CẦN QUY ĐỊNH CHẶT CHẼ, TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ VI PHẠM VỀ CHẬM ĐÓNG, TRỐN ĐÓNG BHXH BẮT BUỘC

27/12/2023

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm góp ý vào dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là vấn đề xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc. Các ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần quy định chặt chẽ hơn và tăng cường các biện pháp xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc để giảm thiểu tình trạng người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 23/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI (SỬA ĐỔI)

Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình dự án Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6.

Sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 và dự kiến sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 7 tới (tháng 5/2024). Vấn đề xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc là một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và tham gia đóng góp ý kiến. Nội dung này được quy định tại Điều 36 và Điều 37 của dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Theo đó, dự án Luật do Chính phủ trình đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH (Điều 36 và Điều 37) như sau:

(i) quy định cụ thể 02 hành vi: chậm đóng BHXH và trốn đóng BHXH;

(ii) Quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền chậm đóng, trốn đóng (như lĩnh vực thuế);

(iii) quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH từ 06 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng; (iv) quyết định hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng;

(v) cơ quan BHXH có quyền khởi kiện và kiến nghị khởi tố đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự; (vi) Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, dự thảo Luật đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động (khoản 6 Điều 12).

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6.

Đề cập đến nội dung này, Ủy ban Xã hội - Cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật đề nghị Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ lưỡng một số nội dung sau:

(1) Nghiên cứu, chuyển quy định Điều 36 về Điều 4 (giải thích từ ngữ);

(2) Nghiên cứu bỏ quy định tại khoản 3 Điều 37 và khoản 2 Điều 135 của dự thảo Luật;

(3) Điều 36 dự thảo Luật đã phân định rõ 02 hành vi là chậm đóng và trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, tuy nhiên tại Điều 37 dự thảo Luật quy định xử lý vi phạm về chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì đóng chậm hay trốn đóng thì đều xử lý vi phạm như nhau. Đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu bổ sung cho phù hợp. Đồng thời, cần quy định rõ thời gian chậm đóng bao lâu sẽ được xem là trốn đóng bảo hiểm xã hội.

(4) Nghiên cứu bổ sung quy định ràng buộc trách nhiệm, chế tài xử lý đối với cơ quan nhà nước, người có trách nhiệm liên quan khi không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về xử lý các trường hợp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

(5) Rà soát để bảo đảm tính thống nhất với các quy định của Luật chuyên ngành.

Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước nếu để tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội gia tăng

Đại biểu Dương Văn Thăng - Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh

Quan tâm đến vấn đề xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc, đại biểu Dương Văn Thăng - Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh cho rằng, để giảm thiểu tình trạng người sử dụng lao động trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động, đề nghị Ban soạn thảo tăng cường các biện pháp về thanh tra và xử lý các vi phạm theo dự thảo Luật đưa ra. Đồng thời đề nghị có thêm các quy định để xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội nếu để tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội gia tăng.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Dương Văn Thăng, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng - Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh chỉ rõ, bức xúc hiện nay đối với người lao động là các doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH, mà nguyên nhân khách quan là do một số chủ doanh nghiệp bị phá sản do làm ăn thua lỗ, đặc biệt trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 vừa qua. Vì vậy họ trốn đóng bảo hiểm xã hội và người lao động bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo thống kê chưa đầy đủ, thời gian vừa qua, chúng ta thấy số lượng người lao động trên 200.000 người, ở phương diện mà lao động ngoài ký kết hợp đồng thậm chí còn cao hơn nữa. Do vậy, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng đề nghị Ban soạn thảo khi sửa đổi dự án Luật này cần quy định chặt chẽ để bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn được việc doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, tránh trường hợp khi người lao động cần có bảo hiểm xã hội thì họ lại bị mất quyền lợi bảo hiểm xã hội trong thời gian mà họ tham gia lao động với doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng - Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh

Bổ sung chế tài xử lý, khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH

Đồng thời, tại khoản 3, Điều 37 về xử lý vi phạm chậm, trốn đóng bảo hiểm bắt buộc, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng đề nghị nên bổ sung chế tài xử lý, khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội. Đại biểu cho rằng, cần thiết kế để đi tắt mà không phải theo trình tự phạt hành chính, sau đó đợi 60 ngày, 80 ngày thì chủ doanh nghiệp có khả năng trốn hoặc doanh nghiệp đã phá sản hoặc đã ngừng kinh doanh lập tức tìm cách trốn không đóng BHXH cho người lao động. Do đó, đề nghị cần có một thủ tục rút gọn để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, vì một doanh nghiệp thời điểm cao nhất có thể lên tới 85.000, 90.000 công nhân. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu kỹ thêm vấn đề này.

Góp ý sâu hơn về biện pháp xử lý hình sự đối với các trường hợp chậm và trốn đóng BHXH, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy - Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh nêu rõ, trong thực tế, người sử dụng lao động một là trốn, hai là không còn khả năng đóng bảo hiểm, như vậy khi xử kiện thì người lao động cũng đã bị ảnh hưởng về quyền lợi. Do đó, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy đề xuất một số nội dung liên quan đến quyền khởi kiện của người lao động và người sử dụng lao động hoặc người lao động và tổ chức đại diện của người lao động.

Đại biểu nêu rõ, tổ chức đại diện của người lao động ở đây có công đoàn cơ sở. Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy có một điểm hạn chế là người đại diện của Tổ chức đại diện người lao động ở dưới công đoàn cơ sở, dưới doanh nghiệp chính là Chủ tịch Công đoàn, Ban chấp hành Công đoàn nhưng Ban chấp hành đó lại do doanh nghiệp trả lương. Vì vậy mâu thuẫn rất nhiều với chuyện này, dẫn đến đòi hỏi người lao động phải ủy quyền ngược lại lên công đoàn cấp trên là công đoàn cấp huyện hoặc công đoàn khu chế xuất, khu công nghiệp để công đoàn cấp trên đó khởi kiện, còn Chủ tịch Công đoàn cơ sở đó khởi kiện rất khó.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy - Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh

Do đó, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy đề xuất trong quy định của Chính phủ hoặc sau này có các nghị quyết liên tịch giữa các cơ quan liên quan để xử lý hành chính vấn đề này thì cần quy định rất rõ và chi tiết, đồng thời tạo điều kiện cho công đoàn cấp trên được hưởng ủy quyền của người lao động để xử lý và khởi kiện ra tòa đối với những trường hợp này. Quy định như vậy mới đảm bảo chặt chẽ, hợp lý. Bởi vì, thực tế hiện nay, lương của cán bộ công đoàn cơ sở chính là do doanh nghiệp chi trả. Rất khó để đi ngược lại với các vấn đề thuộc doanh nghiệp mà chủ doanh nghiệp là người sử dụng lao động.

Đồng thời, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy cũng đề xuất xem xét kỹ, cụ thể các yêu cầu và điều kiện để khởi tố hình sự đối với các trường hợp chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc. Vì thực tế cho thấy chưa xử lý được bất cứ một trường hợp hình sự nào đối với vấn đề trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội. Nguyên nhân là do không xác định được hành vi trốn đóng, các chủ doanh nghiệp đều xác nhận là nợ chứ không phải trốn đóng để có thể khởi tố hình sự.

Còn đại biểu Nguyễn Thanh Sang - Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh đề nghị Cơ quan bảo hiểm phải xử phạt hành chính. Đây là điều kiện tiên quyết, bắt buộc để xử lý đối với hành vi này và sau khi đã xử lý, cần mạnh dạn chuyển cho các cơ quan tiến hành tố tụng để xử lý theo quy định pháp luật./.

Bích Ngọc