TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 07/11: TIẾP TỤC PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN
TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 07/11: TIẾP TỤC PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN
Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình nêu rõ, vấn đề lương và chính sách nhà giáo là vấn đề được các đại biểu Quốc hội đề cập nhiều trong các phiên chất vấn của Quốc hội khóa XIV, XV cũng như tại phiên chất vấn này. Giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng cho thấy mức lương giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non còn rất thấp, trong khi áp lực công việc rất lớn. Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã đề ra yêu cầu lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, chủ trương này của Đảng có được cụ thể trong cải cách tiền lương của năm 2024 hay không?
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, hiện nay, tổng thu nhập của nhà giáo gồm có lương và tiền lương theo bậc chức danh nghề nghiệp, các loại phụ cấp lương cũng đã có cải thiện hơn so với các ngành nghề khác. Tuy nhiên, so với tính chất đặc thù nhà giáo thì thực tế vẫn còn thấp.
Quan điểm của Đảng thì lương nhà giáo được ưu tiên xét trong thang bảng lương cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp. Trong thời gian tới, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ căn cứ theo Nghị quyết 27-NQ/TW và đặc biệt, quán triệt tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, đó là "lương nhà giáo được ưu tiên xét trong thang bảng lương cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp". Theo đó, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục đào tạo, rà soát các quy định về tiền lương, nhất là tiền lương mới và các phụ cấp, về dự kiến phụ cấp ưu đãi nghề cao nhất đối với nhà giáo để trình cấp có thẩm quyền xem xét và quyết định.
Có cùng vấn đề quan tâm đến lương của giáo viên, đại biểu Huỳnh Thị Phúc – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, qua phản ánh của cử tri về tiền lương, thu nhập và giờ làm việc của giáo viên thì đối với giáo viên bậc trung học có cơ cấu theo tiết, theo giờ, nhưng đối với giáo viên mầm non và giáo viên bậc tiểu học thì xuyên suốt. Đặc biệt là với giáo viên mầm non phải làm việc xuyên suốt từ sáng cho đến tối muộn, cường độ làm việc rất vất vả. Trong khi đó, tiền lương và thu nhập chưa tương xứng với công sức, thời gian làm việc của giáo viên mầm non trong sự nghiệp nuôi dạy trẻ.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Do đó, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chính phủ cần có sự quan tâm hơn nữa đối với giáo viên mầm non theo hướng cần có những chính sách cụ thể và sớm có chính sách đối với giáo viên mầm non để có sự thu hút đối với lực lượng này trong sự nghiệp nuôi dạy trẻ.
Trả lời chất vấn liên quan đến chính sách tiền lương của giáo viên mầm non, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết việc xếp lương của giáo viên mầm non được thực hiện theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP và Quyết định 244/2005/QĐ-TTg về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.
Trong quá trình thực hiện, lương của giáo viên nói chung cũng như lương của giáo viên mầm non được quan tâm hơn so với các đối tượng viên chức khác. Nhưng nhìn tổng thể lương của giáo viên mầm non là rất thấp, lại có tính chất nghề nghiệp rất đặc thù. Tính bình quân, giáo viên mầm non lương được khoảng 5-6 triệu đồng/tháng.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Phạm Thị Thanh Trà - trả lời chất vấn trong phiên họp sáng ngày 07/11
Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian tới khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ khi xây dựng bảng lương mới cho nhà giáo nói chung cũng như giáo viên mầm non nói riêng, căn cứ trên cơ sở ở vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp viên chức, trên nguyên tắc của Nghị quyết 27-NQ/TW cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương cơ bản trong bảng lương là như nhau; trong điều kiện lao động cao hơn bình thường, nặng nhọc, độc hại hoặc khó khăn sẽ thực hiện ưu đãi nghề. Ví dụ như đối với giáo dục và y tế sẽ có thêm ưu đãi nghề, thực hiện theo chế độ phụ cấp nghề.
Điều quan trọng đó là đối với giáo viên mầm non nói riêng cũng như đối với viên chức giáo dục nói chung, trên cơ sở tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW sẽ đảm bảo tiền lương cơ bản cộng với phụ cấp sẽ cao hơn trong hệ thống bảng lương hành chính sự nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu rõ.
Phản ánh thực tế ở khía cạnh khác, đại biểu Trịnh Minh Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long cho biết, nhân viên trường học có vị trí, vai trò quan trọng trong tổ chức các hoạt động dạy và học của nhà trường. Tuy nhiên hiện lương của nhân viên nhà trường còn rất thấp, lương khởi điểm có hệ số 1,8 chưa tới 3 triệu đồng/tháng. Đại biểu Trịnh Minh Bình đề nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết giải pháp nào để cải thiện lương của nhân viên trường học khi cải cách chính sách tiền lương tới đây?
Đại biểu Trịnh Minh Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ phản ánh của đại biểu Trịnh Minh Bình rất thiết thực và đúng như đại biểu phản ánh, hiện nay các nhân viên trường học gồm có thủ quỹ, kế toán, văn thư còn rất thấp, chưa đảm bảo được mức lương tối thiểu vùng theo quy định. Chính vì vậy, trong thời gian tới để thực hiện cải cách chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương tiến hành tổng rà soát lại toàn bộ nhân viên trường học để đảm bảo theo đúng tinh thần Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập và Thông tư 77/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính để xem xét có thêm phương án rà soát, sắp xếp, đảm bảo đúng danh mục, vị trí việc làm để chuẩn bị cho việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với đối tượng này.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết riêng đối tượng các nhân viên trường học đang là viên chức, nhưng lại không được hưởng phụ cấp công vụ là 25%. Chính vì vậy, tới đây, khi cải cách chính sách tiền lương mới có thể sẽ có thiệt thòi. Trong khi đó cũng rất nhiều đơn vị, địa phương, các bộ, ngành cũng chưa hướng dẫn để thực hiện việc thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức đối với những đối tượng này.
Từ thực tế này, Bộ Nội vụ đề nghị tiến hành rà soát và sẽ hướng dẫn để xét thăng hạng cho các nhân viên đang là viên chức trong trường học để đảm bảo thực hiện việc xếp lương cho đối tượng này có những điều kiện tốt hơn khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Theo đó, Bộ Nội vụ sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét đối với một số đối tượng đặc thù như đối với nhân viên trường học thực hiện nhiều nhiệm vụ kiểm nghiệm./.