PHÓ THỦ TƯỚNG TRẦN HỒNG HÀ: ĐƯA VĂN HÓA TRỞ THÀNH ĐỘNG LỰC TINH THẦN VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

12/05/2024

Phát biểu tại Hội thảo Văn hóa 2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, Hội thảo có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp Chính phủ đánh giá, xác định các vấn đề cơ chế, chính sách nhằm khơi thông nguồn lực, đưa văn hóa trở thành động lực tinh thần và phát triển kinh tế - xã hội.

PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN DỰ VÀ CHỦ TRÌ HỘI THẢO VĂN HÓA 2024

GS.TS NGUYỄN XUÂN THẮNG: PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG THIẾT CHẾ VĂN HÓA, THỂ THAO VÌ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI MỘT CÁCH TOÀN DIỆN

Quang cảnh Hội thảo Văn hóa 2024.

Sáng 12/5, tại Trung tâm tổ chức hội nghị tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo Văn hóa 2024 với chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao”.

Phát biểu tại Hội thảo Văn hóa 2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, Hội thảo có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp Chính phủ đánh giá, xác định các vấn đề cơ chế, chính sách nhằm khơi thông nguồn lực, đưa văn hóa trở thành động lực tinh thần và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, tập tài liệu Hội thảo với nhiều báo cáo, tham luận cụ thể, rất quan trọng trong qua trình Chính phủ xác định các vấn đề, nhiệm vụ, giải pháp để khơi thông, phát triển, đưa văn hóa thực sự trở thành động lực tinh thần và từng bước chuyển sang hướng kinh tế hóa văn hóa, thông qua việc phát triển di sản, sản phẩm trong du lịch… Báo cáo đề dẫn, Báo cáo trung tâm của Hội thảo cơ bản nói lên được rất nhiều vấn đề về hiện trạng phát triển thiết chế văn hóa, thể thao, đặc biệt chỉ ra được tồn tại, nguyên nhân và đề xuất được nhiều giải pháp. 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội thảo.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, thiết chế văn hóa, thể thao là chỉnh thể gồm cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy, cơ chế tài chính và cơ chế hoạt động đóng vai trò quan trọng trong tạo lập môi trường văn hóa, phát triển trí tuệ, thể chất con người. Nói đến thiết chế văn hóa, chúng ta không quên di sản cha ông ta để lại. Đó chính là tài nguyên, sản phẩm văn hóa rất quan trọng. Khi nói đến văn hóa, chúng ta không chỉ nói đến hưởng thụ về tinh thần mà phải nghĩ đến sự phát triển văn hóa đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, kinh nghiệm của các nước và như phân tích của các đại biểu tham dự hội thảo cho thấy nếu chỉ dựa nếu chỉ dựa vào nguồn lực nhà nước và quản trị công sẽ không thể thúc đẩy được văn hóa phát triển đột phá mạnh mẽ. "Tôi quan tâm tới nghiên cứu của Trung Quốc khi xác định Nhà nước đóng vai trò chủ đạo và đưa ra luật pháp, chính sách rõ ràng để xây dựng thiết chế văn hóa như là một bộ phận của hạ tầng xã hội và các hạ tầng kỹ thuật khác. Tôi cho rằng, thiết chế văn hóa thực chất là bộ phận hết sức quan trọng của thiết chế liên quan đến hạ tầng xã hội", Phó Thủ tướng nhấn mạnh; đồng thời đề nghị, cần có các bộ tiêu chí đánh giá, xác định để đưa vào quy hoạch ở cấp độ quốc gia, vùng, địa phương, cơ sở. Bên cạnh đó, nghiên cứu mô hình thiết chế văn hóa là các thành phố, đô thị di sản, như Hội An.

Các đại biểu dự Hội thảo.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, những vướng mắc liên quan đến các Nghị định và Thông tư mà có thể tháo gỡ ngay, Chính phủ sẽ nghiên cứu, sớm ban hành các văn bản. Trước mắt, Nghị định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 151 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công trong tuần tới có thể ký ban hành. Đặc biệt, Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7 sẽ giải quyết được phần rất lớn những vướng mắc hiện nay đối với đầu tư, quản lý, khai thác và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao...

"Chúng ta đang sửa Luật Xây dựng đô thị và nông thôn, nội hàm thiết chế văn hóa cần xác định rõ, để cùng với Luật Đất đai, trong trường hợp cần thiết, Nhà nước đầu tư và chúng ta phải có đầy đủ điều kiện bao gồm đất đai, nguồn vốn, đầu tư công, đầu tư tư...", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trọng Quỳnh - Phạm Thắng