NHIỀU ĐỔI MỚI TẠO CHUYỂN BIẾN MẠNH MẼ TRONG HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

14/12/2023

Giám sát là một trong ba chức năng quan trọng của Quốc hội. Vừa qua, hoạt động giám sát của Quốc hội đối với các văn bản quy phạm pháp luật được tăng cường, đẩy mạnh; góp phần quan trọng bảo đảm cho hệ thống pháp luật được đồng bộ, thống nhất và thực hiện nghiêm minh.

HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI TIẾP TỤC THỂ HIỆN TINH THẦN ĐỔI MỚI, VÌ LỢI ÍCH NHÂN DÂN

Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội đã xác định rõ việc đổi mới, đẩy mạnh công tác giám sát là khâu then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Vì vậy, cùng với các hoạt động giám sát khác, hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp ngày càng được đẩy mạnh với nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời phát hiện, kiến nghị bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung các quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tiễn, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật…

Giám sát là một trong ba chức năng quan trọng của Quốc hội

Trong những nửa đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan tăng cường và dành nguồn lực cần thiết để thực hiện. Do đó, hoạt động này ngày càng đi vào nền nếp, bảo đảm chất lượng, tiến độ, đúng thẩm quyền, thực hiện nghiêm quy định tại Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV với sự tham dự của hơn 2.000 đại biểu, kết nối trực tuyến 63 điểm cầu trên phạm vi toàn quốc. Đây là Hội nghị đầu tiên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức để đánh giá tình hình thực hiện luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua từ đầu nhiệm kỳ đến nay; qua đó, kịp thời đôn đốc và xem xét, xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong triển khai, thi hành luật, nghị quyết; tăng cường phối hợp, tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan trong tổ chức triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội; bảo đảm đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống.

 Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV

Nghiên cứu về nội dung này, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cho rằng, qua nhiều nhiệm kỳ Quốc hội đến nay Hiến pháp và pháp luật đã quy định khá cụ thể về thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đối với các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ở trung ương chịu sự giám sát ban hành. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, pháp luật cũng đã quy định Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội không chỉ thực hiện giám sát theo thẩm quyền mà còn tham mưu, giúp Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát văn bản quy phạm pháp luật. Hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày càng đạt những kết quả tích cực, góp phần bảo đảm cho xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất và được thực hiện nghiêm chỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì pháp luật về giám sát văn bản còn có một số hạn chế cần khắc phục,

Để hoàn thiện pháp luật và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đối với văn bản quy phạm pháp luật, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến đề xuất: Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về giám sát văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao vai trò, trách nhiệm giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đối với văn bản quy phạm pháp luật; kiện toàn tổ chức Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, bộ máy tham mưu, giúp việc và các điều kiện bảo đảm;…

Trong đó, việc hoàn thiện pháp luật về giám sát văn bản quy phạm pháp luật  phải căn cứ vào những đặc thù của hệ thống chính trị Việt Nam; căn cứ vào thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam, về phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam; đặc biệt khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy định và thực tiễn thực hiện pháp luật về giám sát văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian vừa qua,….

“Nội dung giám sát văn bản quy phạm pháp luật hiện nay đang được  quy định tại Điều 163 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Mặt khác, nội dung giám sát quá rộng, tính khả thi không cao. Vì vậy, cần quy định nội dung giám sát văn bản quy phạm pháp luật trong Luật hoạt động giám sát với những sửa đổi phù hợp để tạo thuận lợi cho việc áp dụng, có tính khả thi cao”, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến lưu ý.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến

Bên cạnh đó, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cũng cho rằng, việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội. Nhiều vấn đề chưa thể quy định cụ thể trong luật, pháp lệnh, nghị quyết mà phải giao cho các cơ quan nhà nước cấp dưới quy định chi tiết và triển khai thực hiện. Vì vậy, trong thời gian tới Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội cần phải dành nhiều thời gian, nguồn lực để giám sát tiến độ ban hành, nội dung các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan chụi sự giám sát ban hành.

Đồng thời,  Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình trong giám sát văn bản quy phạm pháp luật; phân công một số thành viên Thường trực Hội đồng, Thường trực Ủy ban phụ trách hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật; thường xuyên theo dõi, đôn đốc các cơ quan chụi sự giám sát ban hành văn bản đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Trường hợp phát hiện văn bản pháp luật bị giám sát ban hành chậm hoặc có dấu hiệu trái Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết thì phải kịp thời báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Cùng với đó, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến kiến nghị, trong thời gian tới, cần tiếp tục kiện toàn tổ chức Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cụ thể: Tiếp tục tăng số đại biểu Quốc hội chuyên trách để làm nòng cốt trong hoạt động giám sát văn bản và các hoạt động khác; Kiện toàn các tiểu ban của Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội đủ mạnh và hoạt động hiệu quả hơn; Tăng cường, kiện toàn các cơ quan tham mưu, giúp việc cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội theo hướng tăng tính chuyên nghiệp, ổn định; tăng cường dịch vụ nghiên cứu, cung cấp thông tin, hỗ trợ đại biểu Quốc hội giám sát văn bản….

Ngoài ra, cần tăng cường công tác bảo đảm cơ sở vật chất, kinh phí, điều kiện làm việc của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cho hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật. Tiếp tục đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền về các hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đối với các văn bản quy phạm pháp luật tới cử tri và Nhân dân./.

Lê Anh