HOÀN THIỆN CHẾ ĐỊNH VỀ XỬ LÝ CHUYỂN HƯỚNG TRONG DỰ THẢO LUẬT TƯ PHÁP NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN

09/04/2024

Theo GS.TS. Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, việc xây dựng chế định xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên là cần thiết đồng thời, cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc ưu tiên áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, bảo đảm phù hợp với giá trị nhân đạo, nhân văn và thông lệ quốc tế…

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT TƯ PHÁP NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN VÀO NĂM 2024

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ HÌNH PHẠT ĐỐI VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN PHẠM TỘI

Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên dự kiến sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 (5/2024) 

Vừa qua, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và điều chỉnh chương trình năm 2023, Tòa án Nhân dân Tối cao đã chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan soạn thảo dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên được xin ý kiến gồm 156 Điều, bố cục thành 5 phần, 11 chương, quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt và thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng đối với bị hại và người làm chứng là người chưa thành niên; thi hành án; tái hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ bị hại; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội

Theo GS.TS. Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, xử lý chuyển hướng ở Việt Nam là vấn đề mới, khái niệm xử lý chuyển hướng chưa được chính thức quy định trong pháp luật. Do đó, cũng chưa có khuôn khổ pháp lý về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội. Tuy nhiên, có thể thấy tư tưởng, nguyên tắc, các biện pháp xử lý đặc thù đối với người chưa thành niên phạm tội theo tinh thần chuyển hướng tích cực đã được quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng của Việt Nam, cụ thể: Hiến pháp 2013 quy định "Trẻ em được nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục" ( Khoản 3, Điều 37). Cụ thể hoá nguyên tắc hiến định này, Luật Trẻ em 2016 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) có quy định: "Bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em trong các quyết định liên quan đến trẻ em” ( Khoản 3, Điều 5).

Đồng thời, Chương XII của Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) dưới tiêu đề “Những quy định đối với người chưa thành niên phạm tội” đã tiếp cận gần hơn cả với tinh thần và nội dung của chế định tư pháp chuyển hướng đối với ngươi chưa thành niên phạm tội theo quan niệm quốc tế. Chương này đã đặt ra nguyên tắc và cơ chế pháp lý bảo đảm thực hiện chính sách: “Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội" (Khoản 1, Điều 91); “Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi chỉ trong trường hợp thật cần thiết và căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm” (Khoản 3, Điều 92). Đồng thời, Mục 2 của Chương này quy định về các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự.

Tuy đây là những quy định đặc thù áp dụng xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội, nhưng về cơ bản đã thể hiện rõ nét tư tưởng, nguyên tắc, giá trị tiến bộ của mô hình tư pháp chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để có thể kế thừa và phát triển thành chế định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội phù hợp với nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

GS.TS. Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, thành viên HĐKH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tiếp cận quy định tại dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên về nội dung này, GS.TS. Hoàng Thế Liên cho biết, nội dung này được soạn thảo công phu, bao quát đầy đủ các vấn đề cần điều chỉnh từ: Nguyên tắc chuyển hướng; Điều kiện để được xem xét chuyển hướng; Các biện pháp chuyển hướng; Thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp chuyển hướng đến Thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Từng vấn đề nêu trên được quy định khá cụ thể, rõ ràng về nội dung biện pháp, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiên xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, thì hành biện pháp xử lý chuyển hướng.

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng đã thể chế hoá đầy đủ chính sách bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, chính sách hình sự nhân đạo và hướng thiên của Đảng ta, nhất là về tư pháp người chưa thành niên; bảo đảm phù hợp với nguyên tắc, chuẩn mực và thông lệ quốc tế; phù hợp đặc điểm về văn hoá, kinh tế- xã hội và thể chế chính trị của nước ta; thể hiện sự kế thừa và phát triển các quy định pháp luật hiện hành. Đặc biệt, để giúp người chưa thành niên phạm tội tránh bị xử lý hình sự nghiêm khắc, chế định này đã coi trọng biện pháp giám sát, giáo dục, đào tạo nghề, tư vấn định hướng giúp nhằm giúp đỡ, tạo điều kiện để người chưa thành niên phạm tội phát triển lành manh, tái hoà nhập cộng đồng hiệu quả dựa trên sự phát huy sức mạnh, tính chất ưu việt của hệ thống chính trị ở cơ sở của nước ta. Tuy nhiên, để góp phần hoàn thiện hơn quy định tại dự thảo, GS.TS. Hoàng Thế Liên đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, nghiên cứu một số nội dung cụ thể như sau:

Quy định rõ trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc ưu tiên áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng

Một là, theo nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế và kinh nghiệm điều chỉnh pháp luật của nhiều nước, việc lựa chọn áp dụng biện pháp xử lý chuyển hương đối với người chưa thành niên phạm tội là ưu tiên hàng đầu, đặt thành nhiệm vụ bắt buộc của các cơ quan tư pháp có thẩm trong sự hợp tác, cộng đồng trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và các thiết chế xã hội. Do đó, việc xây dựng chế định xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội trên cơ sở kế thừa và phát triển Mục 2 “Những quy định đối với người chưa thành niên phạm tội” của Chương XII, Bộ luật Hình sự là hợp lý, nhưng phải đặt thành nguyên tắc trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc ưu tiên áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng để có thể thay thế được, thay thế tốt hơn việc đưa người chưa thành niện phạm tội vào vòng tố tụng tư pháp hình sự, bảo đảm phù hợp với giá trị nhân đạo, nhân văn và thông lệ quốc tế. Vì vậy, cần chỉnh sửa Nguyên tắc được quy định tại Điều 11của dự thảo Luật, thể hiện rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Hai là, quy định càng nhiều biện pháp xử lý chuyển hướng càng thuận lợi cho việc xem xét, quyết định lựa chọn áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, bảo đảm phù hợp với đặc điểm về nhân thân của người chưa thành niên phạm tội, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm, bảo vệ cộng đồng. Vì vậy, các biện pháp được quy định trong Dự thảo, cần phải đáp ứng các yêu cầu: Phù hợp với bản chất của vấn đề tư pháp chuyển hướng; Phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành và khả năng nhận thức của người chưa thành niên; Phù hợp với nguyên tắc, quy tắc quốc tế được quy định trong các văn kiên quốc tế mà Việt Nam tham gia; Phù hợp với đặc điểm về văn hoá truyền thống, trình độ phát triển KT-XH, thể chế chính trị của nước ta.

Ngoài ra, trong hệ thống chính trị nước ta, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội rất mạnh, nếu có cơ chế huy động các tổ chức này tham gia thực hiện, giám sát việc thực hiện biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội thì chắc chắn sẽ đạt hiệu quả cao.         

Ba là, trên cơ sở 16 nguyên tắc quy định tại dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, phần II - Xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội, cũng quy định 4 nguyên tắc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng (Điều 32) là cần thiết. Tuy nhiên, quá trình xử lý chuyển hướng diễn ra phức tạp với nhiều rủi ro, rất cần quy định đầy đủ hơn để phòng chống lạm dụng, chống chủ nghĩa hình thức, bảo đảm hài hoà giữa lợi ích của người chưa thành niên, xã hội mà trước hết là của cộng đồng và nhà nước.

Bốn là, về thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, đề nghị nên giao cho Toà án thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng trên cơ sở đề nghị của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc tự mình xem xét. Bởi vì, quy định này nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất hiệu quả biện pháp xử lý chuyển hướng, khắc phục những bất cập, hạn chế của pháp luật hiện hành về miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội. Đồng thời, việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội cũng là biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân, do đó cần được thực hiện bởi Toà án với thủ tục tố tụng dân chủ, khách quan.

Tuy nhiên, trong trường hợp chưa đạt được sự thống nhất, Dự thảo luật nên đưa ra 02 phương án: (1) Giao cho Toà án như lập luận nêu trên; (2) Giao cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án thẩm quyền áp dụng trong mọi giai đoạn tố tụng như Dự thảo mới nhất quy định. Trong trường hợp này, rất cần phải quy định đầy đủ trình tự, thử tục áp dụng cho từng giai đoạn tố tụng, bảo đảm phù hợp với địa vị pháp lý và tính chất hoạt động của từng cơ quan tố tụng khi thực hiện thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội.

Ngoài ra, cũng theo nhận định của GS.TS. Hoàng Thế Liên, so với Luật tư pháp người chưa thành niên của một số nước, dự thảo luật của nước ta có nhiều điểm mới, thể hiện rõ nét ở tính toàn diện và hướng tới xây dựng một hệ thống tư pháp người chưa thành niên riêng mang tính chuyên nghiệp. Tính toàn diện thể hiện ở chỗ, dự thảo luật quy định đầy đủ từ biện pháp xử lý chuyển hướng, hình phạt, trình tự và thủ tục xét xử, cơ quan tiến hành và tham gia tố tụng đến thi hành và tái hoà nhập cộng đồng… Luật này được ban hành sẽ thay thế hoàn toàn các chương, mục, điều của Bộ luật Hình sự, Bộ luât Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự… về người chưa thành niên phạm tội; hình thành một hệ thống tư pháp người chưa thành niên riêng. Đặc biệt, ở Việt Nam, dự thảo luật Tư pháp người chưa thành niên đang áp dụng phương thức "Vai trò kép", theo đó Toà án gia đình làm cả hai nhiệm vụ vừa xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, vừa cũng là thiết chế xét xử đối với người chưa thành niên phạm tội./.

Lê Anh