TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 27/6: QUỐC HỘI THẢO LUẬN Ở HỘI TRƯỜNG VỀ DỰ ÁN LUẬT PHÒNG KHÔNG NHÂN DÂN
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
Trước đó, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Biểu quyết thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Tiếp đó, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Bộ trưởng Bộ Công an giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
14h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp
Điều hành nội dung biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Phiên họp được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam để cử tri và Nhân dân theo dõi.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản
Mở đầu phiên họp, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
14h01: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản
Trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý và giải trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, ngày 26/06/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có Báo cáo số 896/BC-UBTVQH15 về việc tiếp thu, chỉnh lý và giải trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản gửi đến các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Theo đó, về tài sản đấu giá (Điều 4), có ý kiến đề nghị đấu giá biển số xe phải thực hiện theo quy trình, thủ tục đấu giá tài sản của Luật Đấu giá tài sản; đề nghị bổ sung quy định đấu giá tín chỉ các - bon. UBTVQH xin báo cáo như sau: đối với đấu giá biển số xe, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 3 của Luật hiện hành theo hướng “việc đấu giá biển số xe được thực hiện theo quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ”, nhằm bảo đảm phù hợp với tính chất đặc thù của việc đấu giá biển số xe cũng như sự thống nhất với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Đối với đấu giá tín chỉ các - bon, tại điểm p khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật đã có quy định chung mang tính khái quát đối với tài sản khác mà pháp luật chuyên ngành quy định phải đấu giá để bảo đảm tính bao quát, đầy đủ và dự liệu trước các tài sản có thể phát sinh trong tương lai, trong đó có tín chỉ các - bon. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá khi tổng kết việc thực hiện thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các - bon để có cơ sở đưa loại tài sản này ra đấu giá theo trình tự, thủ tục của Luật Đấu giá tài sản.
Về hành vi bị nghiêm cấm (Điều 9), UBTVQH xin tiếp thu và chuyển quy định tại Điều 39 về tổ chức hành nghề đấu giá tài sản không được sử dụng tiền đặt trước của người tham gia đấu giá vào bất kỳ mục đích nào khác vào điểm d2 khoản 2 Điều 9 như tại dự thảo Luật.
Có ý kiến đề nghị đánh giá kỹ lưỡng việc bỏ quy định tại Điều 12 của Luật hiện hành; nghiên cứu giảm thời gian đào tạo nghề đấu giá đối với các đối tượng được miễn tại Điều 12 của Luật hiện hành và bổ sung các đối tượng khác có liên quan. UBTVQH xin báo cáo: tại Báo cáo số 842/BC-UBTVQH15 và hồ sơ Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 đã có giải trình và đánh giá về việc bỏ quy định tại Điều 12 về miễn đào tạo nghề đấu giá đối với một số đối tượng như: luật sư, công chứng viên, thừa phát lại, quản tài viên, trọng tài viên, thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên.
Ngoài ra, trong thực tế thời gian đào tạo 03 tháng là không đủ để trang bị các kiến thức, kỹ năng hành nghề cho đấu giá viên. Tuy nhiên, trong thời gian tới khi đánh giá, tổng kết sửa đổi toàn diện Luật Đấu giá tài sản, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu việc giảm thời gian đào tạo nghề đối với các đối tượng được miễn đào tạo tại Điều 12 của Luật hiện hành và các đối tượng khác có liên quan (nếu có), bảo đảm phù hợp và khả thi.
Tiếp thu ý kiến đại biểu về tổ chức hành nghề đấu giá tài sản (Điều 24), UBTVQH chỉnh lý rõ hơn quy định tại điểm a1 khoản 1 Điều 24 theo hướng đối với tài sản thuộc sở hữu cá nhân thì các bên có quyền lựa chọn hoặc thỏa thuận áp dụng hay không áp dụng một, một số hoặc toàn bộ quy định về trình tự, thủ tục đấu giá của Luật Đấu giá tài sản.
Về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước (Điều 39), có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định tiền đặt trước khi đấu giá quyền sử dụng đất tại điểm b khoản 1a Điều 39 để phù hợp với quy định tại điểm c khoản 3 Điều 1 của Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 03/4/2023 của Chính phủ. UBTVQH xin báo cáo làm rõ thêm, việc quy định cứng mức tiền đặt trước 20% như quy định tại Nghị định số 10/2023/NĐ-CP hiện nay đang bộc lộ hạn chế, vướng mắc. Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 7 Điều 125 của Luật Đất đai năm 2024, trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản. Vì vậy, quy định về tiền đặt trước thuộc trình tự, thủ tục đấu giá nên phải tuân thủ theo quy định của Luật Đấu giá tài sản.
Về quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá (Điều 47), UBTVQH xin báo cáo: Luật Đấu giá tài sản chỉ quy định trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, còn việc đưa tài sản ra đấu giá theo lô hay từng tài sản độc lập là do người có tài sản đấu giá quyết định theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Đồng thời, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, để tăng cường tính rõ ràng, minh bạch, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm a khoản 2 Điều 34 về một trong những nội dung chính của Quy chế cuộc đấu giá bao gồm: “Tên tài sản hoặc danh mục tài sản, lô tài sản hoặc tài sản độc lập, số lượng, chất lượng của tài sản đấu giá; nơi có tài sản đấu giá; giấy tờ về quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản đấu giá;”.
Theo đó, đối với từng cuộc đấu giá, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản sẽ ban hành Quy chế cuộc đấu giá trước ngày niêm yết việc đấu giá tài sản, trong đó phải xác định rõ việc đấu giá tài sản theo lô hay tách tài sản độc lập; đồng thời, phải thông báo công khai Quy chế cuộc đấu giá trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, bảo đảm rõ ràng, minh bạch để mọi đối tượng có thể tiếp cận thông tin về cuộc đấu giá, từ đó quyết định đăng ký tham gia cuộc đấu giá hay không.
Đối với quy định về xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá (Điều 70), UBTVQH xin báo cáo làm rõ thêm, dự thảo Luật chỉ quy định chế tài xử lý đối với trường hợp người trúng đấu giá quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá vì đây là 02 loại tài sản đặc thù, có giá trị lớn, ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản, chứng khoán, giá cả vật liệu xây dựng… Do đó, việc bổ sung quy định cấm người trúng đấu giá đối với những tài sản này tham gia đấu giá trong thời hạn nhất định tùy theo tính chất, mức độ vi phạm nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực, gây lũng đoạn thị trường, ngăn chặn tình trạng bỏ cọc hoặc thổi phồng giá trị tài sản để trục lợi trong đấu giá tài sản.
Đề xuất của ĐBQH về việc “người trúng đấu giá phải thanh toán khoản tiền chênh lệch giữa kết quả đấu giá và tiền trúng đấu giá theo kết quả đấu giá được tổ chức lại liền kề sau đó, nếu tiền trúng đấu giá theo kết quả đấu giá lại thấp hơn” là xác đáng. Tuy nhiên, việc bảo đảm tính khả thi khi áp dụng cần phải được nghiên cứu, đánh giá. Do đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để có cơ sở tiếp thu khi sửa đổi toàn diện Luật Đấu giá tài sản.
14h14: Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản bằng hình thức biểu quyết điện tử. Kết quả biểu quyết cho thấy, có 463 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 95,27%). Như vậy, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
14h16: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp
Điều hành nội dung thứ 2 của phiên họp chiều nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Tiếp đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
14h17: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh (CNQP, AN) và động viên công nghiệp sau khi tiếp thu, chỉnh lý có 7 chương, 86 điều; so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý không thay đổi về số chương, tăng 01 điều (bổ sung Điều 28 quy định về phát triển công nghệ lưỡng dụng và Điều 71 quy định về đào tạo, nghiên cứu khoa học và trao đổi chuyên gia phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh; bỏ Điều 80 quy định về trách nhiệm của Tòa án nhân dân).
Về hoạt động quản lý nguồn lực tài chính cho công nghiệp quốc phòng, an ninh (Điều 21), tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Quốc hội cho bỏ cụm từ “của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an” tại khoản 1 và bỏ từ “Hoạt động” tại tên Điều như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.
Tại khoản 2, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về cơ chế tăng vốn điều lệ trực tiếp từ nguồn trích lại lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng , doanh nghiệp công nghiệp an ninh hoặc các nguồn huy động hợp pháp khác để giảm áp lực cho ngân sách nhà nước hoặc nghiên cứu bổ sung quy định tăng vốn điều lệ từ Quỹ CNQP, AN.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, để bảo đảm tính trọng tâm, khả thi của việc trích lợi nhuận sau thuế, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.
Chủ tịch nước Tô Lâm tại phiên thảo luận
Ngoài ra tại khoản 4, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý lại khoản này như khoản 4 Điều 21 dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua. Với quy định như trên, cùng với việc giao Chính phủ quy định chi tiết tại khoản 6 Điều này, việc trích lợi nhuận sau thuế sẽ được quy định cụ thể, có thứ tự ưu tiên, bảo đảm chặt chẽ, khả thi…
Về Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh (Điều 22), UBTVQH đề nghị Quốc hội cho bổ sung 1 điểm (điểm a) về nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; chỉnh lý điểm b thành điểm c quy định “Trích lập từ lợi nhuận sau thuế theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 21 của Luật này”; đồng thời, sắp xếp lại các điểm của khoản này cho phù hợp như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.
Về ý kiến đề nghị bổ sung việc Chính phủ quy định việc phân bổ Quỹ CNQP, AN; định kỳ hằng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả hoạt động và việc quản lý sử dụng Quỹ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho bổ sung từ “phân bổ” trước từ “quản lý” tại khoản 4.
Về Tổ hợp công nghiệp quốc phòng (Mục 7 Chương II), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, tại Điều 43, qua rà soát, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý điểm c khoản 1 thành khoản 2 quy định: “Thành phần khác tham gia tổ hợp CNQP thông qua việc liên doanh, liên kết, ký hợp đồng với cơ sở CNQP nòng cốt là hạt nhân tổ hợp CNQP để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, cung cấp dịch vụ của tổ hợp CNQP”; khoản 2 thành khoản 3 quy định: “Thành phần khác của tổ hợp công nghiệp quốc phòng có quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 31 của Luật này”; đồng thời, sắp xếp lại các khoản như Điều 44 dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua…
Về động viên công nghiệp (Chương III), qua rà soát, UBTVQH đã bỏ khoản 1 Điều 51 (Điều 52 dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua); giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn trích và sử dụng tiền khấu hao bồi thường tổn thất, quản lý, sử dụng, thu hồi đối với trang thiết bị chuyên dùng và tài liệu công nghệ giao cho cơ sở công nghiệp động viên tại khoản 3 (Điều 52 dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua); quy định cụ thể việc quản lý sản phẩm ĐVCN, trang thiết bị chuyên dùng, tài liệu công nghệ do Bộ Quốc phòng giao tại khoản 4 Điều 53 (Điều 54 dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua); bổ sung 01 khoản (khoản 10) quy định về phục hồi sản xuất của doanh nghiệp sau khi hoàn thành nhiệm vụ ĐVCN, chuyển khoản 2 lên thành khoản 4 Điều 57 (dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua) và sắp xếp lại các khoản tại Điều 58 (Điều 59 dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua); quy định Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm dự trữ vật tư kỹ thuật phục vụ sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật tại khoản 2 Điều 59 (Điều 60 dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua). Đồng thời, chỉnh lý, sắp xếp các điều khác trong Chương này bảo đảm thống nhất, chặt chẽ, khả thi...
14h32: Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 464/464 tổng số đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành (chiếm 95,47%). Như vậy, với tỉ lệ tán thành rất cao, Quốc hội đã thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
14h34: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, ngày 19/6/2024, Quốc hội đã thảo luận tại phiên họp Tổ về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đã có 107 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, ngoài những vấn đề đại biểu quan tâm, đề nghị các ĐBQH tập trung thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung: Tên gọi và phạm vi điều chỉnh của Luật; các quy định tại dự thảo Luật đã phù hợp với pháp luật chuyên ngành, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật? Nguyên tắc phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; Trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; Nguồn tài chính và bảo đảm điều kiện cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; cũng như tính thống nhất và tính khả thi của các điều khoản Luật…
Mở đầu phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội mời đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận.
14h38: Đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Bổ sung, làm rõ một số nội dung của Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Đại biểu Dương Tấn Quân bày tỏ sự thống nhất cao với việc ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Để hoàn thiện hơn dự thảo Luật, đại biểu Dương Tấn Quân tham gia góp ý một số nội dung như sau:
Thứ nhất, liên quan đến các điều luật quy định về lực lượng dân phòng tại Điều 3, Điều 28, Điều 40, Điều 41, Điều 42, Điều 50 của dự thảo Luật. Đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, rà soát lại tại các điều luật này và thay thế cụm từ “lực lượng dân phòng” thành “lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự” và thay cụm từ “đội trưởng đội dân phòng” thành “tổ trưởng tổ bảo vệ an ninh, trật tự”.
Thứ hai, về nguyên tắc phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ quy định tại Điều 5, đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị cần cân nhắc bổ sung thêm nguyên tắc thứ 6: Ứng dụng công nghệ thông tin trong chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ để phù hợp với việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng cháy, chữa cháy.
Thứ ba, về trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến giáo dục, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ quy định tại Điều 7, đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung cơ quan quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Cuối cùng, về trách nhiệm cứu nạn, cứu hộ quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 38 dự thảo Luật, đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị Ban soạn thảo cần quy định cụ thể cơ quan, đơn vị hoặc người có thẩm quyền tiếp nhận thông tin báo sự cố, ghi nhận tin báo trực tiếp là ai?
14h43: Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định: Cần quy định các nội dung về: phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn, cứu nạn, cứu hộ
Cho ý kiến vào dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho biết, trong giải thích từ ngữ có quy định về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, thoát nạn nhưng phần lớn các nạn nhân tử vong do không biết cách thoát nạn khi các lực lượng cứu nạn chưa đến kịp để tổ chức thoát nạn.
Vì vậy, đại biểu cho rằng, thoát nạn là việc cá nhân, nhóm người phải tự mình di chuyển để thoát khỏi khu vực đang xảy ra sự cố cháy nổ, sự cố gây nguy hiểm theo lối thoát nạn, đường thoát nạn có sẵn. Như vậy, thoát nạn không nằm trong khái niệm phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn hay cứu hộ. Do đó, luật nên chia ra 5 phần chính gồm: phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn, cứu nạn, cứu hộ. Luật sẽ bổ sung giải thích từ ngữ về thoát nạn và tên luật có thể được điều chỉnh thành Luật Phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn, cứu nạn, cứu hộ.
Luật cũng cần có một chương riêng quy định về thoát nạn; chương này sẽ quy định trách nhiệm hướng dẫn người dân, học sinh, sinh viên, trẻ em quy trình thao tác thoát nạn ở các không gian vị trí, hoàn cảnh khác nhau để nâng cao hiệu quả thoát nạn.
Về trách nhiệm chữa cháy quy định tại Điều 24, đại biểu cho biết điểm c khoản 1 điều này quy định: cơ quan y tế, điện lực, cấp nước, môi trường, đô thị, giao thông và cơ quan chức năng có liên quan khi nhận được yêu cầu của người chỉ huy chữa cháy phải nhanh chóng điều động người và phương tiện đến nơi sẽ cháy để phục vụ chữa cháy. Đại biểu cho rằng, ở nhiều nước khi có tình huống khẩn cấp, có cháy nổ, họ điều động cùng một lúc ba lực lượng cảnh sát, chữa cháy, y tế. Đối với Việt Nam, chưa đủ điều kiện để huy động cả ba lực lượng trong tất cả các trường hợp cháy nổ. Tuy nhiên, chúng ta luôn có lực lượng y tế cơ sở; đối với các trường hợp cháy nổ thường có liên quan đến hô hấp và bỏng da. Nếu lực lượng y tế có mặt sớm sẽ giúp ích cho nhiều nạn nhân sơ cứu ban đầu tốt hơn. Vì vậy, đại biểu đề nghị Điều 24 quy định khi phát hiện cháy thì đơn vị y tế cơ sở nhanh chóng điều động người đến nơi sẽ cháy để phục vụ cấp cứu người bị nạn...
14h49: Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Làm rõ cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Đại biểu Trần Văn Tiến bày tỏ đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt về nội dung cứu nạn, cứu hộ; luật hóa những quy định trong các văn bản dưới luật về cứu nạn, cứu hộ và thực hiện xã hội hóa trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đồng thời khắc phục những hạn chế bất cập trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong thời gian qua.
Về phạm vi điều chỉnh tại Điều 1, đại biểu bày tỏ cơ bản đồng tình, tuy nhiên đề nghị Cơ quan soạn thảo cần bổ sung nội dung: “Quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ”. Cụ thể như sau: Luật này quy định về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; xây dựng, bố trí lực lượng, phương tiện, nhiệm vụ, điều kiện cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Về trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến tại Điều 7, đại biểu cho biết, tại khoản 4 quy định: Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đại biểu đề nghị, cần làm rõ cơ quan, tổ chức nào có trách nhiệm tổ chức huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ?
14h54: Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh: Rà soát phạm vi điều chỉnh của dự án Luật
Cơ bản thống nhất với Hồ sơ trình dự án Luật, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh góp ý về phạm vi điều chỉnh của Luật, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc, làm rõ sự giao thoa về phạm vi điều chỉnh của Luật này với một số luật khác có liên quan.
“Ví dụ như cùng giải thích từ ngữ về “sự cố” tại Điều 3, khoản 4 dự thảo Luật quy định, sự cố tai nạn là sự việc do khách quan hoặc chủ quan gây ra thiệt hại hoặc đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong khi đó tại khoản 2 Điều 2 của Luật Phòng thủ dân sự giải thích, sự cố là tình huống bất thường do thiên tai, dịch bệnh, con người, hậu quả chiến tranh gây ra hoặc đe dọa, gây ra thiệt hại về người, tài sản và môi trường”, đại biểu nêu dẫn chứng.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho biết, phiên thảo luận tại Tổ có nhiều ĐBQH góp ý về nội dung này, đồng thời trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng có đề cập đến nội dung này. Đại biểu cho rằng, dự thảo hiện nay chưa thể hiện rõ sự khác nhau về đối tượng, phạm vi, tính chất, mức độ giữa Luật Phòng thủ dân sự và các luật khác cũng như dự thảo Luật này.
Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, làm rõ.
Về việc huy động lực lượng, phương tiện, tài sản tham gia phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại Điều 35 và Điều 36, đại biểu cho rằng, đây là nội dung liên quan đến quyền tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân nhưng quy định trong dự thảo Luật còn chung chung. Do đó, để có cơ sở triển khai quy định này và tránh phát sinh vướng mắc trong thực tiễn, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định về cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm việc bồi thường là cơ quan phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ hay là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, UBND cấp huyện, nơi xảy ra cháy, sự cố, tai nạn hay là cơ quan chuyên môn nào khác?
Đồng thời bổ sung quy định về quy trình, thủ tục thực hiện việc bồi thường; bổ sung quy định về nguyên tắc và phương án, xác định giá trị đối với các phương tiện giá trị bị tổn hao, nhà và công trình bị phá dỡ…; bổ sung quy định về nguồn kinh phí thực hiện việc bồi thường.
14h58: Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Rà soát những nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết
Thảo luận tại Hội trường, đại biểu Phạm Văn Hòa cơ bản tán thành với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về sự cần thiết ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, có những quy định đủ mạnh để phòng ngừa, răn đe, tuyên truyền nhận thức về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Đại biểu nhấn mạnh, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là trách nhiệm của toàn dân, của cả hệ thống chính trị và trách nhiệm quản lý của nhà nước và cơ quan chuyên trách. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu những nội dung nào đã rõ, đã chín thì đề nghị quy định trực tiếp vào luật; hạn chế giao Chính phủ và Bộ Công an hướng dẫn quy định chi tiết để đảm bảo khách quan, rõ ràng. Đại biểu đưa dẫn chứng, tại Chương 7 có 9 điều thì có đến 8 điều giao Chính phủ quy định chi tiết; 25 điều/63 điều giao Chính phủ và Bộ Công an quy định là tương đối nhiều.
Về chính sách của nhà nước nước tại Điều 4, đại biểu cho rằng cần cụ thể, rõ ràng hơn trên từng lĩnh vực; quy định như dự thảo là quá chung chung, khó khả thi. Chính sách ban hành cho đối tương nào thì phải có địa chỉ trên từng lĩnh vực có liên quan. Đại biểu cũng chỉ rõ, quy định tại khoản 3 Điều 4 về “tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; đầu tư, xây dựng, chuyển giao hệ thống, phương tiện, thiết bị phục vụ hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phổ biến, nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại cộng đồng”… là chưa cụ thể.
Do đó, đại biểu đề nghị thiết kế lại từng chính sách, có ưu tiên lĩnh vực cần phải trang bị đầu tư cho rõ ràng, đảm bảo khâu tổ chức thực hiện.
15h05: Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng:
Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh tham gia đóng góp một số ý kiến cụ thể như sau:
Thứ nhất, theo đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, nội dung của dự thảo Luật lần này được xây dựng phù hợp với các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác phòng cháy, chữa cháy như: Chỉ thị số 47-CT/TW, ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy; Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy.
Để thể hiện đầy đủ, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước liên quan đến công tác này, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và quy định thêm vào dự thảo Luật này các nhiệm vụ đã được xác định tại Chỉ thị số 47 và Kết luận số 02 cụ thể như: Đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy đã được nêu tại Mục 5 Chỉ thị số 47; Chủ động xây dựng các phương án phòng ngừa, xử lý các tình huống nếu xảy ra các sự cố, tai nạn, đảm bảo nhanh, kịp thời, hiệu quả theo phương châm 04 tại chỗ; thường chuyên tổ chức diễn tập, thực hành cho Nhân dân về phòng cháy, chữa cháy;….
Thứ hai, so với Luật Phòng cháy, chữa cháy hiện hành, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật lần này bao gồm cả hoạt động cứu nạn, cứu hộ trên cơ sở luật hóa Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy. Tuy nhiên, qua nghiên cứu các Luật liên quan, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị cần nghiên cứu, thể hiện rõ hơn phạm vi điều chỉnh để tránh chồng chéo với các quy định của pháp luật hiện hành cũng như gây khó khăn cho việc sắp xếp lực lượng, bố trí nguồn lực thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ. Đồng thời tiếp tục rà soát các Luật chuyên ngành và các Luật sắp được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV để đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
15h12: Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai: Chú trọng việc phát huy vai trò của người dân địa phương trong công tác PCCC
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đại biểu đồng ý với dự thảo Luật cho rằng, trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phải lấy phòng ngừa là chính; tích cực và chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy, sự cố, tai nạn và thiệt hại do cháy, sự cố, tai nạn gây ra.
Quan tâm tới những giải pháp và biện pháp phòng cháy quy định tại Chương II của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý đề nghị bổ sung vào Điều 12. Biện pháp cơ bản trong phòng cháy nội dung: Tích cực khai thác lực lượng tại chỗ, bên cạnh lực lượng PCCC chuyên nghiệp, chú trọng việc phát huy vai trò của người dân ở địa phương.
Tại Điều 13. Quy hoạch xây dựng, lập dự án, thiết kế xây dựng công trình, thiết kế phương tiện giao thông cơ giới, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung: Tiến hành thanh tra tình hình, tình trạng lấn chiếm các hành lang thoát hiểm phục vụ công tác chữa cháy trong các khu dân cư.
Tại Điều 14. Thẩm tra, thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; Điều 15. Nghiệm thu, kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung: Xã hội hóa các hình thức thẩm tra, thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy cũng như công tác nghiệm thu, kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
15h17: Đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum: Bổ sung quy định ưu tiên xây dựng lực lượng và trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ
Đại biểu Phạm Đình Thanh cho rằng, với nguyên tắc lấy phòng ngừa là chính, để thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy nổ, sự cố tai nạn và thiệt hại do cháy nổ gây ra, ngoài việc quy định đầy đủ, chặt chẽ về vấn đề thẩm tra, thẩm định, thiết kế, nghiệm thu, kiểm tra, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, cần bổ sung vào dự án luật các chính sách cụ thể nhằm ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi nhất trong công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong nước, kết hợp với việc nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến của nước ngoài để phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Trước hết là quan tâm đầu tư đúng mức cho việc đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nâng cao năng lực, sức chiến đấu của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; đồng thời cần phải có sự ưu tiên thỏa đáng về nguồn lực tài chính để mua sắm đầu tư trang bị những phương tiện tiên tiến, hiện đại hiện có trên thế giới nhằm phục vụ tốt nhất và đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất trong việc cứu người bị nạn.
Với mục đích bổ sung đầy đủ quy định để kịp thời khắc phục những vướng mắc, bất cập đã diễn ra trong thực tiễn, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung vào Điều 11 quy định các hành vi bị nghiêm cấm nội dung sau: nghiêm cấm việc người được giao nhiệm vụ thẩm quyền nhưng không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình; hoặc có hành vi khác tiếp tay, giúp sức cho việc thi công xây dựng cải tạo công trình, hạng mục công trình, chế tạo hoán cải phương tiện giao thông cơ giới không đảm bảo các điều kiện theo quy định của luật về phòng cháy và chữa cháy.
Tại Điều 42, đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng: chủ động thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi cơ sở, địa bàn quản lý và tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ ở các cơ sở địa bàn khác khi có yêu cầu.
15h23: Đại biểu Vũ Thị Liên Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi: Bổ sung quy định nguyên tắc phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng cứu nạn cứu hộ khi có sự cố, tai nạn xảy ra
Tán thành sự cần thiết ban hành Luật, đại biểu Vũ Thị Liên Hương nhận thấy, Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển Luật Phòng cháy, chữa cháy hiện hành, bổ sung quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ.
Góp ý về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, đại biểu tán thành với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đề nghị thể hiện rõ trong Luật này điều chỉnh đối với hoạt động cứu nạn, cứu hộ do lực lượng phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ thực hiện. Theo đó, quy định cụ thể các sự cố, tai nạn trên cơ sở luật hóa thực tiễn thực hiện Nghị định số 83 năm 2017 của Chính phủ nhằm tránh chồng chéo vai trò, nhiệm vụ giữa các lực lượng phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ với các lực lượng chuyên ngành được quy định tại các luật khác.
Để hạn chế thiệt hại, đại biểu Vũ Thị Liên Hương đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát bổ sung quy định nguyên tắc phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng cứu nạn cứu hộ khi có sự cố, tai nạn xảy ra.
Về thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, đại biểu Vũ Thị Liên Hương nêu rõ, giữa nhiệm vụ phòng cháy và nhiệm vụ chữa cháy thì nhiệm vụ phòng cháy có vai trò cực kỳ quan trọng. Thực tế cho thấy các vụ cháy nổ thường để lại hậu quả rất lớn về người, tài sản và môi trường mà nguyên nhân chủ yếu là nguyên nhân chủ quan. Phòng cháy tốt sẽ hạn chế tối đa các vụ cháy, hoặc chí ít cũng giảm đáng kể các hậu quả và thiệt hại, thực hiện nhiệm vụ chữa cháy đỡ vất vả hơn. Do vậy, công tác phòng cháy phải được đặc biệt quan tâm.
Đại biểu tán thành với các biện pháp trong phòng cháy nêu tại Điều 12 bao gồm việc thực hiện và duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn chữa cháy, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy, quán triệt chặt chẽ về sử dụng an toàn các chất, nguồn có nguy cơ cháy nổ.
Theo đại biểu Vũ Thị Liên Hương, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy có vai trò rất quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kĩ năng ngăn chặn sự cố cháy xảy ra. Đồng thời đại biểu cũng đề nghị cần chế định đầy đủ việc trang bị kiến thức, kĩ năng về phòng cháy, chữa cháy cho người dân.
15h51: Đại biểu Nguyễn Thị Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk: Quy định rõ về quyền, trách nhiệm của người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ
Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Xuân cơ bản tán thành với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để khắc phục những bất cập, hạn chế trong thời gian qua. Đại biểu cũng đánh giá Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo.
Đại biểu nhấn mạnh, thực tiễn về tình hình cháy nổ ngày càng diễn biến phức tạp, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản, nhất là tại các thành phố lớn, nơi có các khu đô thị, chung cư mini tập trung, đông dân cư. Do đó Luật ra đời có ý nghĩa quan trọng trong việc kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Đối với quy định tại Điều 35 của dự thảo Luật về quyền, trách nhiệm của người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ, đại biểu cho rằng, để đảm bảo quyền công dân, tính khả thi thì cần nghiên cứu bổ sung nội dung người có thẩm quyền huy động lực lượng, phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia cứu nạn, cứu hộ trong trường hợp cần thiết; đồng thời bổ sung quy định các trường hợp được bồi thường, nguồn kinh phí bồi thường đối với các thiệt hại về tài sản do tham gia cứu nạn, cứu hộ.
Tương tự như vậy, đối với quy định về huy động lực lượng tham gia chữa cháy tại Điều 25 của dự thảo Luật, đại biểu cũng đề nghị bổ sung rõ vào khoản 1, khoản 3 người có thẩm quyền huy động lực lượng này.
15h58: Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình: Bổ sung quy định về trách nhiệm của đơn vị tư vấn, thiết kế hệ thống điện nhằm bảo tiêu chuẩn về an toàn điện.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Theo đại biểu, việc xây dựng Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã thể chế đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đồng thời đã luật hóa những quy định hiện hành và bổ sung đầy đủ, toàn diện về hoạt động cứu nạn, cứu hộ nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc để nâng cao hiệu quả công tác trên trong thực tiễn, khắc phục được các bất cập, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Để hoàn thiện dự thảo Luật lần này, đại biểu Nguyễn Minh Tâm có một số ý kiến đóng góp như sau:
Thứ nhất, quy định về phòng cháy, chữa cháy trong cung ứng điện, đảm bảo chất lượng đối với thiết bị điện được quy định tại Điểu 20 của dự thảo Luật này. Đại biểu Nguyễn Minh Tâm nhận thấy cần xem xét, cân nhắc đối với quy định đơn vị điện lực có trách nhiệm thực hiện, duy trì các biện pháp bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy đối với hệ thống điện truyền tải.
Thứ hai, đại biểu Nguyễn Minh Tâm khuyến nghị kịp thời lắp đặt, sử dụng, đảm bảo an toàn đối với hệ thống thiết bị điện theo tiêu chuẩn kỹ thuật trước khi ký hợp đồng bán điện và trong quá trình sử dụng điện. Đồng thời, liên quan đến trách nhiệm khuyến cáo của nhà sản xuất, cung cấp thiết bị điện, bảo đảm an toàn thiết bị điện theo tiêu chuẩn kỹ thuật, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm trách nhiệm của đơn vị tư vấn thiết kế đối với khách hàng có hồ sơ thiết kế về hệ thống điện, đảm bảo tiêu chuẩn, yêu cầu về an toàn điện.
Cuối cùng về bố cục dự thảo Luật này, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật là phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, về bản chất, các hoạt động trên đều là hoạt động triển khai, huy động lực lượng, phương tiện cứu người, cứu tài sản thoát khỏi nguy hiểm do cháy, tai nạn,… vì vậy, tại Chương 3, Chương 4 cần thiết kế lại các nội dung gồm: phạm vi xây dựng lực lượng, huy động lực lượng, tổ chức thực hiện, người chỉ huy
16h05: Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Cần làm rõ hơn điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh
Trước những vụ cháy, nổ liên tiếp xảy ra trên cả nước trong thời gian qua, đại biểu Dương Khắc Mai bày tỏ tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, trật tự; bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Góp ý về một số nội dung cụ thể về Phòng cháy đối với nhà ở (Điều 17), đại biểu cho rằng dự thảo Luật chưa có những quy định cụ thể về điều kiện đảm bảo PCCC, đặc biệt là nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh. Do đó, đại biểu đề nghị làm rõ hơn điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, có đánh giá tác động cụ thể, kỹ lưỡng hơn để đảm bảo tính khả thi khi triển khai Luật.
Tại khoản 2 Điều 36 về Huy động lực lượng, phương tiện, tài sản tham gia cứu nạn, cứu hộ quy định: “Phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được huy động để cứu nạn, cứu hộ phải được hoàn trả ngay sau khi kết thúc cứu nạn, cứu hộ. Trường hợp phương tiện, tài sản được huy động mà bị tổn hao hoặc nhà, công trình bị phá dỡ theo quy định của Luật này được bồi thường theo quy định của pháp luật”. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm khoản 4 “Giao cho Chính phủ quy định chi tiết nội dụng tại khoản 2 Điều này”.
Đồng thời, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị rà soát, nghiên cứu các quy định có liên quan tại Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để có quy định thống nhất đối với Lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo Điều 40, Điều 41 của dự thảo Luật với các quy định về lực lượng, thành lập, quản lý lực lượng dân phòng, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, chuyên ngành.
Về nhiệm vụ của lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, chuyên ngành, tại khoản 3 Điều 42 quy định: “Tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu”. Đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “khi có yêu cầu” vì tại khoản 11, 12, 13 Điều 3 của dự thảo Luật quy định: lực lượng dân phòng; lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở; lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành là lực lượng được thành lập để thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ nên đương nhiên có trách nhiệm tham gia tại địa bàn phụ trách.
16h11: Đại biểu Trần Thị Thu Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum: Quy định cụ thể trách nhiệm của người dân về trang bị các thiết bị báo cháy, báo khói
Đại biểu Trần Thị Thu Phước đánh giá cao dự thảo luật lần này đã cắt giảm từ 42 thủ tục hành chính, còn 13 thủ tục hành chính đã hỗ trợ rất nhiều cho người dân và doanh nghiệp, cũng như tạo điều kiện cho cơ sở tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy.
Dự thảo luật, lực lượng phòng cháy và chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ chỉ thẩm định thiết kế kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy với hệ thống phòng cháy, chữa cháy theo đúng chuyên môn của mình. Với những chính sách được sửa đổi bổ sung như vậy đã thể hiện rất rõ tinh thần trách nhiệm và sự cân nhắc kỹ lưỡng của ban soạn thảo dự án luật chính là nhằm nâng cao tính chuyên môn, chuyên nghiệp trong hoạt động thẩm định, thiết kế, kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, giải quyết thực trạng bất cập thời gian qua, thông qua việc phân định rõ trách nhiệm của từng bộ, từng ngành, từng cơ quan.
Đại biểu kiến nghị sau khi luật được thông qua, cần triển khai thi hành các quy định càng sớm càng tốt, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi nền kinh tế nước ta đang trong quá trình phục hồi mạnh mẽ và áp lực cạnh tranh ngày càng tăng cao.
Đại biểu cho biết, thời gian qua, một trong những vấn đề vướng mắc, bất cập đó là công tác quản lý trên nhiều lĩnh vực của các cơ quan chức năng chưa thực sự hiệu quả, để xảy ra tình trạng xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ, có nhiều tầng, nhiều căn hộ không tuân thủ quy định của pháp luật. Vì vậy, dự thảo luật đã bổ sung nhiều quy định giải quyết các công trình hiện hữu chưa bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy. Đại biểu cũng đề nghị, nếu chính sách này được Quốc hội thông qua, cần kịp thời ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện nhanh chóng, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.
Bên cạnh nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, dự thảo luật cũng cần bổ sung quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của người dân về trang bị các thiết bị báo động cháy, báo khói; khuyến khích lắp đặt hệ thống báo cháy tự động hoặc từ xa thông qua các thiết bị điều khiển thông minh. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng hệ thống dữ liệu khuyến khích người dân chia sẻ dữ liệu từ các thiết bị báo cháy gia đình lên hệ thống dữ liệu chung của cơ quan chức năng để làm tốt công tác cảnh báo.
16h16: Đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ: Cần có giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy
Nêu rõ dự thảo Luật đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và Bộ Công an đánh giá tác động, đại biểu Đào Chí Nghĩa nhận thấy, thực tế trong thời gian qua, tình hình cháy nổ diễn biến rất phức tạp, nhiều vụ cháy đã xảy ra ở các thành phố lớn, các khu đô thị tập trung đông dân cư, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản. Và có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy nổ, cụ thể là việc đầu tư lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy không đạt tiêu chuẩn hoặc phương án thoát hiểm khi xảy ra sự cố cháy nổ không bảo đảm an toàn, ý thức của hộ kinh doanh về phòng cháy, chữa cháy còn hạn chế. Chính vì vậy, đại biểu cho rằng, cần phải có giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy.
Về hoàn thiện quy định về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ đối với các sự cố, tai nạn xảy ra trong sinh hoạt hàng ngày, ảnh hưởng trực tiếp đến con người, đại biểu Đào Chí Nghĩa cho biết, dự án Luật đã quy định cụ thể trong các hoạt động tìm kiếm cứu nạn cứu hộ khi xảy ra sự cố tai nạn do thiên tai, thảm họa trên quy mô lớn, diện rộng trong các lĩnh vực về ngành đường sắt, đường thủy, đường bộ, hàng không dân dụng, phòng thủ dân sự và môi trường…
Đại biểu cho rằng, hoạt động cứu nạn cứu hộ đối với các tai nạn, sự cố thông thường như cháy, nổ, đổ nhà, sạt lở đất, đuối nước… thì hiện nay lực lượng phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ đang áp dụng các biện pháp cứu nạn cứu hộ nhưng chưa được quy định cụ thể trong Luật. Do đó, đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị bổ sung quy định này trong dự thảo Luật.
16h22: Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị: Bổ sung giải thích khái niệm về cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy
Về giải thích từ ngữ tại khoản 3 Điều 3, đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng, giải thích như dự thảo Luật là chưa nhấn mạnh được mục tiêu chính của việc chữa cháy là phải dập tắt ngay đám cháy càng sớm càng tốt. Đây là mục tiêu trực tiếp, kịp thời đầu tiên trên hết và trước hết. Vì vậy, đại biểu cho rằng, cần đưa cụm từ "để dập tắt đám cháy" lên trước các hành động khác là phù hợp. Do đó, cần diễn đạt lại khoản 3, Điều 3 như sau: "Chữa cháy là hoạt động triển khai lực lượng, phương tiện để dập tắt đám cháy, tổ chức thoát nạn, cứu người, cứu tài sản, chống cháy lan..."
Ngoài ra, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung giải thích khái niệm về cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy, lực lượng tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn cho rõ ràng. Bởi đây là những chủ thể được điều chỉnh nhiều trong dự án Luật này.
Tại Điều 5 về nguyên tắc phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, đại biểu cho rằng, trình bày như dự thảo Luật là chưa đầy đủ, bởi vì khi thực hành hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn trong khi nhấn mạnh vai trò của lực lượng và phương tiện tại chỗ, thì việc chuẩn bị và vận hành cơ chế chỉ huy tại chỗ với phương châm bốn tại chỗ là rất quan trọng, không thể thiếu được. Do đó, đại biểu đề nghị chỉnh sửa nguyên tắc này theo hướng làm rõ phương châm hành động bốn tại chỗ.
Về ưu tiên và bảo đảm quyền ưu tiên cho lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy, đại biểu đề nghị giải thích và làm rõ phương tiện được ưu tiên đi trên các phương tiện giao thông là ưu tiên như thế nào?
Về người chỉ huy chữa cháy, khoản 1 Điều 38 quy định khi xảy ra chữa cháy, người có chức vụ cao nhất trong lực lượng công an nhân dân có mặt tại nơi xảy ra cháy là người chỉ huy chữa cháy. Đại biểu cho rằng, quy định này chưa phù hợp, cần nghiên cứu, xem xét vấn đề này cho hợp lý...
16h29: Đại biểu Đồng Ngọc Ba - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định: Đảm bảo các quy định mới phải phù hợp với thực tiễn
Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Đồng Ngọc Ba cho rằng, việc ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đại biểu cũng đánh giá cao việc nghiên cứu, tổng kết, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để bổ sung vào dự thảo Luật nhằm quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân, xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy, tăng cường năng lực cho lực lượng tham gia công tác này.
Đại biểu cũng chỉ ra rằng, thực tiễn hiện nay diễn biến tình hình các vụ cháy rất phức tạp và ngày càng phức tạp hơn. Nhưng nguyên nhân có tính quyết định nằm ở khâu tổ chức thực thi các quy định pháp luật, ý thức chấp hành và phần lớn nằm ở các quy định dưới luật, đặc biệt các Thông tư quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn trong phòng cháy, chữa cháy. Do đó, đại biểu đề nghị trong báo cáo tổng kết đánh giá, Chính phủ cần làm rõ vấn đề này, có quy định chi tiết các giải pháp để thực hiện đạt hiệu quả.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ rà soát kỹ để đảm bảo khi đặt ra những quy định mới hoặc hoàn thiện những quy định mang tính kế thừa thì một mặt đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả, nhưng mặt khác cần đảm bảo tính hợp lý và không gia tăng quá mức chi phí tuân thủ pháp luật cho các tổ chức, cá nhân.
16h36: Đại biểu Đoàn Thị Hảo - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên: Làm rõ cơ chế đối với việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Đại biểu Đoàn Thị Hảo bày tỏ sự thống nhất cao với sự ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Luật này, đại biểu Đoàn Thị Hảo có một số đóng góp ý kiến như sau:
Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh lực lượng tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại cơ sở, đại biểu Đoàn Thị Hảo đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, thể hiện rõ phạm vi hoạt động cứu nạn, cứu hộ do lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực hiện tránh chồng chéo với các quy định pháp luật hiện hành.
Thứ hai, đại biểu Đoàn Thị Hảo đề nghị Ban soạn thảo cần có đánh giá cụ thể về lực lượng và chế độ, chính sách khi tham gia lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại cơ sở để quy định có sự phù hợp, đảm bảo sự thống nhất trong huy động và chỉ huy tại chỗ khi xảy ra các sự cố khi phải huy động lực lượng. Đồng thời, đề nghị cân nhắc bổ sung nhiệm vụ cho một số lực lượng khác như: cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự là lực lượng bán chuyên trách hoặc kiêm nhiệm trong phòng cháy, chữa cháy để bổ sung lực lượng chữa cháy khi sự cố xảy ra.
Thứ ba, về trách nhiệm giáo dục, đào tạo về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Đại biểu Đoàn Thị Hảo đề nghị Chính phủ giao cho cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo, đưa kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vào giáo trình, bài giảng trong chương trình học tập phù hợp với từng cấp học, ngành học. Đồng thời đại biểu Đoàn Thị Hảo cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Công an bố trí các điều kiện cần thiết về nguồn lực nhằm nâng cấp các cơ sở giáo dục về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Cuối cùng, đại biểu Đoàn Thị Hảo đề nghị Ban soạn thảo làm rõ cơ chế huy động nguồn lực ngoài ngân sách, nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân đầu tư cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
16h42: Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, các ý kiến đại biểu đều nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, sẽ tạo cơ sở pháp lý đầy đủ trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân, tạo môi trường an toàn, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thay mặt cho cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trân trọng cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã quan tâm, có những ý kiến đóng góp sâu sắc đối với dự án luật, với 396 ý kiến thảo luận tại Tổ và 17 ý kiến thảo luận tại hội trường.
Các ý kiến của đại biểu Quốc hội đều thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm cao để hoàn thiện dự thảo luật. Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ báo cáo Chính phủ phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Quốc hội nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu tối đa, giải trình thấu đáo các ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện các quy định như: rà soát thống nhất trong hệ thống pháp luật; phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật; quy hoạch về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn; xây dựng áp dụng tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy; hoạt động của phòng cháy, chữa cháy; hoạt động cứu nạn, cứu hộ; trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy; hướng dẫn thoát nạn phòng cháy, chữa cháy; công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và một số nội dung khác...
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang mong muốn trong thời gian tới, các đại biểu Quốc hội và các cơ quan tổ chức và Nhân dân tiếp tục quan tâm cho ý kiến đối với dự án luật; cơ quan chủ trì sẽ có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự án luật, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới.
16h44: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung thảo luận
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, phiên thảo luận tại Hội trường hôm nay đã có 17 lượt ĐBQH phát biểu. Không khí thảo luận sôi nổi, dân chủ, trí tuệ khách quan, ngắn gọn và có nhiều thông tin đa chiều. Các ý kiến đều có căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn rõ ràng, sâu sắc và toàn diện, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm cao của các ĐBQH đối với dự thảo luật.
Qua thảo luận, đa số ý kiến ĐBQH đánh giá cao việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật; Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã khẩn trương xây dựng Báo cáo Tổng hợp đầy đủ các ý kiến thảo luận tại Tổ và báo cáo thẩm tra dự án Luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Ban soạn thảo dự án Luật cần làm rõ về một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu như: Rà soát, bổ sung việc giải thích từ ngữ, phạm vi điều chỉnh để sự phù hợp với Hiến pháp và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và bảo đảm tính khả thi của dự thảo Luật; bổ sung đánh giá tác động đối với các chính sách và các quy định cụ thể.
Đồng thời tiếp tục rà soát, thể chế hóa các quan điểm của Đảng về đẩy mạnh xã hội hóa, coi PCCC và cứu nạn, cứu hộ là công việc của toàn dân; chủ động phòng ngừa, xử lý với phương châm 4 tại chỗ, lấy phòng là chính trong công tác PCCC; tăng cường giáo dục ý thức, trang bị kỹ năng PCCC, thoát nạn cho người dân cũng như công tác phân cấp, phân quyền trong PCCC...
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, phiên thảo luận chiều nay đã được ghi âm. Tổng Thư ký Quốc hội sẽ chỉ đạo gỡ băng và có báo cáo tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận hôm nay để gửi đến các vị ĐBQH theo dõi và chuyển các cơ quan chuyên môn để nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chuẩn bị để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.