TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 14/3: KHAI MẠC PHIÊN HỌP THỨ 31 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

14/03/2024

Theo chương trình làm việc, 8h00 sáng 14/3/2024, tại Nhà Quốc hội, Phiên họp thứ 31 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chính thức khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Chủ tịch Quốc hội cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội sẽ luân phiên điều hành nội dung phiên họp.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: CHO Ý KIẾN ĐỂ HOÀN THIỆN CAO NHẤT CHO DỰ ÁN LUẬT TRÌNH QUỐC HỘI XEM XÉT THÔNG QUA TẠI KỲ HỌP THỨ 7

THÔNG CÁO BÁO CHÍ VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHIÊN HỌP THỨ 31 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp 

Theo đó, sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về: (1) Việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); (2) Việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung (1)

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung (2)

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội liên tục cập nhật nội dung chi tiết:

8h00: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu

Phát biểu mở đầu phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp thứ 31 trong thời gian 3,5 ngày để xem xét 10 nội dung quan trọng và tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn.

Dự phiên họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng; cùng đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Nội chính Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Kiểm toán Nhà nước, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, các Bộ ngành Trung ương…

Tiếp theo Chương trình phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc và chỉ đạo phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

8h01: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 31 diễn ra trong 3,5 ngày, dự kiến cho ý kiến, xem xét quyết định các nội dung quan trọng. Trong đó về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về giải trình, tiếp thu đối với 7 dự án luật trước khi xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sau đó trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, gồm: dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); dự thảo Luật Đường bộ; dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, sau phiên họp lần này, 9 dự án luật dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, xem xét tại Phiên họp tháng 2. Như vậy có thể thấy, tiến độ chuẩn bị các dự án luật của Chính phủ, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan tích cực và sớm hơn so với kỳ họp trước đây. Trong các dự án luật trình lần này đều được các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách ngành và lĩnh vực cùng với cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra làm việc rất kỹ lưỡng, nhiều vòng, nhiều lần tiếp thu ý kiến một cách tối đa những ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học và tiếp tục chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung và cơ bản so với dự thảo đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 được hoàn thiện thêm một bước rất cơ bản.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tại Phiên họp tháng 3, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành thời gian nghiên cứu, cho ý kiến đóng góp chất lượng vào các dự án Luật tốt nhất, nhất là một số dự án luật có những nội dung khó và có ý kiến khác nhau.

Nhóm vấn đề thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét quyết định việc thành lập sắp xếp một số đơn vị hành chính thuộc tỉnh Bình Dương, tỉnh Tiền Giang. Đây cũng là một trong những nội dung trọng tâm để thực hiện nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị và chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã và cấp huyện; đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về phát triển đô thị trong thời kỳ mới. Cũng trong phiên họp tháng 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét, cho ý kiến đối với Báo cáo công tác dân nguyện tháng 2/2024.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu rõ, nhóm vấn đề thứ ba là Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến dành một ngày (dự kiến ngày 18) thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hai nhóm vấn đề: nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực tài chính; nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực ngoại giao.

Các nội dung chất vấn này dự kiến sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp và có kết nối với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố; có sự tham gia của một số Phó Thủ tướng và một số đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan. 

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết trong tháng 3, sẽ còn phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật và phiên họp thường kỳ của tháng 5 sẽ cơ bản hoàn tất các nội dung có liên quan đến chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7.

8h16: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Điều hành nội dung phiên họp,  Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định  cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Tiếp đến, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

8h17: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo các quy định của một số luật và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung 02 nội dung mới trong nguyên tắc áp dụng pháp luật theo hướng: Xác định rõ trong trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với Luật Thủ đô về cùng một vấn đề và quá trình triển khai áp dụng quy định này sẽ thuận lợi hơn cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô nhưng việc áp dụng lại chưa được quy định cụ thể trong luật, nghị quyết đó thì UBTVQH quyết định việc áp dụng theo đề nghị của Chính phủ (khoản 3).  

Để khắc phục vướng mắc trong thực tiễn áp dụng Luật Thủ đô năm 2012 và một số nghị quyết của Quốc hội thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương hiện đang được triển khai, dự thảo Luật quy định: trường hợp có sự khác nhau giữa văn bản quy định chi tiết hoặc văn bản ban hành để thực hiện thẩm quyền được giao theo quy định của Luật Thủ đô với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản quy định chi tiết, văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô (khoản 4).

Về tổ chức chính quyền đô thị (Chương II), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan thống nhất tiếp thu, chỉnh lý các quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND thành phố Hà Nội, quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố và UBND phường. Nội dung tiếp thu, chỉnh lý các quy định về tổ chức bộ máy thể hiện sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho thành phố Hà Nội, giúp chính quyền Thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương một cách hiệu quả vai trò, nhiệm vụ hết sức đặc thù là Thủ đô của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Cụ thể, dự thảo luật phân quyền cho HĐND thành phố Hà Nội quy định tiêu chí thành lập và quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND Thành phố (không bị giới hạn bởi quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ, cơ quan ngang Bộ về các nội dung liên quan nhưng phải bảo đảm phù hợp yêu cầu về mục tiêu, nhiệm vụ quản lý nhà nước, mục tiêu cải cách hành chính nhà nước và không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn) (khoản 4 Điều 9). 

Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng xác định Thường trực HĐND Thành phố hoạt động chuyên trách và có không quá 11 thành viên (dự thảo Luật trình Quốc hội quy định không quá 09 thành viên), số lượng thành viên cụ thể do HĐND Thành phố quyết định (khoản 2 Điều 9). Phân quyền trực tiếp cho Thường trực HĐND Thành phố quyết định và báo cáo HĐND Thành phố tại kỳ họp gần nhất một số vấn đề cấp bách để bảo đảm tính kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn (khoản 5 Điều 9).  

Dự thảo Luật giao quyền chủ động cho HĐND Thành phố quyết định số lượng, tên gọi, phạm vi lĩnh vực phụ trách, số lượng thành viên các Ban của HĐND; đổi mới cách quy định về số lượng Phó Trưởng ban theo hướng bình quân không quá 02 Phó Trưởng ban trên một Ban; bổ sung quy định Ban có bộ phận hoạt động chuyên trách để giải quyết các công việc thường xuyên trong thời gian Ban không họp (khoản 3 Điều 9). Tăng cường tổ chức bộ máy cho HĐND quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố theo hướng HĐND ở những đơn vị hành chính này có 02 Phó Chủ tịch, không quá 09 đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách và được thành lập không quá 03 Ban; Ban có thể có Ủy viên hoạt động chuyên trách (khoản 1 và khoản 2 Điều 11).  

Về các nội dung phân quyền cho thành phố Hà Nội trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng phân quyền mạnh hơn, xác định rõ phạm vi, trách nhiệm của chính quyền thành phố Hà Nội trong một số lĩnh vực. Cụ thể, dự thảo luật giao HĐND Thành phố quy định chi tiết trình tự, thủ tục điều chỉnh cục  bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của Thành phố (khoản 3 Điều 17) (các nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù giao Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết).

Dự thảo luật phân quyền cho UBND Thành phố phê duyệt dự án xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê trên địa bàn Thành phố bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật về đê điều (khoản 6 Điều 18) (Luật Đê điều giao Thủ tướng Chính phủ quyết định).  

Thêm vào đó, dự thảo luật phân quyền cho cơ quan chuyên môn về du lịch thuộc UBND Thành phố cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế; thẩm định, công nhận, công bố, kiểm tra, thu hồi quyết định công nhận, thay đổi hạng cơ sở lưu trú du lịch hạng 4 sao, 5 sao (khoản 7 Điều 21) (Luật Du lịch giao thẩm quyền này cho Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam). Phân quyền cho UBND Thành phố quyết định thành lập, mở rộng khu công nghệ cao, ban hành quy chế hoạt động của các khu công nghệ cao do UBND Thành phố thành lập (điểm a khoản 1 Điều 24).  

Dự thảo luật cũng phân quyền cho cơ quan chuyên môn về y tế thuộc UBND Thành phố thẩm định, cho phép các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý của UBND Thành phố được áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài cho phép áp dụng tại nước ngoài (khoản 5 Điều 26) (Luật Khám bệnh, chữa bệnh giao Bộ Y tế). 

Về một số nội dung xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến chỉ đạo, định hướng về một số nội dung như: quản lý biên chế, thu nhập tăng thêm; việc xác định cụ thể giới hạn được sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất; phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng; thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao; việc phân quyền cho Ban quản lý khu công nghệ cao trong việc giao lại đất, cho thuê đất trong phạm vi khu công nghệ cao.

8h37: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành và gợi ý một số nội dung tập trung thảo luận

Điều hành và gợi ý một số nội dung tập trung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến đối với Luật Thủ đô (sửa đổi)…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) là dự án Luật đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Thủ đô, cũng như sự phát triển chung của cả nước.

Để hoàn thiện dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm nay, Ủy ban Pháp luật đã phối hợp rất chặt chẽ và thường xuyên với cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan, cơ quan chuyên môn… để tổ chức nghiên cứu các ý kiến đại biểu Quốc hội, lấy ý kiến chuyên gia đối với các nội dung của dự án Luật…

Nhấn mạnh dự án Luật Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Đảng đoàn Quốc hội đã làm việc và có thông báo đến các cơ quan. Dự thảo Luật đến nay đã được thống nhất nhiều nội dung, đảm bảo đúng chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội.

Tại phiên họp hôm nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các đại biểu cho ý kiến trọng tâm vào 05 vấn đề mà Ủy ban Pháp luật, cơ quan soạn thảo xin ý kiến. “Ngoài ra, nếu có ý kiến bổ sung với những vấn đề đã thống nhất, các đại biểu cho ý kiến luôn tại phiên họp”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ.

8h44: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu

Qua nghiên cứu dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu dự thảo Luật này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường bày tỏ tán thành nhiều nội dung trong báo cáo và đánh giá cao sự nghiêm túc, khẩn trương trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. 

“Có thể nói, trong thời gian ngắn, Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với các cơ quan liên quan để nhanh chóng hoàn thiện Hồ sơ trình UBTVQH rất dày dặn. So với dự thảo trình Đảng Đoàn Quốc hội, dự thảo mới này đã có sự thay đổi rất đáng kể”, Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ. 

Để hoàn thiện hơn nữa, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường góp ý về việc giao UBND TP Hà Nội thẩm quyền điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của Thành phố quy định tại khoản 3 Điều 17. Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, hiện nay các Nghị quyết thí điểm thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố như Nghệ An, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Thành phố Hồ Chí Minh… đều quy định cho phép Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch và giao Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục điều chỉnh. Trong trình tự, thủ tục thực hiện, yêu cầu có ý kiến của Bộ Xây dựng trước khi Thủ tướng quyết định.

Với hình thành phân cấp, phân quyền rất cao cho Thủ đô Hà Nội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường tán thành cao quy định tại dự thảo Luật là UBND TP. Hà Nội có thẩm quyền điều chỉnh và giao Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định chi tiết về trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch để tạo sự chủ động cho Thủ đô trong việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành, hạ tầng kỹ thuật.

Như vậy, có thể không cần có ý kiến bằng văn bản của Bộ Xây dựng. Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh, quy định này sẽ rút ngắn trình tự, thủ tục thực hiện, nâng cao trách nhiệm cũng như kịp thời đáp ứng những vướng mắc thực tiễn ở thủ đô Hà Nội.

Về quản lý, sử dụng không gian ngầm quy định tại khoản 2 Điều19, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, đây là nội dung khó, phức tạp và là mối quan tâm của nhiều thành phố lớn trên thế giới chứ không chỉ riêng chúng ta. Thực tế nhiều nước đang triển khai rất tốt việc quản lý, sử dụng không gian ngầm. 

So với dự thảo trình Quốc hội, dự thảo lần này đã đưa ra hai phương án mới. Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường bày tỏ tán thành với phương án 2 là giao Chính phủ quy định giới hạn độ sâu người sử dụng đất thuộc địa bàn thành phố Hà Nội được sử dụng lòng đất theo chiều tẳng đứng để tạo sự chủ động, linh hoạt cho Chính phủ và thành phố Hà Nội, tránh khó khăn trong việc thực hiện đối với từng trường hợp cụ thể. 

Về việc giao cho Ban quản lý khu công nghệ cao có thẩm quyền giao lại đất, thuê đất trong phạm vi khu công nghệ cao quy định tại Khoản 3 Điều 24, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, thực tế đã cho thấy quyền cho thuê đất đã có tác động tích cực trong việc đầu tư trên đất, nhà đầu tư và người sản xuất yên tâm, chủ động trong việc sử dụng mặt bằng. Vì vậy, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, trong khi chuyển giao thẩm quyền quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc về cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vẫn nên tiếp tục duy trì quyền giao lại đất, cho thuê đất trong phạm vi khu công nghệ cao của Ban quản lý để đảm bảo tính liên tục, nhất quán và cũng là theo tinh thần chung của Luật này là phân quyền cho Thủ đô Hà Nội.

8h54: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã cơ bản hoàn chỉnh, thể hiện được cơ chế đặc thù vượt trội để phát triển Thủ đô trong thời gian tới.

Góp ý vào nội dung cụ thể về việc xác định cụ thể giới hạn được sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động, đồng thời tham khảo kinh nghiệm quốc tế để quy định cho phù hợp nhằm chủ động quản lý, khai thác, sử dụng không gian ngầm một cách hiệu quả, xác định rõ giới hạn được sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất, minh bạch hóa quyền và trách nhiệm của người sử dụng đất, tạo thuận lợi cho việc khai thác giá trị gia tăng từ đất. Đồng thời Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Luật cũng cần cụ thể mức giới hạn độ sâu mà người sử dụng đất được sử dụng.

Về việc đảm bảo đảm quốc phòng an ninh khi xử phạt vi phạm hành chính, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm các nước để quy định cho phù hợp, đảm bảo tính khả thi.

9h01: Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, đối với quy định về thu nhập tăng thêm, việc quy định chế độ tiền lương, phụ cấp, tăng thu nhập thêm của cán bộ, công chức, viên chức thủ đô là cần thiết. Cơ chế này đã được quy định cho Tp.Hồ Chí Minh và một số địa phương khác. Việc quy định này giúp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đời sống, yên tâm công tác, cống hiến lâu dài, hiệu quả cho sự phát triển của thủ đô.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị giữ nội dung này như Chính phủ trình, có báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định.

Đối với việc xác định cụ thể giới hạn sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, hiện chưa có quy định trong pháp luật, cần quy định theo khung, giao Chính phủ quy định chi tiết. Về việc phân quyền cho Ban quản lý khu công nghệ cao trong việc giao lại đất, cho thuê đất trong phạm vi khu công nghệ cao, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, Luật Đất đai vừa mới ban hành, không nên có quy định chồng chéo, mâu thuẫn, vì vậy cần đảm bảo quy định trong Luật này thống nhất với Luật Đất đai.

9h03: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu

Quan tâm đến quy định liên quan đến cơ sở giáo dục chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh băn khoăn về việc, nếu ở địa bàn chỉ có cơ sở giáo dục chất lượng cao sẽ không có sự công bằng trong tiếp cận giáo dục. Bởi trong cùng một địa bàn, vẫn có nhu cầu của phụ huynh, học sinh được học các trường công lập, với mức học phí vừa phải, phù hợp với thu nhập của họ, Vì vậy, khi quyết định quy hoạch về hệ thống giáo dục, Hội đồng nhân dân thành phố nên cân nhắc đến điều này để tất cả học sinh đều có cơ hội tiếp cận với giáo dục.

9h06: Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu

Tham gia ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, về việc xác định cụ thể giới hạn được sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất, cần quy định ngay trong Luật người sử dụng đất được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến 15 mét vào lòng đất; ngoài giới hạn độ sâu này, người sử dụng đất vẫn được sử dụng nếu phù hợp quy hoạch nhưng phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải trả tiền theo quy định của Chính phủ. Việc xác định giới hạn độ sâu 15 mét là căn cứ vào phạm vi phân vùng chức năng được xác định tại Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, phương án này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho thành phố Hà Nội trong việc chủ động quản lý, khai thác, sử dụng không gian ngầm một cách hiệu quả, xác định rõ giới hạn được sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất, minh bạch hóa quyền và trách nhiệm của người sử dụng đất, tạo thuận lợi cho việc khai thác giá trị gia tăng từ đất và triển khai xây dựng hệ thống đường sắt đô thị.

Về việc phân quyền cho Ban quản lý khu công nghệ cao trong việc giao lại đất, cho thuê đất trong phạm vi khu công nghệ cao, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, việc dự thảo Luật quy định Ban quản lý khu công nghệ cao có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất trong phạm vi khu công nghệ cao là cần thiết, phù hợp với năng lực quản lý của Ban với tư cách là cơ quan hành chính thuộc UBND thành phố Hà Nội, bảo đảm thống nhất về quản lý nhà nước trên địa bàn, giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho việc phát huy, sử dụng có hiệu quả quỹ đất tại các khu công nghệ cao của thành phố Hà Nội mang lại giá trị và hiệu quả thiết thực. 

Về cơ chế thử nghiệm ở Điều 25, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng đây là nhóm quy định quan trọng trong tạo điều kiện cho các mô hình mới, công nghệ mới nhằm đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tuy nhiên, khoản 5 Điều 25 cần có quy định cụ thể hơn về giai đoạn kết thúc quá trình thử nghiệm, UBND Tp.Hà Nội hoặc cơ quan có thẩm quyền phải ban hành văn bản để thể hiện rõ trách nhiệm của các chủ thể, tổ chức cá nhân tham gia.

9h13: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

Phát biểu ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này đã cơ bản bám sát đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn trong xây dựng và phát triển Thủ đô, cũng như thể chế được các chủ trương lớn của Đảng, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các nội dung của dự thảo Luật đã cơ bản đạt được sự thống nhất và thông suốt cả về quan điểm, tư duy và tầm nhìn giữa các cơ quan. Nếu Luật Thủ đô hiện hành chủ yếu mang tính chất khung, thì dự thảo Luật sửa đổi lần này đã đi vào những nội hàm rất cụ thể liên quan đến phân cấp, phân quyền. 

Liên quan đến nội dung xin ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, về nguyên tắc áp dụng pháp luật, dự thảo Luật đã được chỉnh sửa thêm một bước. Tuy nhiên vẫn cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, biên tập và thể hiện chặt chẽ hơn, đảm bảo tính thông nhất trong hệ thống pháp luật…

Nhấn mạnh ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí, vấn đề tắc nghẽn giao thông, vấn đề xử lý rác thải, ngập úng… là những vấn đề  nổi cộm của Thủ đô, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, dự thảo Luật lần này cần phải nghiên cứu, rà soát thêm để có những quy định phù hợp trong phân cấp, phân quyền, thẩm quyền khai thác các nguồn lực, trao quyền linh động… để làm sao Thủ đô giải quyết được những vấn đề  này. 

Ngoài ra, về các biện pháp, giải pháp thu hút, huy động nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô, Chủ tịch Quốc hội cho cần phải rà soát, làm rõ, đảm bảo thể chế hóa Nghị quyết só 19 của Trung ương. Đồng thời, cân nhắc việc sử dụng thuật ngữ “doanh nghiệp khởi nguồn”. 

Đối với nội dung về liên kết vùng hiện dự thảo Luật đã bỏ khái niệm “vùng Thủ đô”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, quy định như vậy là rất mới. Tuy nhiên đây là vấn đề quan trọng liên quan đến Luật Quy hoạch và Luật Xây dựng, do vậy, cơ quan soạn thảo cần phải lý giải một cách thật đầy đủ, thuyết phục, rõ tính khoa học trước Quốc hội… 

Liên quan đến nội dung về việc xác định cụ thể giới hạn được sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ nghiêng về phương án 02. Bởi Phương án 01 vừa không có cơ sở thực tiễn, chính trị, pháp lý, vừa tạo ra cơ chế xin cho, không minh bạch. 

Còn đối với việc mở rộng mức tiền phạt, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đã đảm bảo phù hợp.

9h46: Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh bày tỏ sự đồng tình cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) mà Ủy ban Pháp luật đã trình bày.

Liên quan đến mảng lĩnh vực của Ủy ban Xã hội phụ trách, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh hoan nghênh TP. Hà Nội đã có cam kết rất mạnh mẽ thực hiện phát triển y tế thủ đô về chăm sóc sức khỏe, các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội vượt trội so với các địa bàn trên cả nước. 

Về đối tượng thụ hưởng của các chính sách này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhận thấy, quy định đối với khám bệnh sức khỏe miễn phí hàng năm cho người cao tuổi thường trú trên địa bàn TP. Hà Nội, tuy nhiên không nói đến tất cả các đối tượng trên địa bàn TP. Hà Nội mà chỉ đề cập đến đối tượng “thường trú trên địa bàn TP. Hà Nội”. Do đó, đề nghị cần làm rõ thêm vì TP. Hà Nội có đối tượng nhập cư rất nhiều, số lượng người từ các địa bàn khác đến rất đông. 

“Nếu bao phủ thêm cho các đối tượng này thì sẽ rất tốt để đảm bảo những người từ nơi khác đến thủ đô Hà Nội tham gia vào lao động, sản xuất, góp phần làm giàu cho thủ đô Hà Nội cũng được hưởng các chính sách như những người thường trú tại Hà Nội. Quy định như vậy sẽ toàn diện hơn, tốt hơn”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phân tích rõ.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh bày tỏ băn khoăn về khoản 5 Điều 26 về áp dụng các kĩ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh. Đối chiếu với Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, đây là thẩm quyền của Bộ Y tế, Luật cũng quy định rõ điều kiện được áp dụng kĩ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh và quy định việc thực hiện như thế nào, Bộ Y tế thẩm định, cho phép áp dụng thí điểm kĩ thuật mới, phương pháp mới, trên cơ sở sau khi hoàn thành giai đoạn thí điểm, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẽ tổng hợp kết quả thí điểm, đề nghị Bộ Y tế tổ chức nghiệm thu. Trường hợp kết quả nghiệm thu đạt yêu cầu, Bô Y tế có trách nhiệm ban hành văn bản cho phép áp dụng kĩ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng, quy định này trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh rất thận trọng, tức là phải qua giai đoạn thử nghiệm, sau khi tổng hợp kết quả đánh giá thì mới cho phép áp dụng chứ không phải áp dụng ngay. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội bày tỏ băn khoăn dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định thẩm quyền ở đây là Sở Y tế. Trong khi đó, thực tế ngoài cơ sở sở y tế của Hà Nội còn có nhiều cơ sở y tế Trung ương và cơ sở y tế chuyên sâu, đầu ngành, tuyến cuối hoặc cơ sở y tế đặc biệt. Muốn áp dụng kĩ thuật mới, phương pháp mới của y tế thì phải qua các thủ tục khá phức tạp, trong khi dự thảo Luật quy định có phần đơn giản. Hơn nữa, vấn đề y tế còn liên quan đến tính mạng, sức khỏe của người bệnh. 

Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị nghiên cứu thêm vấn đề này và có ý kiến chính thức của Bộ Y tế về các nội dung này. Đồng thời cần phải có giai đoạn thí điểm trước khi áp dụng chính thức.

9h52: Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cảm ơn Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội trong thời gian vừa qua đã phối hợp với Hà Nội, Bộ Tư pháp trong hoàn thiện dự thảo luật này. Các ý kiến của các đại biểu cơ bản đã đồng tình với các nội dung cơ bản trong dự thảo luật.

Về nội dung phân cấp phân quyền cho thành phố, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, các ý kiến đóng góp của các đại biểu là rất đúng đắn. Cần rà soát kỹ và đầy đủ những vấn đề về định mức, đơn giá, quy chuẩn, tiêu chuẩn trên tất cả các lĩnh vực. Hiện nay quy chuẩn tiêu chuẩn về vấn đề môi trường còn rất thiếu, quy định về định mức, đơn giá còn vướng mắc, dẫn đến khó khăn trong triển khai các công trình đặc biệt của thủ đô. Vì vậy, việc quy định giao thẩm quyền cho thành phố là rất quan trọng. 

Ngoài ra, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, cần đảm bảo sự đồng bộ, nhất quán trong phân cấp phân quyền, giao thêm thẩm quyền hợp lý cho thành phố hoặc cho Chính phủ trong vấn đề liên quan đến giới hạn sử dụng không gian ngầm, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn.

10h00: Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thống nhất với các nội dung giải trình, đề xuất trình Quốc hội cho ý kiến như đã nêu trong báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng thông tin và nêu quan điểm về một số nội dung của dự thảo luật liên quan đến thu nhập tăng thêm; thẩm quyền của Hội đồng nhân dân quyết định một số vấn đề được quy định trong dự thảo luật; về áp dụng pháp luật…

Về thu nhập tăng thêm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị cân nhắc hi thu nhập tăng thêm cho một số cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội như Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện và cũng có nguồn lực thực hiện. 

Về thử nghiệm có kiểm soát tại Điều 25, Bộ trưởng đề nghị cân nhắc không nên mở rộng quá nhiều lĩnh vực, mà nên khu trú vào một số cái lĩnh vực đã được Chính phủ cân nhắc, bởi cơ chế này là thử nghiệm, đương nhiên là có kiểm soát nhưng rủi ro pháp lý và trên thực tế về mặt kinh phí cũng rất nhiều. Bộ trưởng đề nghị cố gắng theo các nội dung Chính phủ đã trình.

Về biện pháp bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội khi ngừng cung cấp dịch vụ điện nước tại Điều 33, Bộ trưởng cho rằng, đã chỉnh lý một bước rồi Tuy nhiên cũng cần phải làm rõ xem bản chất của biện pháp này là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý hay là biện pháp mới để phân biệt được thực chất của biện pháp thì chúng ta mới quy định kèm theo quy trình và  thủ tục để đảm bảo tính khả thi trên thực tế.

Liên quan đến thành lập cơ quan chuyên môn tổ chức hành chính và thẩm quyền của Hội đồng nhân dân thành lập các cơ quan chuyên môn, các ban thuộc Hội đồng và cơ quan hoặc sở ban ngành thuộc thành phố, Bộ trưởng đề nghị hết sức cân nhắc ý này, khi cho phép điều gì nên quy định cụ thể luôn vào luật để làm được ngay và không phải xin phép.

Đối với quy định về áp dụng pháp luật, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị rà soát thêm một bước nữa, để tạo sự đồng thuận, tránh gây xáo động của cơ quan nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi khi áp dụng trong thực tiễn.

10h04: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, dự thảo luật Thủ đô (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này có rất nhiều điểm mới, tiến bộ, đưa ra những cơ chế vượt trội để Hà Nội có thể phát triển, vừa là thủ đô vừa là đầu tàu của cả nước.

Về sự đồng bộ thống nhất trong quy định của pháp luật, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, cần giải quyết luôn các vấn đề vướng mắc, mâu thuẫn, bất cập trong cách thức thực hiện tại luật này, tránh trường hợp trong thực tế có nhiều cách hiểu về quy định pháp luật thì sẽ rất khó trong quá trình triển khai.

Với một số vấn đề, có thể quy định khung trong luật và giao Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn thi hành chi tiết. Cơ quan soạn thảo sẽ lĩnh hội những ý kiến phát biểu rất có giá trị của các đại biểu, đặc biệt là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội để rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật đạt chất lượng cao.

10h06: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao công tác phối hợp giữa cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tư pháp, cấp ủy và chính quyền thành phố Hà Nội, các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tài liệu được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ, dày dặn, bám sát cơ sở chính trị pháp lý thực tiễn, thể chế hóa được nội dung các Nghị quyết của Đảng. Trọng tâm là Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của Chính phủ và tiếp thu giải trình cơ bản đầy đủ, cụ thể, thấu đáo ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, bám sát 9 chính sách định hướng lớn trong xây dựng luật mà được Chính phủ trình Quốc hội. Có sự thống nhất và đồng thuận và thông suốt giữa các cơ quan trong quá trình tiếp thu, giải trình; về mục tiêu, quan điểm, tầm nhìn, yêu cầu, định hướng chiến lược đối với các vấn đề lớn, dài hạn, và các nội dung cụ thể của dự thảo Luật. Dự án này đủ điều kiện để tiếp thu, hoàn chỉnh để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu dự họp thống nhất với các nội dung được các cơ quan đã thống nhất dự kiến tiếp thu, chỉnh lý nhưng cần tiếp tục rà soát, lưu ý thêm một số vấn đề. Cụ thể, về nguyên tắc áp dụng pháp luật cần bảo đảm có đặc thù để Luật Thủ đô đi vào thực tiễn, kể cả văn bản Luật và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô nhưng cũng phải bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. 

Đối với vấn đề về tổ chức các cơ quan hành chính cần nghiên cứu, giải trình thêm để có quy định cụ thể, khả thi để thực hiện được ngay, tránh những quy định chung chung. Trong quản lý, phát triển và bảo vệ Thủ đô, đề nghị rà soát thêm để có những quy định có những chính sách cụ thể để khắc phục được những hạn chế hiện nay như vấn đề ngập úng, ô nhiễm không khí, giải quyết ùn tắc giao thông…

Về phân quyền cho Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội trong việc quyết định chủ trương đầu tư cần thể hiện lại để bảo đảm đúng quy định, bảo đảm khả thi, chặt chẽ, phân loại kỹ hơn các trường hợp để đảm bảo tính đồng bộ trong tổ chức thực hiện. Vấn đề liên kết phát triển vùng thì tiếp tục nghiên cứu, rà soát, làm rõ và giải thích kỹ lưỡng hơn cơ sở lý luận và thực tiễn để xác định Vùng hay là vùng Thủ đô.

Về quản lý biên chế và thu nhập tăng thêm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất là cần có quy định trong luật và cần báo cáo xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng chỉ rõ các nội dung lưu ý về xác định cụ thể giới hạn được sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất, vấn đề phát triển đô thị theo định hướng không gian công cộng, về thực hiện hợp đồng xây dựng, chuyển giao, vấn đề phân quyền cho Ban quản lý khu công nghệ cao…tiếp tục rà soát điều khoản thi hành, điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm khả thi.

10h16: Nghỉ giải lao

10h34: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Phát biểu điều hành nội dung cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, nội dung này sẽ được thảo luận đến 12h00. 

Trước khi thảo luận, phiên họp sẽ nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

10h36: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn  báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản

Báo cáo tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10 - 11/2023), Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp (Cơ quan chủ trì soạn thảo) và Thường trực Ủy ban Pháp luật nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã sửa đổi, bổ sung 42 điều, khoản của Luật hiện hành; tăng 16 điều, khoản so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 nhưng chủ yếu là sửa về mặt kỹ thuật lập pháp, không phát sinh nhiều chính sách mới. Do đó, việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản là phù hợp với phạm vi sửa đổi.

Về tài sản đấu giá, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, Luật hiện hành và dự thảo Luật đang quy định theo hướng liệt kê các loại tài sản mà theo pháp luật chuyên ngành quy định phải bán thông qua đấu giá và áp dụng thống nhất trình tự, thủ tục đấu giá cho các loại tài sản này. Đồng thời, Luật hiện hành và dự thảo Luật đều đã có quy định chung mang tính khái quát đối với tài sản khác mà pháp luật chuyên ngành quy định phải bán thông qua đấu giá để bảo đảm tính bao quát, đầy đủ và dự liệu trước các tài sản có thể phát sinh trong tương lai.

Về giá khởi điểm, giám định tài sản đấu giá, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, hiện nay, các văn bản pháp luật quy định tài sản đưa ra đấu giá đều có quy định về cơ quan có thẩm quyền xác định giá khởi điểm, cách thức, phương pháp xác định giá khởi điểm, giảm giá hay định giá lại trong trường hợp đấu giá không thành.

Về các hành vi bị nghiêm cấm, Thường trực Ủy ban Kinh tế xin tiếp thu bỏ cụm từ “nhằm mục đích trục lợi” tại điểm đ1 khoản 1 Điều 9 đối với hành vi để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá để bảo đảm phù hợp với thực tiễn và tính khả thi của quy định này. Dự thảo Luật chỉ quy định việc nghiêm cấm nhận ủy quyền tham gia cuộc đấu giá “để trả giá” cho người tham gia đấu giá khác đối với tài sản mà người nhận ủy quyền cũng là người tham gia đấu giá tài sản đó nhằm bảo đảm tính minh bạch, tránh tình trạng thông đồng, móc nối, dìm giá.

Về tiêu chuẩn đấu giá viên và đối tượng được miễn đào tạo nghề đấu giá, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho biết, dự thảo Luật quy định tiêu chuẩn, điều kiện có bằng tốt nghiệp đại học ngành luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng là phù hợp với tính chất, đặc điểm của nghề đấu giá. Hơn nữa, các môn học như thương mại, đầu tư, chứng khoán đã có trong các ngành học về kinh tế, tài chính, ngân hàng. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị giữ như dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. Về việc bỏ quy định miễn đào tạo nghề đấu giá, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng việc bỏ quy định này là cần thiết, nhằm bảo đảm tất cả các đối tượng muốn hành nghề đấu giá đều phải qua khóa đào tạo nghề (kỹ năng, nghiệp vụ...), góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng hoạt động hành nghề của đội ngũ đấu giá viên.

Về việc mở rộng quyền của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản trong việc cung cấp dịch vụ đấu giá đối với tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức và do cá nhân, tổ chức tự nguyện thỏa thuận bán thông qua đấu giá, Thường trực Ủy ban Kinh tế xin đề nghị tiếp thu và chỉnh lý tại điểm a, b khoản 11 Điều 1 của dự thảo Luật (sửa đổi, bổ sung Điều 24 của Luật hiện hành) theo hướng làm rõ hơn quyền của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản trong việc cung cấp dịch vụ đấu giá đối với tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá và tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức nhằm thúc đẩy việc đấu giá các tài sản do cá nhân, tổ chức tự nguyện thỏa thuận bán thông qua đấu giá, góp phần đưa hoạt động đấu giá tài sản phát triển theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, phù hợp với thông lệ quốc tế về đấu giá tài sản.

Về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước, quá trình triển khai quy định về mức tiền đặt trước từ 5% đến 20% của Luật hiện hành cơ bản phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thu hút được nhiều người tham gia đấu giá. Thông lệ quốc tế đều không có quy định cụ thể về khoản tiền đặt trước tham gia đấu giá, theo đó, các công ty đấu giá tự đưa ra mức tiền đặt trước tùy theo loại tài sản đấu giá và tùy theo hình thức đấu giá.

Về đấu giá trực tuyến và áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến đối với tài sản công, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp thu bổ sung Điều 43a tại dự thảo Luật về đấu giá trực tuyến trên cơ sở luật hóa các quy định về hình thức đấu giá trực tuyến phù hợp với thực tiễn; đồng thời quy định đối với trường hợp đấu giá tài sản công được thực hiện bằng hình thức đấu giá trực tuyến thì phải sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia do Bộ Tư pháp xây dựng, quản lý và vận hành nhằm một mặt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; mặt khác đây được xem là giải pháp nhằm hạn chế tối đa tình trạng thông đồng, dìm giá, tiêu cực, thất thoát tài sản nhà nước trong hoạt động đấu giá tài sản. Đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá tác động đối với quy định đấu giá trực tuyến đối với tài sản công phải được thực hiện qua Cổng Đấu giá tài sản quốc gia và lộ trình khả thi thực hiện việc đấu giá tài sản công bằng hình thức đấu giá trực tuyến.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề lớn của dự án Luật liên quan tới đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá; Về chế tài xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá; Về việc huỷ hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản trong trường hợp đã có quyết định, bản án hoặc quá trình cưỡng chế kê biên tài sản có vi phạm pháp luật và hủy kết quả đấu giá tài sản.

Về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp thu và chỉnh lý Điều 2 của dự thảo Luật theo hướng bổ sung thời gian có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025 để bảo đảm phù hợp và có hiệu lực đồng thời với hiệu lực thi hành của Luật Đất đai năm 2024. Đồng thời, chỉnh lý quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 3 của dự thảo Luật theo hướng áp dụng quy định của Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14 để bảo đảm nguyên tắc có lợi hơn cho đối tượng được áp dụng và phù hợp với nội dung của chuyển tiếp.

10h54: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành và gợi ý một số nội dung tập trung thảo luận

Điều hành và gợi ý thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, với 104 ý kiến phát biểu. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Ủy ban Kinh tế đã chủ trì phối hợp với các cơ quan khảo sát thực tiễn, tổ chức các hội nghị tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, đối tượng chịu tác động để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện dự thảo luật. Hồ sơ dự án luật đã gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về một số vấn đề cần lưu ý như: Dự thảo luật đã tiếp thu phù hợp với ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ quốc hội tại thông báo kết luận số 2730 ngày 24 tháng 8 năm 2023 về thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu đặt ra khi sửa đổi luật hay chưa; các nội dung cần hoàn thiện thêm.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận các vấn đề lớn cơ quan chủ trì thẩm tra xin ý kiến liên quan đến: phạm vi sửa đổi luật, đặc biệt là phạm vi sửa đổi đã giải quyết được các bất cập, hạn chế của luật hiện hành hay chưa; các quy định về tài sản đấu giá, giá khởi điểm, tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước; các quy định về đấu giá viên, quyền của tổ chức hành nghề đấu giá; đấu giá trực tuyến, xử lý các trường hợp vi phạm trong đấu giá; hợp đồng đấu giá, hủy hợp đồng đấu giá, chế tài xử lý vi phạm đối với các trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá; hiệu lực thi hành; điều khoản chuyển tiếp…

10h56: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu

Bày tỏ, đồng tình thống nhất cao với báo cáo một số vấn đề lớn về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá cao Ủy ban Kinh tế đã tích cực tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, chủ trì phối hợp với cơ quan soạn thảo, Bộ Tư pháp hoàn thiện dự án luật sửa đổi này.

Liên quan đến thông tin về tài sản và công bố thông tin, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, qua thực tế công tác có thể thấy có một số vướng mắc, bất cập trong những vụ việc thực tế xảy ra. 

Cụ thể, theo dự thảo, mỗi tài sản phải ghi rõ tên người có tài sản đấu giá, thông tin về tài sản đấu giá. Tuy nhiên thông tin tài sản đấu giá, về bất động sản thường không đảm bảo tính tường minh, nhiều cơ quan tổ chức đấu giá ghi thông tin tài sản là bất động sản nhưng không ghi tên số nhà, đường phố, mà chỉ ghi lô đất, bản đồ, dẫn đến khó khăn trong theo dõi, quản lý, xác định. Vì vậy cần quy định ghi thông tin tài sản theo đường phố để dễ theo dõi.

Ngoài ra, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị quy định chặt chẽ hơn nữa trong việc công bố thông tin liên quan đến tài sản đấu giá.

11h03: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận cơ quan chủ trì thẩm tra của Ủy ban Kinh tế phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Tư pháp và các cơ quan đã sửa đổi hoàn thiện Luật này khá toàn diện và công phu, tiếp thu được nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương. Theo Chủ tịch Quốc hội, dự án Luật đến nay khá hoàn thiện, đủ điều kiện để trình Quốc hội để xem xét thông qua.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục bám sát các quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc xây dựng Luật này, tránh việc chỉ vào vấn đề về kỹ thuật, tiếp tục rà soát kỹ lại để tiếp tục thể chế hóa đủ kịp thời các chủ trương của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực đấu giá tài sản.

Cho biết, dự án luật liên quan đến nhiều luật khác, như Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Các Tổ chức tín dụng, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp,  Luật Dân sự, Luật Khoáng sản, Luật Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện….tuy nhiên còn một số nội dung cụ thể chưa tương thích. Do đó, đề nghị tiếp tục rà soát để tránh chồng chéo.

Về Cổng Đấu giá tài sản quốc gia và vai trò, trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nên hoàn thiện khái niệm Cổng đấu giá tài sản quốc gia trong dự thảo Luật, làm rõ yêu cầu quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan. Đồng thời bổ sung trách nhiệm Bộ Tư pháp không chỉ xây dựng, quản lý và hướng dẫn sử dụng Cổng Đấu giá quốc gia, tài sản quốc gia mà cần có quy định để đáp ứng yêu cầu về lưu trữ, bảo mật thông tin. Nghiên cứu để bổ sung dịch vụ công trực tuyến có thu phí có liên quan đến đấu giá tài sản thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp như là phí thuê Cổng thông tin đấu giá tài sản quốc gia và hoặc trang thông tin đấu giá để tổ chức đấu giá trực tuyến.

Về trình tự, thủ tục tham gia đấu giá tài sản nên tiếp tục rà soát để hoàn thiện các nội dung đảm bảo cho khả thi; cùng với đó là vấn đề lãi suất, phương án quy định đối với khoản tiền đặt trước; quy định mang tính quy định khung để Chính phủ quy định chi tiết để tăng cường đấu giá trực tuyến; nghiên cứu bổ sung quy định cho phép giảm giá khởi điểm của tài sản sau mỗi lần đấu giá không thành.

Nhấn mạnh, dự án Luật có tính chuyên ngành sâu, nặng về kĩ thuật nhưng lại liên quan đến thủ tục hành chính, cải cách hành chính, quyền và lợi ích của các bên và liên quan đến nhiều dự án luật khác, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế lắng nghe, cầu thị các cơ quan, cùng với đó, các cơ quan của Quốc hội, các bộ ngành tham gia góp ý thêm vào dự án Luật bảo đảm chất lượng cao hơn và giải quyết được những điểm nghẽn đã chỉ ra.

11h19: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đồng tình với ý kiến phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội.

Góp ý về vấn đề đấu giá thí điểm biển số xe ô tô, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, trong điều khoản chuyển tiếp, Luật này nêu rõ: “tiếp tục thực hiện Nghị quyết 73 của Quốc hội…”. Thời gian mới có 1 năm chưa đủ điều kiện để đánh giá tổng kết trước khi xem xét đưa vào Luật Đấu giá tài sản. Tuy nhiên, Chính phủ trình Luật Trật tự an toàn giao thông đã đưa nội dung đấu giá biển số xe ô tô với những giải trình sau đây: 

Đã đủ điều kiện để luật hóa Nghị quyết 73, theo Báo cáo bổ sung của Chính phủ, trong 5 tháng triển khai thực hiện rất thành công, đã đấu giá 14.062 biển số và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Lần này, qua thảo luận, đề xuất của Đại biểu Quốc hội, Chính phủ cho rằng, cần phải luật hóa vấn đề này, đồng thời mở rộng đấu giá biển số xe kinh doanh vận tải và xe mô tô là cần thiết.

Chính phủ cũng cho rằng, nếu không kịp thời đưa vào mà chờ hết thời gian thí điểm, tiến hành tổng kết thì lúc đó sẽ gây tốn kém, lãng phí thời gian. 

Qua làm việc với Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng như Cơ quan soạn thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị có thêm ý kiến của các bộ ngành và ý kiến của Chính phủ về nội dung này. Theo đó, một số bộ có công văn đồng ý chủ trương này. Theo quy trình, cũng cần có ý kiến của Chính phủ. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ cần lưu ý và có ý kiến chính thức về vấn đề này cho rõ.

11h22: Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cảm ơn Ủy ban Kinh tế đã chủ trì chỉnh lý dự thảo luật với hiểu biết sâu sắc, có chủ thuyết và nguyên lý rõ ràng, qua đó đưa ra dự thảo luật đạt chất lượng tốt. Cơ bản đồng tình và tiếp thu với ý kiến đóng góp của các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội cũng như các Phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng cho biết cơ quan soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu và chỉnh lý phù hợp. 

Về đấu giá được thực hiện theo hình thức đấu giá trực tuyến, Bộ trưởng cho biết, sẽ hướng tới phương án xã hội hóa, xây dựng phần mềm đấu giá trực tuyến, tuy nhiên tinh thần của cơ quan trình là không bắt buộc tất cả các hoạt động đấu giá đều phải tuân theo, mà tôn trọng quyền lực chọn của mỗi người theo cơ chế thị trường, dân sự. Hiện nay đã có một số đơn vị thực hiện đấu giá trực tuyến, việc áp đặt hành chính có thể dẫn đến không đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng, cơ quan soạn thảo sẽ lưu ý, nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề này.

11h27: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

 

 

 

 

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao các cơ quan liên quan phối hợp trong việc nghiên cứu, tiếp thu giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban kinh tế phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát đảm bảo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội ý kiến của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, ý kiến các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp hôm nay và tại Thông báo kết luận 2730 ngày 24 tháng 8 năm 2023. Tiếp tục rà soát để đảm bảo thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, đáp ứng các yêu cầu đặt ra khi sửa đổi luật, đảm bảo chất lượng dự án luật của Quốc hội, góp phần cải tiến thủ tục hành chính nhưng đồng thời phải đấu tranh phòng chống tham nhũng thực hành tiết kiệm. 

Về một số vấn đề cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát hoàn thiện các quy định về tài sản đấu giá để đảm bảo bao quát hết các loại tài sản thực hiện đấu giá, tránh vướng mắc trong thực tiễn, hoàn thiện các quy định về hành vi bị cấm, các chế tài, tiền đặt trước, xử lý tiền đặt trước để khắc phục được thao túng các cuộc đấu giá trục lợi, việc đấu giá lại, đấu giá liên quan đến từ thiện…Rà soát các quy định về giá khởi điểm, giám định tài sản để đảm bảo không chồng lần với các luật chuyên ngành, đảm bảo nguyên tắc Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức quy định thống nhất trình tự thủ tục đấu giá và các loại tài sản.

Tiếp tục rà soát các quy định về tiêu chuẩn đấu giá viên, các đối tượng được miễn đào tạo đấu giá, quy định mở rộng quyền của tổ chức hành nghề đấu gi, hay xem xét khái niệm tổ chức cung cấp dịch vụ đấu giá để đảm bảo chặt chẽ nhưng khả thi phù hợp với thực tế và không tạo ra khoảng trống pháp luật…

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự thảo luật sau khi tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tăng 16 điều khoản nhưng cần rà soát kỹ trường hợp có chính sách mới phát sinh cần trao đổi thống nhất với Chính phủ, đề nghị Chính phủ đánh giá tác động trước khi đưa vào dự thảo luật trình Quốc hội.

Tổng thư ký Quốc hội chỉ đạo gỡ băng ghi âm tổng hợp các ý kiến tham gia trong phiên họp hôm nay thông báo ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi các cơ quan liên quan để tổ chức thực hiện.

 Thường trực Ủy ban kinh tế chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật xin ý kiến Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và thực hiện các bước công việc theo quy định./.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội