PGS.TS – ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: VĂN HÓA – “SỨC ĐỀ KHÁNG” CHO THANH THIẾU NIÊN KHỎI TỆ NẠN, TIÊU CỰC

21/11/2023

Bày tỏ lo ngại về tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật có xu hướng phức tạp, đặc biệt trong đó có nhóm tội phạm trong lứa tuổi thanh, thiếu niên, PGS. TS – ĐBQH Bùi Hoài Sơn cho rằng, thực trạng này có nguyên nhân do yếu tố văn hóa, do vậy, giải pháp quan trọng là cần tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo sức đề kháng cho thanh thiếu niên trong thời gian tới.

Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023 tại Kỳ họp thứ 6

Theo Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023 trình tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, về cơ bản, tình hình, kết quả công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực; nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu Quốc hội được thực hiện tốt, một số nội dung vượt chỉ tiêu qua đó góp phần giữ vững an ninh, trật tự phục vụ thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do những khó khăn về kinh tế - xã hội làm gia tăng các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật; nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật còn hạn chế; năng lực, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Năm 2024, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức mới. Các thế lực thù địch, phản động gia tăng hoạt động chống phá, triệt để lợi dụng những vấn đề bức xúc trong xã hội để kích động tụ tập đông người gây rối an ninh, trật tự, tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước... Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật có xu hướng phức tạp, đặc biệt trong đó có nhóm tội phạm trong lứa tuổi thanh, thiếu niên...

Tội phạm ngày càng trẻ hóa và những hệ lụy to lớn

Phóng viên: Theo Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023 trình tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV hôm nay và thực tế gần đây cho thấy, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật có xu hướng phức tạp, đặc biệt trong đó có nhóm tội phạm trong lứa tuổi thanh, thiếu niên. Theo ông nguyên nhân là do đâu?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Cùng với sự phát triển của xã hội, mối liên kết trong gia đình lỏng lẻo, mặt trái của cơ chế thị trường, những cám dỗ của cuộc sống hiện đại đã khiến tội phạm là người dưới 18 tuổi ngày càng trẻ hóa. Thậm chí có những đối tượng chỉ có 12-13 tuổi nhưng đã thực hiện các hành vi nguy hiểm cho xã hội như giết người, cướp tài sản, mua bán trái phép chất ma tuý… Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 13.000 trường hợp người chưa đến tuổi thành niên vi phạm pháp luật. Tôi cho rằng, đây là những số liệu đáng báo động. Nguy hiểm hơn, những hành vi vi phạm pháp luật này còn được các đối tượng đăng tải trên các trang mạng xã hội, coi là những “chiến tích” để khoe khoang, thách thức pháp luật như thực tế trong thời gian gần đây.

PGS.TS- ĐBQH Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội 

Thực tế thời gian qua, tại nhiều địa phương xảy ra không ít vụ án mà thủ phạm là thanh thiếu niên. Điều đáng nói là những hành vi này không chỉ xuất phát từ sự bồng bột, thiếu hiểu biết mà trước khi gây án, các đối tượng đều có động cơ phạm tội, thủ đoạn thực hiện được tính toán kỹ lưỡng, thậm chí hình thành các băng nhóm.

Nguyên nhân khiến người chưa đến tuổi thành niên vi phạm pháp luật có thể rất đa dạng và phức tạp. Đó có thể đến từ những yếu tố liên quan đến gia đình, ở đó, gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhận thức, định hướng giá trị, lối sống và hành vi của trẻ. Gia đình không ổn định, thường xuyên xảy ra bạo lực, thiếu quan tâm và giáo dục có thể dẫn đến việc trẻ em phát triển hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, môi trường xã hội có thể có tác động lớn đối với hành vi của người trẻ. Sự ảnh hưởng từ bạn bè, trường học và truyền thông có thể tạo ra áp lực khiến người chưa đến tuổi thành niên dễ tham gia vào hành vi vi phạm. Cùng với đó là các vấn đề liên quan đến kinh tế khó khăn, lạm dụng ma túy hoặc chất có cồn hay từ các vấn đề liên quan đến tâm lý như căng thẳng, sự lo âu, sự tức giận hoặc tâm thần bất ổn của thanh thiếu niên…

Không thể bỏ qua nguyên nhân từ yếu tố văn hóa

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Tôi cho rằng, trong số đó, những nguyên nhân về văn hóa đóng vai trò quan trọng không thể bỏ qua. Bởi thanh thiếu niên nước ta hiện nay đang sống trong một môi trường khá phức tạp. Quá trình Đổi mới, nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự phát triển của khoa học công nghệ đã đem lại nhiều lợi ích, tích cực cho sự phát triển đất nước, nhưng đồng thời cũng để lại khá nhiều hệ lụy.

Mặt trái của nền kinh tế thị trường là tệ sùng bái giá trị vật chất, coi đồng tiền là thước đo quan trọng của mọi mối quan hệ xã hội, “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”; Mặt trái của hội nhập quốc tế là say mê với văn hóa nước ngoài, nhiều khi dù hào nhoáng, lấp lánh nhưng không phù hợp với văn hóa dân tộc, ảnh hưởng xấu đến đạo đức con người; Mặt trái của sự phát triển khoa học công nghệ là tạo ra thế giới ảo khiến nhiều người, đặc biệt là thanh thiếu niên, thiếu kiểm soát hành vi trên không gian mạng, từ đó nhiều tiêu cực lan ra không gian sống thực.

Tất cả khiến các môi trường xã hội hóa quan trọng của thanh thiếu niên bị thay đổi từ xã hội, nhà trường đến gia đình. Những giá trị cũ nhưng không phù hợp thì chưa hoàn toàn mất hẳn, trong khi những giá trị mới, phù hợp hơn, lại chưa được định hình một cách rõ ràng. Điều này khiến cho thanh thiếu niên bị mất phương hướng, mất định hướng giá trị trong bối cảnh hiện nay. Nhiều tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật từ đó mà nảy sinh.

“Văn hóa” – “Sức đề kháng” cho thanh thiếu niên tránh khỏi cám dỗ, tệ nạn, tiêu cực

Phóng viên: Thanh niên là tương lai của đất nước. Để môi trường văn hóa xung quanh thanh thiếu niên không còn phức tạp và lành mạnh hơn, cần có những giải pháp gì, thưa ông?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Thanh thiếu niên là tương lai của dân tộc. Chăm sóc cho thanh thiếu niên cũng là chăm sóc cho tương lai tươi sáng của đất nước. Chính vì thế, chúng ta rất đau lòng trước những hiện tượng tiêu cực, vi phạm pháp luật của thanh thiếu niên. Văn hóa cần phải ở vị trí tiên phong, tạo ra hệ điều tiết đạo đức để khắc phục tình trạng này.

Để làm được điều đó, chúng ta cần tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo sức đề kháng cho thanh thiếu niên. Trong môi trường đó, các phương tiện truyền thông, đặc biệt là phương tiện truyền thông xã hội cần truyền tải nhiều hơn nữa những thông điệp về giá trị, lối sống đẹp và tấm gương đạo đức, lên án những hành vi không lành mạnh, phản đối lối sống phản cảm, không phù hợp; Các tổ chức đoàn thanh niên, đội thiếu niên cần tổ chức các phong trào, hoạt động hấp dẫn, phù hợp để lôi cuốn sự tham gia của thanh thiếu niên; các thành viên trong gia đình cần dành thêm nhiều thời gian cho nhau, trở thành những tấm gương tốt của nhau.

Bên cạnh đó, ngành văn hóa, các văn nghệ sĩ cũng cần có những tác phẩm văn học, nghệ thuật lan tỏa những thông điệp tích cực, tốt đẹp của cuộc sống… Tất cả sẽ làm nên một môi trường văn hóa trong lành cho xã hội, ở đó, cái đẹp sẽ đến như một lẽ đương nhiên và cái xấu không thể xuất hiện.

Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”. Chính văn hóa giúp chúng ta có được giá trị của hạnh phúc, và đó là sức đề kháng tuyệt vời cho thanh thiếu niên Việt Nam tránh khỏi những cám dỗ, con đường dẫn đến tệ nạn và tiêu cực.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Phương