THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT QUỐC HỘI VỀ GIẢM 2% THUẾ VAT MỘT MŨI TÊN TRÚNG NHIỀU ĐÍCH
TIẾP TỤC XEM XÉT GIẢM THUẾ VAT 2%, THỂ HIỆN SỰ ĐỒNG HÀNH CỦA QUỐC HỘI HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP VƯỢT QUA KHÓ KHĂN
Không áp thuế VAT, người nông dân, doanh nghiệp, nhà nước đều thiệt
Phân bón là vật tư quan trọng số một bởi nó chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá thành trồng trọt, trong khi ngành trồng trọt chiếm 64 - 68% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp.
Nhằm hỗ trợ giá đầu vào cho nông dân, tháng 11/2014, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế (Luật số 71/2014/QH13), chuyển phân bón từ đối tượng chịu thuế VAT 5% sang đối tượng không chịu thuế. Tuy nhiên, sự thay đổi chính sách như vậy lại phát sinh nhiều bất cập.
Theo Luật thuế 71/2014, do phân bón không thuộc diện chịu thuế VAT nên các doanh nghiệp không được kê khai, khấu trừ thuế VAT đầu vào mà phải tính vào chi phí sản phẩm (Ảnh minh hoạ)
Cụ thể, Việt Nam nhập khẩu tương đối nhiều phân bón từ nước ngoài. Phần lớn các nước này đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT nên doanh nghiệp của họ được hoàn thuế đầu vào khi xuất khẩu sang Việt Nam. Mặt khác, phân bón nhập khẩu vào Việt Nam lại không phải chịu thuế VAT tại khâu nhập khẩu. Vì vậy, doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện hạ giá bán và cạnh tranh không công bằng với phân bón sản xuất trong nước.
Trong khi đó, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước lại gặp nhiều khó khăn. Do phân bón không thuộc diện chịu thuế VAT nên các doanh nghiệp không được kê khai, khấu trừ thuế VAT đầu vào mà phải tính vào chi phí sản phẩm. Điều này khiến giá thành sản phẩm tăng 5 - 8%, bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại; đồng thời không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản cố định để tạo ra sản phẩm chất lượng cao.
Không chỉ doanh nghiệp mà Nhà nước và nông dân cũng đều chịu thiệt. Nhà nước mất nguồn thu ngân sách do không thu được thuế VAT ở khâu nhập khẩu với phân bón trong khi thuế nhập khẩu thì vốn rất thấp hoặc đã được đưa về mức 0%. Còn nông dân phải mua phân bón với giá cao do các nhà sản xuất trong nước đã đẩy một phần chi phí thuế vào giá thành sản phẩm - nghĩa là mục tiêu giảm giá phân bón để hỗ trợ nông dân không đạt được.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế
Nên áp thuế VAT 5% với phân bón
Tại hội thảo “Vai trò của chính sách thuế trong sự phát triển của thị trường vật tư nông nghiệp Việt Nam” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 7/12, nêu quan điểm, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, điều chỉnh thuế VAT với phân bón trong bối cảnh hiện nay là cần thiết, hướng tới mục tiêu nâng hiệu quả, giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp để mọi người trong ngành đều được hưởng lợi tốt nhất, chứ không đơn thuần là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hay tăng giá, giảm giá.
Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cũng cho rằng, quá trình sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng tới đây, cần đưa phân bón vào diện chịu thuế với thuế VAT với thuế suất 5%. Tại sao không phải là thuế suất VAT 10%? Thuế suất 10% thì tính liên hoàn (giữa khấu trừ đầu vào và hoàn thuế ) tốt hơn, khoa học hơn nhưng lĩnh vực nông nghiệp đang được ưu đãi nên xét cả tình và lý đều chưa hợp lý. Theo ông Nguyễn Văn Phụng, việc đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT với mức thuế suất 5% không chỉ phù hợp với thực tiễn của nền kinh tế, mà cũng là mở rộng diện chịu thuế, mở rộng cơ sở thuế như Chiến lược cải cách hệ thống thuế gia đoạn 2021 – 2030.
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, khi áp thuế VAT với phân bón, các nhà sản xuất trong nước được khấu trừ thuế VAT trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nội địa. Qua đó, giúp nhà sản xuất chuyển hướng đầu tư công nghệ mới, điều tiết giá thành, quản lý về chất lượng, thương hiệu, sản phẩm khi đưa ra thị trường. Tuy nhiên, việc áp dụng thuế VAT cần phù hợp từng giai đoạn, từng thời kỳ để không ảnh hưởng đến sản xuất trong nước nói chung và nông nghiệp nói riêng.
Sớm sửa đổi chính sách thuế VAT với mặt hàng phân bón
Tại hội thảo "Thực trạng và giải pháp toàn diện cho sự phát triển của ngành vật tư nông nghiệp" diễn ra ngày 20/12, các chuyên gia cũng đề xuất sớm sửa đổi chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT) với phân bón để hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân.
Toàn cảnh hội thảo "Thực trạng và giải pháp toàn diện cho sự phát triển của ngành vật tư nông nghiệp"
Phân bón là vật tư quan trọng số một với sản xuất nông nghiệp, bởi chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá thành của trồng trọt và ngành trồng trọt hiện chiếm từ 64 - 68% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp.
Đến hết năm 2020, cả nước có 841 nhà máy sản xuất phân bón với tổng công suất 39,25 triệu tấn/năm. Có 24.349 sản phẩm phân bón lưu hành tại Việt Nam đã được công nhận. Đồng thời, có 380 doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào nhóm sản phẩm vi sinh nông nghiệp phục vụ trồng trọt, bao gồm: phân bón hữu cơ và hữu cơ vi sinh, thuốc sinh học bảo vệ thực vật.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Nguyễn Trí Ngọc cho biết, hiện có nghịch lý là trong khi chúng ta tập trung khuyến cáo và nông dân đang nỗ lực tuân thủ các quy trình canh tác để tạo ra nông sản xanh, an toàn đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe nhất của thế giới, thì vật tư nông nghiệp lại rất phức tạp về chất lượng. Ông Ngọc khuyến nghị thúc đẩy để tăng sản xuất vật tư nông nghiệp trong nước, giảm giá bán tới tay người nông dân. Đồng thời, các đơn vị sản xuất và kinh doanh phân bón uy tín trong nước nỗ lực sản xuất và cung ứng tối đa ra thị trường các sản phẩm phân bón chất lượng cao nhất. Cùng với đó, cần sớm sửa đổi chính sách thuế giá trị gia tăng với mặt hàng phân bón tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13 để hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân.