GÓC NHÌN: BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN TRONG HỆ THỐNG AN SINH XÃ HỘI CỦA VIỆT NAM – NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TẠI DỰ THẢO LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI (SỬA ĐỔI)
MỞ RỘNG DIỆN THỤ HƯỞNG CHÍNH SÁCH, THU HÚT ĐỐI TƯỢNG THAM GIA BHXH TỰ NGUYỆN
Phóng viên: Theo chương trình lập pháp, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV. Luật sư có đánh giá như thế nào qua hơn 7 năm triển khai thi hành Luật?
Luật sư Trần Sỹ Tiến – Giám đốc Công ty Luật Hà Nội VDT: Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được triển khai thực hiện từ năm 2016 đến nay và đã đạt được những thành công rõ rệt so với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006. Đó là sự cố gắng chung tay của toàn xã hội, bộ máy nhà nước trong công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm mục đích xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội ở Việt Nam ngày càng tốt hơn, phù hợp với các cam kết quốc tế. Chính sách của nhà nước đối với bảo hiểm xã hội luôn khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm xã hội. Nguyên tắc chế độ bảo hiểm xã hội có đóng – có hưởng đã phát huy hiệu quả và đem đến luồng gió mới hội nhập quốc tế về các phúc lợi xã hội của quốc gia.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và ưu điểm đã đạt được, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 vẫn còn những tồn đọng, hạn chế chưa giải quyết được dứt điểm từ quá khứ. Trong khi nhà nước tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội là luôn khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm xã hội nhưng trong nội dung quy định lại có những hạn chế về chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc và chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện, hai chế độ trên có những chênh lệch gây nên những tâm lý không tích cực, phân biệt.
Bảo hiểm xã hội bắt buộc có đến 5 chế độ gồm: Ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí và tử tuất. Bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ có 2 chế độ: Hưu trí và tử tuất. Điều này khiến không ít người lao động tự do, những người nằm ngoài quy định bảo hiểm xã hội bắt buộc không thực sự thiết tha tham gia bảo hiểm. Khi người tham gia bảo hiểm xã hội đã tham gia được một thời gian nhất định thì thực sự chưa có được những những chính sách tối ưu để giữ chân họ tiếp tục tham gia lâu dài. Nhiều trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội gặp khó khăn trong cuộc sống nên đã chuyển sang hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Nguyên nhân là do mức hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn tương đối thấp nên ở những nơi vùng sâu, vùng xa, người dân không đủ điều kiện để tham gia bảo hiểm xã hội.
Thời gian vừa qua, có những lúc chúng ta thấy rộ lên nhiều trường hợp xin hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Phần lớn trong số đó là những cá nhân, hộ gia đình nghèo và cận nghèo, gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Điều đó đã gây rất nhiều trở ngại trong công tác quản lý bảo hiểm xã hội và quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội của Nhà nước.
Một vấn đề nữa, trình tự tố tụng trong các vụ việc liên quan đến chậm nộp hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội cũng là một hạn chế. Hiện nay, việc khởi kiện dân sự doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội ra Tòa án nhân dân phức tạp về thủ tục và còn nhiều vướng mắc do chưa đầy đủ quy định hướng dẫn. Việc chuyển những hồ sơ vụ việc về trốn đóng bảo hiểm xã hội sang cơ quan điều tra hình sự để tiến hành điều tra, khởi tố vẫn còn nhiều bất cập về tổ chức thực hiện.
Phóng viên: Qua quá trình hành nghề, theo Luật sư, đâu là những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn?
Luật sư Trần Sỹ Tiến – Giám đốc Công ty Luật Hà Nội VDT: Hiện nay, trên thế giới đã hình thành xu hướng thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân nhằm bảo vệ tốt hơn và đầy đủ hơn cho mọi công dân của mình. Để làm được việc này, hệ thống quản lý bảo hiểm xã hội và hệ thống hành lang pháp lý về bảo hiểm xã hội phải được hoàn thiện hơn nữa, bao trùm hơn nữa đối với các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Các chính sách hỗ trợ để thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa thực sự phát huy hiệu quả. Tại nước Đức, một quốc gia phát triển có hàng trăm năm phát triển bảo hiểm xã hội cũng đã có một hệ thống bảo hiểm xã hội toàn diện, bao gồm bảo hiểm xã hội nghĩa vụ và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Một nguyên tắc đó là: "Có thu nhập là có tham gia bảo hiểm xã hội, có tham gia bảo hiểm xã hội là có hưởng quyền lợi tương ứng.". Đức đã xây dựng một hệ thống pháp luật với đầy đủ các lĩnh vực, nhóm ngành nghề tham gia bảo hiểm xã hội theo thông lệ quốc tế, tạo cơ sở pháp lý cho mọi công dân và cả những người nhập cư đều tham gia bảo hiểm xã hội.
Tại Tây Ban Nha cũng thiết lập hai hệ thống bảo hiểm xã hội theo nguồn đóng góp, đó là một hệ thống bao gồm tất cả những người lao động thông thường và một số loại công chức nhất định; tiếp theo là hệ thống đặc biệt dành cho lao động tự do. Tất cả đều là bảo hiểm xã hội bắt buộc. Song song với đó là hành lang pháp lý chặt chẽ và rõ ràng, đảm bảo cho mọi đối tượng đều tham gia bảo hiểm xã hội một cách tự giác.
Theo thống kê chính thức từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội ở Việt Nam hiện đang ở mức rất thấp. Điều này tạo nguy cơ mất cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội đang đến rất gần. Một vướng mắc tồn tại trong thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội ở Việt Nam là chưa đủ răn đe đối với những hành vi như việc doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Mặc dù Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã nghiêm cấm hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp nhưng vẫn còn những vụ việc diễn ra. Trên thực tế, chưa có quy định cụ thể nào để phân biệt thế nào là hành vi chậm đóng, thế nào là trốn đóng bảo hiểm xã hội để có những thủ tục tố tụng chuẩn xác và chế tài thích đáng. Có những trường hợp còn có dấu hiệu doanh nghiệp chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động. Hay việc cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật, gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện, trục lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Còn vấn đề, giao dịch trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội đã được đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ. Nhưng trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 chưa có những quy định chi tiết về nâng cao tính năng giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội đề phù hợp với xu thế chuyển đổi số, Chính phủ số mà nhà nước đang chú trọng.
Phóng viên: Theo Luật sư, cần có quy định cũng như giải pháp nào để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, giúp người lao động được ghi nhận thời gian tham gia bảo hiểm xã hội và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định?
Luật sư Trần Sỹ Tiến – Giám đốc Công ty Luật Hà Nội VDT: Pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội luôn quan tâm vấn đề bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. Trong thực tế có rất nhiều trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tại những doanh nghiệp khác nhau nhưng mỗi khi thay đổi nơi làm việc thì vấn đề xác nhận thời gian tham gia bảo hiểm xã hội gây rất nhiều phiền toái cho người lao động. Trong khi người lao động đã đi làm tại đơn vị mới nhưng vẫn phải đợi, thậm chí phải xin đơn vị cũ chốt sổ để được xác nhận tham gia bảo hiểm xã hội. Tình trạng trên cũng xuất phát từ nhiều lý do và doanh nghiệp cũng còn phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền bảo hiểm xã hội của người lao động. Để giúp người lao động được ghi nhận thời gian tham gia bảo hiểm xã hội và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội một cách kịp thời, cần có một cơ chế để người lao động có thể chứng minh quá trình làm việc và đã có cấn trừ tiền lương tại đơn vị cũ để tham gia bảo hiểm xã hội. Các cơ quan liên quan cần phối hợp để xác minh, ghi nhận thông tin và xác nhận thời gian tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động để kịp thời hưởng chế độ đúng quy định. Mục đích cao nhất là bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.
Phóng viên: Để bảo đảm an sinh xã hội, theo Luật sư, đâu là những nội dung trọng tâm cần chú trọng trong dự thảo Luật?
Luật sư Trần Sỹ Tiến – Giám đốc Công ty Luật Hà Nội VDT: Không riêng ở Việt Nam, nhiều nước trên thế giới đã rất quan tâm đến vấn đề bảo đảm an sinh xã hội từ nhiều năm trước. Xu hướng thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Ngay cả đến những nơi xa xôi và kém phát triển như châu Phi, từ hàng chục năm nay, rất nhiều các quốc gia ở châu lục này đã áp dụng các kế hoạch mang tầm chiến lược để phát triển an sinh xã hội toàn diện. An sinh xã hội được hiểu là sự bảo vệ của nhà nước nhằm bảo đảm cho những thành viên trong xã hội của đất nước đó điều kiện cuộc sống tốt nhất, được hưởng những quyền lợi chính đáng từ sự nỗ lực cùng đóng góp của người dân và nhà nước.
Từ dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này, tôi cho rằng cần chú trọng một số vấn đề sau:
Thứ nhất, luôn lấy người dân làm trọng tâm. Con người chính là một nhân tố cơ bản và cốt yếu để tạo nên một xã hội. Một xã hội văn minh, phát triển hay trì chệ, thụt lùi cũng phần lớn là do con người. Cần cân đối giữa các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, công bằng về chính sách, quyền và nghĩa vụ. Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cần được nhìn nhận khách quan, đảm bảo không chênh lệch về quyền lợi.
Thứ hai, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào quản lý và các giao dịch về bảo hiểm xã hội. Thực hiện giao dịch điện tử về bảo hiểm xã hội cũng là theo xu thế chuyển đổi số toàn cầu và tại Việt Nam. Việc này cũng giúp cho các cơ quan nhà nước tiết kiệm nguồn lực và nâng cao hiệu suất làm việc. Không những vậy, hệ thống số hoá cũng giúp cho hoạt động minh bạch, chống lại những tư tưởng tham nhũng.
Thứ ba, cần nâng cao tính chuyên sâu các quy định pháp luật về thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về bảo hiểm xã hội. Quy định rõ ràng và chặt chẽ về xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội. Phổ biến và tuyên truyền thường xuyên các quy định và chính sách của Nhà nước về an sinh xã hội nói chung và bảo hiểm xã hội nói riêng. Từ đó nâng cao được nhận thức, ý thức của các cá nhân, tổ chức về chấp hành các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Luật sư!