HƠN 1,44 TRIỆU CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HỌC TẬP, QUÁN TRIỆT NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 8 KHÓA XIII
Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tám, BCH Trung ương Đảng khóa XIII tại điểm cầu Nhà Quốc hội
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thông tin về các yếu tố nền tảng xây dựng chính sách xã hội; Đánh giá khái quát 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 10/6/2012, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) Về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020; Sự cần thiết ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW Hội nghị lần thứ Tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; Những nội dung chính và điểm mới, nổi bật và trọng tâm của Nghị quyết số 42-NQ/TW.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, tại Hội nghị lần thứ Tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã bám sát Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước, các quan điểm và định hướng của Đảng về chính sách xã hội qua các thời kỳ Đại hội, nhất là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và qua tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 10/6/2012, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020, Hội nghị đã dành nhiều thời gian thảo luận, thống nhất cao ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Quan điểm của Nghị quyết số 42-NQ/TW đã khẳng định chính sách xã hội là chính sách chăm lo cho con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực để phát triển bền vững đất nước. Đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội theo hướng toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững. Đầu tư cho chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân…
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính truyền đạt chuyên đề: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chỉ rõ một số điểm mới nổi bật của Nghị quyết số 42-NQ/TW năm 2023 so với Nghị quyết số 15-NQ/TW năm 2012. Trong đó, về cách tiếp cận và tên gọi, Nghị quyết 42-NQ/TW có sự điều chỉnh về tiếp cận, từ bảo đảm và ổn định sang ổn định và phát triển; gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội.
Nghị quyết 42-NQ/TW kết hợp hài hoà giữa tiếp tục đảm bảo an sinh xã hội, các chính sách xã hội khác để bảo đảm ổn định xã hội; đồng thời tập trung cho phát triển, tiến bộ xã hội thông qua phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực, phát triển tầng lớp trung lưu. gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững và làm động lực phát triển kinh tế, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trên cơ sở đó, tên gọi của Nghị quyết số 42-NQ/TW là "tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới" (Nghị quyết 15-NQ/TW của Trung ương có tên gọi là "một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020").
Về phạm vi, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Nghị quyết 42-NQ/TW đã mở rộng ra toàn bộ các nhóm chính sách xã hội cho tất cả các đối tượng, trên nguyên tắc bảo đảm tính toàn dân, toàn diện, bao gồm: (1) Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; (2) Chính sách lao động, việc làm, phát triển nguồn nhân lực; (3) Chính sách bảo đảm an sinh xã hội; (4) Chính sách về nâng cao phúc lợi xã hội và bảo đảm tiếp cận dịch vụ xã hội; (5) Chính sách đối với nhóm yếu thế, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa.
Về quan điểm, Nghị quyết 42-NQ/TW đưa ra 4 nhóm quan điểm, vừa có tính kế thừa, phát huy, vừa có tính đổi mới, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Nghị quyết 42-NQ/TW nhấn mạnh một số quan điểm như: Đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội theo hướng toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; Chính sách xã hội phải đặt trong tổng thể quản lý phát triển xã hội bền vững; Giải quyết hài hoà các quan hệ xã hội, chăm lo con người và vì con người; Tăng trưởng kinh tế gắn với bảo đảm chính sách xã hội; Đầu tư cho chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển; Đổi mới công tác quản lý Nhà nước; tăng cường phân cấp, phân quyền, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân.
Các đại biểu tham dự Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tại điểm cầu Nhà Quốc hội.
Về mục tiêu và tầm nhìn, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Nghị quyết 42-NQ/TW xác định rõ mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là xây dựng hệ thống chính sách xã hội theo hướng bền vững, tiến bộ và công bằng. Hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững. Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hội nhập quốc tế. Nghị quyết cũng nêu 37 chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và xác định tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, hệ thống chính sách xã hội phát triển toàn diện, bền vững, tiến bộ và công bằng, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho nhân dân; nằm trong nhóm quốc gia có chỉ số phát triển con người (HDI) cao trên thế giới.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trên cơ sở kế thừa các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nêu tại Nghị quyết 15-NQ/TW và để bảo đảm thực hiện các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết 42-NQ/TW đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mang tính tổng thể, hệ thống, toàn diện về: Nâng cao nhận thức; nâng cao hiệu lực, hiệu lực quản lý nhà nước; Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; Lao động, việc làm; An sinh xã hội; Phúc lợi xã hội; Dịch vụ xã hội; Hợp tác quốc tế; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong thực hiện chính sách xã hội. Trong khi đó, Nghị quyết 15-NQ/TW chỉ tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu (về chính sách ưu đãi người có công, bảo đảm an sinh xã hội và giải pháp thực hiện).
Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ một số điểm trọng tâm cần lưu ý trong Nghị quyết 42-NQ/TW, đó là: Tập trung xây dựng và phát triển thị trường lao động linh hoạt, đa dạng, hiệu quả, bền vững và hội nhập (bảo đảm việc làm bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực). Bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục, y tế, văn hoá thông tin, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường). Điều quan trọng nhất là không hy sinh an sinh xã hội, môi trường để chạy theo phát triển đơn thuần.
Về xây dựng nhà ở xã hội đặt mục tiêu Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030; xoá bỏ nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai… Thủ tướng cho biết Chính phủ đang triển khai thí điểm việc này tại Hà Giang, Cao Bằng và phấn đấu trong nhiệm kỳ này sẽ hoàn thành việc xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát.
Xây dựng Khung quốc gia về thích ứng già hoá dân số và điều chỉnh tỉ suất sinh thay thế; Phấn đấu Việt Nam là quốc gia tiên phong trong Chương trình thúc đẩy toàn cầu về việc làm và an sinh xã hội hướng đến chuyển đổi công bằng theo sáng kiến của Liên Hợp Quốc và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
Những điểm mới trong tổ chức thực hiện Nghị quyết 42-NQ/TW cũng được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu tại Hội nghị, đó là Bộ Chính trị ban hành thực hiện Nghị quyết và lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, kịp thời. Các tỉnh ủy, thành ủy, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương nghiên cứu, quán triệt và xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, định kỳ kiểm tra, đánh giá việc thực hiện. Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì tổ chức hướng dẫn việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng về nội dung Nghị quyết. Ban Kinh tế Trung ương chủ trì thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra, đôn đốc triển khai Nghị quyết, sơ kết, tổng kết báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết quả thực hiện.