ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH: THÀNH QUẢ CHƯA TỪNG CÓ TIỀN LỆ VỀ XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

06/02/2024

Năm 2023, với nỗ lực rất lớn, quyết tâm rất cao, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã hoàn thành khối lượng công việc nhiều nhất trong lịch sử hơn 30 năm của Ủy ban. Chỉ trong 1 năm, Ủy ban đã chủ trì thẩm tra, tham mưu tiếp thu, chỉnh lý tổng số 9 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội và 1 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Mỗi kỳ họp Quốc hội, Ủy ban phụ trách 6 luật, bằng 1/3 tổng số luật của cả Kỳ họp. Nhiều về số lượng, cao về chất lượng, các dự án luật vừa có tính cấp thiết, vừa mag ý nghĩa lâu dài nên đã được Quốc hội ủng hộ cao. Những kết quả chưa từng có tiền lệ là kết tinh từ tinh đoàn kết, chung sức, chung lòng của tập thể Ủy ban.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG DỰ HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2023 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024 CỦA ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH

ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH CẦN GIỮ VỮNG TINH THẦN LẬP PHÁP CHỦ ĐỘNG, GIÁM SÁT HIỆU QUẢ VÀ QUYẾT ĐỊNH NHANH, CHÍNH XÁC CÁC VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG

Phóng viên: Thưa Chủ nhiệm, năm 2023, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã hoàn thành một khối lượng công việc đồ sộ chưa từng có tiền lệ. Chỉ trong 1 năm, Ủy ban đã chủ trì thẩm tra, nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý tổng số 9 dự án Luật. Nếu tính trong 1 kỳ họp Quốc hội, tổng số dự án luật mà Ủy ban phụ trách bằng 1/3 tổng số luật của cả kỳ họp. Vậy nhìn lại những kết quả năm qua, Chủ nhiệm có những ấn tượng gì?

Trung tướng Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: Có thể nói rằng, năm 2023 vừa qua là một năm Ủy ban Quốc phòng và An ninh có nhiều sôi nổi, nỗ lực rất cao, quyết tâm rất lớn để thực hiện. Để đạt được kết quả như vừa qua, tôi có nhiều cái ấn tượng.

Thứ nhất, đó là sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Quốc hội, của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Chủ tịch Quốc hội đã từng nói: “Tất cả các ý kiến của đại biểu Quốc hội, dù là nhỏ nhất, đều phải giải trình và tiếp thu cụ thể”. Còn Phó Chủ tịch phụ trách về lĩnh vực quốc phòng, an ninh thì hàng ngày, hàng giờ đều rất quan tâm đến các dự án luật. Từ những chi tiết nhỏ đến những cái lớn, Phó Chủ tịch Quốc hội đều chỉ đạo, rồi chúng tôi xin ý kiến. Đó là cái ấn tượng thứ nhất, đã tạo đường hướng, quyết tâm để chúng tôi đi đến đích.

Thứ hai là sự đoàn kết, chung tay, chung sức, chung lòng của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, của các thành viên Ủy ban, đặc biệt là sự đoàn kết, quyết tâm của Thường trực Ủy ban.

Trung tướng Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội trả lời phỏng vấn phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Thứ ba là một sự phối hợp đầy trách nhiệm của cơ quan soạn thảo bên Chính phủ, cụ thể là Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, đặc biệt là Ủy ban Pháp luật. Có đêm chúng tôi làm việc tới tận 12h. Rồi thứ bảy, chủ nhật, anh em cũng không quản ngại đến cơ quan làm việc.

Thứ tư, phải nói rằng, số lượng người của Vụ Quốc phòng, an ninh ít nhưng anh em đã nỗ lực rất cao. Các anh em chuyên viên đã rà từng chi tiết để tham mưu cho Thường trực, tham mưu cho lãnh đạo của Ủy ban, cho bản thân tôi để hoàn thành công việc.

Phóng viên: Không chỉ nhiều về số lượng mà còn cao về chất lượng, nhiều dự án Luật được Ủy ban thẩm tra đã được Quốc hội tán thành, biểu quyết thông qua với tỷ lệ rất cao. Để đạt được hiệu quả như vậy, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã có những cách làm sáng tạo gì, thưa Chủ nhiệm?

Trung tướng Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: Đây là một câu hỏi rất hay, tôi rất tâm đắc với câu hỏi này. Có thể nói, với 9 dự án Luật trong vòng 2 kỳ họp vừa qua, 3 Nghị quyết và 1 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đó là một khối lượng đồ sộ. Nhưng để đạt được thành tích đó, ngoài sự quyết tâm, quyết liệt, đoàn kết, phải có sự sáng tạo.

Thứ nhất, chúng tôi thấy được là phải chắt lọc thông tin từ hơi thở thực tế. Ai cũng biết, đây là lĩnh vực nhạy cảm. Trong xã hội, nhiều khi đại biểu cũng chưa nắm, chưa hiểu hết. Lĩnh vực này có những yếu tố bí mật, không được nói rộng rãi. Do đó, việc lắng nghe ý kiến từ thực tế là điều quan trọng nhất. Chúng tôi đã tổ chức những cuộc hội thảo, các đợt đi khảo sát để lắng nghe các ý kiến, qua đó chúng tôi có thông tin để thẩm tra sát hơn, gần gũi hơn.

Thứ hai là công tác phối hợp, phối hợp giữa Ủy ban Quốc phòng và An ninh và các cơ quan chuyên môn của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Tôi nói ví dụ như Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Luật Phòng thủ dân sự là những luật rất khó, chuyên môn rất sâu nhưng anh em luôn lắng nghe, trao đổi. Luật Căn cước cũng rất rộng, tác động đến xã hội rất lớn thì anh em cùng trao đổi, cuối cùng đi đến thống nhất.

Trung tướng Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

Thứ ba, ngoài việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách, chúng tôi đã gặp gỡ đại biểu Quốc hội, trao đổi lại những nội dung mà đại biểu còn băn khoăn trước khi bấm nút thông qua Luật. Chúng tôi cũng gặp gỡ, trao đổi với báo chí, truyền thông. Đây là những việc làm sáng tạo nên được lãnh đạo Quốc hội và đại biểu Quốc hội đánh giá rất tốt.

Phóng viên: Nhiều dự án Luật mà Ủy ban thẩm tra vừa có tính cấp thiết, lại vừa có ý nghĩa lâu dài, tác động đến đông đảo người dân. Vậy Chủ nhiệm có thể chia sẻ một số tác động, hiệu quả bước đầu của các Luật đã được Quốc hội thông qua?

Trung tướng Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: Câu hỏi này theo tôi rất hay và đây mới là trọng tâm của các câu hỏi. Bởi vì nói như lãnh đạo Quốc hội, đồng chí Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, luật phải phục vụ cuộc sống, sự phát triển của đất nước, phục vụ cho bảo vệ Tổ quốc. Đó là mục đích cao nhất của việc soạn luật, tạo hành lang pháp lý về quốc phòng, an ninh nhưng phải phục vụ cho phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh thì chúng tôi đã hài hòa được vấn đề đó.

Những tác động của các dự án Luật phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội rất rõ. Tôi nói ví dụ về Luật xuất nhập cảnh. Từ tháng 8/2023 tới nay thời gian không dài nhưng số lượng người du lịch tăng lên rất cao. Theo thống kê của Bộ Công an tăng gấp 3 lần, trong đó có rất nhiều khách quốc tế. Luật đã tạo cú hích đối với sự phát triển của ngành du lịch nói chung và kinh tế của đất nước, kinh tế của các địa phương nói riêng. Ví dụ nữa là về Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, được triển khai từ tháng 9/2023 đến nay thời gian không lâu nhưng qua báo cáo của Bộ Công an, đã đấu giá được khoảng 15.000 biển số xe, số tiền thu được trên 2.000 tỉ đồng. Ngoài ra, Luật Căn cước định danh phục vụ cho Chính phủ điện tử, chuyển đổi số mà chúng ta đang làm. Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự cũng tạo điểm nhấn để phân biệt rõ ràng đâu là khu quân sự, quốc phòng, đâu là nơi phát triển kinh tế.

Phóng viên: Còn hoạt động giám sát của Ủy ban trong năm 2023 có những dấu ấn nổi bật, mang lại hiệu quả rõ rệt gì, thưa Chủ nhiệm?

Trung tướng Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: Năm 2023, bên cạnh những dự án luật mà chúng tôi thực hiện đạt hiệu quả, công tác giám sát cũng được chú trọng. Chúng tôi có 1 chuyên đề giám sát rất quan trọng đối với thực tế, đó là giám sát việc thực hiện Nghị quyết 99/2019 của Quốc hội về công tác phòng cháy, chữa cháy. Đây cũng là hoạt động có ý nghĩa, vừa đảm bảo quốc phòng, an ninh, vừa phục vụ phát triển kinh tế. Bởi vì nếu một doanh nghiệp muốn phát triển, làm ăn hiệu quả thì công tác phòng cháy, chữa cháy phải được tháo gỡ, phải làm và phải đảm bảo cho người dân. Trên thực tế đã có những vụ cháy rất đau lòng. Do đó, trong công tác giám sát, chúng tôi đã làm việc với các doanh nghiệp, địa phương, 12 bộ, ngành và sau đó có Báo cáo hoàn chỉnh, trong đó có đề xuất các bộ, ngành và đề xuất Quốc hội những nội dung cần chấn chỉnh, thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Đó là những kết quả giám sát, đạt hiệu quả rất cao.

Đoàn giám sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức Phiên họp giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2020 – 2022”.

Phóng viên: Tiếp tục phát những huy kết quả Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã đạt được trong năm 2023, trong năm 2024, hoạt động giám sát của Ủy ban sẽ tập trung vào những nội dung gì, thưa Chủ nhiệm?

Trung tướng Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: Năm 2024, bên cạnh việc tham gia các đoàn giám sát tối cao của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, chúng tôi sẽ tập trung vào giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Hiện nay, Ủy ban đang được giao chủ trì thẩm tra, tham mưu tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện 2 dự thảo Luật gồm: Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật đường bộ. Việc giám sát về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông sẽ phục vụ cho việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện 2 luật này để cho Quốc hội giải trình và thông qua tại Kỳ họp tới.

Mục tiêu thứ 2 của chuyên đề giám sát là tìm ra trên 5 lĩnh vực về giao thông những cái được để phát huy, còn những cái tồn tại, thiếu sót thì khắc phục, để cho việc thực hiện chính sách, pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trên các lĩnh vực đạt hiệu quả cao. Qua đó cũng có thể đề xuất những nội dung liên quan đến việc tổ chức bộ máy, ví dụ như vấn đề Trung tâm dữ liệu, xử lý, quan sát giao thông, giao thông thông minh…Nhiều nội dung đặt ra trong năm 2024, chúng tôi sẽ làm quyết liệt giám sát chuyên đề này.

Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu Đoàn công tác khảo sát thực tế tại Nhà máy Z129 và Z113, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng nhằm phục vụ việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Phóng viên: Chúng tôi được biết, nhiệm vụ thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh trong năm 2024 dự kiến sẽ rất nặng nề. Vậy Ủy ban sẽ có những kế hoạch gì, thưa Chủ nhiệm?

Trung tướng Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: Nhiệm vụ đặt ra đối với chúng tôi trong năm 2024 cũng không thua gì năm 2023. Dù nặng nề nhưng chúng tôi cũng có thuận lợi, đó là kinh nghiệm từ năm 2023. Và chúng tôi có sự chỉ đạo rất quyết tâm, quyết liệt, sát với thực tế, sát công việc của Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách. Anh em trong Ủy ban đoàn kết, quyết tâm. Anh em ở Vụ Quốc phòng, an ninh cũng quyết liệt trong công tác tham mưu. Vì vậy, nhiệm vụ năm 2024 dù có khó khăn nhưng chúng tôi sẽ vượt qua. Trong đó, như tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội tới đây, chúng tôi sẽ phụ trách 6 luật, trong đó 3 luật đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu, sẽ trình thông qua trong Kỳ họp thứ 7, đồng thời cho ý kiến về 3 luật khác. Trong kỳ họp Quốc hội cuối năm 2024, chúng tôi cũng còn nhiều luật cần tập trung. Trên cơ chuyên môn là đi thực tế, khảo sát chuyên sâu, chúng tôi sẽ thực hiện và hoàn thành trong năm 2024.

Tôi nghĩ rằng, với quyết tâm rất cao của tập thể Ủy ban Quốc phòng và An ninh, với sự chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm của Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách, dưới sự hỗ trợ của các cơ quan của Quốc hội, đặc biệt là sự quyết liệt ngay từ đầu của Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, trong đó có Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, năm 2024 chúng tôi cũng sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao./.

Phóng viên: Trân trọng cám ơn Trung tướng Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã trả lời phỏng vấn. Nhân dịp năm mới, kính chúc Chủ nhiệm nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công! Xin chúc cho Ủy ban tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm nay!

Khắc Phục - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác