ĐOÀN ĐBQH TP. HỒ CHÍ MINH LẤY Ý KIẾN GÓP Ý LUẬT THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG (SỬA ĐỔI)
Quang cảnh buổi khảo sát.
Báo cáo của Công an TP Hồ Chí Minh cho thấy, hiện nay tình hình người chưa thành niên vi phạm pháp luật có xu hướng diễn biến ngày càng phức tạp. Các đối tượng thường thực hiện các hành vi về tội như cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, cướp giật tài sản, trộm cắp tài sản… Theo các đại biểu, bối cảnh này, cùng với tăng cường các biện pháp ngăn ngừa hạn chế thấp nhất việc người chưa thành niên phạm tội, cũng cần tăng cường chính sách pháp luật mang tính chất giáo dục để điều chỉnh hành vi của người chưa phạm tội, giúp người dưới 18 tuổi sửa chữa sai lầm, trở thành người có ích cho xã hội. Trong đó, áp dụng xử lý chuyển hướng là biện pháp quan trọng trong xử lý người chưa thành niên phạm tội.
Từ thực tiễn, bà Phạm Thị Thu Hà, Phó Chánh án Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh cho biết, vướng mắc lớn nhất hiện nay trong việc thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến tư pháp người chưa thành niên chủ yếu là do các quy định đối với người chưa thành niên phạm tội còn nằm rải rác, phân tán, dẫn đến khó khăn trong việc thực thi pháp luật một cách có hiệu quả. Đơn cử, việc tổ chức, thực hiện công tác đưa người chưa thành niên đi cai nghiện bắt buộc chưa thực sự hiệu quả, còn nhiều khó khăn, nhất là đối với những người chưa thành niên lang thang, không có nơi cư trú nhất định. Trong công tác xét xử hình sự, tỷ lệ áp dụng biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế như tạm giữ, tạm giam đối với người chưa thành niên còn cao. Về áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, số bị cáo là người dưới 18 tuổi bị áp dụng hình phạt tù có thời hạn (kể cả xử phạt tù cho hưởng án treo) chiếm tỷ lệ cao, đến 83%; trong khi biện pháp tư pháp đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nhằm hỗ trợ hay thay thế cho hình phạt tù hầu như không được áp dụng.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động tư pháp người chưa thành niên, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh kiến nghị Trung ương sớm ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên và các văn bản dưới luật để việc thực hiện hoạt động tố tụng liên quan đến người chưa thành niên được thống nhất, phù hợp thực tiễn. Trong đó, cần hoàn thiện các quy định về trình tự thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử theo một trình tự thủ tục riêng biệt cho người dưới 18 tuổi phạm tội.
Bà Hà Thị Bích Thu, Phó trưởng Phòng 2 - Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh cũng nhận định, thời gian qua, việc thực hiện chuyển hướng trong xử lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự liên quan đến người chưa thành niên gặp nhiều khó khăn do chưa có hướng dẫn cụ thể trong việc áp dụng quy định của pháp luật. Công tác quản lý, hỗ trợ người chưa thành niên tái hòa nhập cộng đồng còn chưa kịp thời. Trong thực hiện quy định của pháp luật về thực hiện pháp lý đối với người dưới 18 tuổi tham gia hoạt động tố tụng cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc. Bà Hà Thị Bích Thu kiến nghị Trung ương tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành, để nâng cao hiệu quả hoạt động tư pháp người chưa thành niên.
Góc độ khác, theo đại diện Công an TP Hồ Chí Minh, pháp luật đã có một số quy định cụ thể nhằm bảo đảm việc tái hòa nhập cộng đồng cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật sau khi các em ra khỏi trại giam hoặc trường giáo dưỡng. Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là các quy định này chủ yếu tập trung vào giai đoạn một của quá trình tái hòa nhập xã hội. Đó là giai đoạn chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật tái hòa nhập xã hội trước khi các em được trả tự do, mà chưa có những quy định, chương trình cụ thể để tiếp tục duy trì kết quả của giai đoạn một, hỗ trợ cho người chưa thành niên nhanh chóng tái hòa nhập khi các em đã trở về cộng đồng.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, hiện tổng số trẻ dưới 16 tuổi của Thành phố là hơn 1,9 triệu, trong đó hơn 9.800 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, có hơn 25.500 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Về trợ giúp thường xuyên theo quy định pháp luật, hiện Thành phố thực hiện trợ cấp xã hội tiền mặt hàng tháng cho hơn 12.400 trẻ sống tại cộng đồng. Số trẻ đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại cơ sở bảo trợ xã hội là hơn 2.500 em.