CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ĐÃ TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG NGHIÊM TÚC TRIỂN KHAI CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VÀ CHẤT VẤN
TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 06/11: KHAI MẠC PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN
Vẫn chưa thực hiện được Nghị quyết chất vấn
Tại Nghị quyết chất vấn tại kỳ họp thứ 3 năm 2022, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ nghiên cứu hạn chế, tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức nhà băng. Tuy nhiên đến kỳ họp thứ 6, yêu cầu này vẫn chưa được NHNN thực hiện.
Việc áp room tín dụng được NHNN triển khai từ năm 2011 nhằm hạn chế tình trạng tín dụng tăng trưởng nóng, tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn hệ thống (giai đoạn 2007-2010, tăng trưởng tín dụng bình quân cả hệ thống khoảng 36%/năm ). Theo NHNN, quá trình triển khai biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng từ năm 2011 đến nay cho thấy, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã giảm từ mức trên 30%/năm (cá biệt có năm tăng 53,8%) xuống còn khoảng từ 12-14%/năm trong những năm gần đây. Từ đó góp phần ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát và duy trì lạm phát ổn định dưới 4%.
Vẫn chưa thực hiện được Nghị quyết chấn vấn tại kỳ họp thứ 3 (ảnh minh hoạ)
Đồng thời, biện pháp này đã góp phần thúc đẩy các tổ chức tín dụng (TCTD) nâng cao năng lực quản trị, điều hành, cải thiện các chỉ số an toàn hoạt động, giảm mặt bằng lãi suất thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực đã đạt được thì hệ thống TCTD vẫn còn một số vấn đề như có sự phân hóa giữa các ngân hàng, tình trạng sở hữu chéo chưa được giải quyết triệt để, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng... ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu hệ thống TCTD nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Toàn cảnh phiên chất vấn sáng ngày 6/11
Đến nay, đặc thù nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc chủ yếu vào kênh tín dụng ngân hàng để cung ứng cho các nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Nhất là trong bối cảnh thị trường vốn phát triển chưa tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế và hiện đang gặp nhiều khó khăn thì áp lực cân đối vốn cho nền kinh tế (đặc biệt vốn trung dài hạn) tiếp tục đè nặng lên vai hệ thống ngân hàng, tiềm ẩn rủi ro chênh lệch kỳ hạn, thanh khoản (khi TCTD chủ yếu huy động ngắn hạn nhưng cho vay trung dài hạn).
Theo NHNN, việc bỏ room tín dụng cần được tiếp cận một cách thận trọng, đảm bảo đồng bộ các điều kiện cần thiết và từng bước thực hiện phù hợp với điều kiện thị trường. Hiện nay trong quá trình điều hành, NHNN đã và đang thực hiện kết hợp triển khai đồng bộ việc áp dụng các chỉ tiêu an toàn theo chuẩn mực quốc tế trong hoạt động của các TCTD với việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho TCTD, qua đó ổn định thị trường tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, cải thiện các chỉ số an toàn hoạt động của các TCTD.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương chất vấn về tiến độ thực hiện xóa bỏ việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng với các ngân hàng
Cần tiếp tục giải quyết tình trạng tín dụng tăng trưởng chậm
Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Quang Huân, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương chất vấn thêm NHNN đã thực hiện Nghị quyết Quốc hội yêu cầu nghiên cứu hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng với các ngân hàng đến đâu?
Đại biểu Trần Thị Vân, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh chất vấn Thống đốc NHNN
Còn đại biểu Trần Thị Vân, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh đã đề nghị Thống đốc cho biết nguyên nhân và giải pháp của Ngân hàng Nhà nước để tăng trưởng tín dụng đạt 14% như mục tiêu đề ra trong khi chỉ còn hai tháng nữa là hết năm 2023.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương, đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang và đại biểu Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đặt câu hỏi về nguyên nhân tại sao gói tín dụng 120.000 tỷ đồng giải ngân quá chậm, vướng mắc ở đâu khi chương trình 1 triệu nhà ở là một chương trình rất nhân văn mà giải ngân rất chậm,
Với những vấn đề đại biểu đặt ra, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, room tín dụng là một trong các giải pháp điều hành của NHNN, cùng với các công cụ chính sách khác và được điều hành bám sát với chỉ đạo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ.
Mức tăng trưởng tín dụng hàng năm được Ngân hàng Nhà nước đưa ra định hướng đầu năm. Còn phân bổ hạn mức tín dụng dựa theo xếp hạng các tổ chức tín dụng, có tiêu chí rõ ràng về định lượng, định tính, quan trọng nhất là dựa trên kết quả xếp hạng các tổ chức tín dụng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn đại biểu về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng
Mặc dù Nghị quyết của Quốc hội đã yêu cầu NHNN tiến tới xóa bỏ room tín dụng song NHNN đã tham vấn ý kiến các chuyên gia kinh tế, các đại biểu quốc hội và các ý kiến đều thống nhất ở thời điểm này chưa thể bỏ cách điều hành phân bổ chỉ tiêu tín dụng. Bởi hiện nay nhu cầu vốn nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào tín dụng, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức cảnh báo của WB, nếu bỏ chỉ tiêu này có thể làm tỷ lệ này càng trở nên rủi ro. Theo Thống đốc, chỉ có thể bỏ room tín dụng khi các phân khúc khác của thị trường vốn hoàn thiện. Ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục điều hành bằng cách này đến khi các phân khúc khác của thị trường tài chính như trái phiếu doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu thì việc bỏ cách điều hành phân bổ chỉ tiêu tín dụng sẽ khả thi hơn . Việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần tích cực trong kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô. Việc dỡ bỏ biện pháp này cần thận trọng, đảm bảo các điều kiện cần thiết và từng bước thực hiện phù hợp với điều kiện thị trường.
Trả lời lý do tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm thấp chủ yếu, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết nguyên nhân chủ yếu là do cầu tín dụng suy giảm, đơn hàng của doanh nghiệp giảm sút, khả năng khai thác cầu nội địa khó khăn do người dân khó khăn sau đại dịch Covid-19.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo rút ngắn thủ tục cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, có kiến nghị các bộ, ngành liên quan thực hiện các giải pháp cải thiện điều kiện tín dụng, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa được cải thiện. Nguồn cung tín dụng được điều hành theo hướng thuận lợi nhất cho các ngân hàng cung tín dụng ra nền kinh tế.
Về nội dung gói 120 nghìn tỷ giải ngân chậm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, gói 120.000 tỷ đồng đến nay mới giải ngân được hơn 100 tỷ đồng. Hiện có 18/63 UBND gửi văn bản công bố dự án tham gia chương trình, 53 dự án với nhu cầu vay 27.000 tỷ đồng. Nguyên nhân khiến giải ngân gói tín dụng này còn hạn chế, theo Thống đốc, trước hết là do cả cầu lẫn cung còn hạn chế (nguồn cung về nhà ở xã hội còn ít; người dân có nhu cầu về nhà ở lớn nhưng nhu cầu vay mua nhà thì họ cân nhắc rất kỹ). Thứ hai, điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội còn bất cập, như quy định về thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân, chưa có nhà ở...
Thứ ba, gói 120.000 tỷ thực hiện 10 năm, trong khi cho vay bất động sản thường kéo dài và giải ngân theo thời gian, nên đạt thấp. Bà cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã kiến nghị, mong UBND tỉnh sớm công bố các dự án thuộc chương trình để các ngân hàng triển khai; và phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh thực hiện.
Thống đốc Ngân hàng nhà nước cũng nhìn nhận, nhu cầu nhà ở của công nhân rất lớn, song quyết định vay vốn hay không thì người dân hết sức cân nhắc. Để thực hiện chương trình này phải sử dụng nhiều nguồn lực, ngoài vốn vay thì phải có một phần nguồn lực của nhà nước để giải quyết vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp, công nghân. NHNN cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai gói 120.000 tỷ đồng này. Hiện đã nâng lên 125.000 tỷ đồng và có thể tăng thêm thời gian tới nếu có thêm ngân hàng TMCP tư nhân tham gia.