TIẾP TỤC THỰC HIỆN ĐỘT PHÁ CHIẾN LƯỢC VỀ PHÁT TRIỂN VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO

30/05/2024

Nhiều ĐBQH cho rằng, cần có giải pháp tổng thể, toàn diện để phát huy lợi thế của nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ dân số vàng. Việc giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là căn cứ thực tiễn tiếp tục thực hiện đột phá chiến lược về nội dung này trong nhiệm kỳ tới.

QUỐC HỘI XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH CHUYÊN ĐỀ GIÁM SÁT TỐI CAO NĂM 2025

Nguồn nhân lực chất lượng cao có vai trò, đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Chính vì thế, từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước ta luôn đặt trọng tâm và đưa ra nhiều chính sách pháp luật thu hút, đãi ngộ nhân tài để họ yên tâm đóng góp trí tuệ, sức lực cho sự phát triển của quốc gia.

Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế của cuộc sống và nhiều ngành nghề đang phát triển, thay đổi hiện nay cũng như quá trình hội nhập với các nước trên thế giới thì giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ hết sức cần thiết. Điều này góp phần giúp các cơ quan, Bộ ngành kịp thời điều chỉnh những bất cập hiện tại, đồng thời đưa ra những giải pháp hữu hiệu hơn để thu hút nhân tài, phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới. Đây cũng là vấn đề nhận được nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất của các ĐBQH tại Phiên thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025 diễn ra sáng 30/5.

Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn khẳng định tầm quan trọng trong giám sát đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm thể chế hóa và thực thi trên thực tế quan điểm của Đảng về các đột phá chiến lược, trong đó đối với đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 81 với 137 nhiệm vụ lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đối với đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, Quốc hội đã quyết định tổng vốn đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 2,8 triệu tỷ đồng, tăng 37% so với giai đoạn 2016-2020, phần lớn trong số này là dành cho phát triển hạ tầng.

Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đối với năng suất lao động. Năng suất lao động là chìa khóa dẫn đến sự thịnh vượng của quốc gia. Tuy nhiên, 3 năm gần đây, chúng ta không đạt chỉ tiêu tăng năng suất lao động do Quốc hội giao. Nếu không có giải pháp tổng thể, toàn diện để bảo vệ, duy trì và phát huy lợi thế của nguồn nhân lực trong thời kỳ dân số vàng thì nước ta sẽ phải đối mặt với hàng loạt hệ lụy về an sinh xã hội trong tương lai, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là hiện hữu và chúng ta sẽ có lỗi với các thế hệ mai sau. Kết quả giám sát chuyên đề đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là căn cứ thực tiễn trong việc hoàn thiện thể chế, xác định giải pháp, tiếp tục thực hiện đột phá chiến lược về nội dung này trong nhiệm kỳ tới.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Lê Thanh Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau nhấn mạnh: Phát triển và sử dụng nguồn nhân lực là gốc rễ của tất cả vấn đề. Bác Hồ đã nói: “Cán bộ là gốc của công việc, mọi sự thành bại đều do cán bộ tốt hay kém”.

Nếu giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị tập trung vào một số nội dung. Theo đó, đề cập đến nhân lực và nhân lực chất lượng cao thì phải nói đến 2 nhóm đối tượng. Nhóm thứ nhất là nhóm đối tượng lành nghề, thạo việc. Người lành nghề, thạo việc là biết quy trình, quy phạm để vận hành công việc cho đúng với chức năng, nhiệm vụ được giao, chứ ở vị trí này nhưng làm vị trí kia hoặc không làm gì thì không phải là lành nghề, thạo việc.

Thứ nhất là nhân tài trong lãnh đạo, là những người khởi xướng về chính sách, vẽ đường hoạch định cho sự phát triển của đất nước, cho địa phương, cho ngành, đó là nhân vật chính trị. Thứ hai là nhân tài trong quản lý, quản trị, nắm được quy tắc, hành vi để vận hành bộ máy và thạo việc, có sáng kiến, có đổi mới.

 Đại biểu Lê Thanh Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau

Thứ ba là nhân tài trong lĩnh vực chuyên gia, lành nghề, thạo việc và có cải tiến, có phát minh, sáng chế. Thứ tư là các nhà khoa học, chúng ta đang ưu tiên là khoa học, công nghệ và rất nhiều ngành chúng ta đang cần phải thu hút và huy động các nhà khoa học trong việc thúc đẩy cho phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh, quốc phòng. Thứ năm là trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, nghệ thuật.

Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, chúng ta cũng rất cần và phải giám sát quá trình phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng, đối xử như thế nào đối với nhân tài ở 5 lĩnh vực đó. Đặc biệt, phải tiến hành ở phương diện tổng rà soát công tác bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ và trước hết cán bộ ở cấp Trung ương và rường cột ở cấp tỉnh, cấp huyện. Nếu như làm được việc này, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng sẽ chuyển biến rất căn bản cho cả hệ thống chính trị của nước ta.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương khẳng định tầm quan trọng của việc giám sát đối với chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, nếu như chúng ta tập trung vào vấn đề này cũng là 1 trong 3 đột phá chiến lược đã nêu ở trong Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là tìm ra được giải pháp thúc đẩy nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao. Đây cũng có thể là một công cụ hữu hiệu để giải được bài toán về năng suất lao động như các kỳ họp, các phiên họp trước đã thảo luận về vấn đề này.

Trước những ý kiến đóng góp, đề xuất của các ĐBQH, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khẳng định: Hiện nay, chúng ta đang tiến tới những năm cuối của nhiệm kỳ, nhiều vấn đề yêu cầu đặt ra cũng rất cao. Ngay nguồn nhân lực chất lượng cao để chuẩn bị cho đại hội các cấp cũng là vấn đề cần thiết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương

Trên cơ sở thảo luận, kết quả phiếu xin ý kiến của ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan nghiên cứu tiếp thu tối đa những ý kiến xác đáng của các ĐBQH để hoàn chỉnh và trình Quốc hội xem xét thông qua về Nghị quyết Chương trình giám sát năm 2025 và Nghị quyết về thành lập các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội trong kỳ họp./.

Bích Lan