GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ, QUYẾT LIỆT CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NGAY TỪ NHỮNG NGÀY ĐẦU, THÁNG ĐẦU CỦA NĂM 2024

31/12/2023

Với sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, sự đồng hành của Quốc hội, đại biểu Quốc hội kỳ vọng trong năm 2024, Chính phủ sẽ hoàn thành đạt và vượt các mục tiêu nêu trong Nghị quyết số 103/2023/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

NGHỊ QUYẾT SỐ 103/2023/QH15 CỦA QUỐC HỘI VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2024

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 103/2023/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 103/2023/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Nghị quyết đặt mục tiêu tổng quát là tiếp tục ưu tiên tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách; Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế ngang tầm với phát triển kinh tế; Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ... Nghị quyết cũng nêu chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 6,0 - 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 đô la Mỹ (USD)…

Chia sẻ những kỳ vọng trước thềm năm 2024, một số đại biểu cho rằng, với sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, sự đồng hành của Quốc hội, Chính phủ sẽ hoàn thành đạt và vượt các mục tiêu nêu trong Nghị quyết số 103/2023/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi lại ý kiến của đại biểu về kỳ vọng cũng như gợi mở một số giải pháp để hòan thành tốt các mục tiêu Quốc hội đề ra:

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế: “Tôi cho rằng, năm 2023, đất nước đã vượt qua những khó khăn, thách thức rất lớn, nhất là từ sau đại dich Covid-19, những tác động của địa chính trị, địa kinh tế của khu vực và áp lực này đang đè nặng lên vai của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị từ trung ương tới cơ sở để kinh tế tiếp tục phát triển, xã hội ổn định, an ninh trật tự được đảm bảo.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế

Tôi hy vọng, với những giải pháp đã nêu trong báo cáo của Chính phủ trình trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 sẽ được triển khai đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024. Cùng với một số luật vừa được Quốc hội thông qua, như giảm 2% thuế VAT, Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu… sẽ giúp các doanh nghiệp phát triển tốt hơn.

Tuy nhiên, để phát triển kinh tế bền vững, tôi cho rằng cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh.

Tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường năng lực nội sinh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các ngành, lĩnh vực mới nổi, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả.

Đồng thời, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân”.

Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: “Tôi cho rằng, bước sang năm 2024 sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, mặc dù bối cảnh kinh tế - xã hội thế giới còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta vẫn đạt được những kết quả bước đầu, mặc dù chưa thật sự hài lòng, nhưng so với các nước trên thế giới, kết quả này cũng được thế giới đánh giá cao. Chúng ta kỳ vọng, Việt Nam sẽ tiếp tục giữ tốt đà đang đi lên của nền kinh tế trong năm 2023, đặc biệt không chỉ đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5% trong năm 2024, mà còn tạo ra môi trường phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, đặc biệt đón nhận các dòng đầu tư mới theo xu thế phát triển mới đang có nhiều cơ hội vào Việt Nam trong thời gian tới.

Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Tôi cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5% cần có sự nỗ lực phấn đấu rất lớn, trong đó cần lưu ý tận dụng các cơ hội, lợi thế sẵn có, đó là tiếp tục cân bằng, ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp, hỗ trợ người dân kích cầu tiêu dùng, mở rộng sản xuất. Đặc biệt, trong năm 2024 phải đa dạng hóa các hình thức tiếp cận thị trường, tranh thủ được các cơ hội mới để hồi phục thị trường truyền thống, thị trường ngách.

Bên cạnh đó, năm 2024 là tiền đề để chuyển đổi luồng đầu tư, đã có sự dịch chuyển về cơ hội đầu tư không chỉ theo hướng sản xuất và gia công, mà đầu tư các ngành công nghệ cao tạo ra giá trị gia tăng cao cho đất nước. Chúng ta cũng kỳ vọng sẽ kêu gọi được các tập đoàn lớn của thế giới. Vì vậy, nếu năm 2024 tận dụng tốt được cơ hội đó, có thể Việt Nam sẽ tạo ra làn sóng kêu gọi đầu tư và tạo ra niềm tin đầu tư, thúc đẩy nhà sản xuất, hoạt động dịch vụ, thúc đẩy tiêu dùng… Đây là tiền đề để chúng ta tin rằng, năm 2024 đất nước sẽ phát triển và đạt mức tăng trưởng cao nhất.

Ngoài ra, trong năm 2024 cũng cần thúc đẩy đầu tư công, nhưng cũng cần nghiên cứu không chỉ tập trung đầu tư vào kết cấu hạ tầng, mà còn đầu tư trực tiếp cho các tập đoàn, doanh nghiệp thông qua phương thức đặt hàng, tạo ra điều kiện hỗ trợ đón các luồng đầu tư mới. Muốn vậy, phương thức đầu tư cũng cần thay đổi”.

 Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: “Khi thảo luận về kinh tế- xã hội tại Kỳ họp thứ 6, nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày đỏ băn khoăn khi Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% trong năm 2024 bởi tình hình trong nước và thế giới tiếp tục có nhiều khó khăn. Tôi cho rằng, với sự nỗ lực của Chính phủ và sự đồng hành của Quốc hội, mục tiêu này có thể đạt được, bởi chúng ta đang tập trung tối đa vào 3 trụ cột: đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Với sự quyết tâm của Chính phủ trong việc giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm về giao thông, tôi tin rằng khi giao thông đã thông thương, các hoạt động khác sẽ đạt được kỳ vọng, đặc biệt là xuất khẩu trong thời gian qua có dấu hiệu tích cực.

 Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Mặc dù tiêu dùng có dấu hiệu sụt giảm nhưng thời gian qua, đặc biệt thời gian tới sẽ có nhiều giải pháp để kích cầu nội địa, đặc biệt tăng cầu tiêu dùng. Khi các trụ cột vững chắc, nền kinh tế vĩ mô ổn định, tôi tin rằng mục tiêu tăng trưởng GDP mà Chính phủ trình Quốc hội thông qua sẽ đạt được.

Để tiếp tục đẩy mạnh 3 trụ cột trong năm 2024, cần tiếp tục duy trì kim ngạch xuất khẩu như hiện nay, trong đó tập trung vào phát triển thị trường mũi nhọn. Vừa qua, Chính phủ cũng đã chỉ đạo quyết liệt, nếu tập đoàn, doanh nghiệp vướng ở đâu sẽ tháo gỡ ở đó, giúp doah nghiệp triển khai các hoạt động tốt nhất, để các doanh nghiệp tự tin mở rộng thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, chúng ta cũng tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng hợp tác, nâng mối quan hệ đối tác từ chiến lược lên chiến lược toàn diện đối với một số nước – đây cũng là giải pháp thúc đẩy, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Về công nghiệp, Quốc hội đã thông qua một số luật sẽ là tiền đề để thúc đẩy ngành công nghiệp, trong đó có công nghiệp phụ trợ phát triển, đảm bảo đạt và vượt các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội trong thời gian tới”.

Lan Hương