TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI
Toàn cảnh phiên thảo luận về kinh tế xã hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại Kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.
Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, TS. Nguyễn Thị Thùy Dung, Học viện Chính trị khu vực 1 cho rằng, qua việc phân tích thực trạng có thể thấy hiện nay nước ta đã có khá nhiều cơ chế, chính sách cũng như xây dựng được bộ máy quản lý và cơ chế vận hành thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp. Tuy nhiên, thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp nước ta vẫn còn một số bất cập, hạn chế như sau:
Thứ nhất, hệ thống chính sách, pháp luật về đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp còn chưa đồng bộ, chậm được hoàn thiện. Chẳng hạn như các quy định pháp luật đã ban hành hướng dẫn nội dung chi cho hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp mới chỉ tập trung cho hoạt động nghiên cứu và phát triển mà chưa đáp ứng các nhu cầu của doanh nghiệp trong hoạt động đổi mới sáng tạo, chưa có nội dung chi cho đổi mới quy trình quản trị doanh nghiệp…
Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, Kỳ họp thứ 6
Đối với các nhiệm vụ có hoạt động chuyển giao công nghệ, mua bí quyết công nghệ… gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện các quy định của Luật Đấu thầu đối với việc mua sắm tài sản vì việc mua sắm liên quan đến công nghệ có sự khác biệt so với việc mua sắm các hàng hóa thông thường khác. mục đích của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia là nhằm hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp, nhưng trong quá trình thực hiện, do các quy định về tài chính, như Luật Ngân sách Nhà nước có những điều khoản khiến việc vận hành quỹ này gặp một số khó khăn nhất định. Không chỉ quỹ đổi mới công nghệ mà nhiều cơ chế, chính sách khác để hỗ trợ đổi mới sáng tạo cũng gặp khó khăn khi thực hiện.
Thêm vào đó, các hướng dẫn và biện pháp tạo động lực để các doanh nghiệp Việt Nam liên kết được với nhau trong tham gia thị trường thường mang tính khuyến nghị chung, ít có biện pháp cụ thể. Tình hình đó cộng với nhiều rào cản vô hình, chi phí ngầm khác khi doanh nghiệp Việt Nam muốn tiếp cận nguồn lực mặt bằng, nguồn lực vốn càng làm cho doanh nghiệp khó phát triển, gây tâm lý hoài nghi, nản chí trong kinh doanh, không muốn đầu tư căn cơ, dài hạn, suy giảm động lực đổi mới sáng tạo.
Thứ hai, bộ máy quản lý và cơ chế vận hành thúc đẩy đổi mới sáng còn phân tán với nhiều bên tham gia, đôi khi không có sự phối hợp, điều phối và thậm chí còn cạnh tranh với nhau, dễ dẫn đến khả năng trùng lặp và lãng phí nguồn lực. Bộ Khoa học và công nghệ trong rất nhiều trường hợp, không đủ thẩm quyền giải quyết một số vấn đề chính sách mạnh về đổi mới sáng tạo. Nhiều chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo mạnh, mang tính vượt khung luật hiện hành đòi hỏi phải có quyết định liên ngành mà không một ngành riêng biệt nào có đủ thẩm quyền giải quyết. Trong khi đó, cơ chế thực hiện chính sách thử nghiệm kiểu "sandbox" chưa thịnh hành và chưa được chấp nhận rộng rãi.
Thứ ba, việc xây dựng và thực thi chính sách cũng còn đang thiếu sự tham vấn của khu vực tư nhân và quy trình phản hồi từ khu vực tư một cách có hệ thống để thiết kế chính sách đổi mới sáng tạo sát thực hơn. Về phía doanh nghiệp còn chưa có nhiều kinh nghiệm xây dựng, triển khai các đề tài, dự án đầu tư đổi mới công nghệ hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Vì thế, việc hoàn thiện hồ sơ trong quá trình xét chọn, phê duyệt nhiệm vụ thường bị kéo dài, không đáp ứng được tiến độ thực hiện dự án của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc trích lập quỹ cho hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; chưa chủ động, tích cực tham gia mối liên kết viện - trường – doanh nghiệp nhằm thương mại hóa công nghệ và khai thác có hiệu quả tài sản trí tuệ...
Đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới, TS. Nguyễn Thị Thùy Dung, Học viện Chính trị khu vực 1 cho rằng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục đổi mới tư duy về xây dựng thể chế theo hướng tạo môi trường thuận lợi và huy động sự tham gia của toàn xã hội cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các chính sách, chương trình, dự án… về đổi mới sáng tạo cần phải phù hợp với các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chính sách giáo dục, đào tạo đại học…
Hai là, hoàn thiện chính sách, pháp luật về đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp; chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; tháo gỡ các nút thắt, rào cản về luật pháp, chính sách kinh tế, tài chính, thủ tục hành chính đối với hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, vượt trội để thúc đẩy triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ.
Ba là, xây dựng, ban hành cơ chế, quy chế phối hợp giữa cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo là Bộ Khoa học và Công nghệ với các bộ, ngành, địa phương để tạo sự thống nhất, hiệu quả, xuyên suốt trong quản lý nhà nước.
Bốn là, đẩy mạnh huy động nguồn lực đầu tư cho KH&CN và đổi mới sáng tạo; thực hiện tái cơ cấu các chương trình, dự án, nhiệm vụ KH&CN gắn với nhu cầu xã hội, chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng; đẩy mạnh phát triển thị trường KH&CN gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN.
Năm là, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; phát triển mô hình kinh doanh mới; nâng cao năng lực đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ của doanh nghiệp; tập trung phát triển công nghệ cao, công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng lần thứ tư có khả năng ứng dụng cao. Thiết lập các trụ cột để tăng cường mối liên kết viện - trường – doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại hóa công nghệ, khai thác có hiệu quả tài sản trí tuệ, từ đó hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có sức mạnh về trí tuệ, nguồn lực để bứt phá nhanh...
Sáu là, đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế về KH&CN và đổi mới sáng tạo nhằm phát huy thế mạnh của Việt Nam và huy động tối đa nguồn lực quốc tế, qua đó tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng.