QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI): BÀN GIẢI PHÁP ĐỂ THỰC HIỆN HIỆU QUẢ NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẢNG

30/05/2024

Tại Kỳ họp thứ 7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến quy định thành lập Tòa án sơ thẩm chuyên biệt, cho rằng đây là một trong những việc làm rất cần thiết để bàn giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và cũng là xu thế tất yếu để giải quyết một số vụ án đặc thù như hành chính, phá sản và sở hữu trí tuệ.

TĂNG CƯỜNG TÍNH CHUYÊN MÔN, CHUYÊN NGHIỆP HÓA TRONG GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN

QUY ĐỊNH CHẶT CHẼ HƠN VIỆC GHI ÂM, GHI HÌNH TẠI PHIÊN TÒA

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI)

Tán thành với sự cần thiết thành lập tòa án sơ thẩm chuyên biệt, đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đưa ra 4 lý do. Thứ nhất, về cơ sở chính trị, đại biểu cho biết các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp thời gian vừa qua, đặc biệt là Nghị quyết 27-NQ/TW về nhà nước pháp quyền đặt ra yêu cầu tăng cường tính chuyên nghiệp trong hoạt động xét xử của Tòa án. Tuy nhiên, với cách bố trí Tòa án như quy định hiện hành sẽ rất khó để bảo đảm tính chuyên nghiệp đối với một số vụ án đặc thù, trong đó có án hành chính, phá sản và sở hữu trí tuệ.

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

Thứ hai, về cơ sở pháp lý, trong nhiều năm vừa qua, các Nghị quyết kỳ họp của Quốc hội đều đặt ra yêu cầu đối với Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải có những giải pháp căn cơ, đột phá để khắc phục những hạn chế và nâng cao chất lượng xét xử cũng như chất lượng kiểm sát án hành chính, phá sản và sở hữu trí tuệ. Ngày 27/3/2023 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 755, trong đó nêu rõ: "Hoàn thiện pháp luật và tổ chức bộ máy phù hợp để đáp ứng yêu cầu giải quyết một số loại án đặc thù, trong đó có án phá sản, sở hữu trí tuệ, tư pháp người chưa thành niên và một số loại án khác".

Thứ ba, về căn cứ thực tiễn, đối với án hành chính là loại án phức tạp, xảy ra ngày càng nhiều ở hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước. Phần lớn bị đơn trong án hành chính là Chủ tịch Ủy ban nhân dân, trong khi mô hình tổ chức Tòa án ở nước ta gắn với địa giới hành chính tỉnh, huyện. Thẩm phán phải xét xử các quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân của tỉnh mình. Do đó, nếu không có quy định phù hợp có thể sẽ ảnh hưởng đến tính độc lập của thẩm phán khi xét xử các vụ án này. Ủy ban Tư pháp đã tổ chức giám sát chuyên đề án hành chính trong 6 năm liên tục vừa qua và đã chỉ ra nhiều khó khăn đối với thẩm phán, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho biết thêm.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng tại kỳ họp này, việc Quốc hội thảo luận vấn đề thành lập Tòa án sơ thẩm chuyên biệt để giải quyết án hành chính là một trong những việc làm rất cần thiết để bàn giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Đảng cũng như các nghị quyết của Quốc hội trong thời gian qua yêu cầu tìm kiếm các giải pháp căn cơ cho vấn đề án hành chính.

Đối với án phá sản và sở hữu trí tuệ, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho biết đây là loại án rất khó về mặt chuyên môn; đòi hỏi các thẩm phán phải có trình độ chuyên môn sâu về mặt pháp luật, còn phải được đào tạo bài bản về kinh tế, tài chính. Đặc biệt đối với án phá sản rất phức tạp, bởi cùng với việc tuyên bố một doanh nghiệp phá sản, phải rời khỏi thị trường thì thẩm phán phải giải quyết đồng bộ tất cả các quan hệ phát sinh từ việc doanh nghiệp bị phá sản, bao gồm các quan hệ hành chính, hình sự, dân sự, kinh tế lao động.

Qua tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật vừa qua, hầu hết các án phá sản và sở hữu trí tuệ chủ yếu xảy ra ở các trung tâm kinh tế lớn. Rất nhiều địa phương, đặc biệt các tỉnh miền núi phía Bắc không có các loại án này trong 5 năm vừa qua. Nhưng theo quy định hiện hành vẫn phải bố trí bộ máy và con người, dẫn đến thừa, thiếu cục bộ về nhân lực và không bảo đảm tính chuyên môn cao.

Thứ tư về kinh nghiệm quốc tế, nhiều nước trên thế giới dành nguồn lực đầu tư lớn cho tư pháp, như Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Nga, Trung Quốc, v.v đều thành lập Tòa án sơ thẩm chuyên biệt để giải quyết một số loại án đặc thù. Hầu hết các nước trên thế giới đều thành lập Tòa án chuyên biệt về hành chính, phá sản và sở hữu trí tuệ.

Thể hiện sự tán thành cao với sự cần thiết thành lập Tòa án sơ thẩm chuyên biệt để giải quyết án hành chính, phá sản và sở hữu trí tuệ, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị trước mắt chỉ nên thành lập Tòa sơ thẩm chuyên biệt ở 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh. Bởi đây cũng là những địa phương nhiều án. Trường hợp bản án của các Tòa án này bị kháng cáo, kháng nghị sẽ do 3 Tòa án nhân dân cấp cao ở 3 thành phố này xét xử theo trình tự phúc thẩm. Như vậy vừa bảo đảm tập trung về nhân lực, vừa hạn chế phát sinh bộ máy, vừa bảo đảm tính chuyên môn, chuyên nghiệp cao, loại bỏ được nguy cơ gây ảnh hưởng đến tính mất độc lập của thẩm phán khi xét xử.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thành Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho rằng quy định về thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt trong dự thảo Luật là phù hợp và cần thiết. Thực tiễn xét xử cho thấy nhiều loại án khó, phức tạp, đòi hỏi chuyên môn sâu. Việc tổ chức xét xử phải chuyên nghiệp và người thẩm phán tham gia giải quyết các loại án này phải có trình độ cao, không chỉ về pháp luật mà cả về lĩnh vực chuyên môn tương ứng, nhất là trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, phá sản và hành chính. Thẩm phán được chuyên môn hóa càng sâu, càng cụ thể lĩnh vực xét xử thì hiệu quả, chất lượng sẽ được nâng lên.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ

Các Tòa án sơ thẩm chuyên biệt được thành lập còn bảo đảm tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động, phát huy trình độ chuyên môn sâu của thẩm phán, hội thẩm trong xét xử, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết các loại việc này. Đây là bước đi thể hiện hệ thống Tòa án nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan tư pháp, đồng thời gia tăng uy tín quốc tế trong hệ thống tư pháp Việt Nam.

Tòa án nhân dân tối cao dự kiến cả nước thành lập 1 Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt về sở hữu trí tuệ, 3 hoặc 4 Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt về hành chính, 1 đến 2 Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt về phá sản. Đại biểu Nguyễn Thành Nam cho rằng đề xuất này của Tòa án nhân dân tối cao là phù hợp khi thẩm phán của Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt sẽ được điều động từ các Tòa án khác trong hệ thống Tòa án. Trong quá trình hoạt động, căn cứ số lượng vụ việc phải giải quyết, các Tòa án sơ thẩm chuyên biệt sẽ bổ sung thẩm phán cho Tòa án này. Vì vậy, việc thành lập các Tòa án này không phát sinh thêm về mặt biên chế.

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Trong khi đó, đại biểu Vũ Thị Liên Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đề nghị quy định rõ số lượng Tòa án nhân dân chuyên biệt trong luật, có không quá bao nhiêu Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt về hành chính, về sở hữu trí tuệ, về phá sản. Đại biểu đề xuất trước mắt là Tòa án chuyên biệt về sở hữu trí tuệ, Tòa án phá sản, mỗi loại là một Tòa án và không quá 3 Tòa án hành chính. Trong đó phạm vi, thẩm quyền xét xử theo khu vực, lãnh thổ và sắp xếp tổ chức bộ máy phù hợp, đảm bảo thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế theo chủ trương chung với tổng số biên chế là không thay đổi. Đồng thời, rà soát lại các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân chuyên biệt với Tòa án nhân dân các cấp để tránh sự chồng chéo giữa các Tòa án.

Nhấn mạnh việc thành lập Tòa án nhân dân chuyên biệt phải trên cơ sở phân tích kỹ lưỡng số lượng loại vụ án để thành lập cho phù hợp và không nên quy định cứng nhắc, đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH Quảng Nam đề nghị cần nghiên cứu và bổ sung thêm loại hình Tòa án chuyên biệt về đất đai, vì hiện nay rất nhiều phức tạp diễn ra xung quanh giải quyết về đất đai, Tòa án dành cho người chưa thành niên; làm rõ cách thức tham gia lựa chọn hội thẩm nhân dân đối với chế định này.

Giải trình, làm rõ nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã khẳng định việc thành lập Tòa án sơ thẩm chuyên biệt sẽ phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và không thành lập tràn lan.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết thêm, trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, các thương hiệu Gạo ST.25, Cà phê Trung Nguyên, Bưởi Năm roi, Nước mắm Phú Quốc bị đăng ký sở hữu tại nước ngoài nhưng các doanh nghiệp trong nước không làm gì được. Do đó, rất cần một thiết chế tư pháp để bảo vệ những doanh nghiệp và những thương hiệu quốc gia. Nếu như phải đối mặt với việc kiện tụng các thương hiệu này ở nước ngoài thường phần thua thiệt về phía Việt Nam do hạn chế về tài chính và luật pháp quốc tế. Thực tế này cho thấy rất cần có một tòa về sở hữu trí tuệ.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận trong không khí thảo luận dân chủ, sôi nổi, các đại biểu phát biểu cụ thể, chi tiết, thể hiện sự nghiên cứu kỹ lưỡng, sâu sắc, trí tuệ, trách nhiệm cao. Các đại biểu thống nhất với nhiều nội dung cơ bản của dự thảo luật.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận phiên thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Tư pháp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc gửi phiếu lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về một số nội dung qua thảo luận còn có ý kiến khác nhau. Trên cơ sở đó sẽ xem xét hoàn chỉnh dự thảo luật với chất lượng cao nhất, đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thông qua vào cuối kỳ họp này.

Bảo Yến