ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC KHẢO SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ NHÀ GIÁO
Thực hiện Chương trình công tác năm 2024, dự kiến chiều mai (02/06), tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về quản lý nhà nước đối với nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo
Nhà giáo là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục (trừ cơ sở giáo dục quy định tại điểm c khoản 1 Điều 65 của Luật Giáo dục) và đạt chuẩn nhà giáo theo quy định. Theo đó, Nhà giáo gồm: (1) Nhà giáo giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt, dự bị đại học và các cơ sở giáo dục khác; nhà giáo giảng dạy, giáo dục trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp gọi là giáo viên; (2) Nhà giáo giảng dạy, giáo dục trong trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân; nhà giáo giảng dạy, giáo dục trình độ cao đẳng trở lên và nhà giáo làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức gọi là giảng viên.
Pháp luật hiện hành quy định rõ, nhà giáo là nguồn nhân lực chất lượng cao, là bộ phận quan trọng trong đội ngũ trí thức của đất nước, là lực lượng nòng cốt của ngành Giáo dục, có vai trò quyết định trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục và chất lượng nguồn nhân lực; là nhân tố chủ đạo trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; góp phần quan trọng trong việc xây dựng xã hội học tập, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Các văn kiện của Đảng và Nhà nước thời gian qua cũng đều khẳng định đội ngũ nhà giáo có vai trò quyết định tới chất lượng giáo dục và đào tạo. Nhà giáo là yếu tố cốt lõi và quan trọng quyết định sự thành bại của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, không có đội ngũ nhà giáo thì không thể đạt được mục tiêu giáo dục. Chính vì thế, phát triển đội ngũ nhà giáo được xác định là một trong những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng của ngành Giáo dục thời gian qua.
Trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đang được đẩy mạnh, việc đặt ra những yêu cầu đổi mới về vai trò của đội ngũ nhà giáo ngày càng trở nên cấp thiết, đặc biệt khi mục tiêu giáo dục là hình thành nhân cách và phát triển các năng lực cá nhân cho người học. Các chuyên gia cho rằng, để thực hiện tốt công tác phát triển đội ngũ nhà giáo, cần kiến tạo môi trường pháp lý đầy đủ, thuận lợi nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo thống nhất, công bằng giữa quyền của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa nhà giáo là người Việt Nam và nhà giáo là người nước ngoài; có những chính sách thu hút đãi ngộ, tôn vinh phù hợp với đặc thù nghề nghiệp để tạo động lực, thúc đẩy lòng yêu nghề, tự hào về nghề và tận tụy với nghề của nhà giáo; chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng để nhà giáo được phát triển liên tục; tăng cường hợp tác quốc tế nhằm góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế... Những điều này chỉ có thể thực hiện được thông qua công tác quản lý nhà nước về nhà giáo.
Từ năm 2018 đến 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành triển khai các nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn, rà soát hệ thống pháp luật hiện hành, tổ chức các khảo sát trong nước và quốc tế, huy động đội ngũ chuyên gia trong và ngoài Ngành phục vụ đề xuất xây dựng Luật theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cho đến thời điểm này, có thể nói, việc đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo đã được chuẩn bị nghiêm túc tạo cơ sở bước đầu quan trọng để xây dựng Luật.
Đội ngũ nhà giáo có vai trò quyết định tới chất lượng giáo dục và đào tạo (Ảnh minh họa)
Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về dự thảo Luật Nhà giáo đến hết ngày 13/7/2024. Theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có 05 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo gồm:(1) Định danh nhà giáo; (2) Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; (3) Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; (4) Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; (5) Quản lý nhà nước về nhà giáo.
Thực hiện Chương trình công tác năm 2024, căn cứ Thông báo Kết luận số 3525/TB-TTKQH ngày 22/4/2024 của Tổng Thư ký Quốc hội về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Quốc hội khóa XV dự kiến xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật Nhà giáo tại Kỳ họp thứ 8. Dự kiến ngày mai (02/06), Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về quản lý nhà nước đối với nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo tại Hà Nội.
Hội thảo được tổ chức nhằm lấy ý kiến chuyên gia về quản lý nhà nước đối với nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo để chuẩn bị cho công tác thẩm tra dự án Luật này trong thời gian tới. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn sẽ đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo dự kiến sẽ có các thành viên của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đại diện một số bộ, ngành; các đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên nhà giáo… cùng các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo./.