GÓC NHÌN: KHỞI NGHIỆP VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO ĐỂ VƯỢT QUA BẪY THU NHẬP TRUNG BÌNH
GÓC NHÌN: KHƠI THÔNG NGUỒN LỰC BẢO VỆ, PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA - NHÂN CHỨNG VƯỢT THỜI GIAN, LÀM NÊN BẢN SẮC DÂN TỘC
Văn hoá ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia. Văn hóa luôn được xem là nền tảng tinh thần và động lực phát triển kinh tế - xã hội đối với bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới. Thế giới càng mở cửa hội nhập hơn thì nền văn hóa của quốc gia, dân tộc nào cũng cần được đầu tư kỹ càng.
Đối với Việt Nam, văn hóa đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển đất nước, góp phần định hình ý thức và giá trị con người, sức mạnh dân tộc. Bên cạnh đó, văn hóa còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội. Những giá trị văn hóa đặc trưng của Việt Nam như tình yêu nước, tinh thần đoàn kết, chia sẻ, nghĩa tình... đã góp phần tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đảng ta đã xác định “Văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.
Nhận thức sâu sắc giá trị của văn hóa trong quá trình phát triển đất nước, Đảng ta đã xác định “Văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Việc thực hiện nhất quán, đồng bộ quan điểm này là điều kiện quan trọng để xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Rõ ràng, đầu tư cho văn hóa đã và đang được khẳng định là một trong những trọng trách của nhà nước, tạo điều kiện cho văn hóa phát triển. Vì vậy, trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta chủ trương “lấy giá trị văn hoá, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững” và quan tâm đầu tư đúng mức cho phát triển văn hoá. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh về việc đầu tư cho văn hoá là đầu tư cho phát triển.
Như vậy, việc phát triển văn hóa theo các định hướng lâu dài, cho dù đó là mục tiêu đa dạng hóa văn hóa (đa dạng hóa cách thức sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm và hoạt động văn hóa, đa dạng hóa cách tiếp cận văn hóa….) hay dân chủ hóa văn hóa (đảm bảo mọi người dân thuộc mọi thành phần xã hội đều có thể tham gia quá trình sáng tạo, phân phối và hưởng thụ văn hóa) và phúc lợi văn hóa…, đều cần đến nền tảng vững chắc về tài chính.
Sự chuyển động của cả hệ thống chính trị thời gian qua đang tạo sự chuyển biến trong phát triển văn hóa, đặc biệt là từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và Hội thảo Văn hóa 2022 của Quốc hội. Mỗi Kỳ họp Quốc hội, nghị trường lại “nóng” hơn từ những trăn trở, tranh luận của đại biểu Quốc hội liên quan đến vấn đề đầu tư cho văn hóa. Bởi bao năm qua, việc đầu tư cho văn hóa cả ở con người, tài chính và cơ sở vật chất đều không đảm bảo theo quy định và đúng với kỳ vọng. Rất nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phải có các giải pháp đảm bảo tăng mức đầu tư cho lĩnh vực văn hóa.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng làm rõ nguyên nhân, giải pháp sớm khắc phục triệt để bất cập kéo dài do thiếu nguồn lực, tránh bỏ qua cơ hội phát triển của ngành văn hóa, bởi lẽ khi nguồn lực ngân sách cho phát triển văn hóa không đáp ứng yêu cầu, chắc chắn nhiều vấn đề liên quan đến văn hóa sẽ bị ảnh hưởng.
Đảng và Nhà nước ta đã xác định đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững đất nước, tăng dần mức chi ngân sách cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, đầu tư cho văn hóa hiện vẫn đang thấp so với yêu cầu thực tiễn và còn phân tán, hiệu quả chưa cao, khoảng cách từ quan điểm tới triển khai vẫn còn khá lớn.
So với nhu cầu phát triển văn hoá, ngân sách dành cho văn hoá còn nhiều hạn chế. Năm 2019, báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cũng đã thừa nhận rằng mức chi cho văn hoá mới chỉ dừng lại ở 1,71% chi thường xuyên, thấp hơn so với yêu cầu là 1,8% đã được đưa ra từ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 (Ban chấp hành Trung ương Khoá VIII) từ năm 1998.
Không chỉ mức chi cho văn hóa thấp, điều quan trọng không kém là tình trạng đầu tư cho văn hóa còn dàn trải, chưa thực sự mang lại hiệu quả. Trong khi các tác phẩm nghệ thuật do Nhà nước đầu tư chủ yếu vẫn gắn với việc phục vụ cho những ngày lễ lớn hoặc những sự kiện chính trị quan trọng, các chương trình đầu tư dài hạn lại không được triển khai một cách đồng bộ. Chương trình Mục tiêu quốc gia về điện ảnh là một ví dụ điển hình. Trong khi phần lớn số tiền được đầu tư vào việc nâng cấp cơ sở kỹ thuật phục vụ công nghiệp điện ảnh và đầu tư trang thiết bị cho các hãng phim, việc đào tạo nguồn nhân lực lại bị bỏ qua. Hay các chương trình đầu tư xây dựng công trình văn hóa công cộng dành cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng cho thấy những bất cập, thể hiện ở việc các công trình được xây dựng ít được sử dụng vì không phù hợp với phong tục, tập quán của nhân dân. Rất nhiều thiết chế văn hóa ở cơ sở hoạt động cũng không hiệu quả so với kỳ vọng của xã hội.
Để “đầu tư xứng tầm cho văn hóa” không còn là câu cửa miệng, để con số 1,8% không chỉ nằm trên giấy và mãi là niềm mơ ước như những năm qua, chúng ta thực hiện những giải pháp đồng bộ sau:
Thứ nhất là nâng cao năng lực quản trị và cơ chế phân bổ nguồn đầu tư công trong việc huy động và phân bổ nguồn lực tài chính cho phát triển văn hóa. Như vậy, thay vì đầu tư dàn trải, cơ chế đầu tư cần hướng tới các mục tiêu dài hạn và được triển khai theo các tiêu chí ngày càng rõ ràng hơn. Theo đó, nhà nước xây dựng kế hoạch cụ thể và lựa chọn đầu tư vào các lĩnh vực, các ngành trọng điểm, ưu tiên các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và một số loại hình nghệ thuật truyền thống cần bảo tồn, phát huy.
Để đảm bảo tính chất công ích, giá trị phúc lợi xã hội của lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, Nhà nước sẽ ưu tiên đầu tư vào loại hình sản phẩm và dịch vụ văn hóa phục vụ nhu cầu chung của cả cộng đồng nhưng không có sẵn hoặc ít được các doanh nghiệp cung cấp trên thị trường vì khả năng sinh lời hạn chế hay một số sản phẩm và dịch vụ văn hóa không thể do tư nhân cung ứng vì đòi hỏi những điều kiện nhất định mà chỉ có Nhà nước mới đủ tiềm lực để thực hiện.
Thêm vào đó, với việc nhận thức rõ đời sống văn hóa - nghệ thuật đang bị chi phối mạnh mẽ của cơ chế thị trường, sự bảo trợ của Nhà nước, bên cạnh việc phục vụ nhu cầu chính trị, đang dần được mở rộng sang việc bảo trợ cho sự phát triển của những khuynh hướng sáng tạo, những cá tính sáng tạo nhằm gia tăng tính thực tiễn và hiệu quả của các khoản đầu tư.
Với việc đưa cơ chế thị trường trở thành một cơ chế tất yếu, bao trùm mọi lĩnh vực, nhà nước trở thành khách hàng trong thị trường văn hóa – nghệ thuật, hỗ trợ các tổ chức và nghệ sĩ thông qua việc mua các sản phẩm, dịch vụ. Nguyên tắc căn bản trong phân bổ nguồn lực quốc gia chính là “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, tức là, đầu tư từ ngân sách Nhà nước chỉ đóng vai trò "làm mồi" để thu hút thêm các nguồn đầu tư từ doanh nghiệp và xã hội vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao (như cơ sở hạ tầng, quảng bá thương hiệu, đào tạo nhân lực…).
Nhà nước cần đảm bảo sự công bằng trong phân phối nguồn lực: xây dựng tiêu chí cụ thể và hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng về thủ tục xin tài trợ; đảm bảo quyền bình đẳng trong tiếp cận nguồn tài trợ công giữa các đơn vị công lập và tư nhân, giữa các nghệ sĩ làm việc cho các tổ chức và các nghệ sĩ tự do. Tăng cường các biện pháp quản lý đúng thuế thu nhập cá nhân nhằm tránh thất thoát nguồn tài chính và đảm bảo phân phối nguồn lực phù hợp với đóng góp.
Thứ hai là đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, phát huy sự tham gia của xã hội vào việc phát triển văn hóa. Bởi để sự nghiệp văn hóa ngày càng phát triển mà chỉ trông cậy vào nguồn lực của Nhà nước thôi thì chưa đủ. Xây dựng văn hóa là sự nghiệp toàn dân. Để làm được việc này, nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi (về thuế, phí, tín dụng, quyền sử dụng đất…) nhằm đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, huy động các nguồn đầu tư, tài trợ, hiến tặng cho phát triển văn hóa. Nhà nước cũng khuyến khích hình thành các quỹ đào tạo, khuyến học, phát triển nhân tài, quảng bá văn học nghệ thuật, phát triển điện ảnh, hỗ trợ xuất bản... Xây dựng cơ chế ưu đãi (như miễn/giảm thuế…) nhằm khuyến khích thành lập doanh nghiệp xã hội cung cấp các dịch vụ phi lợi nhuận và tạo tác động xã hội./.
|
PGS.TS Bùi Hoài Sơn
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
ĐBQH thành phố Hà Nội
|