Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là một trong những dự án luật nhận được nhiều sự quan tâm với những nội dung trọng tâm như: vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, chưa đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần, tác động của cải cách chính sách tiền lương, tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội trên môi trường giao dịch điện tử, biện pháp xử lý chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
Quan tâm đến một số nội dung của Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được các ĐBQH chuyên trách thảo luận vào ngày 27/3, một số chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng cần những giải pháp cụ thể, đồng bộ để tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội.
Theo TS.Nguyễn Thị Thanh Tâm, Khoa Kinh tế Chính trị, Học viện Chính trị khu vực 1, những năm qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã chủ động thển khai nhiều hoạt động để từng bước đưa Nghị quyết số 28-NQ/TW sớm đi vào cuộc sống một cách thiết thực, hiệu quả. Đặc biệt, ngay sau khi Nghị quyết số 28-NQ/TW được ban hành, ngày 16/8/2018, Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam đã có Chương trình hành động số 107-Ctr/BCSĐ về thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW; BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch số 5386/KH-BHXH ngày 24/12/2018 về việc thực hiện Nghị quyết số số 125/NQ-CP; đồng thời, ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho các địa phương.
Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, đến nay, công tác đảm bảo quyền lợi của người tham gia, thụ hướng chính sách luôn được ngành BHXH Việt Nam thực hiện kịp thời, đúng quy định. Đặc biệt, với phương thức quản lý hiện đại, hoạt động của ngành BHXH Việt Nam đã được đổi mới theo hướng phục vụ, đẩy mạnh giao dịch điện tử, tăng cường sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT.
Trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh, BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt như: Chi trả cùng một kỳ hai tháng lương hưu, chỉ trả tại nhà, chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, cấp thuốc bảo hiểm y tế; sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay thế thẻ BHYT giấy trong khám chữa bệnh đối với các tỉnh vùng thiên tai...
TS.Nguyễn Thị Thanh Tâm, Khoa Kinh tế Chính trị, Học viện Chính trị khu vực 1
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW cũng gặp phải một số khó khăn, hạn chế như: Hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH trong quá trình thực hiện đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc chưa được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung; Chính sách BHXH hiện hành còn bỏ sót một số nhóm có nhu cầu và có khả năng nhưng chưa được luật hóa để tham gia (như: Chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp không hưởng lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt...); Chính sách BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn người tham gia; Số người nhận BHXH một lần tiếp tục gia tăng; Tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi Quỹ BHXH, Quỹ BHYT vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương…
TS.Nguyễn Thị Thanh Tâm chỉ rõ, để khắc phục những bất cập, hạn chế trên, cũng như tăng diện bao phủ BHXH hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, thời gian tới, cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay theo hướng: Giảm điều kiện thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu xuống còn 15 năm, tiến tới xuống còn 10 năm; Tăng mức hỗ trợ từ Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện; Bổ sung chế độ, chính sách ngắn hạn, linh hoạt (như chế độ ốm đau, thai sản...) nhằm tăng tính hấp dẫn cho chính sách BHXH tự nguyện.
Hai là, đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách (chú trọng đa dạng hóa các hình thức truyền thông) nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tham gia BHXH của doanh nghiệp và người dân; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc thực hiện công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện.
Ba là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, cải cách thủ tục hành chính...; Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ cho công nhân, viên chức cơ quan BHXH/đại lý thu.
Bốn là, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người tham gia, người thụ hưởng chính sách BHXH để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tham gia ΒΗΧΗ.
Năm là, tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng BHXH để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai phạm, đảm bảo chính sách an sinh xã hội cho người lao động.
Ngoài ra, một số chuyên gia cũng nhấn mạnh, thời gian tới, chúng ta cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách để BHXH thật sự trở thành lưới an sinh bao phủ toàn dân. Cũng phải nói rằng, công tác cải cách luôn đòi hỏi sự thay đổi sâu rộng, không dễ thực hiện. Song với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự quyết tâm, đồng lòng, nỗ lực, cố gắng của toàn thể công chức, viên chức, người lao động, ngành BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm góp phần hiện thực hóa lộ trình BHXH toàn dân theo tinh thần Nghị quyết số 28. Trong đó, đặc biệt chú trọng tiếp tục đề xuất, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện.