ĐBQH NGUYỄN NGỌC SƠN: CẦN NGHIÊM TÚC, QUYẾT LIỆT CÁC GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

30/05/2024

Theo ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn, thời gian qua, giải ngân vốn đầu tư công đã chuyển biến mạnh mẽ, tuy nhiên, xét về tính bền vững thì chưa cao. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo UBND cấp tỉnh, thành phố nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của tất cả nguồn vốn.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 29/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Ngày 29/5, Quốc hội đã dành cả ngày để thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hải Dương đánh giá cao Chính phủ đã rất thẳng thắn nhìn lại toàn bộ kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, từ đó phân tích đánh giá kỹ các chỉ tiêu chưa đạt, đưa ra các giải pháp khả thi. Theo báo cáo của Chính phủ, để phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quốc hội giao, Chính phủ đã đưa ra các nhóm giải pháp. Bày tỏ cơ bản đồng tình với những giải pháp này, tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ cần xem xét một số vấn đề:

Thứ nhất, về định hướng chính sách

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị Chính phủ phân tích cụ thể hơn tác động của các dự án luật vừa được Quốc hội thông qua có tác động lớn đến các trụ cột tăng trưởng, đặc biệt đánh giá kỹ về công tác chuẩn bị các văn bản dưới luật để triển khai Luật Đất đai và một số luật liên quan đến thị trường bất động sản đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp với quy luật thị trường, tháo gỡ các vướng mắc khiến thị trường bất động sản tắc nghẽn và mất cân đối như hiện nay. Bên cạnh đó, các chính sách giá, quản lý giá và thị trường, chính sách thuế phí và tín dụng, lãi suất cần đặt trọng tâm kích cầu tiêu dùng nhằm góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế. Rà soát và có chính sát cụ thể thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến chế tạo và xuất khẩu của khu vực kinh tế thuần Việt.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hải Dương

Thứ hai, về một số chỉ tiêu không đạt theo yêu cầu của Quốc hội

Đối với tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo. Năm 2023 chỉ tăng 3,62%, thấp nhất giai đoạn 2011-2023 (năm 2011 tăng 12,59%, tới năm 2021 còn 5,37%, bằng 1/3 giai đoạn 2015-2019). Đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ đánh giá về các ngành chế biến sâu nông, thủy hải sản, khoáng sản theo như chủ trương hiện nay. Đánh giá thêm về tình hình của khu vực kinh tế trong nước trong ngành chế biến chế tạo để có những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế.

Về chỉ tiêu tốc độ tăng năng xuất lao động xã hội. Đại biểu nhấn mạnh đây là năm thứ 3 liên tiếp không đạt mục tiêu đề ra. Mức tăng 3,65% trong năm 2023 là mức tăng thấp hơn nhiều so với mức trung bình 6,35%, giai đoạn 2016-2019. Đồng tình với ý kiến cơ quan thẩm tra là một trong các nguyên nhân do chất lượng nguồn nhân lực, thiếu hụt kỹ năng nghề, cơ cấu lao động theo ngành kinh tế chưa hợp lý, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh còn hạn chế. Tuy nhiên, đại biểu tỉnh Hải Dương cho rằng có một nguyên nhân ngắn hạn khá quan trọng đó là môi trường kinh doanh và thể chế, làm giảm hiệu quả của các hoạt động kinh tế. Yếu tố này cần được nhấn mạnh trong báo cáo của  Chính phủ.

Thứ ba, về 03 trụ cột tăng trưởng (Đầu tư- tiêu dùng- xuất khẩu)

Báo cáo của Chính phủ đã phản ánh khá đầy đủ mặt sáng và những khoảng tối của 03 trụ cột này. Cụ thể:

Về trụ cột đầu tư: Giải ngân vốn đầu tư công đã chuyển biến mạnh mẽ. Tuy nhiên, xét về tính bền vững thì chưa cao. Giải ngân vốn đầu tư công do địa phương quản lý còn rất thấp (hết ngày 31/3, đạt 10,5% kế hoạch vốn được giao, thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung của cả nước là 12,16%; cả nước tính đến hết tháng 4/2024 có 316 dự án tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bằng 0%).  Tương tự, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, ngành dự kiến 6 các tháng đầu năm 2024 đạt 8,58% thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 (27,2%) và cùng kỳ các năm trước đó.

Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục phân tích sâu các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan dẫn đến trụ cột đầu tư chưa thực sự hiệu quả, nhất là việc giải ngân đầu tư công tại các địa phương, Bộ ngành. Đồng thời, đề nghị Chính phủ giải trình thêm về tiến độ chậm chễ trong phê duyệt các dự án ODA của các nhà tài trợ, kể cả nguồn vốn tài trợ không hoàn lại. Làm rõ những yếu tố nào cần Quốc hội tháo gỡ sớm, những yếu tố nào Chính phủ, và các bộ ngành cần quan tâm trong đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn này? Đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo UBND cấp tỉnh, thành phố nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của tất cả nguồn vốn.

Về trụ cột tiêu dùng: Trước tình hình tiêu dùng trong nước có xu hướng tăng rất chậm, đề nghị Chính phủ cần có những cú huých mạnh cho kích cầu tiêu dùng, khẩn trương đưa ra lộ trình tiếp tục giảm thuế VAT, rõ ràng và có kỳ hạn đủ dài, ít nhất 1 năm, tránh quá ngắn và điều chỉnh liên tục như hiện nay  để tăng hiệu quả kích cầu; cân nhắc điều chỉnh tăng, giảm một số nguồn thuế cho phù hợp, tận dụng tối đa mọi chính sách trong ngắn hạn để kích thích tiêu dùng kể cả chi tiêu của Chính phủ. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục nghiên cứu mở rộng tín dụng tiêu dùng cho phù hợp.

Về trụ cột xuất khẩu: Tình trạng xuất siêu hàng hóa, nhập siêu dịch vụ vẫn gia tăng, xuất khẩu dịch vụ còn hạn chế, nhất là dịch vụ vận tải biển, chưa tận dụng hiệu quả lợi thế địa lý với tiềm năng bờ biển dài, nhiều cảng nước sâu. Bên cạnh đó, Báo cáo của Chính phủ cần làm rõ những xu hướng, rào cản trong mở rộng xuất khẩu trong thời gian tới, đặc biệt là các yếu tố phi thuế quan hoặc xu hướng thương mại xanh, bền vững hiện nay sẽ ảnh hưởng như thế nào tới hiệu quả thực thi các hiệp định cũng như kết quả về xuất khẩu trong giai đoạn tới, các giải pháp của Chính phủ là gì để ứng phó với các rào cản thương mại mới này.

Thứ tư, một số điểm nghẽn vẫn chưa được tháo gỡ hiệu quả

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, báo cáo của Chính phủ chưa phân tích làm rõ tồn tại bất cập các dự án trọng điểm Quốc gia. Bên cạnh đó, Chính phủ cần đưa ra các giải pháp tháo gỡ và xử lý hiệu quả thị trường trái phiếu Chính phủ…

Trọng Quỳnh