần này, Ban soạn thảo dự án Luật nên nghiên cứu có sự phân cấp cho các doanh nghiệp trong thực hiện các nhiệm vụ chi, sử dụng Quỹ Phát triển KH&CN một cách chủ động, linh hoạt hơn.
Ông Bùi Văn Minh, Phó Trưởng ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Tập đoàn Điện lực Việt Nam
Liên quan đến nội dung trên, ông Bùi Văn Minh, Phó Trưởng ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật KH&CN (sửa đổi) nghiên cứu cho nghiệm thu theo nhiều bước trong nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, có chế độ ưu đãi đối với các nghiên cứu viên khoa học. Đặc biệt chú trọng đến công tác đối mới sáng kiến, sáng tạo KH&CN trong doanh nghiệp Nhà nước.
Trên cơ sở lắng nghe những ý kiến của các doanh nghiệp KHCN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cho biết, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp, đề xuất và có báo cáo với lãnh đạo Ủy ban, lãnh đạo Quốc hội để có cơ sở khoa học, luận cứ chính xác cho việc sửa đổi Luật KH&CN năm 2013.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn
Theo Kế hoạch số 81/KH- UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc sửa đổi Luật KH&CN sẽ được thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Theo đó, dự án Luật này dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025)./.