HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ HÌNH PHẠT ĐỐI VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN PHẠM TỘI

30/03/2024

Theo PGS. TS. Trần Văn Độ - Nguyên Phó Chánh án TANDTC, Nguyên Chánh án Tòa án quân sự Trung ương, hoàn thiện chính sách pháp luật về hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội cần thể chế hoá quan điểm của Đảng và nguyên tắc của pháp luật quốc tế, đó là đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ em; nhân đạo và coi trọng giáo dục, phòng ngừa trong xử lý...

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT TƯ PHÁP NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN VÀO NĂM 2024

(Ảnh minh họa)

Bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên

PGS. TS. Trần Văn Độ cho biết, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn có những chính sách nhân đạo nhằm bảo vệ và tạo điều kiện phát triển người chưa thành niên trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội trong đó có lĩnh vực áp dụng pháp luật.

Người chưa thành niên phạm tội là nhóm chủ thể đặc biệt so với nhóm chủ thể là người đã thành niên. Chính sách xử lý hình sự đối với người chưa thành niên xuất phát từ yêu cầu của nguyên tắc nhân đạo và nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự (TNHS), đặc biệt là nguyên tắc “việc xử lý người chưa thành niên phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên”. Do đó, việc xử lý người chưa thành niên phạm tội vừa phải tuân thủ quy định về xử lý tội phạm nói chung, vừa phải tuân thủ những quy định được xây dựng phù hợp với đặc thù của người chưa thành niên phạm tội. Chính vì vậy TNHS của người chưa thành niên phạm tội có những đặc thù riêng. TNHS của người chưa thành niên phạm tội được giảm nhẹ hơn so với người phạm tội đã thành niên, tính giảm nhẹ được thể hiện ở các chế định khác nhau của luật hình sự, trong đó có chế định hình phạt, bao gồm quy định hình phạt, quy định áp dụng hình phạt, quy định thi hành hình phạt.

Việt Nam là một trong các quốc gia sớm nhất tham gia Công ước quyền trẻ em và có nghĩa vụ nội luật hoá quy định của Công ước vào hệ thống pháp luật quốc gia.

Việc áp dụng TNHS đối với người chưa thành niên phạm tội được tiến hành theo thủ tục đặc biệt, thể hiện ở các quy định về tiêu chuẩn của những người tham gia tố tụng, về điều kiện áp dụng các biện pháp ngăn chặn; về việc tham gia bắt buộc của người bào chữa; về sự tham gia của gia đình, nhà trường trong quá trình tố tụng...

Thực tiễn áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội những năm quan nhìn chung đã có những điểm tích cực. Chính sách hình phạt đối với dưới 18 tuổi cơ bản đã được thể hiện trong Bộ Luật Hình sự (BLHS) và được áp dụng trên thực tế theo hướng nhẹ hơn so với người đã thành niên.

Tuy nhiên, qua khảo sát PGS. TS. Trần Văn Độ cho rằng, việc áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên trên thực tế vẫn chưa tương xứng với chính sách hình phạt đối với họ; vẫn còn những hạn chế cần tiếp tục hoàn thiện, cụ thể: tại Chương XII BLHS chủ yếu quy định giảm nhẹ hình phạt, nhưng chưa quan tâm nhiều đến việc quy định điều kiện áp dụng hình phạt hoặc điều kiện để áp dụng các chế định nhân đạo khác như án treo, quyết định hình phạt đưới khung...

PGS. TS. Trần Văn Độ - Nguyên Phó Chánh án TANDTC, Nguyên Chánh án Tòa án quân sự Trung ương

Kiến nghị hoàn thiện chính sách hình phạt đối với người chưa thành niên

Để tiếp tục hoàn thiện chính sách hình phạt đối với người chưa thành niên, PGS. TS. Trần Văn Độ kiến nghị một số nội dung cụ thể như sau:

Thứ nhất, cần quy định và bổ sung điều kiện áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với người chưa thành niên phạm tội theo hướng cảnh cáo được áp dụng về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; được áp dụng về tội rất nghiêm trọng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi;

Thứ hai, cần sửa đổi Điều 100 BLHS về thới hạn phạt tù theo hướng:

. Nếu hình phạt được quy định là chung thân, từ hình thì mức hình phạt tù cao nhất đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là 18 năm; đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi là 12 năm;

. Nếu hình phạt được quy định là tù có thời hạn thì mức hình phạt tù đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là 3/4 mức phạt tù luật định, nhưng mức thấp nhất không dưới 3 tháng; đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi là 1/2 mức phạt tù luật định, nhưng mức thấp nhất không dưới 3 tháng;

Thứ ba, cần bổ sung vào Chương XII quy định về án treo theo hướng mở rộng điều kiện áp dụng đối với người chưa thành niên. Đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi thì khi phạt tù không quá 3 năm, đối với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi thì khi phạt tù không quá 5 năm, thành khẩn khai báo, ăn năng hối cải (không cần có nhiều tình tiết giảm nhẹ) căn cứ vào nhân thân, thấy không cần bắt chấp hành hình phạt tù thì Toà án cho hưởng án treo...

Thứ tư, cần bổ sung vào Chương XII quy định về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn theo hướng: Trường hợp người chưa thành niên có nhiều tình tiết giảm nhẹ hoặc bị người đã thành niên xúi dục phạm tội hoặc tham gia với vai trò đồng phạm không đáng kể  thì Toà án quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (không bị giới hạn ở khung liền kề) hoặc chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn..../.

Lê Anh