THẢO LUẬN TẠI TỔ 1: CHÚ TRỌNG CÁC BIỆN PHÁP QUẢN LÝ NGƯỜI LÁI XE SAU SÁT HẠCH, CẤP GIẤY PHÉP LÁI XE

10/11/2023

Tham gia thảo luận tại Tổ 1 về dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, các ĐBQH Tp.Hà Nội đóng góp ý kiến là cần chú trọng hơn nữa các biện pháp quản lý người lái xe sau sát hạch, cấp giấy phép lái xe, trong đó, nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác này...

THẢO LUẬN TẠI TỔ 1: ĐÁNH GIÁ KỸ LƯỠNG TÁC ĐỘNG KHI ĐỔI TÊN TÒA ÁN NHÂN DÂN CÁC CẤP

THẢO LUẬN TẠI TỔ 1: QUY ĐỊNH RÕ HƠN VỀ VIỆC ĐẤU GIÁ TRỰC TUYẾN TRÊN CỔNG ĐẤU GIÁ TÀI SẢN QUỐC GIA

Sáng 10/11, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Toàn cảnh Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội thảo luận tại Tổ 1.

Thảo luận tại Tổ 1 gồm các đại biểu thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Tp.Hà Nội. Đa số các ĐBQH thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Luật Đường bộ nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013; nội luật hóa các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ về hoạt động giao thông vận tải đường bộ, thúc đẩy sự phát triển giao thông đường bộ và bảo đảm tốt hơn quyền tự do đi lại của công dân; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm thuận lợi, thông thoáng về thủ tục, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đường bộ và trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Thảo luận về nội dung sử dụng lòng đường, hè phố trong Luật Đường bộ, đại biểu Nguyễn Phi Thường nêu quan điểm, hiện nay, việc sử dụng lòng đường và hè phố vào mục đích khác nhau diễn ra ở nhiều nơi, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội. Vì thế, vấn đề quản lý, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác ngoài mục đích giao thông phải được đưa vào quy định để quản lý nhằm bảo đảm an ninh trật tự, văn minh đô thị, đồng thời, đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn về phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường.

Nêu quan điểm về dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Lê Nhật Thành đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát, làm rõ hơn một số quy định của Luật trong quản lý người lái xe, trong đó, xác định lại vai trò, vị trí của công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, quản lý người lái xe, phải gắn với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bởi nó liên quan trực tiếp đến sinh mạng con người và phải có cơ quan chịu trách nhiệm, quản lý người được cấp giấy phép lái xe sau khi được cấp phép.

Ngoài ra, cần chú trọng hơn nữa các biện pháp quản lý người lái xe sau sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Trong đó, nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác này, có thể thông qua giấy phép lái xe tích hợp các thông tin cần thiết của người lái xe từ các hệ thống cơ sở dữ liệu như cơ sở dữ liệu dân cư; hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm, tai nạn giao thông; hệ thống giám sát hành trình giao thông; cơ sở dữ liệu khám, chữa bệnh của ngành y tế. Theo đó, có thể xác định số km lái xe an toàn qua giám sát hành trình trên xe kinh doanh vận tải để nâng hạng giấy phép lái xe hoặc cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe. Có cơ chế phối hợp chặt chẽ trong quản lý, trao đổi thông tin giữa cơ quan xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ và cơ quan quản lý giấy phép lái xe, cơ quan rà soát sức khoẻ người lái xe. 

Các ĐBQH Tp.Hà Nội tham gia thảo luận tại Tổ 1.

Ngoài ra, đại biểu Lê Nhật Thành còn cho rằng, cơ quan soạn thảo dự án Luật cần bổ sung quy định về tính điểm giấy phép lái xe; trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý nhà nước (không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính). Vì thực tế, có nhiều người liên tục vi phạm Luật giao thông trong một thời gian ngắn nhưng chế tài xử lý chưa đủ mạnh. Nhiều nước hiện nay đang áp dụng biện pháp này như là một cách để đánh giá thái độ của lái xe đối với vi phạm buộc họ phải ý thức hơn nữa không sẽ bị tước giấy phép lái xe và phải học lại, thi lại mới được cấp giấy phép lái xe trở lại.

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Đường bộ, đại biểu Tạ Đình Thi cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế về các loại hình giao thông nên việc đảm bảo hiệu quả trong việc thực hiện hệ thống giao thông thì cần tập trung vào thiết kế, công tác quy hoạch kết nối giữa hệ thống giao thông đường bộ với các loại hình giao thông khác.

Theo đại biểu Tạ Đình Thi, trong dự án Luật chưa thể hiện rõ phát triển đường bộ phù hợp với cảnh quan môi trường và biến đổi khí hậu. Nhiều nước trên thế giới đã đảm bảo việc thực hiện hệ thống này rất hiệu quả. Vì vậy, trong dự án Luật Đường bộ cần có quy định để đảm bảo bố trí đủ đất đai, không gian cảnh quan môi trường và sử dụng hiệu quả giao thông đường bộ.

Đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi.

Trong khuôn khổ phiên thảo luận, các ĐBQH còn đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Đa số các ĐBQH thống nhất về sự cần thiết phải ban hành một văn bản pháp luật để tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc diện điều chỉnh của thuế thu nhập toàn cầu có thể kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tại Việt Nam  thay vì để các nhà đầu tư nước ngoài nộp khoản thuế bổ sung này tại nước mẹ. Mặt khác, việc sớm ban hành Nghị quyết sẽ thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện thuế thu nhập toàn cầu từ 01/01/2024, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư về môi trường pháp lý tại Việt Nam.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu kết luận phiên thảo luận.

Phát biểu kết luận Phiên thảo luận, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai cảm ơn và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các ĐBQH đối với dự án Luật Đường bộ; dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Tổ Thư ký sẽ tiếp thu tối đa và tổng hợp đầy đủ các ý kiến đóng góp của các ĐBQH để hoàn thiện các dự án Luật trình Quốc hội đóng góp tại Phiên thảo luận ở Hội trường sắp tới.

Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận tại Tổ 1:

Toàn cảnh Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội thảo luận tại Tổ 1.

Các ĐBQH Tp.Hà Nội tham dự phiên thảo luận.

ĐBQH Hoàng Văn Cường nêu quan điểm về thiết kế điều khoản cụ thể cho dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. 

ĐQH Nguyễn Phương Thủy trình bày quan điểm tại Phiên thảo luận.

ĐBQH Nguyễn Phi Thường đóng góp ý kiến về đảm bảo an toàn giao thông cho người đi bộ thông qua việc đảm bảo lòng đường hè phố được thông thoáng.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí đóng góp ý kiến về dự án Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. 

ĐBQH Phạm Đức Ấn đề cập về việc giảm tối đa các vụ tai nạn giao thông trong thiết kế, thi công các dự án giao thông đường bộ.

ĐBQH Tạ Đình Thi cho rằng, trong dự án Luật Đường bộ cần thể hiện rõ phát triển đường bộ phù hợp với cảnh quan môi trường và biến đổi khí hậu. 

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu kết luận phiên thảo luận./.

Bích Lan - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác