Theo Hiến pháp hiện hành, Hội đồng nhân dân là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương, là cơ quan quyền lực nhà nước. Để thực hiện được vai trò cũng như vị trí của mình, pháp luật quy định cho Hội đồng nhân dân quyền giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật. Quy định của pháp luật về cơ bản đã đầy đủ, tuy nhiên thực tế triển khai đã bộc lộ một số hạn chế làm giảm hiệu quả của hoạt động giám sát của HĐND. Vì vậy, tham gia góp ý về Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật sử đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, TS. Đoàn Thị Tố Uyên - Trường Đại học Luật Hà Nội khẳng định, việc hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân là hết sức cần thiết.
TS. Đoàn Thị Tố Uyên - Trường Đại học Luật Hà Nội
Nhìn chung, khung pháp luật về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân đã tương đối đầy đủ, làm cơ sở cho việc giám sát hiệu quả trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, TS. Đoàn Thị Tố Uyên chỉ rõ, khi thực hiện trên thực tế, quy định pháp luật đã bộc lộ một số hạn chế như:
Thứ nhất, đối tượng giám sát của Hội đồng nhân dân, nhất là đối với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện theo quy định hiện nay là khá rộng. Theo đó, Hội đồng nhân dân thực hiện quyền giám đối với các cơ quan của Hội đồng nhân dân, Hội đồng nhân dân cấp dưới, Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân ở địa phương. Vấn đề đặt ra ở đây là Hội đồng nhân dân giám sát Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân nhưng quy định pháp luật hiện hành lại không quy định biện pháp xử lý trong những trường hợp các cơ quan này có sai phạm (hậu quả pháp lý từ hoạt động giám sát) vì thực tế Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân không chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước Hội đồng nhân dân cùng cấp.
Thứ hai, số lượng đại biểu kiêm nhiệm còn chiếm tỷ lệ khá cao và cơ cấu đại biểu hai cấp của Hội đồng nhân dân các cấp đã làm hạn chế đến chất lượng hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân, đặc biệt là trong trường hợp đại biểu Hội đồng nhân thực hiện chức năng giám sát thông qua hình thức chất vấn tại kỳ họp.
Thứ ba, những kiến nghị sau giám sát của các cơ quan chức năng của Hội đồng nhân dân đối với những vấn đề, vụ việc chưa phù hợp, chưa được các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu, chấn chỉnh một cách nhanh chóng, kịp thời mà phải qua đôn đốc nhiều lần mới được thực hiện. Trong khi đó, hệ thống pháp luật hiện hành lại chưa có một biện pháp chế tài hoặc cơ chế hữu hiệu nào để quy trách nhiệm và xử lý nghiêm những cơ quan, tổ chức, cá nhân chậm trễ hoặc cố ý trì hoãn việc tiếp thu, điều chỉnh theo đúng những kiến nghị của các cơ quan chức năng của Hội đồng nhân dân các cấp sau giám sát.
Vì vậy, TS. Đoàn Thị Tố Uyên, Trường Đại học Luật Hà Nội khẳng định, việc hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân là hết sức cần thiết và cần được thể hiện thông qua 5 quan điểm chính sau đây:
Thứ nhất, việc hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân phải phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng tại Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết 27-NQ/TW.
TS. Đoàn Thị Tố Uyên cho rằng, tuy Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết 27-NQ/TW không có nội dung trực tiếp nhắc đến hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân nhưng nhìn chung công tác kiểm tra, giám sát hết sức được quan tâm. Đảng đề ra phương hướng tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát cũng như đổi mới phương pháp kiểm tra, giám sát trong điều kiện một đảng cầm quyền. Nghị quyết 27-NQ/TW cũng nêu rõ: “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền khoa học, hợp lý, đi đôi với nâng cao trách nhiệm, gắn với bảo đảm nguồn lực, năng lực thực hiện pháp luật cho các địa phương và các bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát”.
Như vậy, việc hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân cũng cần đặt trong bối cảnh trên, đó là phải tăng cường vai trò của người đứng đầu, tích cực nêu gương, phê bình và tự phê bình. Đồng thời phân cấp, phân quyền tới từng cấp một cách rõ ràng để có cơ sở cho việc giám sát.
Thứ hai, phát huy vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân.
Theo đó, cần tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân cùng cấp. TS. Đoàn Thị Tố Uyên nêu rõ, Đảng lãnh đạo Hội đồng nhân dân nhưng không quyết định thay thế những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân, không can thiệp vào công việc của Hội đồng nhân dân, tôn trọng và bảo đảm quyền độc lập, khả năng sáng tạo của Hội đồng nhân dân trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền luật định. Tôn trọng và nâng cao vai trò, vị trí độc lập của Hội đồng nhân dân trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, chức năng của mình. Cần quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ giữa cơ cấu và chất lượng đại biểu; quan tâm tới công tác quy hoạch và bố trí các chức danh của Thường trực Hội đồng nhân dân nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân.
Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội làm việc với Sở Tư pháp Hà Nội về hoạt động quản lý Nhà nước đối với tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức đấu giá.
Thứ ba, hoàn thiện cơ sở pháp lý về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân bảo đảm cho việc tuân thủ nghiêm chỉnh các kết luận sau giám sát của các đối tượng chịu sự giám sát.
TS. Đoàn Thị Tố Uyên cho rằng, cần phân biệt rõ hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân với hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm sát của các cơ quan nhà nước như: Ủy ban nhân dân, thanh tra nhà nước, thanh tra ngành Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân để tránh sự chồng chéo trong giám sát gây phiền hà cho cơ quan nhà nước hoặc bỏ trống vấn đề cần giám sát. Nghiên cứu các hình thức chế tài xử lý phù hợp để trao cho Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân. Đây là vấn đề hết sức quan trọng không những thể hiện hiệu quả công tác giám sát mà còn biểu hiện tính quyền lực nhà nước của Hội đồng nhân dân.
Đồng thời cần quy định cụ thể hơn về hình thức kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quyết định xử lý sau giám sát, kiểm tra của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và của đại biểu Hội đồng nhân dân. TS. Đoàn Thị Tố Uyên nhận thấy, đây là công việc quan trọng và cần thiết để làm rõ hơn việc sửa chữa của đối tượng bị xử lý như thế nào, được theo dõi, đôn đốc và thời gian giải quyết ra sao.
Thứ tư, đổi mới tổ chức của Hội đồng nhân dân các thành phố phù hợp với điều kiện không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường ở một số địa phương.
Hội đồng nhân dân là cơ quan đại diện, thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, giám sát hoạt động của Ủy ban nhân dân, lĩnh vực và thẩm quyền công việc của Hội đồng nhân dân là rất rộng lớn. Do vậy, về tổ chức, Hội đồng nhân dân cũng cần có sự tương quan nhất định với nhiệm vụ, thẩm quyền được giao và với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là ở cấp tỉnh, những địa phương thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường thì cần linh hoạt hơn trong việc quy định thành lập các ban Hội đồng nhân dân để giúp Hội đồng nhân dân có điều kiện giám sát chuyên sâu hơn theo từng lĩnh vực.
Với khối lượng công việc nhiều, địa bàn rộng, đông dân cư, như: Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh… thì công tác giám sát rất khó khăn do gắn với nhiều vụ việc thực tế phức tạp. Vì vậy, TS. Đoàn Thị Tố Uyên đề nghị cần tăng thêm số lượng cán bộ lãnh đạo chuyên trách phù hợp với nhiều lĩnh vực hoạt động của các ban, đặc biệt là những cán bộ có trình độ chuyên môn cao, cán bộ giữ vị trí lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể phụ trách nhiệm vụ được giao.
Thứ năm, đổi mới hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân bảo đảm cơ chế thực quyền trong thực thi quyền lực nhà nước ở địa phương.
(1) Đổi mới phương pháp xem báo cáo tại kỳ họp và giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân: Phương pháp thực hiện hình thức giám sát xem xét báo cáo của cơ quan nhà nước tại kỳ họp và giữa hai kỳ họp của Hội đồng nhân dân phải bảo đảm tính khép kín. Đặc biệt, người được phân công thẩm tra báo cáo, đại biểu Hội đồng nhân dân có thể trao đổi với cơ quan báo cáo, nếu thấy cần thiết phải đi thực tế kiểm tra, đồng thời cần công khai hóa nội dung của các báo cáo xét thấy cần thiết. Khi báo cáo và báo cáo thẩm tra được trình ra Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, góp ý kiến xác đáng và nêu vấn đề chất vấn để các cơ quan báo cáo giải trình trước Hội đồng nhân dân.
(2) Đổi mới hình thức chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp: TS. Đoàn Thị Tố Uyên nhấn mạnh, hình thức này là một trong những hình thức giám sát trực tiếp mà cử tri đặc biệt quan tâm, là cơ sở để ghi nhận, đánh giá trí tuệ cũng như trách nhiệm của đại biểu dân cử. Hội đồng nhân dân và các đại biểu phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện những cam kết của người trả lời chất vấn bằng các giải pháp và thời gian thực hiện nhất định, từ đó xây dựng cơ chế đánh giá những biện pháp khắc phục của các cơ quan đó bằng việc bãi nhiệm, miễn nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. Khi cần thiết, Hội đồng nhân dân có thể ra nghị quyết về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn.
(3) Đổi mới hình thức thành lập các Đoàn giám sát chuyên đề: TS. Đoàn Thị Tố Uyên cho rằng, thành viên trong Đoàn giám sát cần phải chú ý trình độ chuyên môn, năng lực giám sát phù hợp lĩnh vực mà đoàn đi giám sát, tránh tình trạng chia theo số lượng để thành lập cũng như cử các cá nhân có mối quan hệ với các cơ sở bị giám sát để có những kết quả mang tính khách quan và chính xác./.