ĐIỆN BIÊN: TÌNH HÌNH KINH TẾ-XÃ HỘI TIẾP TỤC PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN SAU GẦN 02 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 43
ĐIỆN BIÊN: CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP HOẠT ĐỘNG HIỆU QUẢ HƠN SAU KHI SẮP XẾP, TỔ CHỨC
Căn cứ Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; Chương trình giám sát của Quốc hội và Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm.
Đề cập về công tác xây dựng pháp luật, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến cho biết, trong năm 2024, Đoàn tiếp tục phát huy vai trò của các ĐBQH trong việc thảo luận, tham gia ý kiến vào các dự thảo luật, Nghị quyết; phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương tổ chức lấy ý kiến tham gia vào các dự án luật, Nghị quyết trình tại kỳ họp bất thường (nếu có) và kỳ họp thứ Bảy và kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV.
Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên do Phó Trưởng Đoàn Lò Thị Luyến dẫn đầu tiếp xúc cử tri tại xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Về hoạt động giám sát, khảo sát: Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên sẽ tham gia cùng Quốc hội xem xét các báo cáo; chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ Bảy và kỳ họp thứ Tám Quốc hội khóa XV theo quy định. Bên cạnh đó là việc tổ chức giám sát chuyên đề theo Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chương trình giám sát, khảo sát riêng của Đoàn ĐBQH tỉnh.
Đoàn sẽ tham gia các Đoàn giám sát, khảo sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội tại địa phương và tham gia Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh khi được mời. Ngoài ra, Đoàn ĐBQH, các ĐBQH sẽ tỉnh tham dự kỳ họp bất thường (nếu có) và các kỳ họp thường lệ kỳ họp thứ Bảy và kỳ họp thứ Tám Quốc hội khóa XV.
Về công tác tiếp xúc cử tri: Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên sẽ chủ trì, phối hợp với Thường trực HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức cho các ĐBQH tiếp xúc cử tri trước, sau kỳ họp thứ Bảy, kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV và tiếp xúc cử tri chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng. Tổng hợp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của cử tri chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết và theo dõi, đôn đốc việc giải quyết.
Về công tác tiếp công dân, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo của công dân: Đoàn sẽ tổ chức tiếp công dân thường xuyên tại trụ sở Đoàn ĐBQH tỉnh, nơi làm việc của ĐBQH; phối hợp với Thường trực HĐND, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh theo đúng quy định của pháp luật. Phân công ĐBQH tiếp công dân định kỳ hàng tháng đảm bảo đúng quy định của Luật tiếp công dân. Bên cạnh đó là việc tiếp nhận và xử lý đơn, thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng quy định của pháp luật. Theo dõi, đôn đốc việc giải quyết, trả lời đơn của công dân do Đoàn ĐBQH chuyển đến; kịp thời thông báo kết quả giải quyết, trả lời đến công dân.
Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên giám sát tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường.
Đối với một số hoạt động khác: Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên tiếp tục duy trì công tác phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác xây dựng pháp luật, giám sát, tiếp xúc cử tri, giải quyết đơn, thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Đoàn tiếp tục tham gia các phiên họp, hội nghị, hội thảo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội khi có yêu cầu. Tham dự đầy đủ các phiên họp của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các hội nghị khác tại địa phương, các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho ĐBQH. Bên cạnh đó, Đoàn tiếp tục quan tâm, tổ chức thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, góp phần cùng với các cấp chính quyền và đoàn thể nhân dân chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, người có công, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh vào các ngày lễ lớn trong năm.
Đề xuất 05 nhóm giải pháp trọng tâm
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lò Thị Luyến đưa ra một số kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoạt động của Đoàn ngày càng hiệu quả, phục vụ cử tri và Nhân dân ngày càng tốt hơn.
Thứ nhất: Sớm khắc phục triệt để tình trạng chậm gửi các báo cáo, tài liệu trình kỳ họp Quốc hội, tạo điều kiện cho các ĐBQH có thời gian nghiên cứu, tham gia ý kiến.
Thứ hai: Đề nghị có cơ chế hỗ trợ, cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ hoạt động giám sát chuyên đề của Đoàn ĐBQH tỉnh, đặc biệt là đối với các chuyên đề giám sát theo yêu cầu của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Xem xét sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân về quy định số lượng ĐBQH là thành viên Đoàn ĐBQH tham gia Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH phù hợp hơn với thực tế như có biến động số lượng đại biểu, có thay đổi về vị trí công tác đại biểu công tác ở Trung ương, công tác ở địa phương trong Đoàn ĐBQH.
Thứ ba: Đề nghị quy định cụ thể về việc tổng hợp, tiếp thu, giải trình các kiến nghị, đề xuất sau giám sát thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương do các Đoàn ĐBQH chuyển đến để Đoàn ĐBQH theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết, trả lời của các cơ quan có thẩm quyền.
Thứ tư: Quy định nâng mức chi bồi dưỡng các hoạt động giám sát đối với đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, cán bộ, chuyên viên tham gia, phục vụ đoàn giám sát, khảo sát. Nâng mức chi xây dựng kế hoạch, đề cương, báo cáo giám sát, khảo sát, đảm bảo phù hợp với công sức, trí tuệ và yêu cầu công việc.
Thứ năm: Hàng năm căn cứ vào Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội; Nghị quyết về chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh hàng năm của Quốc hội đề nghị Ban công tác đại biểu chỉ đạo Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử khảo sát và xác định nhu cầu của ĐBQH để xây dựng kế hoạch, chương trình bồi dưỡng phù hợp tiếp tục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho đại biểu dân cử và công chức giúp việc về kỹ năng giám sát; kỹ năng xây dựng chính sách; kỹ năng tiếp công dân, xử lý đơn; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân./.