SỬA ĐỔI LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI: CẦN TĂNG MỨC TRỢ CẤP THAI SẢN CHO NGƯỜI THAM GIA BHXH TỰ NGUYỆN

15/12/2023

Kỳ họp thứ 6, Chính phủ đã trình Quốc hội khóa XV dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Tại Dự thảo Luật đã bổ sung quy định một mức trợ cấp thai sản là 2 triệu đồng cho một con mới sinh đối với lao động nữ khi sinh con và lao động nam có vợ sinh con. Góp ý vào quy định này, một số ý kiến chuyên gia cho rằng, mức hỗ trợ này là chưa phù hợp, cần tăng mức trợ cấp thai sản cho người tham gia BHXH tự nguyện.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 23/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI (SỬA ĐỔI)

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật BHXH số 58/2014/QH13 (Luật BHXH năm 2014) tại Kỳ họp thứ 8. Qua hơn 07 năm thi hành, Luật BHXH năm 2014 đã đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn của chính sách, chế độ BHXH theo nguyên tắc đóng - hưởng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện Luật BHXH năm 2014 cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế, bất cập như: diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH trên thực tế còn thấp so với tiềm năng; tính tuân thủ pháp luật về BHXH còn chưa cao, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn người dân tham gia;...

Do đó, việc sửa đổi Luật BHXH năm 2014 là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi được kết cấu gồm 10 chương và 136 điều (Luật BHXH năm 2014 gồm 09 chương và 125 điều). Dự thảo Luật đã bám sát 05 chính sách được Quốc hội thông qua, bao gồm: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH (lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); Bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH; Đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Tại Dự thảo Luật đã bổ sung quy định một mức trợ cấp thai sản là 2 triệu đồng cho một con mới sinh đối với lao động nữ khi sinh con và lao động nam có vợ sinh con. Quan tâm tới quy định này, một số ý kiến chuyên gia cho rằng, mức hỗ trợ này là chưa phù hợp, cần tăng mức trợ cấp thai sản cho người tham gia BHXH tự nguyện.

Sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội

Theo PGS. TS Lê Thị Hoài Thu, Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, số tiền quy định tại dự thảo luật chưa thật sự phù hợp khi Nhà nước chủ trương khuyến khích, thu hút nhiều người tham gia chế độ BHXH tự nguyện trong khi số tiền quy định như vậy là quá thấp chưa đáp ứng được các chi phí vào viện khi sinh con, đặc biệt là căn cứ vào mức sống của từng vùng thì với số tiền như vậy thật sự là chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cho người mẹ sinh con.

Bởi vậy, PGS. TS Lê Thị Hoài Thu kiến nghị Ban soạn thảo cần thiết phải xem xét quy định về lại số tiền hưởng bảo hiểm xã hội đảm bảo phù hợp, tăng tính hấp dẫn để thu hút lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

TS. Bùi Sỹ Lợi, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Cùng quan điểm, TS. Bùi Sỹ Lợi, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội) cho biết, cChế độ thai sản, phải “Hướng tới một hệ thống trợ cấp thai sản phổ cập tại Việt Nam” mức hưởng chế độ thai sản phải tối thiểu bằng mức chuẩn nghèo, đảm bảo không có phụ nữ nào ở Việt Nam rơi vào cảnh nghèo đói vì có con. Nếu quy định như dự thảo Luật, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2.000.000 đồng cho một con là rất thấp, chưa thực sự hỗ trợ cho phụ nữ bảo vệ thai sản và không có ý nghĩa theo chế độ thai sản, vì thai sản là quỹ ngắn hạn thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ. Theo tiêu chuẩn quốc tế, phụ nữ cần được nghỉ thai sản ít nhất 14 tuần thì mức này chỉ tương đương 145.000 đồng/tuần, tức là khoảng 600.000 đồng/tháng, chỉ bằng 40% mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn.

Thực tiễn thời gian qua, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho phụ nữ là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đợ vị hành chính thuộc vùng khó khăn khi sinh con đúng chính sách dân số. Do đó, đề xuất mức hưởng chế độ thai sản tối thiểu cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) là 1,5 triệu đồng/tháng (mức chuẩn nghèo nông thôn) trong 14 tuần (3,5 tháng) là phù hợp và vẫn giữ chính sách hộ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số. Chi phí hưởng chế độ thai sản do ngân sách nhà nước và có sự chia sẻ quỹ thai sản của chính sách bảo hiểm xã hội, nhằm đạt được mục tiêu bao phủ toàn dân cho tất cả các bà mẹ sinh con tại Việt Nam.

Cũng theo TS. Bùi Sỹ Lợi, hệ thống trợ cấp thai sản phổ cập tại Việt Nam có thể giảm gánh nặng tài chính từ việc đóng bảo hiểm xã hội đối với các hộ gia đình không có khả năng đóng góp, góp phần tăng mức độ bảo vệ thai sản cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ, qua đó tăng diện bao phủ của bảo hiểm xã hội. Mục tiêu của trợ cấp gia đình/trợ cấp trẻ em là góp phần đảm bảo không một phụ nữ Việt Nam nào (hoặc gia đình) bị rơi vào tình trạng nghèo vì sinh con./.

Lê Anh